Nhận diện và đấu tranh phòng, chống biểu hiện của “tư duy nhiệm kỳ” ở nước ta trong giai đoạn hiện nay

Thứ Năm, 14/02/2019, 08:19
Nhiệm kỳ của cán bộ, lãnh đạo các cấp ở nước ta hiện nay thông thường là 5 năm. Khoảng thời gian đó tuy không quá dài, nhưng cũng đủ để Nhà nước, xã hội và nhân dân đánh giá được tư chất, năng lực của cán bộ, lãnh đạo một cách cụ thể, khách quan. Dù sớm hay muộn, hành vi đi ngược lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp cả tổ chức, cá nhân cũng sẽ bị vạch trần.


Bài cuối: Nâng cao hiệu quả đấu tranh với “tư duy nhiệm kỳ”

Đấu tranh với “tư duy nhiệm kỳ” là vấn đề mang tính chiến lược, cấp bách nhưng không phải dễ dàng. Để thực hiện mục tiêu xóa bỏ “tư duy nhiệm kỳ”, thời gian tới, các ngành, các cấp cần quan tâm thực hiện tốt một số vấn đề sau:

Một là, nhận thức đúng bản chất, tính nguy hiểm, dấu hiệu nhận diện, hậu quả… của “tư duy nhiệm kỳ”; quán triệt đầy đủ những quan điểm chỉ đạo trong đấu tranh với “tư duy nhiệm kỳ”; tuyên truyền, phổ biến cho mọi tầng lớp nhân dân, mọi cán bộ, đảng viên hiểu rõ và thấy rõ ý thức trách nhiệm của bản thân trong công tác đấu tranh đẩy lùi thực trạng trên; tiếp tục phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, rà soát, kiểm tra, chấn chỉnh công tác cán bộ, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng; hoàn thiện các cơ sở pháp lý để phòng ngừa, đấu tranh với cán bộ, lãnh đạo có “tư duy nhiệm kỳ”, trước hết tập trung hoàn thiện các Nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Bộ luật Hình sự, Luật Quy hoạch, Luật Cán bộ, công chức…

Hai là, kịp thời khắc phục những sơ hở, thiếu sót mà các cá nhân trên lợi dụng trong thời gian qua để quy hoạch, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển… người sai quy định nhằm trục lợi cá nhân, kéo bè kết phái; kiên quyết xóa bỏ cơ chế “xin - cho” trong công tác quản lý hành chính; thu hồi các quyết định bổ nhiệm hoặc triển khai các dự án trái pháp luật, kiên quyết xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm, cán bộ, lãnh đạo có “tư duy nhiệm kỳ”; chỉ đạo thực hiện tốt việc thanh tra, kiểm tra, giám sát, kê khai tài sản theo quy định; đảm bảo tính dân chủ, minh bạch trong khâu tuyển sinh, tuyển công chức, trong công tác đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm… cán bộ; hoàn thiện cơ chế để bảo vệ sự an toàn và khuyến khích cán bộ, đảng viên tố cáo, vạch trần sai phạm, biểu hiện có liên quan đến “tư duy nhiệm kỳ” tại đơn vị mình công tác. 

Công tác đấu tranh với “tư duy nhiệm kỳ” cần đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất, trực tiếp, toàn diện của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, huy động sự ủng hộ và tham gia của mọi cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Ba là, tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt các chủ trương, quy định, biện pháp cụ thể về công tác chính trị, tư tưởng, đặc biệt là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII) về “tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng chính trị, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ”; Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với việc thực hiện Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 1-11-2011 của Ban Chấp hành Trung ương về “những điều đảng viên không được làm” và Quy định số 101 - QĐ/TW, ngày 7-6-2012 của Ban Bí thư về “trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp” để nâng cao nhận thức, khả năng “đề kháng” chống “tư duy nhiệm kỳ”, kiên quyết đấu tranh, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, “lợi ích nhóm”, “bệnh thành tích”, tư tưởng chủ quan, duy ý chí và cục bộ địa phương; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp trong sạch, vững mạnh; xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, dân chủ, đoàn kết trong từng cơ quan, đơn vị.

Bốn là, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, ban, ngành, đơn vị chuyên môn phải thật sự tiên phong, gương mẫu trong công việc cũng như trong cuộc sống; phải đặt lợi ích xã hội lên trên lợi ích cá nhân; có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư và trọng dụng nhân tài. Trên cơ sở đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước, cán bộ lãnh đạo cần vận dụng một cách sáng tạo, khoa học, đổi mới phương pháp làm việc, đồng thời phát huy dân chủ và khối đoàn kết tại đơn vị do mình phụ trách.

Nhiệm kỳ của cán bộ, lãnh đạo các cấp ở nước ta hiện nay thông thường là 5 năm. Khoảng thời gian đó tuy không quá dài, nhưng cũng đủ để Nhà nước, xã hội và nhân dân đánh giá được tư chất, năng lực của cán bộ, lãnh đạo một cách cụ thể, khách quan. Dù sớm hay muộn, hành vi đi ngược lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp cả tổ chức, cá nhân cũng sẽ bị vạch trần (thực tiễn đã chứng minh).

Tôi nghĩ rằng, đấu tranh với cán bộ có “tư duy nhiệm kỳ” không dễ dàng, bởi nó luôn được che đậy khéo léo dưới những vỏ bọc, hình thức hợp pháp, “đúng quy trình”, đồng thời cũng là vấn đề nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến công tác tổ chức cán bộ, thậm chí “đụng chạm” đến vấn đề nội bộ. Tuy nhiên, nếu cứ ngại việc “đụng chạm”, công tác đấu tranh với “tư duy nhiệm kỳ” sẽ không bao giờ có hồi kết, cuối cùng đó cũng chỉ là một cuộc đấu tranh mang tính hình thức, thậm chí trở thành cuộc đấu tranh mang chính đặc trưng của “tư duy nhiệm kỳ”...

Nguyễn Cao Thành (Đại học An ninh nhân dân)
.
.
.