Phòng, chống “Diễn biến hòa bình”

Sự thất bại của những mưu đồ chống phá

Thứ Hai, 27/06/2016, 08:08
Với bản chất, mưu đồ chống phá cách mạng Việt Nam, thời gian qua, các thế lực thù địch, cơ hội chính trị tìm cách công kích cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.


Thông qua các trang mạng xã hội, chúng rêu rao rằng công tác bầu cử ở Việt Nam “thiếu dân chủ và minh bạch”; việc kiểm duyệt kết quả bầu cử chưa được công khai, không có sự giám sát; kết quả bầu cử thường được “sắp đặt” để không đi chệch hướng…

Từ chỗ lúc đầu chúng tuyên truyền, cổ súy cho số ứng cử tự do và khi số người này không được tín nhiệm vào danh sách bầu cử thì quay sang vận động tẩy chay bầu cử, xuyên tạc công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức bầu cử của Đảng, Nhà nước ta. Thậm chí, chúng còn tán phát ứng dụng “lá phiếu” (dùng cho các thiết bị Android) kêu gọi người dân cài đặt và tự do bầu chọn, sau đó công bố “kết quả” trên mạng internet.

Lợi dụng sự kiện cá chết hàng loạt tại các tỉnh ven biển miền Trung, tình hình Biển Đông, chúng kích động biểu tình, trưng biểu ngữ, hô khẩu hiệu, gây rối, làm mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở một số địa phương, nhất là Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Các đối tượng vu cáo Đảng và Nhà nước ta bao che cho Fomosa trong thảm họa môi trường tại các tỉnh ven biển miền Trung; kích động khoét sâu mâu thuẫn trong quan hệ Việt – Trung, làm giảm niềm tin của người dân đối với chính quyền.

Thông qua các trang mạng xã hội, chúng lan truyền thông tin rằng “Fomosa là của Trung Quốc, được Trung Quốc hậu thuẫn để hủy hoại môi trường Việt Nam”. Sau khi các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp để giữ ổn định tình hình trước ngày bầu cử thì đại diện 15 “tổ chức xã hội dân sự” cùng ký tên và đưa ra cái gọi là “bản lên tiếng về các vụ trấn áp người biểu tình bảo vệ môi trường”.

Trong đó, họ lên án chính quyền Việt Nam đàn áp các cuộc tuần hành vì môi trường; hạn chế quyền dân sự, chính trị, kinh tế và văn hóa của công dân; yêu cầu Chính phủ Việt Nam phải công bố công khai số liệu thiệt hại từ thảm họa môi trường và tạo mọi điều kiện cho các “tổ chức xã hội dân sự” điều tra độc lập về thảm họa này...

Nhìn vào thời điểm và cách thức tổ chức các cuộc tụ tập vừa qua cho thấy, đây chỉ là nguyên cớ để họ hợp thức hóa các cuộc tụ tập đông người nhân danh yêu nước, thương đồng bào ngư dân miền Trung nhằm kích động, phá hoại cuộc bầu cử.

Có thể nói, việc chống phá của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị đối với cuộc bầu cử vừa qua là hết sức quyết liệt, có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, tổ chức tập dượt, tổng duyệt kỹ lưỡng chờ cho ngày khai hỏa.

Với sự chuẩn bị đó, chúng hy vọng sẽ làm cho cuộc bầu cử của ta thất bại hoặc nếu có thành công thì cũng không được như mong muốn, chẳng hạn như tỷ lệ cử tri đi bầu sẽ không cao và số đại biểu “cứng” trúng cử sẽ không nhiều…

Trên thực tế, người dân đã coi cuộc bầu cử là ngày hội lớn của đất nước để họ thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình, được cầm lá phiếu lựa chọn ra những đại biểu đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong cơ quan Nhà nước cao nhất Trung ương và địa phương.

Cuộc bầu cử lần này số cử tri đi bầu chiếm tới 98,79%, quá trình bầu cử diễn ra thực sự dân chủ, đúng luật, an toàn, tiết kiệm. Theo kết quả bầu cử: số tín nhiệm của cử tri với đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân là rất tập trung.

Một số nơi bầu thiếu số lượng đại biểu theo quy định được Hội đồng Bầu cử Trung ương cho phép bầu cử bổ sung theo đúng quy định của luật và quy chế bầu cử. Nhờ đó, cử tri đã lựa chọn bầu được những người đủ tiêu chuẩn, không có chuyện “sắp đặt” kết quả bầu cử như các thế lực thù địch, cơ hội chính trị thường rêu rao trên các báo mạng!

Một điều đáng chú ý là, bầu cử diễn ra đúng vào thời điểm Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Barack Obama thăm chính thức Việt Nam. Lợi dụng điều đó, các thế lực thù địch tập trung vào công kích làm giảm uy tín của Đảng, Nhà nước ta, coi đây là “một mũi tên trúng hai đích” để phục vụ cho mưu đồ chống phá.

Một số tổ chức, cá nhân đã kêu gọi Tổng thống Mỹ đưa vấn đề “dân chủ và nhân quyền” trong nghị sự của chuyến thăm nhằm tạo áp lực buộc Việt Nam “trả tự do” cho những kẻ phạm pháp được chúng gọi là “tù nhân lương tâm” đang bị giam giữ. Thậm chí, có kẻ còn cho rằng, sau chuyến thăm, Việt Nam sẽ phải… chấp nhận xã hội dân sự và công đoàn độc lập!

Thật nực cười và thương thay cho ai đó có ảo tưởng, ngộ nhận về những điều khôi hài, nó trái ngược với những gì đang hiện hữu trên đất nước Việt Nam. Kết quả của chuyến thăm đã thể hiện rõ trong Thông cáo chung Việt Nam - Hoa Kỳ, được các phương tiện thông tin đại chúng đăng tải rộng rãi, trái với suy nghĩ mơ hồ của các đối tượng.

Với sự thành công của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 và chuyến thăm của Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ vừa qua cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đất nước Việt Nam đang có sự ổn định và phát triển; khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng được tăng cường; niềm tin của nhân dân với Đảng, chế độ được củng cố.

Đất nước đang trong quá trình đổi mới, thể chế nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đang dần hoàn thiện đã tạo ra thời cơ, thuận lợi, phát huy tiềm năng, thế mạnh cho sự nghiệp phát triển…

Trong dòng chảy lịch sử đã và đang được cộng đồng quốc tế ghi nhận, những tiếng nói ngược chiều, “chọc gậy bánh xe” trở nên lạc lõng và lộ rõ chân tướng chống phá Việt Nam của các thế lực thù địch.

Tráng Lâm
.
.
.