Cây trompette số 1 Việt Nam Vũ Tiến Tôn: Người thổi kèn thế kỷ

Thứ Sáu, 24/08/2007, 10:30
65 năm cầm kèn, qua hai thế kỷ, không một danh hiệu, nhưng không một ai trong giới làm nhạc có thể phủ nhận tài năng số một của người nghệ sỹ trompette này. Vũ Tiến Tôn đại diện cho một hình ảnh không lẫn của những người yêu nhạc như yêu từng hơi thở sống, không màng danh lợi, chỉ cần sống được với nghề và đắm đuối với từng nốt solphe...

Như ông Duyên Anh từng viết trong "Nhìn lại những bến bờ", Vũ Tiến Tôn là học trò cưng của cha, ông chủ một gánh hát ở tỉnh lị Thái Bình, người đầu tiên đưa cây kèn tây du nhập vào Việt Nam. 8 tuổi, Vũ Tiến Tôn đã học kèn trompette, loại kèn khó khăn nhất trong các loại kèn tây, người nghệ sỹ phải nhờ làn hơi thổi qua búp kèn nhỏ bằng đồng mà phát ra âm thanh.

Rất nhiều nghệ sỹ đã tìm cách quấn cao su vào vàng búp kèn hoặc mài sắc thành gờ cho bám môi, nhưng cũng không thành công. Để tìm cách "chế ngự" cây kèn đồng ấy đã là một kỳ công.

Cách của Vũ Tiến Tôn là cách của một người cần cù, tỉ mẩn. Ông tập cách làm sao để kèn bám môi thật nhẹ, để không bị sưng môi khi thổi, để thổi nhiều giờ vẫn không bị mỏi. Bí quyết của Vũ Tiến Tôn, phần nào đó từ bí quyết giữ... mềm môi và một cái lưỡi đặc biệt trời phú.

19 tuổi, Vũ Tiến Tôn đã nổi tiếng khắp các tỉnh thành với biệt danh "Tôn trompette". Và ông cũng là một trong những người đặt nền móng cho Dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.

31 năm luôn giữ vị trí soloist của dàn nhạc, người nghệ sỹ học nhạc phiên qua chữ quốc ngữ này dường như không một ngày ngừng nghỉ. Ông tập 8 tiếng mỗi ngày, cả khi ra chiến trường biểu diễn hay lên biên giới Mèo Vạc, Đồng Văn. Ngày tập thiếu, đêm ông lại trùm chăn tập. Sức bền của tiếng kèn chính là sức bền của lòng người. Ông đi qua mọi gian khó của đời sống bằng niềm đam mê cây kèn một cách thầm lặng nhưng hiếm có.

Tài năng của Vũ Tiến Tôn đã được nhiều thế hệ nghệ sỹ ghi nhận, dù ông không học qua bất cứ trường lớp nào. Nhưng tên tuổi của Vũ Tiến Tôn cứ chìm lặng như số phận của dòng nhạc bác học mà ông theo đuổi tại Việt Nam. Số phận kỳ lạ đẩy đưa ông từ một nghệ sỹ không trường lớp đi theo dòng nhạc mà cái căn cốt từ trường nhạc cũng chỉ là một bước đệm ban đầu. Không gì thay thế được, dù tài năng trác việt, ngoài sự khổ luyện và một tình yêu máu thịt với cây kèn của đời mình.

Vũ Tiến Tôn đã không có một ngày nghỉ tập kèn. Ông tập luyện, trăn trở với từng nốt nhạc và không ngừng nghĩ sẽ hoàn thiện thêm các bản nhạc của mình. Người làm nghề nhớ nhiều đến Vũ Tiến Tôn ở hai điểm mốc lớn trong sự nghiệp, khi ông biểu diễn bản "Spartacus" và "Cung điện mùa đông". Những khó khăn về kỹ thuật có thể vượt qua nhờ khổ luyện.

Nhưng Vũ Tiến Tôn đã đặt một dấu son cho cả một thế kỷ nhạc giao hưởng Việt Nam bằng tài năng, bằng sự nhạy cảm và sự tinh tế của tiếng kèn trompette, đến những nhạc trưởng nước ngoài cũng phải gật đầu hài lòng vì không thể tìm được người nào giỏi hơn để thay thế. Nhưng Vũ Tiến Tôn không màng đến điều ấy. Mỗi lần ông thổi kèn, dù trong căn phòng nhỏ, dù trên đường dài xa hay trên sân khấu lộng lẫy đèn hoa, đều là sự đam mê tột bậc.

Vũ Tiến Tôn, sau hơn 30 năm gắn bó với dàn nhạc, về lại căn nhà nhỏ trên phố Cát Linh, với một tấm huy chương vàng duy nhất trong nghiệp diễn, ông vẫn miệt mài với cây kèn của đời mình, mỗi ngày 8 tiếng. Không mệt và tiếng kèn của ông chưa khi nào chùng mỏi, dù ông đã bước vào tuổi cổ lai hy từ lâu.

Vậy nhưng, ông không có nổi một tấm bằng chứng nhận hay danh hiệu NSƯT, NSND. "Người ta đã đề nghị rồi, tôi cũng đã làm đơn rồi, nhưng không được. Giờ thì tôi thấy không cần thiết nữa. Tiếng kèn của tôi ở trong tâm trí những người yêu mến nó" - Vũ Tiến Tôn bộc bạch.

Tay trắng dù là tài năng số một, dù được thừa nhận bởi những người làm nghề, không biết gọi trường hợp của ông là gì, có lẽ không gì chính xác hơn là sự lãng quên. Sự lãng quên ấy có thể do một cơ chế quản lý, một cách xét danh hiệu nặng về thủ tục và chuyện bằng cấp. Nhưng nghệ thuật đích thực chỉ có chuyện đẳng cấp chứ không phân chia bằng cấp

.
.
.