Giáo dục chính trị tư tưởng với quan điểm “lãnh đạo gương mẫu đi đầu” - kỳ 2

Thứ Ba, 01/08/2017, 08:26
Cán bộ lãnh đạo làm công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong CAND phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh, có kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn vững, được đào tạo cơ bản về lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về nghiệp vụ công tác tư tưởng, nhiệt tình và tâm huyết với nghề, có đủ phẩm chất và năng lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ công tác giáo dục chính trị tư tưởng của lực lượng CAND.


Ba là, không ngừng đổi mới nội dung, biện pháp, hình thức, phương pháp làm việc của lãnh đạo, chỉ huy Công an các cấp là yếu tố quan trọng quyết định chất lượng, hiệu quả giáo dục chính trị tư tưởng trong CAND hiện nay.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng phải gắn với việc tuyên truyền, giáo dục thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước và xây dựng lực lượng CAND trong sạch, vững mạnh, gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị và cá nhân lãnh đạo, chỉ huy theo chức năng nhiệm vụ được quy định. 

Tuyên truyền giáo dục cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ hiểu biết, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho CBCS, nhất là lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong CAND. Đó là kiến thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những quan điểm, chủ trương mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những thông tin mới về vấn đề thời đại; về tình hình thời sự trong nước, quốc tế, về chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng, phương pháp lãnh đạo, quản lý.

Chú trọng đến nội dung giáo dục về những yêu cầu chuẩn mực đạo đức cách mạng, lối sống trong sạch, lành mạnh, ý thức trách nhiệm đối với công việc, tinh thần thái độ phục vụ nhân dân và thực hiện tốt phong cách ứng xử có văn hóa trong quan hệ, tiếp xúc giải quyết công việc với nhân dân.

Công tác giáo dục chính trị tư tưởng phải được tiến hành đồng bộ, nhiều hình thức, phải quán triệt và gắn với việc thực hiện kiểm điểm, đánh giá và giải quyết những vấn đề cấp bách trong công tác xây dựng Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.

Bốn là, quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo làm công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong CAND có đủ phẩm chất và năng lực chuyên môn, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Đội ngũ cán bộ lãnh đạo làm công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong CAND đã có bước trưởng thành về mọi mặt, có hệ thống tổ chức tập trung thống nhất từ Bộ đến đơn vị cơ sở. Cán bộ lãnh đạo làm công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong CAND phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, lối sống trong sạch, lành mạnh, có kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn vững, được đào tạo cơ bản về lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, về nghiệp vụ công tác tư tưởng, nhiệt tình và tâm huyết với nghề, có đủ phẩm chất và năng lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ công tác giáo dục chính trị tư tưởng của lực lượng CAND. 

Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong thời kỳ mới, cấp ủy và lãnh đạo công an các cấp cần phải quan tâm hơn nữa công tác đào tạo, bồi dưỡng mọi mặt cho đội ngũ lãnh đạo làm công tác giáo dục chính trị tư tưởng.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt có trình độ chuyên môn giỏi về công tác chính trị tư tưởng. Củng cố kiện toàn cơ quan làm công tác chính trị tư tưởng; tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ tốt nhiệm vụ công tác chính trị tư tưởng nói chung và công tác giáo dục chính trị tư tưởng nói riêng. Có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với đội ngũ cán bộ làm công tác chính trị tư tưởng và tạo điều kiện về mọi mặt để họ luôn nhiệt tình, tâm huyết, tích cực trong công tác, phát huy vai trò nòng cốt trong công tác tư tưởng của lực lượng CAND.

Năm là, tập trung bồi dưỡng đội ngũ lãnh đạo Công an các cấp biết ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật hiện đại là điều hết sức quan trọng, bảo đảm chất lượng và hiệu quả của công tác giáo dục chính trị tư tưởng.

Những tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ lãnh đạo có thể là những công cụ phương tiện bảo đảm thu nhận thông tin, kiểm tra đánh giá thông tin của cấp dưới và việc đưa ra mệnh lệnh chỉ đạo, chỉ huy điều hành công việc. Tuy nhiên, để làm được điều này đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo phải có năng lực trình độ thực sự; đội ngũ cán bộ lãnh đạo phải từng bước cập nhật, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong công việc, khi đó sẽ tự nâng cao trình độ của người giữ cương vị lãnh đạo. Kinh nghiệm ở nhiều đơn vị, địa phương cho thấy người lãnh đạo là linh hồn, vừa là người quản lý, vừa là người chỉ đạo tổ chức thúc đẩy mọi mặt công tác. Đồng thời họ là người trực tiếp kèm cặp, bồi dưỡng tại chỗ cán bộ kế tiếp cho đội ngũ lãnh đạo, chỉ huy kế cận trong lực lượng CAND. Chính vì vậy, ứng dụng thành tựu khoa học kỹ thuật để nâng cao trình độ, năng lực mọi mặt cho cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng là điều hết sức quan trọng, cần thiết hiện nay.

Sáu là, tiêu chuẩn hóa người cán bộ lãnh đạo từ Bộ đến đơn vị cơ sở để chủ động lựa chọn, bồi dưỡng, đề bạt, cân nhắc cán bộ lãnh đạo.

Xuất phát từ đặc thù của công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trong từng địa bàn, lĩnh vực, địa phương hoặc trong phạm vi toàn quốc, người cán bộ lãnh đạo cấp đội, cấp phòng trở lên cần hội đủ các tiêu chuẩn cơ bản sau đây: (1) có trình độ, năng lực chính trị, nghiệp vụ bậc đại học công an; (2) có khả năng tổ chức chỉ huy, điều hành công việc, tiến hành công tác tư tưởng và lãnh đạo tư tưởng; (3) có khả năng tổ chức phối hợp với các đơn vị khác thực hiện nhiệm vụ; (4) có khả năng kiểm tra, hướng dẫn cấp dưới thực hiện nhiệm vụ… Trên cơ sở những tiêu chuẩn hóa đặt ra cho cán bộ giữ cương vị lãnh đạo mới đề ra phương hướng đào tạo, bồi dưỡng và chuẩn bị các thế hệ cán bộ, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bảy là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong CAND phải có chính sách hợp lý đối với cán bộ lãnh đạo CAND.

Chính sách đối với cán bộ Công an nói chung và đối với cán bộ giữ vững cương vị lãnh đạo Công an các cấp nói riêng chiếm vị trí rất quan trọng trong việc thúc đẩy ý thức chấp hành mệnh lệnh và thực hiện sự chỉ đạo phối hợp giữa các đơn vị các cấp Công an hoàn thành nhiệm vụ. Thực tế đã chỉ ra, không có chính sách thích hợp không những không động viên được tinh thần, trách nhiệm, thái độ làm việc của cán bộ Công an, mà còn làm phát sinh những tiêu cực trong khi thực hiện nhiệm vụ. Hiện tại, chế độ lương, cấp hàm trong lực lượng CAND nói chung và đối với cán bộ giữ cương vị lãnh đạo nói riêng còn nhiều điểm chưa thật hợp lý để động viên, khuyến khích cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng thực hiện nhiệm vụ. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng muốn được thực hiện có chất lượng hiệu quả phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy và lãnh đạo Công an các cấp.

Tám là, thực hiện nghiêm Quy định số 101-QĐ/TW về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp và Quy định số 55-QĐ/TW về tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên.

Mỗi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt phải có kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện theo cương vị công tác của mình và báo cáo với chi bộ, cấp ủy nơi công tác để được góp ý, giúp đỡ, giám sát, tạo điều kiện thực hiện. Nêu cao ý thức trách nhiệm, tận tụy với công việc; lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tích cực học tập, nghiên cứu, tiếp thu và vận dụng có hiệu quả các tri thức khoa học, công nghệ hiện đại, các sáng kiến trong lao động, sản xuất, công tác. 

Chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; nói đi đôi với làm, đã nói thì phải làm. Hiểu và thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; làm việc có nguyên tắc, kỷ cương, có lý, có tình; không lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi giải quyết công việc; chống các hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tội, chạy bằng cấp, chạy thi đua và các biểu hiện tiêu cực khác. Kiên quyết chống tư tưởng cục bộ, bè phái và các biểu hiện cơ hội, thực dụng vì lợi ích cá nhân, "lợi ích nhóm".

Trung tướng Lê Văn Đệ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND
.
.
.