Mang lại bình yên các bản làng dân tộc Mông ở Sơn La

Chủ Nhật, 16/06/2024, 08:54

Những năm gần đây, lợi dụng địa hình và địa bàn cư trú đặc thù, đời sống còn nhiều khó khăn của đồng bào dân tộc Mông, các thế lực thù địch đã  tiến hành truyền đạo trái pháp luật, kích động, lôi kéo  một bộ phận người Mông trốn sang Lào tham gia hoạt động thành lập "Nhà nước Mông"...

Dân tộc Mông tại địa bàn Sơn La chiếm hơn 15% dân số toàn tỉnh, thường sinh sống rải rác ở các lưng chừng núi cao, nơi xa xôi hẻo lánh với độ cao trung bình so với mặt nước biển từ 600m đến 700m (chiếm trên 70%), giao thông đi lại khó khăn. Những năm gần đây, lợi dụng địa hình và địa bàn cư trú đặc thù, đời sống còn nhiều khó khăn của đồng bào dân tộc Mông, các thế lực thù địch đã  tiến hành truyền đạo trái pháp luật, kích động, lôi kéo  một bộ phận người Mông trốn sang Lào tham gia hoạt động thành lập "Nhà nước Mông"...

Âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch

Để xóa bỏ tận gốc âm mưu thành lập "Nhà nước Mông" của các thế lực thù địch, năm 2022, UBND tỉnh Sơn La ban hành Quyết định số 90/QĐ-UBND ngày 26/4/2022 ban hành Đề án 90 về công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động thành lập "Nhà nước Mông" trên địa bàn tỉnh Sơn La, giai đoạn 2022-2025 (gọi tắt là Đề án 90), huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị của tỉnh cùng vào cuộc, từng bước xóa bỏ hoàn toàn âm mưu thâm độc thành lập "Nhà nước Mông" trên địa bàn tỉnh Sơn La.

image019-1718502943947.jpg
Công an tỉnh Sơn La giúp bà con dân tộc Mông gặt lúa.

Tình hình hoạt động tuyên truyền lập "Nhà nước Mông" trên địa bàn tỉnh Sơn La tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, các thế lực thù địch và bọn phản động trong người Mông ở ngoài nước thông qua một số kênh phát thanh bằng tiếng Mông ở nước ngoài để tuyên truyền, kêu gọi người Mông trên địa bàn tỉnh tham gia hoạt động lập "Nhà nước Mông". 

Thời gian gần đây chúng thường xuyên sử dụng các trang mạng xã hội (Youtuber, Facebook, Messenger, Zoom…) đăng tải, phát tán các video clip có nội dung tuyên truyền về hoạt động lập "Nhà nước Mông" như ai gia nhập "Nhà nước Mông" sẽ không phải lao động vất vả, sẽ có đất đai, sẽ được giữ chức vụ quan trọng, con em sẽ được học hành đầy đủ, sẽ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Mục đích nhằm  kích động tư tưởng dân tộc hẹp hòi, ly khai, tự trị, kêu gọi người Mông, trong đó có người Mông ở Việt Nam và tỉnh Sơn La.

Do thiếu thông tin, trình độ nhận thức, hiểu biết còn hạn chế, nhẹ dạ, cả tin đã có một bộ phận người Mông ở Sơn La bị tác động dẫn đến không yên tâm lao động, sản xuất, có tư tưởng ngóng chờ, ảo tưởng sẽ có "Vua Mông", "Nhà nước Mông" như lời tuyên truyền của các đối tượng ở bên ngoài.

Năm 2003, một số thanh niên dân tộc Mông trên địa bàn huyện biên giới Sông Mã, Sốp Cộp của tỉnh Sơn La bị một số đối tượng xấu ở Lào tác động, do ngộ nhận, nhẹ dạ cả tin nên đã xuất cảnh trái phép sang Lào để xem "Vua Mông" tham gia các hoạt động phỉ, lập "Nhà nước Mông". Cho tới năm 2015, thông qua các trang mạng xã hội một số người dân tộc Mông ở địa bàn huyện Phù Yên, Bắc Yên đã móc nối với các đối tượng bên Lào và bị lôi kéo xuất cảnh trái phép sang Lào tham gia hoạt động phỉ, thành lập "Nhà nước Mông".

Đến năm 2017, với sự phát triển của mạng xã hội, tại một số địa bàn trong tỉnh, chủ yếu là địa bàn huyện biên giới Sông Mã và Sốp Cộp, một bộ phận thanh niên người dân tộc Mông truy cập vào các trang mạng xã hội (Youtube, Facebook) để tìm hiểu về người Mông trên thế giới, trong đó có trang mạng tuyên truyền về "Nhà nước Mông" của các đối tượng ở Mỹ. Các đối tượng này đã sử dụng chiêu bài sản xuất hàng loạt các ấn phẩm bảo tồn văn hóa Mông để lồng ghép nội dung tuyên truyền, kêu gọi người Mông thành lập "Nhà nước của dân tộc Mông". Chúng không ngừng loan tin lừa bịp rằng vua Mông đã xuất hiện ở Lào, Thái Lan và một số địa phương trong nước.

Do thường xuyên vào các trang mạng xã hội có nội dung tuyên truyền về "Nhà nước Mông" nên một số đối tượng người dân tộc Mông đã bị tác động, ảnh hưởng và ảo tưởng về "Vua Mông", "Nhà nước Mông" và có một số đối tượng trên địa bàn đã liên lạc trao đổi nhận sự chỉ đạo, hướng dẫn và có một số hoạt động như: May cờ, quần áo của "Nhà nước Mông", cắm lá xanh, dựng bàn thờ... theo hướng dẫn của đối tượng bên ngoài. Thời điểm này, luận điệu tuyên truyền lập "Nhà nước Mông" đã có những tác động và ảnh hưởng lớn đến tình hình ANTT trên địa bàn, tác động đến đời sống người dân, một trong số đó đã đóng góp tiền cho chúng, một bộ phận không yên tâm lao động, sản xuất, bán tài sản để đi theo "Nhà nước Mông".

Quyết liệt thực hiện các giải pháp vô hiệu hóa hoạt động tuyên truyền lập "Nhà nước Mông"

Trước thực trạng trên, Công an tỉnh Sơn La đã tham mưu với UBND tỉnh ban hành Đề án 90 về công tác phòng ngừa, đấu tranh với hoạt động thành lập "Nhà nước Mông" trên địa bàn tỉnh Sơn La, giai đoạn 2022-2025, tiếp tục huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân, sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng và lực lượng Công an phải phát huy vai trò nòng cốt.

Đại tá Vì Quyền Chứ, Phó Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Công an tỉnh đã phối hợp lực lượng Quân đội, Biên phòng tăng cường đẩy mạnh công tác chuyển hóa địa bàn, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở tại các địa bàn trọng điểm, phức tạp bị tác động, ảnh hưởng của luận điệu tuyên truyền lập "Nhà nước Mông", trong đó chú trọng tiến hành công tác vận động quần chúng; tập trung giải quyết khó khăn, vướng mắc, nhất là những bức xúc nổi lên trong nhân dân; tranh thủ già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ổn định cuộc sống, không tin, không nghe theo các luận điệu tuyên truyền của kẻ xấu.

Tại bản Nà Bó, xã Chiềng En, huyện Sông Mã, trong thời gian năm 2017, 2018 một số thanh niên trong bản Nà Bó vào mạng xã hội thấy "Vua Mông", quần áo rất đẹp và thích thú, nên đã  chụp ảnh và may quần áo giống "Vua Mông" như trong mạng xã hội. Ông Giàng Nênh Động, người có uy tín của bản đã cũng cấp ủy chính quyền xã, huyện và lực lượng chức năng tuyên truyền vận động nộp lại bộ quần áo cho lực lượng Công an. Ông Động chia sẻ: Tôi muốn tuyên truyền với bà con toàn nước Việt Nam mình là "Vua Mông" là không có thật, muốn giàu thì phải làm tự làm trên đôi tay của mình và phải theo chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. 

Ngoài thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc Mông, tỉnh Sơn La còn chỉ đạo hỗ trợ, miễn giảm học phí cho con em đồng bào Mông có hoàn cảnh khó khăn, rà soát, tạo điều kiện bố trí việc làm cho số sinh viên người dân tộc Mông tốt nghiệp các trường đại học, cao Đẳng, trung học chuyên nghiệp ở các địa bàn….

Bên cạnh đó, Ban Giám đốc Công an tỉnh Sơn La đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Công an toàn tỉnh chủ động xây dựng triển khai các phương án, kế hoạch nghiệp vụ, xác lập các chuyên án nhằm tập trung đấu tranh, bóc gỡ, vô hiệu hóa hoạt động tuyên truyền lập "Nhà nước Mông" trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Công an tỉnh Sơn La đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố 19 bị can về tội "Trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân"; truy tố, xử lý trước pháp luật 13 bị can (11 bị can ở tỉnh Sơn La; 2 bị can ở tỉnh Lai Châu) với các mức án từ 4 - 9 năm tù giam; truy nã 6 đối tượng. Công an tỉnh Sơn La cũng đã phát hiện, khai thác, bóc gỡ 11/11 đối tượng, thu nhiều vật dụng liên quan hoạt động tuyên truyền lập "Nhà nước Mông" tại địa bàn huyện Sông Mã, Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Qua đấu tranh đã cơ bản làm rõ về âm mưu, ý đồ hoạt động, cơ cấu tổ chức, vị trí, vai trò của từng đối tượng, nhóm đối tượng trên địa bàn, kịp thời ngăn chặn, phá rã âm mưu, ý đồ hoạt động lập "Nhà nước Mông" hình thành tổ chức, hội, nhóm hoạt động chống đối phức tạp của đối tượng, nhóm đối tượng trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Nhờ tập trung chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, của các cấp, ngành, đặc biệt là lực lượng Công an. Đến nay tình hình hoạt động lập "Nhà nước Mông" trên địa bàn tỉnh Sơn La cơ bản được kiểm soát, ổn định. Hệ thống chính trị ở cơ sở đã được củng cố, kiện toàn, các địa bàn bị tác động, ảnh hưởng hoạt động lập "Nhà nước Mông" đã được chuyển hóa thu hẹp và dần ổn định. Một số đối tượng liên quan được phát hiện kịp thời đấu đấu tranh, vô hiệu hóa đưa vào diện quản lý giáo dục, giúp đỡ làm chuyển biến về tư tưởng, cam kết từ bỏ hoạt động không tái phạm.

Khoan hồng với người phạm tội, giúp người dân ổn định cuộc sống

Trở lại xã Suối Tọ, huyện Phù Yên, địa phương từng bị tác động bởi luận điệu tuyên truyền lập "Nhà nước Mông", 100% là đồng bào dân tộc Mông. Năm 2015, xã có 7 đối tượng bị lời dụ dỗ của kẻ xấu đi sang Lào tham gia hoạt động lập "Nhà nước Mông", bị Công an tỉnh Sơn La bắt giữ, khởi tố về tội "Trốn đi nước ngoài nhằm chống chính quyền nhân dân", bị Tòa án xét xử với các mức án từ 4 - 13 năm tù giam. Trong số đó có 5 đối tượng mãn hạn tù trở về địa phương, họ đã nhận ra việc làm của mình là sai trái, vi phạm pháp luật của Nhà nước Việt Nam.

Năm 2015, anh Vàng A Gâu, ở bản Trò, xã Suối Tọ nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu đi sang Lào tham gia hoạt động lập "Nhà nước Mông", bị khởi tố, phạt 4 năm tù giam. Nhớ lại quãng thời gian tham gia hoạt động lập "Nhà nước Mông" và bị phạt tù, anh Say chia sẻ: "Được trở về với gia đình, tôi nhận ra rằng tổ tiên, cha ông, mình là người Việt Nam thì mình chỉ ở Việt Nam sống lao động cùng với gia đình vợ con, yên tâm làm ăn không nghe theo lời kẻ xấu nữa".

Ông Thào A Trư, Bí thư Đảng ủy xã Suối Tọ cho biết: Việc khởi tố bắt giam các đối tượng đã thay đổi nhận thức của những người dân đã từng bị đối tượng phản động lôi kéo, nhân dân đã hiểu bản chất và bộ mặt thật của cái gọi là "Nhà nước Mông". Giờ đây bà con yên tâm lao động sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, tăng diện tích khai hoang ruộng lúa bậc thang, tham gia xây dựng nông thôn mới.

Cùng với sự hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của tỉnh, huyện và nhân dân đóng góp, xã Suối Tọ đã được xây mới đường liên bản, liên xã, nhà văn hóa bản, các điểm trường, trạm y tế. Đến nay, xã Suối Tọ đã hoàn thành 12/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Các bản có nhà văn hóa bảo đảm cho việc tổ chức sinh hoạt cộng đồng và các hoạt động văn nghệ, thể thao, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 34%, an ninh chính trị được giữ vững.

 Từ xa xưa người Mông đã có câu hát "con chim có tổ, người Mông có quê". Câu hát ấy không chỉ là sự nhắc nhở mà còn hàm chứa một niềm tự hào dân tộc và một tình yêu đất nước thiêng liêng. Giờ đây, bà con đồng bào dân tộc Mông đang cùng cộng đồng các dân tộc anh em trong tỉnh Sơn La thi đua áp dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, phát triển các loại cây ăn quả trên vùng đất dốc, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Thực tế đó đã chứng minh rằng chỉ có một lòng một dạ theo Đảng, theo Chính phủ, theo Bác Hồ thì làng bản mới được bình yên, gia đình mới được hạnh phúc, cuộc sống mới được ấm no.

Minh Phong - Đức Thiện - Thủy Ngân
.
.
.