Sức sống của Cách mạng Tháng Mười phá vỡ mọi mưu đồ xuyên tạc

Thứ Hai, 09/11/2015, 08:07
Các nước xã hội chủ nghĩa kiên trì sự nghiệp cải cách, đổi mới, vượt qua thử thách, vươn lên giành nhiều thành tựu mới là bằng chứng chân thực để bác bỏ các luận điệu thù địch phủ nhận giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười.

Sau sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô (quê hương của Cách mạng Tháng Mười), sự chống phá chủ nghĩa xã hội của các thế lực thù địch càng trở nên quyết liệt hơn. Chúng lớn tiếng công kích, bôi nhọ, phủ nhận ý nghĩa và tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười và cho rằng, đó chỉ là “cuộc nổi dậy mang tính chất Nga thuần túy”, là “bước nhảy liều lĩnh vào một lĩnh vực chưa ai biết đến”, “một cuộc bạo động phản dân chủ”...

Các phần tử chống cộng còn hí hửng tuyên bố về “Sự kết thúc của lịch sử”, sự “cáo chung” của chủ nghĩa xã hội hiện thực; do sự “lạc hậu, lỗi thời” của chủ nghĩa Mác – Lênin… Chúng cố tình đồng nhất sự sụp đổ mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Đông Âu và Liên Xô với sự thất bại của chủ nghĩa Mác - Lênin, cáo chung của chủ nghĩa xã hội, còn chủ nghĩa tư bản mới là hình thái kinh tế - xã hội cao nhất, là tồn tại vĩnh hằng, đỉnh cao của văn minh nhân loại. Mặt khác, chúng tung ra nhiều lý thuyết về cái gọi là “Chủ nghĩa xã hội dân chủ”, “Chủ nghĩa xã hội phi mác-xít”...; ra sức khuếch trương cho “tính đúng đắn” của đường lối cải lương tư sản về “sự chuyển hóa dần dần” từ chủ nghĩa tư bản sang chủ nghĩa xã hội; cổ súy cho cái gọi là “đa nguyên, đa đảng”, phủ nhận các nguyên tắc mác-xít về Đảng Cộng sản lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa...

Trên thực tế, cả lý luận và thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội đã bác bỏ những luận điệu sai trái, thù địch đó. Cách mạng Tháng Mười không phải là một hiện tượng thuần Nga, càng không phải là sản phẩm được tạo ra từ sự cuồng nhiệt của ý chí chủ quan, không tưởng của một cá nhân nào đó, như kẻ thù thường rêu rao, xuyên tạc, bóp méo lịch sử, mưu toan xóa bỏ ảnh hưởng, tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Mười đối với tiến trình phát triển của lịch sử nhân loại.

Hiện nay, trước sự phát triển nhanh chóng của kinh tế tri thức, xu hướng toàn cầu hóa, giai cấp tư sản tận dụng sự phát triển đó để nâng cao năng suất lao động, phân hóa giai cấp công nhân thành các tầng lớp “công nhân cổ xanh”, “công nhân cổ trắng”,... có mức sống chênh lệch nhau ngày càng lớn. Bộ phận công nhân có thu nhập cao dễ thỏa hiệp với giới chủ, giảm nhiệt tình đấu tranh cách mạng. Tuy vậy, bán sức lao động vẫn là phương thức tồn tại, đặc điểm cơ bản của giai cấp công nhân và chiếm đoạt giá trị thặng dư vẫn là nguồn sống cơ bản của giai cấp tư sản. Điều đó, chứng thực quan điểm của C. Mác rằng, xác thịt của tư bản có thể thay đổi nhưng bản chất bóc lột giá trị thặng dư của nhà tư bản thì không hề thay đổi. Chừng nào xã hội còn áp bức, bóc lột, bất công, chừng đó nhân loại còn phải tiếp tục đấu tranh cho một xã hội tự do, dân chủ, không còn áp bức, bóc lột, bất công. Do vậy, báo hiệu sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản và thắng lợi của chủ nghĩa xã hội là tất yếu như nhau. Hơn nữa, sức sống, giá trị thời đại của Cách mạng Tháng Mười vẫn tiếp tục được khẳng định trong sự nghiệp đổi mới, cải cách ở các nước xã hội chủ nghĩa còn lại, kiên trì con đường đi lên chủ nghĩa xã hội với gần 1,5 tỷ người. Những thành tựu to lớn ở các nước xã hội chủ nghĩa là tác nhân thúc đẩy nhanh chóng sự phục hồi, phát triển của phong trào cách mạng trên thế giới như phong trào cánh tả ở Mỹ - Latinh. Chính phủ nhiều nước do các đảng cánh tả cầm quyền đã tuyên bố quyết tâm “vượt qua chủ nghĩa tư bản”, xây dựng đất nước theo mô hình “Chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI” vì lợi ích của quảng đại quần chúng nhân dân lao động. Cách mạng là sáng tạo. Chủ nghĩa Mác - Lênin xa lạ với những lý thuyết xơ cứng, giáo điều, thoát ly cuộc sống. Theo chỉ dẫn của V.I. Lênin: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đó xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”. Để lý luận cách mạng được vận dụng thắng lợi vào cuộc sống trong thời đại hiện nay, nhất thiết phát huy tinh thần nỗ lực, sáng tạo cách mạng của khối quần chúng đông đảo, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.

Đi theo con đường Cách mạng Tháng Mười, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và lãnh tụ Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam hơn 85 năm qua đã giành được những thắng lợi to lớn mang tính bước ngoặt lịch sử. Hiện nay, cục diện thế giới đang có những biến động sâu sắc, tác động mạnh mẽ tới sự nghiệp đổi mới ở nước ta. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta càng phải nỗ lực phấn đấu để tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững theo con đường Xã hội chủ nghĩa. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta kiên trì sự nghiệp đổi mới, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội là tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Cách mạng Tháng Mười đã vạch ra; phù hợp với thực tiễn Việt Nam và xu thế phát triển của lịch sử. Xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng là một xã hội:Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Để đạt tới mục tiêu cao cả đó, tất yếu phải trải qua nhiều chặng đường khó khăn, gian khổ với những bước đi, hình thức phù hợp trong suốt thời kỳ quá độ. Tiếp tục phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy nhân tố con người, quan tâm tới lợi ích, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thấm nhuần sâu sắc bài học “lấy dân làm gốc” của Đảng, mỗi tổ chức, cán bộ, đảng viên tu dưỡng, rèn luyện trở thành cán bộ gương mẫu, thực sự là “công bộc” của dân.

Sức sống của Cách mạng Tháng Mười Nga mãi mãi đi cùng năm tháng, cổ vũ cho tinh thần đấu tranh không mệt mỏi để xây dựng một xã hội mới - xã hội xã hội chủ nghĩa của phong trào cách mạng trên toàn thế giới trong thời đại ngày nay. Mọi mưu đồ xuyên tạc của những kẻ thù địch hòng hạ thấp, xóa bỏ giá trị, ý nghĩa thời đại của cuộc Cách mạng đó cần phải lên án, bác bỏ.

PGS, TS. Phạm Văn Nhuận
.
.
.