Thực hiện Nghị quyết hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”

Phê phán luận điểm Đảng Cộng sản Việt Nam không thể chống tham nhũng, suy thoái

Thứ Ba, 21/02/2017, 08:03
Nước ta, từ khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, tuy còn là nước nghèo, kinh tế chậm phát triển, dân trí thấp, phải vừa kháng chiến vừa kiến quốc, vừa đấu tranh giải phóng miền Nam, vừa xây dựng, bảo vệ miền Bắc, nhưng dưới chế độ mới, Đảng, Nhà nước đã thực hiện những quyền tự do dân chủ căn bản cho nhân dân, tạo nên cuộc sống chính trị, tinh thần rất tốt đẹp, nhân dân ta đã không còn bị áp bức, bóc lột, thực sự làm chủ vận mệnh của mình.


Trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái, Đảng, Nhà nước đã ban hành cơ chế, tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia như chế độ tiếp dân, đường dây nóng ở các công sở hành chính sự nghiệp để nhân dân trực tiếp phản ánh biểu dương người tốt, việc tốt, tố cáo những hành vi quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu, vi phạm quyền dân chủ của nhân dân.

Tuy việc này còn có hạn chế nhất định nhưng ý kiến của cử tri qua các cơ quan dân cử, sự giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp, sự điều tra, thông tin của các cơ quan thông tin đại chúng, nhiều công dân dũng cảm đứng lên tố giác những hành vi tham nhũng, suy thoái của tổ chức đảng, chính quyền, các cán bộ, đảng viên… đã góp phần tích cực, có hiệu quả vào cuộc đấu tranh này; nhiều vụ tham nhũng, suy thoái đã được xử lý kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước xét xử nghiêm minh.

Như thế, nói rằng vì xã hội ta thiếu dân chủ nên không thể chống tham nhũng thành công chỉ là sự suy diễn chủ quan với dụng ý chống phá.

Trong chiến tranh, do phải tập trung vào công cuộc kháng chiến, Đảng và Nhà nước chưa có điều kiện ngăn chặn kịp thời những hiện tượng tiêu cực xã hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có ý tưởng là sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì việc cần làm ngay là chỉnh đốn Đảng.

Vì quá nhiều việc sau chiến tranh và chưa đánh giá được chiều hướng gia tăng, mức độ nguy hại của tệ nạn tham nhũng, suy thoái trong cán bộ, đảng viên, nên công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng tuy vẫn làm thường xuyên nhưng việc thực hiện chưa được kiên quyết và hiệu quả.

Ở nước ta, khi cách mạng chuyển giai đoạn, cuộc sống trong hòa bình xây dựng đất nước, cộng thêm sự chống phá của các thế lực thù địch và sự tác động của mặt trái cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế, làm xuất hiện sự phức tạp về tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên được trao cương vị quản lý kinh tế, xã hội.

Từ mấy thập niên gần đây, nạn tham nhũng, suy thoái gia tăng, biểu hiện rõ nhất là: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc”. (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XI).

Đại hội lần thứ X, lần thứ XI, lần thứ XII của Đảng, khi kiểm điểm công tác xây dựng Đảng, đều đánh giá nghiêm khắc những khuyết điểm, yếu kém của Đảng, trong đó có nạn tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một số cán bộ, đảng viên; đồng thời nêu lên mục tiêu, quan điểm, phương châm, giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn trên.

Đặc biệt Hội nghị Trung ương lấn thứ 4 (khóa XI), đã ra nghị quyết chuyên đề Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, xác định tập trung cao độ thực hiện tốt ba vấn đề cấp bách, trong đó vấn đề “đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên , trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, củng cố niềm tin của đảng viên và của nhân dân đối với Đảng”.

Qua đó có thể thấy rõ, Đảng đã sớm nhận thức được tình hình, đánh giá đúng tính chất nguy hiểm của tệ nạn, công khai thừa nhận và quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi hiện tượng tiêu cực đó.

Nhìn nhận một cách khách quan, từ Đại hội X của Đảng đến nay, nhất là từ Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), vấn đề chống tham nhũng, suy thoái luôn là vấn đề có tính thời sự trong xã hội.

Đảng Cộng sản Việt Nam đã phát động và lãnh đạo cuộc đấu tranh chống tệ nạn đó. Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng đã đạt được một số kết quả, nhưng một số việc chưa đạt mục tiêu yêu cầu đề ra.

Để tăng cường nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Hội nghị Trung ương 4 khóa XII (khoá XII) đã ra Nghị quyết về tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng - chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI: “Việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về xây dựng Đảng tạo được những chuyển biến tích cực trong hệ thống chính trị”.

“Công tác đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đạt được một số kết quả”. Tuy nhiên, việc thực hiện Nghị quyết,“một số việc chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra”...

Vượt qua tâm trạng bức xúc trước các hiện tượng tiêu cực xã hội dễ làm người ta nhìn nhận thực tiễn thiếu khách quan, cần có cách đánh giá khách quan cả mặt làm được và mặt chưa làm được của cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái những năm vừa qua, kể từ Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) đến nay.

Rõ ràng là mấy năm gần đây, tệ nạn tham nhũng chưa bị đẩy lùi nhưng đã ngăn chặn được sự lây lan. Trước sự kiểm tra, xử lý nghiêm theo kỷ cương, kỷ luật Đảng và pháp luật Nhà nước cũng như sự mạnh dạn đấu tranh, tố giác của nhân dân, những kẻ tham nhũng, suy thoái đã phải dè chừng, có phần e ngại, lo sợ bị phát hiện, xử lý, không dám hành động trắng trợn như trước.

Số cán bộ, đảng viên phạm vào tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống có người được giáo dục, đấu tranh đã từ bỏ quan điểm sai trái của mình, trở về đội ngũ, giảm tình trạng thách thức dư luận, hách dịch, cửa quyền, phô trương giàu có, ăn chơi sa đọa…

Các cơ quan hành chính sự nghiệp đã có nhiều cải cách hành chính, nâng cao tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân; các bệnh viện tăng cường trang thiết bị y tế, nâng cao y đức phục vụ người bệnh ngày một tốt hơn; các trường học cũng chấn chính việc học thêm dạy thêm, thi cử chạy theo thành tích…

Rõ ràng là người dân có hài lòng hơn trước về chất lượng phục vụ của cơ quan, cán bộ công chức, viên chức nhà nước. Các hiện tượng tham nhũng cũng có chiều hướng được ngăn chặn.

Điều đó nói lên rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái vừa qua, tuy chuyển biến chậm, chưa đạt mục tiêu, yêu cầu đề ra, nhưng đã có kết quả bước đầu. Đó là điều không thể phủ nhận.

Viện dẫn một luận chứng không đúng sự thật để kết luận rằng “cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái hiện nay của Đảng Công sản Việt Nam không thể thành công” là không khách quan.

Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) đã nhận diện rất cụ thể những biểu hiện suy thoái, xác định mục tiêu, quan điểm, các nhóm giải pháp và việc tổ chức thực hiện.

Qua đó thể hiện Đảng xác định quyết tâm chính trị, cả xã hội có sự chuyển mình, cả hệ thống chính trị cùng toàn dân quyết tâm vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái.

Một bài học kinh nghiệm trong lịch sử Đảng và lịch sử cách mạng nước ta, khi Đảng với bản lĩnh vững vàng, trí tuệ sáng suốt, có đường lối cách mạng đúng đắn, đáp ứng yêu cầu của lịch sử, được lòng dân, Đảng với dân nhất trí, đồng lòng thì mọi việc dù khó khăn đến mấy, kể cả những khi tình thế cách mạng, vận mệnh dân tộc lâm nguy, cũng sẽ đi tới thành công.

Luận điểm Đảng Cộng sản không thể đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái thành công với những luận chứng chủ quan, võ đoán rõ ràng không phải là một luận điểm khoa học mà chỉ là luận điệu xấu nhằm gieo rắc, lan truyền gây hoang mang, mất niềm tin vào cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái.

PGS, TS Vũ Như Khôi, Viện Khoa học xã hội nhân văn quân sự - Bộ Quốc phòng
.
.
.