Thủ đoạn bóp méo sự thật công tác hỗ trợ chống dịch COVID-19
- Thủ đoạn thổi phồng việc người Trung Quốc nhập cảnh trái phép để công kích chế độ
- Vạch trần âm mưu, thủ đoạn lợi dụng vấn đề dân tộc để hình thành “nhà nước Mông”
- Tự tin xoá bỏ xuyên tạc
Dịch COVID-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 7 vừa qua đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường, gây trở ngại cho sự phát triển các mặt đời sống xã hội. Đảng, hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, các cấp, các ngành cùng nhân dân đã và đang đồng sức, đồng lòng, quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh.
Vậy mà, các đối tượng phản động, cơ hội chính trị lại đặt điều xuyên tạc, phát tán những thông tin sai lệch về tình hình dịch bệnh, trong đó có công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do dịch gây ra nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta.
Nhận diện thủ đoạn
Trong đợt dịch COVID-19 bùng phát trở lại, các thế lực thù địch đã tăng cường đăng tải, tán phát nhiều thông tin xuyên tạc, bóp méo sự thật về tình hình dịch bệnh tại Việt Nam; họ vin vào những khó khăn, bất cập trong thực hiện việc hỗ trợ do dịch gây ra ở một số địa phương để quy kết, bôi nhọ Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương, tác động xấu đến tâm lý nhân dân, gây hại tới an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội.
Việt Tân xuyên tạc công tác hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả do dịch COVID-19 gây ra. |
Để hoàn thành mục đích trên, họ triệt để khai thác tính năng lan tỏa nhanh của internet thông qua các trang mạng xã hội như: youtube, facebook, blog… để tán phát nhiều bài viết, hình ảnh, video clip có nội dung tuyên truyền xuyên tạc, sai sự thật. Điển hình là: Trên facebook của tổ chức phản động Việt Tân đã chia sẻ bài viết: “Hà Nội: Nhà giàu nhận hỗ trợ, hộ nghèo trắng tay”, hay trên trang facebook TNCG đăng tin: “Đảng nhận viện trợ quốc tế mà để dân chờ mãi chẳng thấy gì”…
Thực tế, hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đã nhanh chóng, linh hoạt, kịp thời trong lãnh đạo, chỉ đạo; nghiêm túc, chặt chẽ, hiệu quả trong triển khai tổ chức thực hiện công tác phòng chống cũng như hỗ trợ khắc phục hậu quả do ảnh hưởng dịch COVID-19 gây ra.
Trước những nguy hại từ dịch COVID-19, ngày 30/3/2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã ra Lời kêu gọi đồng bào, đồng chí, chiến sĩ cả nước và đồng bào ta ở nước ngoài đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm chiến thắng đại dịch COVID-19.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam từ Trung ương tới địa phương đã vận động các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước, đồng bào ta ở nước ngoài tiếp tục tham gia ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Để chia sẻ khó khăn với người dân, dù Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg bắt đầu có hiệu lực từ ngày 24/4/2020, song các chế độ quy định tại quyết định này được áp dụng luôn từ ngày 1/4/2020.
Nhằm đôn đốc hoàn thành tiến độ triển khai Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Công điện số 05/CĐ-LĐTBXH, đề nghị các tỉnh, thành phố tập trung cao độ triển khai nhằm cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ các đối tượng trong tháng 6/2020.
Đẩy mạnh triển khai công tác chi trả tiền hỗ trợ người lao động trong danh sách đã được rà soát, phê duyệt theo đúng quy định, nhất là người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Bên cạnh đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đề nghị xử lý nghiêm hành vi lợi dụng, trục lợi chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Tăng cường xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ qua dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia nhằm rút ngắn thời gian, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng trong quá trình xác nhận và phê duyệt hồ sơ. Xây dựng cơ sở dữ liệu về các đối tượng hỗ trợ, cập nhật thông tin báo cáo trên hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ…
Những con số biết nói
Tính đến đầu tháng 6/2020, theo thống kê, cả nước có 71.525 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động được nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng. Số đối tượng được hỗ trợ mở rộng là 25.247 người, với kinh phí hơn 27,6 tỷ đồng. Đây là con số cụ thể mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết 42/NQ-CP và Quyết định 15/2020/QĐ-TTg về các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo, cả nước có 14 địa phương chi trả hỗ trợ cho gần 73.000 đối tượng là người lao động, hộ kinh doanh với kinh phí hỗ trợ gần 70 tỷ đồng. Trong đó, 71.525 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động, chủ yếu là hỗ trợ người bán lẻ xổ số lưu động. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng duyệt chi hỗ trợ cho 418 lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không lương, hỗ trợ 1.132 hộ kinh doanh có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng.
6 địa phương đã chủ động mở rộng đối tượng hỗ trợ so với Nghị quyết 42, Quyết định 15, thực hiện theo Nghị quyết của HĐND tỉnh, thành phố, gồm: Quảng Ninh, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng.
Nhóm đối tượng mở rộng được 6 địa phương trên chi hỗ trợ là: Người có công, đối tượng bảo trợ xã hội đang nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội trong và ngoài công lập, gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng, hộ gia đình, cá nhân nhận nuôi dưỡng người khuyết tật, trẻ mồ côi không nơi nương tựa, giáo viên, nhân viên trường mầm non, phổ thông ngoài công lập. Các địa phương tăng cường công tác hướng dẫn, hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục nhanh chóng, đúng quy định, nhất là doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người lao động.
Thực hiện Nghị quyết số 42 với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, “tương thân tương ái”, đến nay, các địa phương đã từng bước tháo gỡ khó khăn, khắc phục bất cập, triển khai đồng bộ, quyết liệt, thận trọng và trách nhiệm, đảm bảo các gói hỗ trợ đến tay người dân, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, góp phần ổn định tình hình chính trị - xã hội tại các địa phương.
Những nỗ lực, cố gắng không biết mệt mỏi cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ, đồng bộ, toàn diện của cả hệ thống chính trị; sự đoàn kết, quyết tâm của mỗi người dân Việt Nam đã làm cho truyền thống dân tộc luôn tỏa sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, tạo nền tảng, cơ sở vững chắc để Việt Nam chiến thắng dịch. Đó là những nghĩa cử cao đẹp được nhân lên từng ngày, từng giờ bằng những đóng góp cả về vật chất lẫn tinh thần.
Tất cả các đóng góp về vật chất của tập thể, cá nhân và các khoản viện trợ trong nước hay quốc tế đều được phân bổ hợp lý, thực hiện theo nguyên tắc công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không để bỏ sót, nhầm đối tượng.
Việc thông tin: “Hà Nội: Nhà giàu nhận hỗ trợ, hộ nghèo trắng tay”, “Đảng nhận viện trợ quốc tế mà để dân chờ mãi chẳng thấy gì”... của các tổ chức phản động, cơ hội chính trị là bóp méo sự thật, kích động nhằm gây ra sự hoài nghi, làm giảm sút lòng tin của quần chúng nhân dân vào Đảng, Nhà nước. Đối với các tồn tại, chúng ta kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các sai phạm, chấn chỉnh biểu hiện tiêu cực.
Quá trình triển khai, tại một số địa phương, dư luận phản ánh về đối tượng nhận hỗ trợ không đúng, thủ tục rườm rà. Như tại Thanh Hóa, một số thôn của huyện Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương có hiện tượng vận động người dân không nhận tiền hỗ trợ, điền thông tin vào mẫu in sẵn. Tại xã Thiệu Thành, Thiệu Hóa phát hiện tình trạng đưa tên người nhà của lãnh đạo xã vào danh sách hộ cận nghèo.
Tuy nhiên, những hiện tượng này là thiểu số và khi phát hiện, cơ quan chức năng đã chỉ đạo xử lý, chấn chỉnh kịp thời, hoàn toàn không phải “ngó lơ” để nhà giàu nhận hỗ trợ COVID-19 như thông tin xuyên tạc, kích động.