Cái cớ lố bịch góp ý dự thảo luật về hội bị bóc trần!

Thứ Hai, 10/08/2015, 10:15
Khi đọc “Tuyên bố” của một số người về quyền lập hội không khó khăn để nhận ra rằng, người ta lấy việc góp ý kiến dự thảo Luật về Hội làm cái cớ để xuyên tạc và gây ra những ngộ nhận đối với chế độ xã hội và Nhà nước ta mà thôi.

Như chúng ta đã biết, bản Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện một cách đầy đủ nhất nội dung và các nguyên tắc của quyền con người (QCN).

Từ khi Hiến pháp 2013 được thông qua, trong tất cả các kỳ họp của Quốc hội, việc xây dựng và sửa đổi các đạo luật đều được lãnh đạo Quốc hội và các đại biểu bảo đảm đúng các nguyên tắc Hiến định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Thế nhưng, gần đây người ta đã post lên mạng quan điểm, ý kiến của một số cá nhân và “tổ chức” ảo đòi được quyền tham gia vào dự thảo Luật về Hội. Hơn nữa họ còn lớn tiếng xuyên tạc đời sống chính trị - pháp lý của xã hội ta và rao giảng về “quyền con người”. Họ nói: “Chúng tôi đưa quyết tâm không để mình bị loại ra khỏi tiến trình đóng góp ý kiến cho bản Dự thảo Luật về Hội,…”.

Về nội dung Dự thảo luật Hội, họ cho rằng: “Quyền lập hội là quyền Hiến định, bất cứ người dân nào cũng có quyền lập hội và tham gia hội.

Do đó việc lập hội chỉ cần ghi danh và công bố, không cần xin phép và đợi sự cho phép của cơ quan Nhà nước”(!). Những “tuyên bố” nói trên là một sai lầm về chính trị và ngộ nhận về pháp lý.

Không ai phủ nhận các quyền con người được quy định trong Hiến pháp 2013. Điều 25, Chương II quy định: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Sai lầm về chính trị và pháp lý của những cá nhân, tổ chức (ảo) về quyền lập hội nằm ở chỗ:

Thứ nhất, quyền và nghĩa vụ của công dân trong một lĩnh vực nhất định phải được quy định trong luật. Đối với tất cả mọi người có đôi chút kiến thức về Hiến pháp và luật thì phải hiểu - Hiến pháp là luật “khung” quy định về chế độ chính trị và những chuẩn mựåc chung về pháp lý. Các quy định cụ thể trong việc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của cá nhân, tổ chức phải do luật quy định. Chính Điều 25 đã ghi nội dung này. Việc một số cá nhân, “tổ chức” (ảo), tổ chức mạng đòi quyền tham gia đóng góp vào dự thảo Luật về Hội là vừa thừa, vừa thiếu.

Thừa là vì tất cả công dân (nếu có đủ năng lực hành vi dân sự) thì đều có quyền tham gia đóng góp vào dự thảo luật. Cho đến nay đã có không ít cá nhân, tổ chức đóng góp vào dự thảo Luật về Hội. Chẳng hạn như một số ý kiến đăng tải trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng của cá nhân vào tháng 6-2015. Thiếu là vì những người đòi quyền góp ý đối với dự thảo Luật về Hội đã không nằm trong quy định về tư cách pháp nhân được pháp luật quy định. Bộ luật Dân sự quy định: “Pháp nhân là một tổ chức được thành lập theo quy định của Bộ luật này, các luật khác có liên quan”. Việc một số người ra Tuyên bố đòi quyền tham gia góp ý dự thảo Luật về Hội với tư cách là một tổ chức (“tự lập”- không được Nhà nước công nhận), không có tư cách pháp nhân là hoàn toàn không có giá trị.

Thứ hai, về nội dung “góp ý”, họ cho rằng: “Quyền lập hội là quyền Hiến định, bất cứ người dân nào cũng có quyền lập hội và tham gia hội. Do đó việc lập hội “chỉ cần ghi danh và công bố, không cần xin phép và đợi sự cho phép của cơ quan Nhà nước”(!)… Đây là một sai lầm về chính trị và ấu trĩ nhận thức về QCN nói chung về quyền lập hội nói riêng.

Hiến chương Liên hợp quốc đặc biệt là “Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, năm 1966 đã quy định: 

“1. Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá...” . Quy định này có nghĩa mỗi quốc gia có quyền xây dựng chế độ xã hội, thể chế quốc gia - bao gồm cả Hiến pháp và Luật của mình mà không có bất cứ ai có quyền can thiệp, kể cả Liên hợp quốc. Bộ luật Dân sự, Luật về Hội (nếu dự luật được thông qua) với những hạn chế nào đó về quyền như quy định việc “thành lập, đăng ký pháp nhân” là hoàn toàn hợp lý, hợp pháp. Xin được nhắc lại quy định về pháp nhân như sau:

“1. Mọi cá nhân và pháp nhân đều có quyền thành lập pháp nhân,... 2. Pháp nhân được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền,... 3. Đăng ký pháp nhân bao gồm đăng ký thành lập, đăng ký thay đổi, đăng ký xóa đăng ký pháp nhân và đăng ký khác theo quy định của pháp luật” ( Bộ luật Dân sự ). Nói một cách đơn giản - cái gọi là tổ chức tự lập, tổ chức ảo - tổ chức mạng là không có tư cách pháp nhân để đòi hỏi chính quyền về quyền được tham gia vào các hoạt động chính trị xã hội.

Thứ ba, về quan điểm chính trị, trong cái gọi là “Tuyên bố” họ viết: “...Đảng Cộng sản Việt Nam cũng phải được định nghĩa như một hội thông thường trong Luật về Hội, không có ưu tiên độc tôn, độc quyền…” là một quan điểm xa lạ với nền chính trị và truyền thống, lịch sử cách mạng Việt Nam.

Những ai có đôi chút kiến thức về lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX đều thấy rõ - Đảng Cộng sản Việt Nam không chỉ là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội mà còn là tổ chức khai sinh ra chế độ xã hội và Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nay là Nhà nước CHXHCN Việt Nam.

Điều 4 Hiếp pháp 2013 đã quy định rõ: “1. Đảng Cộng sản Việt Nam… đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc,… là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội… Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân… Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Có thể nói, khi đọc “Tuyên bố” của một số người về quyền lập hội không khó khăn để nhận ra rằng, người ta lấy việc góp ý kiến dự thảo Luật về Hội làm cái cớ để xuyên tạc và gây ra những ngộ nhận đối với chế độ xã hội và Nhà nước ta mà thôi.  

Bắc Hà
.
.
.