Điểm sáng trong xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình
Tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình đã tồn tại hơn 33 năm, là tổ chức núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo tuyên truyền tập hợp lực lượng quần chúng, lôi kéo đồng bào dân tộc Mông, âm mưu thành lập "Nhà nước Mông", thực hiện ý đồ "xưng vua", "li khai, tự trị", tìm cách móc nối trong ngoài, tìm kiếm sự hậu thuẫn của các thế lực thù địch, tạo tiền đề hình thành, công khai hóa tổ chức chính trị đối lập trong nội địa.
"Cao điểm, chiến dịch" xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp
Năm 2021, Chính phủ ban hành Đề án số 78 về "Đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình". Bộ Công an và UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đã ban hành kế hoạch về triển khai thực hiện Đề án số 78. Thực hiện các kế hoạch, Công an tỉnh Bắc Kạn chủ động tham mưu Tỉnh ủy Bắc Kạn ban hành chỉ thị về thực hiện cao điểm đấu tranh ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, đặt ra lộ trình đến năm 2023 phải xóa bỏ tổ chức này trên toàn tỉnh Bắc Kạn.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, Đại tá Hà Văn Tuyên, Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết, để đáp ứng lộ trình của Đề án số 78, Công an tỉnh yêu cầu thủ trưởng các đơn vị phải tập trung chỉ đạo quyết liệt, huy động sức mạnh tổng hợp của tất cả lực lượng, tổ chức, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp; chịu trách nhiệm trước Giám đốc Công an tỉnh về tiến độ triển khai và kết quả thực hiện.
Tính đến tháng 5/2022, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 164 hộ, 889 người thuộc 19 thôn, tổ; 14 xã, thị trấn; 5 huyện (Chợ Mới, Ngân Sơn, Ba Bể, Pác Nặm, Chợ Đồn) bị ảnh hưởng của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Trong đó, số đối tượng cốt cán trong tổ chức luôn có thái độ bất hợp tác, không chấp hành các quy định của chính quyền địa phương, thường xuyên tụ tập họp bàn, tuyên truyền, kích động số người tin theo không chấp hành các chính sách của Đảng, Nhà nước và các quy định của địa phương, lôi kéo tham gia các hoạt động tập trung đông người gây phức tạp về ANTT...
Trước tình hình trên, Công an tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các huyện triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp đấu tranh ngăn chặn vô hiệu hóa các âm mưu, hoạt động gây mất ANTT của số đối tượng cầm đầu, cốt cán.
Đặc biệt, Công an tỉnh đã thành lập 11 tổ công tác (Công an tỉnh 5 tổ, Công an các huyện có tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình 6 tổ), triển khai đồng loạt xuống các địa bàn có ảnh hưởng của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình để tham mưu cấp ủy, chính quyền các cấp chỉ đạo sự vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác đấu tranh, xóa bỏ tổ chức này; vận động, thuyết phục quần chúng nhân dân yên tâm lao động sản xuất, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và quy định của địa phương, ký cam kết từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, không tham gia vào các hoạt động gây ảnh hưởng đến ANTT tại địa bàn.
"Căn cứ vào tình hình thực tế và tính chất địa bàn, mỗi đơn vị cần đặt mục tiêu cụ thể theo từng đợt, từng tháng, từng quý, trước mắt tập trung trong 6 tháng cuối năm 2022, coi đây là "cao điểm, chiến dịch" - Đại tá Hà Văn Tuyên nhấn mạnh.
Theo Đại tá Vũ Văn Quân, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bắc Kạn, để thực hiện hiệu quả Đề án số 78 của Chính phủ cũng như Chỉ thị số 21 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Kạn, cần nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; huy động sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong tuyên truyền, vận động đấu tranh, xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Tăng cường công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín, trưởng thôn trong tuyên truyền, vận động, cảm hóa, tiến tới ký cam kết xóa bỏ tổ chức này...
Xóa trắng 6 thôn, 5 xã, 1 huyện sau 2 tuần "ra quân"
Thượng tá Dương Thanh Hoài, Trưởng Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết, chỉ sau 2 tuần "ra quân", các Tổ công tác đã tuyên truyền, vận động được 42 hộ, 221 khẩu ký cam kết từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, xóa trắng 6 thôn, 5 xã, 1 huyện (Ba Bể) và tổ chức răn đe, giáo dục kết hợp vận động 66 lượt đối tượng cầm đầu, cốt cán, qua đó đưa 2 đối tượng ra khỏi diện cốt cán, tích cực. Hiện, Công an tỉnh Bắc Kạn tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương duy trì các Tổ công tác bám địa bàn, sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để nắm số đối tượng cầm đầu, cốt cán; thu thập, củng cố tài liệu về các hành vi vi phạm pháp luật để có cơ sở xử lý khi có yêu cầu.
Chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện "chiến dịch", Trung tá Nguyễn Quang Điệp, Phó trưởng Phòng An ninh nội địa cho biết, đa số các hộ theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình sinh sống không tập trung, chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, giao thông đi lại khó khăn; trình độ dân trí còn hạn chế; có thói quen đi làm sớm và về muộn, đặc biệt nhiều trường hợp đi lao động ở ngoài địa phương, gây khó khăn cho công tác tiếp xúc, tuyên truyền, vận động, đấu tranh của cơ quan chức năng...
Thêm nữa, có những người dân đã tin theo tổ chức này trên 30 năm, tư tưởng ăn sâu vào tiềm thức, văn hóa, phong tục tập quán nên trong công tác tuyên truyền cần phải có định hướng cho số quần chúng đã ký cam kết từ bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình theo một tôn giáo hợp pháp đã được pháp luật cho phép để thay thế. Cùng với đó là định hướng phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống cho bà con.
Vượt qua những khó khăn ấy, những CBCS Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Bắc Kạn đã kiên trì, bền bỉ bám địa bàn "4 cùng" với bà con, tranh thủ thời gian tối muộn khi người dân đã đi làm về, đến nhà tiếp xúc, chia sẻ, chuyện trò với bà con để giải thích, vận động. Đặc biệt, vừa qua, Tổ công tác đã thuyết phục thành công ông Lý Văn Giàng, thôn Đồng Luông, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn - một trong hai người đứng đầu, cốt cán trên địa bàn huyện đồng ý dỡ bỏ phông trắng biểu tượng của tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình.
Thượng úy Đặng Nho Hòa, Phó Đội trưởng Đội 2, Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Bắc Kạn kể, ông Lý Văn Giàng đã tin theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình suốt 33 năm, trước đây luôn chống đối cơ quan chức năng và mỗi lần tiếp xúc với cơ quan Công an rất dè chừng.
Sau khi Dương Văn Mình chết (cuối năm 2021), ông Giàng bắt đầu cởi mở hơn và chia sẻ về quá trình đi theo "tổ chức" này. Là người gốc Cao Bằng, từ năm 1989 ông Giàng đã được anh em họ hàng tuyên truyền về tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, sau đó về Võ Nhai (Thái Nguyên) rồi Chợ Mới (Bắc Kạn) sinh sống thì ông vẫn tin theo và là người cầm đầu nhóm hơn 30 người, toàn là con, cháu trong nhà.
Ngày 14/6/2022, Tổ công tác Phòng An ninh nội địa Công an tỉnh Bắc Kạn gồm Thiếu tá Ma Thanh Tùng, Phó trưởng phòng, Tổ trưởng; Thượng úy Đặng Nho Hòa, Thiếu tá Dương Thành Công phối hợp với Công an huyện Chợ Mới, Công an xã Quảng Chu đến tận nhà tiếp xúc, tuyên truyền, vận động ông Giàng. Liên tục trong hai tuần, Tổ công tác không dưới 10 lần thăm hỏi, động viên, vận động, thuyết phục ông Giàng không theo tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình. Chiều 1/7, Thiếu tá Ma Thanh Tùng và cán bộ Đội An ninh Công an huyện Chợ Mới tiếp tục vào gặp, đặt vấn đề xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình trên địa bàn huyện Chợ Mới.
Đến ngày 4/7, ông Giàng đồng ý dỡ bỏ tấm phông trắng, thay bằng bức ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh do Tổ công tác trao tặng, đồng thời chia sẻ cảm kích về những thay đổi do Đảng, Nhà nước đem lại cho cuộc sống của người Mông trên địa bàn... "Khoảnh khắc thay ảnh chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, ông Giàng thể hiện sự tôn kính đối với Bác khi vào nhà thay quần áo lịch sự hơn và thành tâm chụp ảnh bên cạnh ảnh Bác", Thượng úy Đặng Nho Hòa thông tin.
Đánh giá về kết quả bước đầu công tác đấu tranh, ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình, đồng chí Phương Thị Thanh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn cho biết, Công an tỉnh Bắc Kạn đã triển khai các kế hoạch, chỉ thị của Bộ Công an và Tỉnh ủy Bắc Kạn một cách chi tiết, cụ thể, có sự phân loại đối tượng và xác định địa bàn để có phương pháp phù hợp. Giao nhiệm vụ cho Công an huyện, Công an xã tổ chức gặp gỡ, trực tiếp đấu tranh, tham mưu cho tỉnh rất sát trong quá trình thực hiện; thành lập các Tổ công tác xuống các địa bàn trọng điểm.
"Để tiến tới xóa bỏ hoàn toàn tổ chức này, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chứ không thể xem chỉ là việc của lực lượng Công an. Đồng thời, phải xác định việc ký cam kết chỉ là thủ tục bước đầu về mặt hành chính, quan trọng là sau đó họ phải từ bỏ hẳn, thì đòi hỏi quá trình dài", Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bắc Kạn Phương Thị Thanh nêu rõ.