Lật tẩy thủ đoạn gây chia rẽ khối đại đoàn kết tôn giáo, chống phá Đảng, Nhà nước

Thứ Hai, 22/04/2024, 05:51

Thời gian qua, với sự chung tay, đồng lòng của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị, xã hội và đồng bào các tôn giáo, khối đại đoàn kết các tôn giáo ngày càng vững chắc, đi vào chiều sâu. Tại nhiều cộng đồng dân cư, đồng bào theo hay không theo các tôn giáo tích cực chung tay, phấn đấu để xây dựng quê hương, đất nước, giáo hội ngày càng giàu mạnh. Chính sự gắn kết trong khối đại đoàn kết các tôn giáo đã, đang góp phần tạo nên sức mạnh chung của toàn dân tộc, là động lực giúp đất nước vượt qua những khó khăn, thách thức để hội nhập và phát triển.

Thế nhưng, lạc lõng và đứng ngoài những xu hướng nói trên, vẫn còn đó một bộ phận chức sắc, tín đồ các tôn giáo vì những động cơ riêng và bị chi phối, điều khiển bởi những thế lực xấu nên đã có những hành vi gây chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo ra những xáo trộn, mâu thuẫn từ bên trong và làm tiền đề chống phá ở mức độ cao hơn, nguy hiểm hơn. Từ lâu, các thế lực thù địch, phản động đã ra sức khai thác, lợi dụng vấn đề tôn giáo hòng gây chia rẽ chính tôn giáo đó với nhà nước, giữa người theo tôn giáo và người không theo tôn giáo hoặc giữa chính các tôn giáo với nhau. Trong nhiều giai đoạn lịch sử, với đặc trưng là một quốc gia đa tôn giáo, đất nước Việt Nam chúng ta đã bị các thế lực thù địch triệt để lợi dụng từng sự việc cụ thể, bóp méo bản chất, đẩy sự việc thành cao trào hòng khiến khối đại đoàn kết tôn giáo bị chia rẽ.  Đây là thời cơ để các thế lực thù địch mưu đồ gây bạo loạn lật đổ, “cách mạng màu” như đã diễn ra tại nhiều nước. Nhận diện được vấn đề này, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn tại sao dù thời cuộc đã khác nhưng chiêu bài “tự do tôn giáo” vẫn là tâm điểm, mũi nhọn của các thế lực thù địch trong mục tiêu làm chia rẽ, làm suy yếu Việt Nam, gián tiếp ngăn cản, làm chậm tiến trình xây dựng, phát triển đất nước.

Có thể nhận diện các chiêu trò, thủ đoạn chia rẽ khối đại đoàn kết tôn giáo trên những dạng thức cụ thể sau:

Một là, chia rẽ các tôn giáo với nhau, bên trong từng tôn giáo và giữa người theo tôn giáo với người không theo tôn giáo nhằm làm suy yếu khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Trên thực tế, nhiều ý kiến còn chủ quan cho rằng, việc các thế lực thù địch, phản động chia rẽ các tôn giáo với nhau ít hoặc không tác động đến khối đoàn kết dân tộc, không ảnh hưởng tới sức mạnh chung của đất nước, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Đây là một quan điểm sai lầm. Một dân tộc không thể nói là đoàn kết nếu như các bộ phận cấu thành trong đó riêng rẽ, nghi kỵ, công kích, chống phá lẫn nhau và một quốc gia đa tôn giáo, tín ngưỡng như Việt Nam thì điều đó càng phải được nhận thức rõ. Bằng chứng là lịch sử dân tộc thời kỳ 1955 – 1975 cho thấy, để bình định, thâu tóm miền Nam Việt Nam và phục vụ cho mưu đồ tấn công ra miền Bắc, bằng những chiêu thức ngấm ngầm và công khai, chính quyền Việt Nam cộng hòa khi đó, đặc biệt là dưới thời kỳ cai trị của Mỹ - Diệm đã sử dụng triệt để chiêu bài chia rẽ, phân hóa các tôn giáo với nhau, giữa người theo và không theo tôn giáo. Theo đó, Việt Nam cộng hòa đã chủ trương thúc đẩy, hình thành tại các giáo phái (các tổ chức tôn giáo) khi đó như Cao Đài, Hòa Hảo (có những lực lượng quân sự bên trong); sự xuất hiện, ra đời của cái gọi là “Quân đội Hòa Hảo”, “Quân đội Cao Đài”, “Bình Xuyên” có căn nguyên từ đó.

Ngày nay, trong bối cảnh mới, sự chia rẽ giữa các tôn giáo với nhau hòng phá hoại khối đại đoàn kết không còn diễn ra như trước đây. Tuy có sự khác nhau về cách thức, cường độ song đây vẫn được xem là một vấn đề trọng tâm, được các thế lực xấu triệt để thực hiện với sự đan xen giữa phương thức cũ và mới. Theo đó, các đối tượng triệt để sử dụng những tiện ích của các trang mạng xã hội, phương tiện truyền thông đại chúng thiếu thiện chí với Việt Nam như VOA, RFA, RFI…, các thế lực thù địch, phản động đã cố tình bôi đen, xuyên tạc, tạo sự đối lập các tôn giáo với luận điệu “nhà nước đang ủng hộ, hậu thuẫn, coi trọng cho tôn giáo này, bóp nghẹt tôn giáo kia”. Đồng thời, chúng phủ định chính sách bình đẳng giữa các tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta.

Với thủ đoạn này, chúng nhằm “một mũi tên trúng hai đích”: Vừa xuyên tạc, tố cáo chính quyền, làm cho mối quan hệ giáo hội với chính quyền trở nên xấu đi, thậm chí rơi vào bế tắc, đối kháng, vừa gây chia rẽ nhằm làm các tôn giáo đối lập, đối đầu với nhau. Tại một số địa phương, một số chức sắc tôn giáo cực đoan đã công khai so sánh về quỹ đất mà chính quyền cấp cho. Chúng tung ra luận điệu: “Tôn giáo nào biết nghe lời, bị khuất phục thì tôn giáo đó muốn gì, đòi gì cũng được và ngược lại”. Với thủ đoạn này, dù không trực diện nhưng về lâu dài, các đối tượng mưu đồ làm cho bà con các tôn giáo tại cơ sở đối lập, mâu thuẫn với nhau. Chúng xuyên tạc, thổi phồng các luận điệu rằng, chính quyền, Nhà nước Việt Nam “hà khắc” với tôn giáo này, ưu ái tôn giáo kia trong sinh hoạt và giải quyết các nhu cầu, nguyện vọng, nhất là về đất đai, xây dựng... Đồng thời lên án, chỉ trích sự đồng hành của các tôn giáo đối với một vấn đề, sự vụ cụ thể, qua đó khoét sâu làm cho giữa các tôn giáo với nhau và trong từng tôn giáo có sự phân hóa sâu sắc về mặt đường hướng, thái độ và cách thức ứng xử.

Những năm qua, trước sự tàn phá của thiên tai, dịch bệnh, nhất là đại dịch COVID-19, Giáo hội các tôn giáo đều đồng hành, chung tay ứng phó, khắc phục hậu quả xảy ra và phòng ngừa những vấn đề tương tự. Rất nhiều những hình ảnh các tín đồ, chức sắc tôn giáo không quản ngại khó khăn, vất vả, nguy hiểm đến các vùng tâm dịch để hỗ trợ người dân… Song với thái độ thiếu thiện chí, các thế lực thù địch đã bỉ bôi, cho rằng điều đó là không cần thiết, kích động rằng “Giáo hội Phật giáo có lí do để dấn thân vì dù sao Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam cũng xem đó là Quốc giáo”, còn người Công giáo “nên lo cho mình, người đồng đạo của mình trước”!

Để tạo ra sự đối lập, gia tăng các mâu thuẫn, bất đồng, chúng đã triệt để khai thác những vấn đề tồn tại trong lịch sử, bịa đặt, xuyên tạc về quá trình hình thành, phát triển của từng hệ phái trong mỗi tôn giáo cụ thể. Các thế lực thù địch, phản động bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của một số nhà lãnh đạo Phật giáo đóng vai trò tập hợp, quy tụ chức sắc, tín đồ Phật giáo trong nước và miệt thị đường hướng mục vụ “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”. Chúng xuyên tạc rằng, đó là tinh thần lệ thuộc Nhà nước của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bên cạnh đó, chúng ra sức cổ xúy, quảng bá về đường hướng của “Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất”, bất chấp tổ chức này đã bị vạch trần bản chất tay sai, chống phá nhà nước và đi ngược lại quyền, lợi ích của dân tộc. Hình ảnh, hoạt động của các đối tượng chống phá như Thích Quảng Độ, Thích Không Tánh được tâng bốc, xem như đó là những “đấng chân tu chân chính”. Chính điều này đã ngăn cản và làm cho lộ trình thống nhất trọn vẹn Phật giáo Việt Nam đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Hai là, chia rẽ các tôn giáo với Đảng, Nhà nước.

Với âm mưu làm suy giảm tiềm lực của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, gây mất ổn định tình hình ANTT, các thế lực thù địch, phản động đã sử dụng mọi phương thức, thủ đoạn, trong đó có chiêu bài chia rẽ các tôn giáo với Đảng, Nhà nước. Chúng mưu đồ gây nên những bất ổn từ bên trong, tiến tới những cuộc “cách mạng màu”, bạo loạn, lật đổ. Chiêu trò, thủ đoạn chia rẽ các tôn giáo với Đảng, Nhà nước ta gần đây diễn ra dưới các dạng thức sau:

(1). Tìm cách gieo rắc, thổi phồng mâu thuẫn, tranh chấp, qua đó tuyên truyền rằng, tôn giáo không thể đồng hành với chế độ XHCN tại Việt Nam. Để thực hiện mưu đồ này, chúng cố tình xuyên tạc tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam. Chúng tuyên truyền, đánh tráo khái niệm, tự cho rằng, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo tuyệt đối và không chịu bất cứ sự ràng buộc, chế tài xử phạt nào, kể cả khi xâm phạm quyền, lợi ích của các chủ thể khác được pháp luật bảo hộ. Bịa đặt việc Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương phân biệt đối xử, đàn áp tôn giáo. Thủ đoạn này được thực hiện phổ biến từ giai đoạn năm 1995 trở đi, khi Việt Nam chính thức bình thường hóa quan hệ với Mỹ và các hoạt động giao lưu, đối ngoại quốc tế được mở rộng. Nhiều vụ việc đã được truyền thông quốc tế thù địch với Việt Nam khai thác tối đa khiến dư luận quốc tế hiểu sai về tình hình tôn giáo, tự do tôn giáo trong nước. Vụ việc Thái Hà – Nhà Chung (Hà Nội) năm 2008, 2009 và chuỗi các hoạt động, vụ việc phức tạp tại Giáo phận Vinh (Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình), nhất là sau vụ ô nhiễm môi trường biển do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh xả thải là những ví dụ điển hình.

(2). Trong vụ ô nhiễm môi trường biển ở miền Trung, các thế lực thù địch, phản động lợi dụng vụ việc này để “gia công”, đẩy sự việc lên thành điển hình, thiết lập sự đối kháng giữa Nhà nước và tổ chức tôn giáo. Chúng kích động, xúi giục để một số chức sắc Công giáo có cái nhìn phiến diện, lệch lạc về vấn đề trên. Sau đó, núp bóng dưới danh nghĩa “đòi khiếu nại bồi thường” thiệt hại sự cố môi trường biển để kích động, tụ tập hàng ngàn giáo dân, mang băng rôn, khẩu hiệu kéo lên bao vây trụ sở UBND huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh (xảy ra tháng 4/2017). Thay vì cùng nhau ngồi đối thoại, đưa ra những ý kiến trên tinh thần xây dựng với chính quyền địa phương thì các đối tượng lại hô hào, kích động hòng tạo ra xung đột. Từ đó, chúng lu loa, vu vạ rằng, Đảng, Nhà nước ta đang “can thiệp thô bạo vào quyền tự do tôn giáo” của người dân!

Thời điểm năm 2021, 2022 khi đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, trong khi người người, nhà nhà đều chấp hành các quy định đưa ra để đưa đất nước an toàn, vượt qua đại dịch, giảm thiểu tối đa thương vong về con người, vật chất thì một số cá nhân chức sắc tôn giáo đã kích động người dân tụ tập, không chấp hành các quy định phòng, chống dịch, gây phức tạp tình hình. Khi bị lên án, với sự kết hợp “nội công ngoại kích”, các đối tượng cực đoan, bất mãn chính trị trong nước và các thế lực thù địch, phản động bên ngoài đã xuyên tạc việc Nhà nước, chính quyền địa phương cấm đoán, không cho các tổ chức tôn giáo hành lễ, sinh hoạt tôn giáo. Chúng lu loa rằng, Đảng và Nhà nước ta đang “đàn áp tôn giáo”.

Ba là, song song với thủ đoạn tạo dựng sự đối lập giữa Nhà nước và tổ chức tôn giáo, các thế lực thù địch, phản động cổ xúy, hình tượng hóa những đối tượng cực đoan, chống đối trong tôn giáo.

Những đối tượng này là mạng lưới, chân rết được các thế lực thù địch, phản động khoác lên những ngôn từ mỹ miều rằng, “nhân tố đủ sức, đủ tầm để thiết lập nên một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, nơi quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng được thực hiện đầy đủ, trọn vẹn nhất”. Sự tô vẽ có chủ đích từ mạng xã hội cùng sự hậu thuẫn từ các đối tượng chống phá bên ngoài khiến nhiều đối tượng trong cuộc ngộ nhận về vị trí của bản thân. Chúng xây dựng một thế lực để hòng đối trọng với Nhà nước, phủ nhận vai trò lãnh đạo, quy tụ nhân dân của Đảng, Nhà nước ta.

Với sự giúp sức của nhóm người Việt chống phá lưu vong từ bên ngoài, một số chức sắc cực đoan dưới danh nghĩa bảo vệ môi trường đã khởi kiện chủ thể trực tiếp gây ô nhiễm và đòi đền bù thiệt hại, họ vận động chính giới, nghị viện các nước châu Âu “cùng đồng hành với bà con giáo dân” trong hành trình kiện công ty Formosa. Nhưng thực chất là nhằm thổi phồng bản chất vụ việc, làm phức tạp vấn đề, tạo cớ để các tổ chức dân chủ, nhân quyền, chính giới một số nước nhân sự việc nói trên để ngợi ca, vinh danh, xướng tên một số chức sắc cực đoan trong các giải thưởng có tính thường niên, đột xuất. Để đánh bóng tên tuổi, cổ súy, hình tượng hóa một số chức sắc cực đoan, các thế lực thù địch, phản động đã hậu thuẫn cho các đối tượng có thêm “thành tích”. Đơn cử như linh mục Đặng Hữu Nam (Giáo phận Vinh) liên tiếp nhận nhiều giải thưởng như “giải thưởng Nhân quyền năm 2017” hay “giải thưởng Lê Đình Lượng năm 2021”.

Từ những vấn đề được chỉ ra có thể thấy, dù thời kỳ, giai đoạn lịch sử nào thì âm mưu, ý đồ gây chia rẽ khối đại đoàn kết tôn giáo đều được các thế lực thù địch, phản động chú trọng thực hiện. Việc nhận diện, lật tẩy những chiêu trò chống phá giúp quần chúng nhân dân, dư luận xã hội thấy được tính chất nguy hiểm, phản động, từ đó có những định hướng cụ thể, tránh bị các đối tượng dẫn dắt, lợi dụng, làm ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và sự phát triển đất nước.

Đức Thắng – Phạm Thuỷ
.
.
.