Không thể xuyên tạc những giá trị lịch sử của Tuyên ngôn Độc lập

Chủ Nhật, 02/09/2018, 00:01
Cách đây 73 năm, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập trước toàn thể dân tộc Việt Nam và cộng đồng quốc tế, khai sinh ra chế độ xã hội mới cùng với sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra một thời đại mới cho dân tộc ta - thời đại độc lập dân tộc gắn với những giá trị cao cả nhất của nhân loại. Đó là tự do, bình đẳng, bác ái gắn với hòa bình và tình hữu nghị giữa các dân tộc.

Trên 2/3 thế kỷ, kể từ khi bản Tuyên ngôn độc lập ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc ta đã bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, xây dựng đất nước hướng tới mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Thế nhưng trong những ngày mùa thu năm nay, lợi dụng internet, mạng xã hội, các thế lực thù địch trong và ngoài nước, những phần tử thoái hóa về tư tưởng chính trị đã tải lên mạng những bình luận xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ chế độ nhằm chuyển hóa chế độ ta sang con đường “dân chủ, nhân quyền” ngoại nhập.

Họ viết: “Cách mạng tháng Tám là “ăn cướp” chính quyền từ tay chính phủ Trần Trọng Kim”. Gần đây, còn có kẻ tải lên mạng mà chúng gọi là “nỗi buồn mùa thu”, nuối tiếc chính phủ Trần Trọng Kim với bản Tuyên ngôn độc lập của “Nước đế quốc Việt Nam” cùng với “Hoàng đế Bảo Đại” (!). =

Có kẻ còn viết rằng, Chủ nghĩa Mác-Lênin và Cách mạng tháng Tám đã đưa dân tộc vào các cuộc chiến tranh “huynh đệ tương tàn”… Thực là, chỉ có những kẻ tâm thần về chính trị khi ngày nay vẫn đặt bút, gõ phím viết và tải lên mạng những nội dung kỳ quặc rằng trong chế độ Trần Trọng Kim vẫn có “Hoàng đế” và niềm tự hào dân tộc là “quốc gia đế quốc” (!?).

Trong bản Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích lại 2 bản tuyên ngôn có ý nghĩa thời đại. Đó là Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ năm 1776 và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1789.

Lịch sử cho thấy, những lực lượng cầm quyền ở hai nền dân chủ đó đã đi ngược lại các giá trị hai bản tuyên ngôn nói trên. Họ chẳng những không chia sẻ giá trị dân chủ với các dân tộc khác mà trái lại đã phản bội lại những lý tưởng đó. Các cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp (1945-1954) và đế quốc Mỹ (1954-1975) nhằm tạo dựng chế độ độc tài tàn bạo cho thấy rõ điều đó.

Gần 90 năm qua (1930-2018), đi theo con đường của Chủ nghĩa Mác-Lênin, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn trung thành với mục tiêu độc lập dân tộc, xây dựng chế độ xã hội XHCN. Ngay sau khi giành được chính quyền trong cả nước, trong điều kiện thù trong giặc ngoài, Đảng ta đã chỉ đạo tiến hành tổng tuyển cử trong cả nước xây dựng Nhà nước theo mô hình “dân chủ, cộng hòa”, trao quyền lại cho toàn dân, theo nguyên tắc chính quyền các cấp, từ cơ sở đến Trung ương đều do nhân dân bầu ra, đại diện cho quyền và lợi ích của đại đa số nhân dân.

Do nhiều nguyên nhân, trong một vài thời kỳ lịch sử, một số quyền con người (QCN) của nhân dân ta đã bị một số hạn chế. Chẳng hạn trong thời kỳ chiến tranh, Nhà nước ta không thể tiến hành các cuộc bầu cử theo luật định để bảo đảm quyền bầu cử và ứng cử của nhân dân. Trong thời kỳ trước đổi mới theo mô hình cũ của CNXH với nền kinh tế kế hoạch hóa, các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế thị trường bị kỳ thị, do đó các quyền về chính trị, nhất là về kinh tế, trong đó có quyền lựa chọn thành phần kinh tế của người dân không được bảo đảm. Những khiếm khuyết này đã được khắc phục trong mô hình xã hội XHCN kiểu mới, mở đầu từ Đại hội VI, 1986.

Có thể nói, cho đến nay lý tưởng của bản Tuyên ngôn độc lập, 1945 đã được hiện thực hóa trong chế độ dân chủ XHCN với những đặc trưng dân tộc, đồng thời mang giá trị thời đại. Đó là:

1 - “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.

Là một quốc gia nằm ở một trong những đại bản địa – chính trị quan trọng bậc nhất khu vực Đông Nam Á và thế giới, Việt Nam luôn luôn phải ứng phó với tham vọng về lãnh thổ và chiến lược cạnh tranh chính trị, kinh tế giữa các nước lớn ở Biển Đông.

Từ kinh nghiệm lịch sử, Việt Nam phải ứng phó bằng chiến lược chính trị- quân sự, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa với tinh thần và ý chí “kiên trì, kiên quyết” giữ gìn hòa bình và chủ quyền quốc gia trên đất liền, trên biển, trên không và trên không gian mạng. Tuy nhiên tinh thần yêu nước, ý thức về độc lập dân tộc không phải một dạng của chủ nghĩa dân túy giả danh, tham vọng về lãnh thổ hoặc áp đặt về chế độ chính trị của dân tộc mình cho dân tộc khác.

Nhà nước CHXHCN Việt Nam ngày nay là một thành viên có trách nhiệm của Liên hợp quốc, luôn tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế.

2 - Yêu chuộng hòa bình, thủy chung với bạn bè quốc tế

Yêu chuộng hòa bình là một truyền thống của dân tộc. Tuyên ngôn độc lập năm 1945 đã phát triển truyền thống đó trong bối cảnh của thời đại mới, đó là yêu chuộng hòa bình, thủy chung với bạn bè gần xa trong cộng đồng quốc tế, không phân biệt chế độ chính trị, ý thức hệ; gác lại quá khứ, hướng tới tương lai.

Cho đến nay tất cả các quốc gia đã từng phát động chiến tranh xâm lược Việt Nam đều đã trở thành bè bạn, đối tác chiến lược, có nước đã trở thành đối tác toàn diện của Việt Nam.

Ngày nay, Việt Nam thực hiện chính sách quân sự “ba không”. Đó là “không tham gia các liên minh quân sự, không là đồng minh quân sự của bất kỳ nước nào, không cho bất cứ nước nào đặt căn cứ quân sự ở Việt Nam và không dựa vào nước này để chống nước kia. Với chính sách này, các nước láng giềng gần xa không lo sợ Việt Nam có thể có hành động nào đó làm phương hại đến lợi ích quốc gia của họ.

Đây cũng là thông điệp với các nước lớn: Việt Nam không phải là “con bài” mà họ có thể lợi dụng vì lợi ích của họ. Tuy nhiên chính sách này không cản trở Việt Nam trở thành bạn bè, đối tác chiến lược và đối tác toàn diện trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong bối cảnh quốc tế và khu vực đang diễn ra phức tạp, nhanh chóng, chiến lược Bảo vệ Tổ quốc của Đảng ta ngày nay chỉ rõ việc kết hợp chặt chẽ giữa phương thức đấu tranh phi vũ trang với đấu tranh vũ trang khi cần thiết để không bị động bất ngờ. Đó là chiến lược bảo vệ Tổ quốc từ xa, chủ động đấu tranh chống “diễn biến hòa bình” và phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Nhạy bén, linh hoạt trong xác định “đối tác” và “đối tượng”, Nghị quyết TW 8 (khóa IX) của Đảng ta xác định: “Những ai tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta”(1).

Quan điểm về “đối tác” và “đối tượng” kết hợp với chính sách quốc phòng “ba không” là sự hoàn thiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta trong bối cảnh chính trị quốc tế và khu vực hiện nay.

3- Tôn trọng và bảo đảm quyền con người, quyền công dân (QCN, QCD)

QCN là thành quả phát triển lâu dài của lịch sử nhân loại, là giá trị cao quý chung của các dân tộc. Ngày nay QCN được xem như là một thước đo của sự tiến bộ và trình độ văn minh của các xã hội, không phân biệt chế độ chính trị, trình độ phát triển và bản sắc văn hóa.

Lịch sử cho thấy, sau 169 năm kể từ khi có bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (1776), 156 năm ra đời bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp (1789), nhân dân các nước thuộc địa nói chung, nhân dân Việt Nam nói riêng (trước 1945) vẫn phải sống kiếp nô lệ - sống dưới ách thống trị của thực dân, phong kiến.

Không quốc gia TBCN nào thật sự chia sẻ giá trị nhân quyền cho dân tộc ta cũng như các dân tộc thuộc địa khác. QCN và quyền công dân của dân tộc Việt Nam chỉ ra đời từ khi cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo giành được thắng lợi vào năm 1945.

Trong Tuyên ngôn độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trân trọng trích dẫn hai văn kiện: Tuyên ngôn độc lập của Mỹ và Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp rồi suy ra “tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng, dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”. Bởi vậy có thể nói Tuyên ngôn độc lập năm 1945 là bản Tuyên ngôn kép - Tuyên ngôn độc lập của dân tộc Việt Nam và Tuyên ngôn về QCN của các dân tộc thuộc địa của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc.

Sự khác biệt về QCN của dân tộc ta không chỉ về thời điểm ra đời mà còn về tiền đề, tính chất và nội dung của các quyền. Tiền đề của QCN của dân tộc ta (và cũng là của các dân tộc bị áp bức nói chung) là độc lập dân tộc. Không có độc lập dân tộc thì không thể có QCN. Gắn liền với tiền đề này là một chế độ xã hội của dân, do dân và vì dân.

Chế độ đó không chỉ xây dựng một lần là mãi mãi giữ được bản chất của nó mà phải thường xuyên đấu tranh chống suy thoái bằng nhiều biện pháp. Vì quy luật chung của các chế độ xã hội, nhà nước, cho dù dựa trên ý thức hệ nào cũng có xu hướng quan liêu hóa.

Chống suy thoái, bảo vệ QCN quyền công dân bằng pháp luật là một nội dung tư duy chính trị mới của Đảng ta. Hiến pháp 2013, lần đầu tiên các QCN, quyền và nghĩa vụ công dân đã được Quy định trong chương II. Nội dung các quy định về quyền và nghĩa vụ, những hạn chế quyền trong Hiến pháp 2013 hoàn toàn tương thích với các Công ước quốc tế về QCN của Liên hợp quốc.

Nhiều QCN được xem là nhạy cảm, phức tạp của người dân trong bối cảnh xuất hiện Internet, mạng xã hội cũng đã được luật hóa, trên cơ sở vừa bảo đảm QCN vừa bảo vệ chế độ xã hội. Thể chế hóa Hiến pháp 2013, thời gian qua, Quốc hội ta đã sửa đổi và xây dựng nhiều luật trên cơ sở bảo đảm QCN gắn với bảo vệ chế độ xã hội  như Bộ luật Hình sự 2015; Luật Báo chí, 2016; Luật Tiếp cận thông tin, 2016; Nghị định của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet năm 2013…

Có thể nói, trong lịch sử tư tưởng Việt Nam và lịch sử tư tưởng nhân loại, hiếm có một văn kiện chính trị nào lại tích hợp ở đỉnh cao tinh hoa trí tuệ, đồng thời mạng giá trị bền vững như bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi thảo và công bố vào ngày 2-9-1945. 73 năm qua, ở những bước ngoặt của cách mạng, người ta đều tìm thấy mục tiêu và sự khích lệ từ Tuyên ngôn độc lập.

Chặng đường đổi mới phía trước của dân tộc ta dưới sự lãng đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tiếp tục đi theo lý tưởng của Tuyên ngôn độc lập và nhất định sẽ đem lại những thành tựu mới.

(1)-  Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) “về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” .

* TS. Cao Đức Thái, Giảng viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

TS. Cao Đức Thái
.
.
.