Lại bàn về “thư ngỏ”!

Thứ Hai, 21/12/2015, 08:16
Trước ngày khai mạc Hội nghị Trung ương lần thứ 13 (khóa XI), trên mạng internet xuất hiện văn bản đề “thư ngỏ của 127 nhân sĩ, trí thức”, được nói là gửi Bộ Chính trị, Trung ương Đảng.

Sau đó ít ngày, một số trang mạng có máy chủ ở nước ngoài bắt đầu bình chế, tán dương “thư ngỏ” với những ngôn từ có cánh như “nội dung thư sâu sắc”, “dám thẳng thắn phê phán” hay “như một hành động chưa từng có”…  Tuy nhiên, xem lại nội dung “thư ngỏ” và những người được liệt vào danh sách để ký tên lại không có gì mới, ngay cả văn phong cũng chỉ là lối cũ được xới lại mà thôi.

Nói về “thư ngỏ” hay “kiến nghị”, đây cũng là cụm từ mà những nhóm ký tên “nhân sĩ trí thức” dùng để đề cập vấn đề chính trị theo chủ ý của họ. Đầu năm 2013 cũng xuất hiện nhóm “nhân sĩ, trí thức” ký tên 72 người, gửi Quốc hội bản kiến nghị sửa đổi Hiến pháp (còn gọi Kiến nghị 72), kèm theo một văn bản mà họ nói đó là “dự thảo mới”.

Tháng 5-2014, trên mạng internet lại xuất hiện “thư ngỏ” được nói của “61 đảng viên trung thành” gửi Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương và đảng viên, nội dung thư tỏ ý “lo lắng thời cuộc, vận mệnh nước nhà” và đưa ra kiến nghị đòi đa nguyên, đa đảng… Xem danh sách của “Kiến nghị 72”, “Thư ngỏ 61” và nay “Thư ngỏ 127” thì thấy rằng, nhiều gương mặt cũ đều có tên ở cả 3 thư ngỏ, kiến nghị này, trong đó có người ghi là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ. Tuy nhiên, việc những người này tự nhận đại diện cho giới văn nghệ sĩ, trí thức thì thực không có căn cứ nào cả bởi những người hoạt động trong giới này cũng không có đề nghị nào để số đó đại diện và họ cũng không có tư cách nào để đại diện. Thứ nữa, có người trong số này là đảng viên nhưng đã ra khỏi Đảng, lại “khuyên” nên từ bỏ Chủ nghĩa Mác – Lê nin thì không đủ tư cách đứng trong hàng ngũ của Đảng, sao gọi “trung thành”!

Về nội dung, trong “thư ngỏ 127” thực cũng không có gì mới, đó là đòi đa nguyên, đa đảng, đòi đổi tên Đảng Cộng sản, đổi tên nước, đòi thả những người bị bắt, bị xử phạt tù mà họ gọi là “nhà hoạt động dân chủ”… Tức là những nội dung này cũng chỉ là bản sao, xào xáo lại ngôn từ mà chính họ đã nêu trong “Kiến nghị 72”, “Thư ngỏ 61” hay nhìn rộng hơn, đó đều là những quan điểm trái với đường lối của Đảng, của dân tộc vốn đã là chiêu bài của các thế lực chống phá lâu nay. Nhiều lần, trước những quan điểm sai lệch nói trên, cơ quan chức năng của Đảng, Nhà nước đã giải thích rõ vì sao không đa nguyên, không đa đảng, vì sao phải giữ Điều 4 trong Hiến pháp, vì sao phải kiên định Chủ nghĩa Mác – Lê nin, Tư tưởng Hồ Chí Minh… chứ không phải “giữ thái độ im lặng” như một số ý kiến.

Tất cả ý kiến, dù là đồng thuận hay không đồng thuận, nếu gửi đến cơ quan chức năng đều được tổng hợp, xem xét. Chẳng hạn, khi sửa đổi Hiến pháp 1992, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng đã cử bộ phận chức năng tiếp nhận bản “Kiến nghị 72”, trong đó có bản dự thảo Hiến pháp do những người này đưa ra. Những ý kiến, kiến nghị đó đều được tập hợp nhưng việc tiếp thu, chỉnh lý ra sao hiển nhiên phải dựa trên các cơ sở khoa học chứ không phải chỉnh sửa theo kiểu “đẽo cày”, triệu ý kiến thì sửa cả triệu lần! Ngay như ý kiến đổi tên nước thành “Việt Nam Dân chủ cộng hòa”, ý kiến này đã được nêu ra khi Quốc hội sửa đổi Hiến pháp 1992 và đã được tổng hợp để nghiên cứu. Sau đó, Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp cho biết, đa số ý kiến đề nghị tiếp tục quy định tên nước là Cộng hòa XHCN Việt Nam bởi tên gọi này ra đời trong bối cảnh cả nước vừa hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ, thống nhất đất nước, cả nước đi lên CNXH, khẳng định con đường mục tiêu xây dựng chế độ XHCN của Đảng, nhà nước và nhân dân. “Việc thay đổi tên nước trong thời điểm này sẽ dẫn đến những hệ quả không có lợi, thậm chí bị xuyên tạc là đang xa rời mục tiêu, con đường lên CNXH và làm phát sinh nhiều thủ tục hành chính, gây tốn kém, phức tạp” – Ban Biên tập sửa đổi Hiến pháp khẳng định. Việc giải thích như vậy là rõ, kể cả những vấn đề về chế độ chính trị, về đường lối kinh tế, quốc phòng, an ninh, cho nên nói “không nhận được phản hồi” hay “giữ thái độ im lặng” là không chính xác!

Trong sự vận động xã hội, việc có những quan điểm, ý kiến khác nhau là bình thường và chúng ta cũng luôn tôn trọng chính kiến, ý kiến đa chiều. Tuy nhiên, quan điểm, ý kiến khác nhau nếu thực sự là “góp ý, kiến nghị” thì cũng cần phải thực hiện theo đúng hình thức và đúng địa chỉ chứ không phải cứ tung bừa lên mạng internet. Với những người có quan điểm khác với quan điểm của Đảng, của Nhà nước, lại đứng danh nghĩa nhân sĩ, trí thức, khi nêu quan điểm hay hành động điều gì càng phải làm sao cho đúng và có văn hóa như cái mỹ từ này.

Đa đảng hay một đảng, xin kể lại câu chuyện khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đề cập trong chuyến thăm chính thức Hoa Kỳ năm 2007. Ông kể, nhà báo Mỹ Paul hỏi rằng Việt Nam hiện nay chỉ có duy nhất Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, trong tương lai, chúng ta có thực hiện đa đảng không? Khi đó, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trả lời: “Tôi nói như ông thấy, bên Mỹ có hai đảng Dân chủ và Cộng hòa thay nhau cầm quyền. Bên Pháp thì rất nhiều đảng thay phiên nắm quyền. Vừa rồi qua Thụy Sĩ thấy nước này cũng nhiều đảng lắm. Nhưng tôi không bao giờ thấy Tổng thống Pháp nói Tổng thống Mỹ: “Ông Mỹ ơi, ông nên có nhiều đảng hơn, chứ không phải chỉ hai đảng”. Rõ ràng, do điều kiện lịch sử, đặc điểm của từng nước mà dân ở đó họ chấp nhận. Nếu một đảng thì có các cơ chế để lắng nghe ý kiến của người dân. Việt Nam có Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể như công đoàn, hội nông dân, hội phụ nữ... Đó là những tiếng nói góp phần vận động xây dựng Đảng. Có một đảng nhưng vẫn lắng nghe được tiếng nói của nhân dân. Đảng là đại diện của nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ. Điều kiện lịch sử cụ thể nên sự khác nhau là bình thường”… 

Tại hội đàm, khi Tổng thống Bush đề cập về những người bị bắt mà một số người gọi đó là “nhà hoạt động dân chủ”, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nói: “Chúng tôi đấu tranh đòi độc lập dân tộc, tự do dân tộc cũng chính là giành quyền con người. Chúng tôi yêu cái quyền đó lắm. Vì vậy, bây giờ, chúng tôi không nỡ đối xử không tốt với nhân quyền. Chúng tôi bảo vệ nhân quyền. Nhưng họ vi phạm pháp luật thì chúng tôi phải xử”.

Đăng Trường
.
.
.