Giải thưởng văn chương: "Cần lắm những con mắt xanh của người thẩm định"

Thứ Sáu, 30/12/2005, 08:58
Đó là khẳng định của nhà thơ Phạm Tiến Duật, TBT Tạp chí Diễn đàn Văn nghệ Việt Nam, khi được hỏi về việc thẩm định và trao giải cho các tác phẩm văn chương.  

- Không có giải thưởng thì nhà văn vẫn viết. Nhưng giờ đây đã có rất nhiều người nôn nao mỗi khi có đợt xét giải thưởng mới. Trong quan niệm của anh, giải thưởng thực sự có ý nghĩa nhiều không?

- Các giải thưởng văn học rất có thể gây nên sự hiểu lầm là văn học phải hơn kém nhau. Nhưng thật ra thì trong bản chất, văn học không có nhất nhì ba. Văn học cần khác nhau, mà đã khác nhau thì làm sao so sánh được. Người này khác người kia, và chính mỗi tác giả đã muốn tạo ra tác phẩm trước khác tác phẩm sau. Đó luôn là sự phát triển. Rất buồn nản nếu một nền văn học có 100 ông đều giải nhất cả mà lại giống nhau như đúc. Trong thời kỳ thơ mới, có tác giả nhiều bạn đọc, có tác giả ít bạn đọc hơn nhưng vẫn tồn tại vì tác phẩm của họ rất khác nhau, không hề giống nhau. Như ông Hàn Mặc Tử không giống ông Quách Tấn, Anh Thơ khác Mộng Tuyết, mỗi người một kiểu. Tuy nhiên, việc làm giải thưởng là đương nhiên vì đánh giá không chỉ của một người mà từ sự cộng hưởng của cả cộng đồng, là sự đồng thuận của một thời. Tác phẩm nào được sự đồng thuận cao thì được giải cao, sự đồng thuận thấp thì giải thấp. Giải thưởng còn động viên, đánh giá người viết để họ biết giá trị họ tới đâu. Vì vậy, giải thưởng rất quan trọng.

- Giải thưởng rất quan trọng nhưng nếu năng lực thẩm định của hội đồng thẩm định không tốt và trao nhầm thì cũng là một cái họa…

- Hoàn toàn đúng. Bản thân đánh giá của hội đồng thẩm định rất quan trọng. Nên phải làm sao cho đánh giá của Hội đồng thẩm định và nguyện vọng của dân là một. Hội đồng thẩm định phải tiêu biểu cho "công chúng dài ngày". Cái khó là ở đó. Họ chính là người tiên lượng được đường phát triển được của dư luận. Và nếu họ có nhầm thì cũng là điều dễ hiểu. Giải của Hội Nhà văn có cái trụ được, có cái không. Như tôi đã nói, công việc của Hội đồng thẩm định là rất khó khăn.

- Anh có nghĩ rằng, khi đã được Nhà nước tin tưởng giao cho trách nhiệm thẩm định những sản phẩm trí tuệ, nhất là về văn học nghệ thuật thì hội đồng thẩm định cần có con mắt xanh để chọn được những tác giả, tác phẩm xứng đáng?

- Nói vào lúc này là hết sức bất tiện vì đang trong quá trình thẩm định để trao giải đợt 2. Nếu như giải thưởng ở cỡ ngành thì lấy ý kiến của hội đồng thẩm định. Nhưng đây là Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng quốc gia thì phải có sự đóng góp của công chúng. Nếu khi chưa có ý kiến của dân mà chỉ là một hội đồng thì có vẻ chưa công bằng. Tôi có thông tin rằng, đợt xét Giải thưởng Hồ Chí Minh lần này không có nhà thơ nào của thời chống Mỹ được vào vòng trong. Nếu như coi thơ chống Mỹ cứu nước là một điển hình của một thời đại mà lại không có giải cao thì thật vô lý. Văn xuôi cũng vậy, những Đỗ Chu, Lê Lựu cũng chưa được. Đây là ý định rất tốt đẹp của đất nước để thúc đẩy phong trào VHNT đi lên, nếu chưa thấy chín chắn có thể tạm thời dừng lại để khi nào đủ chín chắn, đủ bình tĩnh thì xét và trao giải vẫn chưa muộn. Bởi vì đây là giải thưởng ghi nhận những thành tựu, những cống hiến cho xã hội chứ không phải là một công trình mà cần đẩy nhanh tiến độ để kịp bàn giao.

- Anh có nghĩ rằng, văn học chống Mỹ giống như rừng thông, vì thế cây nào cũng đẹp, cũng lớn nên không có cây nào đứng vượt lên tạo đỉnh, thành ra việc chọn ra tác giả tiểu nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh là rất khó khăn?

- Cũng có thể, nhưng dù sao vẫn có đỉnh chứ. Chẳng hạn như thời Thơ mới, nhiều gương mặt xuất sắc nhưng vẫn có thể tìm ra đỉnh. Chúng ta phải công bằng hơn, đôi khi chúng ta xét giải thưởng còn phải cộng thêm thành tích tham gia cách mạng hay tuổi cao hay những năm tháng làm xã hội. Những cái đó không nên cộng vào, giải thưởng là giải thưởng, văn chương là văn chương, còn tham gia cách mạng là chuyện khác. Chúng ta phải rành mạch. Thời chúng tôi có thể kể ra như Lê Anh Xuân, Xuân Quỳnh, Đỗ Chu, Trần Đăng Khoa và…

- … và Phạm Tiến Duật?

- Vâng, có cả tôi chứ. Tiếng thơ mặt trận một thời của thế hệ chúng tôi có sức lay động và có sức sống đến bây giờ. Tôi tự suy tôn thế hệ tôi thì không nên, nhưng vì cái chặng đường lịch sử ấy đã có cả một thế hệ hy sinh cho cách mạng thì chúng ta không nên làm khác.

- Còn cả Hữu Thỉnh, Thanh Thảo, Nguyễn Duy… nữa chứ anh?

- Những người đầu tiên tôi nghĩ tới thì tôi đã nói rồi.

- Anh có nghĩ rằng, việc chưa tìm được tác giả thời kỳ chống Mỹ để trao giải thưởng là bởi hội đồng thẩm định cũng là những người cùng thời với anh?

- Hoàn toàn chính xác. Bản thân hội đồng này có người đứng trong thế hệ ấy. Tôi nghĩ chúng ta nên sòng phẳng hơn, không phải vì có mình ở trong đó mà không nói. Đây không phải là chuyện tiền bạc, mà đây là đánh giá về một thế hệ "nằm nôi" trong thế hệ mới, tức là sinh sau 1945. Trong thế hệ "nằm nôi" ấy, duy nhất có Lưu Quang Vũ được Giải thưởng Hồ Chí Minh, nhưng anh ấy đoạt giải về kịch của thời kỳ đổi mới. Và giả sử nếu Lưu Quang Vũ còn sống liệu chắc đã được chưa? Số còn lại của thế hệ "nằm nôi" và đang sống thì tôi chưa thấy ai được công nhận…

- Theo anh, giải thưởng này có tác động đến đâu tới đời sống văn học nghệ thuật của đất nước?

- Nó có tác dụng động viên rất lớn với văn nghệ sỹ, bởi nếu được trao giải nghĩa là xã hội đã thừa nhận những đóng góp của họ với cộng đồng.

- Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể đặt ra một vấn đề là, vì nhiều nguyên nhân mà có những tác giả, tác phẩm không xứng đáng vẫn được trao giải chứ? Điều này không chỉ gây mất lòng tin ở văn nghệ sỹ mà còn tạo ra một tiền lệ xấu, làm cho giải thưởng mất đi ý nghĩa đích thực của mình…

- Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước nghĩa là những giải thưởng lớn của Đảng và Nhà nước, tôi cho đó là phần thưởng của lịch sử, nên việc thẩm định nó là hết sức quan trọng. Tôi rất muốn các hội đồng này phải cầu thị hơn, phải hỏi dân, trưng cầu trí thức, để làm tham mưu tốt cho Nhà nước.

- Việc trao giải thưởng không chính xác, nghĩa là các hội đồng thẩm định bắt công chúng phải thừa nhận những giá trị mà họ không muốn công nhận…

- Sự vội vã trong thẩm định, sự nể nang nhau, sự tùy tiện… là có thể có. Những điều đó theo tôi là sự tắc trách của hội đồng thẩm định.

- Giải thưởng văn chương ở Việt Nam gây ra rất nhiều tranh cãi mà ở đó người ta thường hồ nghi về tính trung thực của nó. Nếu anh có mặt trong hội đồng xét giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm nay, anh sẽ trao cho cuốn nào?

- Có ý kiến cho rằng, nên trao cho hai cuốn "Mãi mãi tuổi 20" và "Nhật ký Đặng Thùy Trâm", nhưng tôi thấy đây chưa phải là văn học mà mới là tư liệu của văn học, đó là tư liệu phát sáng. Nói đến điều đó để thấy, nó cũng rất có giá trị và được đông đảo công chúng đón nhận. Chúng ta có thể trao giải thưởng, nhưng là những giải thưởng khác vì tác động xã hội, chứ nó không phải là những gì cao lớn trong học thuật và nghề nghiệp văn chương…

- Vì sao giải thưởng của Hội Nhà văn luôn gây tranh cãi, phải chăng có sự vận động hậu trường?

- Điều này cũng không loại trừ, nhưng vấn đề chính là bản lĩnh của người thẩm định
Bình Nguyên
.
.
.