Vì sao ta lại làm văn:

Đặng Thiều Quang: Vì sao tôi viết?

Thứ Ba, 01/09/2009, 16:21
Với riêng tôi, viết văn là một công việc thú vị, đem lại những cảm xúc mạnh, và cũng khá vất vả. Tại sao tôi lại viết văn? Câu trả lời rất đơn giản, vì đó là công việc tôi yêu thích, công việc mà tôi có thể làm tốt nhất. Nếu không là một kiến trúc sư và nhà văn, có lẽ tôi đã là một ca sĩ, diễn viên, họa sĩ, nhạc sĩ, đạo diễn… Bởi vì tôi yêu nghệ thuật.

Văn chương là nghệ thuật của ngôn từ, là thế giới của trí tưởng tượng và sáng tạo tự do. Nghề kiến trúc cũng là lao động sáng tạo, mà tác phẩm chính là những ngôi nhà, ngoài khả năng thiết kế của kiến trúc sư, sản phẩm cuối cùng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nữa như khả năng kinh tế, suất đầu tư, những yêu cầu kỳ quặc từ khách hàng, kỹ thuật và công nghệ xây dựng…

Viết văn thì khác, nhà văn có toàn quyền quyết định tác phẩm của anh ta.

Nhưng khi đối diện với trang giấy trắng, hay trước màn hình máy tính, người ta sẽ tự hỏi: Viết cái gì? Viết cho ai đọc? Viết như thế nào? Tại sao lại viết? Tại sao lại thế này mà không phải thế kia?

Lúc đó, bạn sẽ không thể chạy trốn đi đâu được nữa, buộc phải trả lời những câu hỏi cơ bản tưởng chừng như đơn giản và cũ kỹ muôn thuở ấy. Và câu trả lời rất đơn giản, phải lún sâu vào cái cuộc phiêu lưu mà mình đã trót bày ra, vậy thôi. Câu trả lời nằm ngay trong hành trình, trong việc viết, và sau này là quá trình đọc (khi đã có độc giả), chứ không phải ở cái kết thúc câu chuyện mà bạn định kể.

Hành trình, chứ không phải Đích đến, đó là cái mà một cuốn tiểu thuyết bày ra, với tôi chẳng có cái gì giống như và thay thế được tiểu thuyết. Tôi quên chưa nói rằng viết tiểu thuyết đầy thách thức, khó khăn, nhưng những gì mà tác giả và độc giả nhận được cũng rất xứng đáng. Cắt nghĩa hay giải thích một cuốn tiểu thuyết, luôn là một việc mạo hiểm, dại dột, cho dù là từ chính tác giả viết ra nó.

Tôi chỉ có thể nói, tôi đã viết tiểu thuyết với một nỗ lực đầy khoái cảm, như say nắng, lên đồng. Tất nhiên trong quá trình đó người viết rất dễ bị cám dỗ vào xu hướng viết tiểu thuyết luận đề, hoặc triết lý vụn và nhấp nhổm định "nói lên điều gì đó" - Tốt thôi, viết chính là muốn nói lên điều gì đó mà, hoặc là muốn nói theo cách khác đi.

Nhưng có mấy vấn đề xảy ra, có thể vấn đề định nói chả có gì mới lạ, có thể nó bị tầm thường hoá thành một phép chứng minh sơ sài. Và thường sẽ là như thế, ngay cả khi bạn cố chứng minh một sự phi lý đi nữa, hay bạn cố chứng minh là mình không chứng minh gì cả. Không tin ư? Bạn cứ thử viết tiểu thuyết đi, bạn sẽ thấy ngay.

Bạn có gì để nói với chúng tôi?

Bạn nói về điều đó như thế nào?

Ngay khi bạn nghĩ rằng có gì đó hay ho để kể, thì nó cũng giống như một tuyên ngôn. Một tuyên ngôn thì thường sẽ chống lại những điều sáo mòn, cũ kỹ. Cả thế giới này đầy những thứ cũ kỹ và nhàm chán, và bạn có nguy cơ sẽ phải chống lại cả thế giới, bằng cái tuyên ngôn kia, ít ra là bạn sẽ tự cảm thấy như thế. Bạn sẽ thấy sợ hãi, tất nhiên. Từ đây sẽ có hai lựa chọn sinh tử đối với một nhà văn, hoặc đi tới cùng sự tự do sáng tạo, hoặc sẽ thỏa hiệp với những thứ nhờ nhờ cũ kỹ kia. Những ai từng viết văn mà nhận ra được điều này, họ sẽ hiểu rằng viết văn chưa bao giờ là một công việc nhàn hạ, chưa bao giờ là một lựa chọn dễ dàng.

Nghe thì tưởng như mâu thuẫn, nhưng sự thật là chính những khao khát khám phá nội tâm, đối diện nỗi sợ hãi, đối diện sự vô nghĩa, chống lại sự lười biếng, đã thôi thúc nhà văn viết. Một thế giới tưởng tượng đã mở ra, nhà văn vừa xây dựng, khẩn hoang, vừa khám phá nó, khu rừng rậm ký ức và suy tưởng, đó là một thế giới như nó có thể và nên là, chứ không phải như nó đã là

N.B. (thực hiện)
.
.
.