Vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của các đối tượng phản động lợi dụng tôn giáo

Chủ Nhật, 16/04/2017, 08:37
Trên địa bàn các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, một số nơi bà con giáo dân bị kích động đã chống đối chính quyền, chia rẽ khối đại đoàn kết Lương-Giáo. Và mỗi lần xảy ra vụ việc thì Tòa Giám mục Giáo phận Vinh lại kêu gọi cầu nguyện, hiệp thông…

Bài 2: Mưu đồ chia rẽ khối đại đoàn kết Lương-Giáo


Nhiều linh mục, người có đạo cũng như cán bộ, nhân dân sống trên địa bàn các địa phương đều cho rằng, chính một số kẻ chủ chăn đội lốt chúa đang giật dây, kích động cố tình phá vỡ cuộc sống bình yên của người dân trên địa bàn; đồng thời cấu kết với các đối tượng phản động chống phá nhà nước, chống phá chế độ để thực hiện dã tâm, mưu đồ riêng.

Trở lại vụ việc, sáng 14-2-2017, khi linh mục Nguyễn Đình Thục và một số đối tượng kích động một số giáo dân xuống đường lấy cớ đi kiện Công ty Formosa, thì trong ngân hàng tài khoản của Nguyễn Đình Thục số tiền liên tục tăng do các đối tượng phản động gửi, có một số đối tượng còn đưa tiền tận tay cho Nguyễn Đình Thục và trước mặt đông đảo người dân, Nguyễn Đình Thục vẫn vô tư cầm tiền nhét vào túi áo.

Lấy cớ kích động người dân đi kiện Công ty Formosa nhưng thực chất các đối tượng phản động đang mưu đồ lợi ích cá nhân, chống phá cuộc sống bình yên của nhân dân.

Tiếp đó vào hồi 8h ngày 3-4-2017, với chiêu bài kích động gây rối tạo thanh thế, các đối tượng phản động đã kêu gọi gần 2.000 giáo dân thuộc xứ Trung Nghĩa, xã Thạch Bằng, huyện Lộc Hà và giáo họ Kim Đôi, Trung Cự, xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà mang theo băng rôn, khẩu hiệu, loa thùng kéo đến UBND huyện Lộc Hà để khiếu nại, đòi bồi thường thiệt hại sự cố môi trường biển, vu cáo Công an đánh dân. Nhiều đối tượng quá khích đã kéo vào phòng làm việc trong trụ sở treo băng rôn biểu ngữ, cắm cờ hội, ngăn cản hoạt động của toàn bộ cơ quan UBND huyện. 

Lúc 10h30, một số đối tượng cầm đầu vụ việc hô hào vu khống "Công an ném đá vào dân" rồi tạo cớ đánh và giữ đồng chí Nguyễn Bảo Trung, cán bộ Công an Hà Tĩnh đang làm nhiệm vụ tại hiện trường và bao vây không cho đưa đi cấp cứu. Đến 14h cùng ngày, sau khi được cấp ủy, chính quyền các cấp tuyên truyền vận động, giải thích, số người quá khích mới chịu cho đưa đồng chí Trung đi cấp cứu và sau đó mới chịu giải tán.

Cũng cần nói rõ sự cố môi trường biển miền Trung xảy ra vào tháng 4-2016 do Công ty Formosa Hà Tĩnh gây ra gây thiệt hại nặng nề cho bà con ngư dân 4 tỉnh miền Trung gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế. Sau sự cố môi trường biển, Chính phủ và các cấp chính quyền, đoàn thể các địa phương đã nhanh chóng vào cuộc để xác định nguyên nhân, động viên, giúp đỡ nhân dân và buộc Công ty Formosa bồi thường. 

Nhiều cán bộ từ Trung ương đến địa phương liên quan đến vụ việc đã bị xử lý kỷ luật tùy theo các trường hợp cụ thể. Sau gần 1 năm vượt khó, nay cuộc sống của người dân các địa phương đang từng bước dần ổn định. Và nhân dân các địa phương bị thiệt hại chưa ai nghĩ đến việc đi kiện Công ty Formosa mà chỉ đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành không để sự cố như vậy tiếp tục xảy ra. 

Trong khi đó, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) không nằm trong diện xem xét thiệt hại do sự cố môi trường biển thì Nguyễn Đình Thục, Đặng Hữu Nam cùng một số đối tượng khác lại kích động người dân đi khởi kiện. Vì sao vậy, nếu đây không phải là cái cớ để gây bất ổn xã hội, và tính toán thủ đoạn cho riêng mình. 

Trong những ngày qua, rất nhiều người dân ở Thừa Thiên - Huế, Quảng Trị, Quảng Bình tỏ ra rất bức xúc trước việc các đối tượng lợi dụng lại sự cố môi trường biển. Bởi theo nhiều người dân, khi sự cố môi trường biển đang dần được đẩy lùi, khách du lịch trong và ngoài nước bắt đầu quay trở lại các tỉnh miền Trung, nghề biển bắt đầu dần được phục hồi, thì việc kích động, dùng Công ty Formosa như cái cớ để gây bất an trong dư luận đã gây thiệt hại về lòng tin, về kinh tế và tiếp tục gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống nhân dân.

Bà Thái Thị Tân, Chánh án TAND thị xã Kỳ Anh cho biết, nếu người dân nào có ý định nộp đơn, tòa sẽ xem xét, phân loại đánh giá và đưa ra quyết định. Lần trước có một số người dân nộp đơn kiện Formosa, nhưng tòa không thụ lý vì không đủ cơ sở pháp lý. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Lê Xuân Đại cũng khẳng định: Nếu bà con giáo dân có nguyện vọng nộp đơn khiếu kiện liên quan đến sự cố ô nhiễm môi trường biển miền Trung thì lãnh đạo tỉnh Nghệ An sẵn sàng mời đại diện những người có đơn vào trụ sở tiếp công dân của UBND tỉnh để nộp đơn. UBND tỉnh Nghệ An sẽ trực tiếp gửi đơn đến Tòa án nhân dân thị xã Kỳ Anh, đồng thời theo dõi kết quả xử lý từ phía tòa án để truyền tải đến công dân thông qua Tòa giám mục. 

Thiện chí của lãnh đạo, chính quyền các cấp là vậy, nhưng các đối tượng phản động vẫn cố tình tạo cớ “đi kiện Công ty Formosa” để đạt ý đồ riêng. Vì vậy khi kích động được một số bà con giáo dân xuống đường biểu tình, các đối tượng thường chia thành các nhóm: Nhóm thứ nhất đi đầu là phụ nữ mang theo cờ giáo hội dàn hàng ngang đi bộ; nhóm thứ hai chủ yếu là thanh niên đi cạnh để bảo vệ linh mục và các đối tượng bị kích động cầm loa phóng thanh liên tục tuyên truyền, kích động bà con giáo dân; nhóm thứ ba chủ yếu là các đối tượng quá khích, manh động, sẵn sàng chống đối lực lượng chức năng khi bị ngăn cản; nhóm thứ tư đi cuối cùng có nhiệm vụ ghi âm, ghi hình để quay trực tiếp và phát tán trên mạng Internet nhằm phô trương thanh thế và để nhận được sự ủng hộ của các đối tượng phản động trong và ngoài nước.

Trên đường di chuyển, các đối tượng quá khích bị kích động, luôn tỏ ra ngang ngược, coi thường luật pháp. Khi lãnh đạo các địa phương đến tiếp xúc đối thoại, các đối tượng chống đối thường dùng xe chặn đường gây ách tắc giao thông và dùng đá, gạch ném vào lực lượng chức năng làm nhiều người bị thương. 

Chứng kiến vụ việc xảy ra ở Nghệ An, Hà Tĩnh thời gian qua, nhiều người dân khi tham gia giao thông cũng như nhân dân đang sinh sống ở một số khu vực gần đó bức xúc đã kêu gọi, bao vây, đánh các đối tượng quá khích… Lãnh đạo cùng các cấp chính quyền địa phương phải luôn tuyên truyền, giải thích, vận động nhân dân bình tĩnh, không manh động, gây thêm mất an ninh trật tự. 

Như vậy, chính một số linh mục đã cấu kết với một số đối tượng có những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng, vi phạm các quy định của giáo hội nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết Lương-Giáo.

Nhóm PV thời sự
.
.
.