Nhận diện mưu đồ chống phá dưới chiêu bài “tù nhân lương tâm”, “nhà hoạt động nhân quyền”, “người bất đồng chính kiến”
Để chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam, nhiều tổ chức, cá nhân luôn tuyên truyền cái gọi là “tù nhân lương tâm”, “nhà hoạt động nhân quyền” hay “người bất đồng chính kiến” nhằm vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Mới đây, ngày 7/3/2024, cơ quan An ninh điều tra Công an Hà Nội đã thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét đối với đối tượng Nguyễn Chí Tuyến (SN 1974, trú tại quận Long Biên, Hà Nội) và đối tượng Nguyễn Vũ Bình (SN 1968, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) để điều tra về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước” theo Điều 117, Bộ luật Hình sự năm 2015. Trước sự việc trên, các đối tượng chống phá tiếp tục tuyên truyền xuyên tạc với chiêu bài dân chủ, nhân quyền nhằm làm nóng dư luận, đánh tráo bản chất, bôi nhọ chính quyền.
Chiêu trò mập mờ đánh lận
Việc những đối tượng trên bị tạm giam giống như “miếng mồi” béo bở cho các tổ chức, cá nhân chống phá thực hiện các hoạt động vu cáo, xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Trang VOA Tiếng Việt đăng bài nêu, tổ chức Ủy ban Bảo vệ Ký giả (CPJ) yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho hai blogger độc lập Nguyễn Chí Tuyến và Nguyễn Vũ Bình. Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch - HRW) từng công bố báo cáo tổng kết toàn cầu về tình hình nhân quyền trên thế giới năm 2023 với những thông tin sai lệch, xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam, nay lại tiếp tục đưa bài viết lên án việc cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố, bắt tạm giam hai đối tượng trên. Trang BBC Tiếng Việt với bài viết “Làn sóng đàn áp mới khi Việt Nam vẫn muốn có ghế ở Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc” với lời lẽ vu cáo, miệt thị. Trên mạng xã hội của các tổ chức, cá nhân đội lốt dân chủ, nhân quyền trở lại điệp khúc lên án, chỉ trích cùng những bài viết có tính áp đặt, can thiệp công việc nội bộ của cơ quan tư pháp Việt Nam.
Với việc đưa ra những thông tin xuyên tạc, vu cáo nhằm chính trị hóa vụ án hình sự là điều dễ nhận thấy trong các chiêu trò chống phá của các thế lực thù địch về tình hình dân chủ, nhân quyền ở Việt Nam. Việc gắn những ngôn từ mà họ thường xướng lên như “tù nhân lương tâm”, “đàn áp tiếng nói bất đồng” phản ánh cách tư duy ngụy biện, không có cơ sở pháp lý. Bởi, trong nền tư pháp Việt Nam không có thuật ngữ “tù nhân lương tâm”, “nhà hoạt động nhân quyền”, “người bất đồng chính kiến”… Mục đích chính của việc gắn mác trên nhằm biến các đối tượng vi phạm pháp luật, phạm tội thành những “ngọn cờ” đấu tranh cho cái gọi là dân chủ, nhân quyền, từ đó hậu thuẫn, kích động các đối tượng chống phá trong nước, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta… Đây là một âm mưu, thủ đoạn nguy hiểm của các thế lực thù địch, phản động nhằm đánh lừa dư luận trong nước và quốc tế; cổ xúy, hậu thuẫn, hỗ trợ cho số đối tượng chống đối, phá hoại công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.
Phải thừa nhận rằng, “tù nhân lương tâm”, “nhà hoạt động nhân quyền”, “người bất đồng chính kiến” thực sự là một cái mác dễ khơi gợi lòng trắc ẩn trong công chúng. Có lẽ đó cũng là lý do ngày càng có nhiều đối tượng sau khi vi phạm và bị xử lý theo luật pháp Việt Nam, được các đối tượng dựng lên như những “tù nhân lương tâm”, tiếp tục trở thành công cụ để các thế lực thù địch vu cáo, bịa đặt về tình hình nhân quyền ở Việt Nam như Cấn Thị Thêu, Đoàn Khánh Vinh Quang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Văn Hoá, Nguyễn Văn Túc, Lê Đình Lượng... Đây đều là những đối tượng thực hiện các hành vi tán phát thông tin, tài liệu chống phá Đảng, Nhà nước, lợi dụng danh nghĩa đấu tranh dân chủ, nhân quyền để phạm tội.
Từ những thông tin trên cho thấy, để thực hiện các hành vi can thiệp vào công việc nội bộ cũng như đưa ra các thông tin xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam, các thế lực phản động, thù địch luôn tìm cách cổ xúy các đối tượng bất mãn, cơ hội chính trị trong nước, kích động số này gây rối xã hội, chống phá chế độ, xâm phạm an ninh quốc gia. Từ đó tạo thêm vây cánh và nhân rộng “chân rết” phục vụ cho những hành động chống phá Việt Nam thông qua các vấn đề về tự do, tôn giáo và nhân quyền, tiến tới thực hiện “cách mạng màu” bạo loạn và lật đổ chính quyền.
Sự thật về cái gọi là “tù nhân lương tâm”, “nhà hoạt động nhân quyền”, “người bất đồng chính kiến”…
Tự do, dân chủ, nhân quyền là giá trị mang tính phổ quát toàn cầu, mỗi quốc gia tùy theo đặc điểm văn hóa và thể chế chính trị sẽ có quan điểm, góc nhìn và cách tiếp cận khác nhau về quyền con người. Vì thế, việc áp đặt quan điểm của nước này vào nước khác là không phù hợp, đó cũng được coi là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia có chủ quyền. Vì vậy, việc một số tổ chức tự đề ra báo cáo nhân quyền là việc làm mang ý đồ chính trị, họ đã tự khoác cho mình chiếc áo nhân quyền để lấy cớ can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam. Đây là những hành vi cần lật tẩy, lên án trước dư luận và cộng đồng quốc tế.
Liên quan vấn đề này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nhiều lần nêu rõ: Ở Việt Nam không có cái gọi là “tù nhân lương tâm”, không có việc những người vì tự do bày tỏ chính kiến mà bị bắt giữ. Như tại các quốc gia khác trên thế giới, ở Việt Nam, mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo đúng các quy định của pháp luật. Bảo đảm và thúc đẩy các quyền con người là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam, được thực hiện phù hợp với Hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng như các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên. Những nỗ lực và thành tựu của Việt Nam về bảo đảm và thúc đẩy quyền con người thời gian qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận rộng rãi.
Quan điểm trên là rất rõ ràng, khách quan, Việt Nam không có việc bắt bớ, đàn áp cái gọi là “tù nhân lương tâm”, “nhà hoạt động nhân quyền”, “người bất đồng chính kiến”... Những trường hợp bị khoác danh nghĩa nói trên thì thực chất là các đối tượng phạm tội, đã thực hiện hành vi xâm phạm các quan hệ xã hội mà pháp luật hình sự bảo vệ. Các đối tượng bị xử lý hình sự mà một số tổ chức quốc tế thiếu thiện chí, các phần tử phản động, cơ hội chính trị rêu rao “tù nhân lương tâm” thì không liên quan gì “lương tâm” cả khi họ đã thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, gây nguy hiểm cho xã hội, cho cộng đồng. Cũng như mọi quốc gia độc lập, có chủ quyền trên thế giới, Việt Nam tôn trọng, bảo đảm các quyền cơ bản của con người bằng hệ thống luật pháp cũng như áp dụng trên thực tế. Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân nhưng không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác... Những hành vi tuyên truyền xuyên tạc, bịa đặt, kích động vi phạm pháp luật, chống phá Nhà nước; tổ chức hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân đều bị xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật nhằm giữ gìn an ninh trật tự, ổn định chính trị - xã hội.
Điểm chung của các vụ việc này là đều được xử lý dựa trên luật pháp hiện hành, trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Vậy nên, cái gọi “tù nhân lương tâm”, “nhà hoạt động nhân quyền”, “người bất đồng chính kiến” thực chất chỉ là một thuật ngữ hết sức mập mờ được tạo ra nhằm đánh lạc hướng, thậm chí đầu độc dư luận, khiến họ khó có thể phân biệt đâu là những người hoạt động vì nhân quyền đích thực, đâu là những đối tượng sử dụng con bài nhân quyền nhằm mục đích gây rối, phá hoại. Việc hai đối tượng Nguyễn Chí Tuyến, Nguyễn Vũ Bình bị khởi tố, tạm giam để điều tra cũng như quá trình xử lý các đối tượng phạm pháp trước đó về hành vi tương tự là việc làm cần thiết của các cơ quan tiến hành tố tụng, đảm bảo theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.
Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng và đảm bảo quyền con người, quyền công dân. Một tổ chức phi chính phủ hay một quốc gia dù lớn mạnh cỡ nào cũng không có quyền can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác và càng không thể gây sức ép với nước khác bằng những nhận xét về tình hình tự do, nhân quyền một cách áp đặt, chủ quan, sai lệch. Nhân dân Việt Nam đã và đang được sống trong một đất nước tự do, độc lập, trong đó những quyền cơ bản của con người được tôn trọng và bảo vệ theo Hiến pháp và pháp luật. Mọi sự đánh giá từ các tổ chức quốc tế tự xưng về nhân quyền hay các thế lực từ bên ngoài không làm thay đổi bản chất thực tế, bởi chỉ có người dân sống trên Tổ quốc này mới cảm nhận rõ những thành quả mà họ đang thụ hưởng.
Đương nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, kể cả các nước tiên tiến, việc đảm bảo về nhân quyền luôn là quá trình phấn đấu, từng bước hoàn thiện. Quá trình thực hiện không tránh khỏi những tồn tại, hạn chế nhưng khi đánh giá cần cách nhìn khách quan, không thể xoáy vào những hạn chế đó để đánh đồng, quy chụp “bức tranh nhân quyền” xám xịt như luận điệu của những kẻ chống phá. Do vậy, mỗi người cần nâng cao nhận thức, tỉnh táo, cảnh giác trước cái gọi là “tù nhân lương tâm”, “nhà hoạt động nhân quyền”, “người bất đồng chính kiến”; từ đó góp phần đấu tranh làm thất bại các âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động nhằm bảo vệ sự ổn định chính trị, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội.