Nhận diện thủ đoạn xuyên tạc công tác nhân sự nhà nước
- Kiên quyết đấu tranh phản bác những thông tin xuyên tạc, sai sự thật
- Luận điệu xuyên tạc mục tiêu hiện đại hóa lực lượng vũ trang
Tại Hội nghị Trung ương lần hai này, Bộ Chính trị đã đề nghị kiện toàn các chức danh chủ chốt thuộc các cơ quan Nhà nước trong kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIII từ ngày 21-3 đến 16-4. Về các chức danh lãnh đạo Nhà nước, Bộ Chính trị trình BCHTW quyết định việc giới thiệu nhân sự ứng cử ba chức danh Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội để Quốc hội khóa XIII bầu tại kỳ họp thứ 11.
Thế nhưng trên nhiều trang mạng tự gọi là “lề dân”, là người “bất đồng chính kiến” đã comment (“bình luận”) về các sự kiện nói trên nhằm xuyên tạc bản chất của sự việc, xuyên tạc việc làm công khai, minh bạch của Đảng Cộng sản Việt Nam. Họ cho rằng: “Miễn nhiệm Thủ tướng là vi hiến?”. Thậm chí có người còn gọi miễn nhiệm các chức danh chủ chốt của Nhà nước là “Coup d'éta” là một cuộc “đảo chính “hợp hiến”.
Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam dựa trên ba yếu tố: 1) Cương lĩnh, đường lối, chính sách; 2) Hệ thống tổ chức bộ máy của Đảng cùng với những quy định vận hành của bộ máy đó và 3) Bố trí nhân sự. Nói một cách cụ thể là bằng việc bố trí cán bộ, đảng viên của Đảng giữ các cương vị chủ chốt trong hệ thống chính trị nói chung, trong bộ máy Nhà nước các cấp nói riêng để trực tiếp lãnh đạo các cơ quan Nhà nước.
Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam 70 năm qua với các nhân tố nói trên đã đi vào nền nếp. Tuy nhiên Đảng lãnh đạo công tác nhân sự, bố trí cán bộ chủ chốt của Nhà nước theo quy định của Đảng, đồng thời cũng tôn trọng các quy định của Hiến pháp.
Cho rằng việc bố trí cán bộ của Đảng đối với Nhà nước là “vi hiến”, là “đảo chính hợp hiến” chỉ là thủ đoạn chính trị rẻ tiền, xuyên tạc sự thật.
Cho đến nay công tác nhân sự trong hệ thống chính trị các cấp được giao cho cấp ủy chịu trách nhiệm. Đối với các cơ quan Nhà nước ở Trung ương, công tác nhân sự do Bộ Chính trị, BCHTW chuẩn bị giới thiệu với Quốc hội xem xét, quyết định cuối cùng theo quy định của Hiến pháp.
Việc các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII được Bộ Chính trị, BCHTW giới thiệu đảm đương những chức danh chủ chốt của Nhà nước (bao gồm Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ) để Quốc hội bầu vào các chức danh nói trên tại kỳ họp 11, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII, là cần thiết và không có gì đặc biệt, bất thường.
Lãnh đạo Nhà nước là chức năng hàng đầu của Đảng. Bởi vậy công tác nhân sự Nhà nước đã được chuẩn bị ngay tại Đại hội XII. Công tác này trước hết được phân công trong nội bộ Đảng. Như mọi người đều biết, các đồng chí giữ chức danh Nhà nước như Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ khóa XIII đã được Đại hội XII chấp nhận nguyện vọng không ứng cử tiếp BCHTW khóa mới.
Nếu các đồng chí đó vẫn giữ cương vị cũ trong cơ quan Nhà nước cho đến Quốc hội khóa mới hình thành sau cuộc bầu cử tháng 5-2016 thì sẽ có không bảo đảm được nguyên tắc Đảng trực tiếp lãnh đạo các cơ quan Nhà nước. Vì vậy việc Đảng bố trí sớm cán bộ thay thế các chức danh chủ chốt cơ quan Nhà nước là cần thiết.
Trên thực tế, việc bầu cử thay thế một số chức danh chủ chốt của Nhà nước trước nhiệm kỳ (những chức danh chủ chốt của Nhà nước) đã từng có tiền lệ. Chẳng hạn tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khoá XI vào tháng 6-2006, Quốc hội cũng đã kiện toàn các chức danh lãnh đạo của Nhà nước như Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội... nghĩa là Quốc hội đã quyết định nhân sự thay thế các chức vụ này còn sớm hơn kỳ họp đầu tiên Quốc hội khóa XII một năm.
Tuy nhiên việc quyết định các nhân sự của Nhà nước và trình tự bầu chọn các chức danh cán bộ lãnh đạo Nhà nước xưa nay vẫn theo Hiến pháp quy định: Với Chủ tịch nước thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu. Với Thủ tướng Chính phủ thì Chủ tịch nước sẽ giới thiệu. Còn các đồng chí Phó chủ tịch nước thì Chủ tịch nước giới thiệu.
Các Phó Thủ tướng hay Bộ trưởng thì đồng chí Thủ tướng giới thiệu. Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì đồng chí Chủ tịch Quốc hội giới thiệu… Sau đó, Quốc hội sẽ họp đoàn để trao đổi, cần thiết sẽ lấy phiếu thăm dò, tập hợp phiếu lại ra Quốc hội họp phê chuẩn.
Hiến pháp, pháp luật Việt Nam không quy định cử tri trực tiếp bầu các chức danh chủ chốt Nhà nước. Như vậy việc bầu chọn các vị trí lãnh đạo chủ chốt Nhà nước tại kỳ họp 11 Quốc hội hiện nay không có nghĩa Quốc hội khóa XIII “tiếm quyền” của Quốc hội khóa XIV.
Công tác nhân sự tại kỳ họp thứ 11 chỉ nhằm tạo điều kiện thuận lợi để Quốc hội mới sớm bắt tay vào công việc của mình mà thôi. Sau cuộc bầu cử toàn quốc vào 22-5-2016, Quốc hội khóa XIV ra đời. Việc bầu cử các chức danh chủ chốt của Nhà nước sẽ được thực hiện theo quy định của Hiến pháp. Tất nhiên công tác chuẩn bị nhân sự của Đảng đối với Nhà nước do Đại hội XII đã làm vẫn còn nguyên giá trị đối với Quốc hội mới. Như vậy Quốc hội XIV sẽ quyết định cuối cùng nhân sự các chức danh chủ chốt của các cơ quan Nhà nước khóa mới (2016-2020).