“Cách mạng màu online” và thủ đoạn dựng hình mẫu ngược!

Thứ Hai, 29/03/2021, 06:29
Thời gian qua, lợi dụng tình hình bất ổn diễn ra tại Myanmar, các thế lực thù địch, phản động đã đánh võng, bẻ lái thông tin, xuyên tạc bản chất vụ việc để tạo cớ chống phá Việt Nam. Các đối tượng này ra sức kích động, cổ suý, hô hào tiến hành các hoạt động chống phá hòng gây mất ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội trong nước, hiện thực hóa mưu đồ tiến hành bạo loạn lật đổ theo hướng “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố”. 


Từ “cách mạng màu online” đến “cách mạng đường phố”

Trên các trang mạng xã hội do các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị, bất mãn điều hành đưa ra hàng loạt bài viết sai trái, tiêu cực với nội dung liên hệ tình hình tại Myanmar với Việt Nam. Các đối tượng đang tích cực tiến hành “cách mạng màu online” để làm nền tảng hiện thực hóa “cách mạng đường phố”. Trong đó, các mũi nhọn chống phá mà các đối tượng đang thực hiện là:

Thứ nhất, xuyên tạc, bôi đen tình hình tự do, dân chủ, nhân quyền và bức tranh chính trị - xã hội tại Việt Nam. Từ lâu, các “mõ làng dân chủ” vẫn cố tình xuyên tạc một cách hết sức trắng trợn rằng Việt Nam đang đặt dưới “chế độ độc tài toàn trị” nên không có tự do, dân chủ, nhân quyền.

Thông qua vấn đề Myanmar, họ rêu rao các luận điệu sai trái, độc hại như: “Chính quyền Cộng sản Việt Nam đã thành công tạo ra một xã hội con người không còn đề cao những giá trị tinh thần và quyền con người, chỉ biết hưởng thụ vật chất”, “bài toán của Miến Điện sẽ được giải quyết trong vài tháng nhưng bài toán dân chủ của Việt Nam thì chưa biết chừng nào mới có giải đáp”, “Đảng Cộng sản chỉ chăm lo bảo vệ quyền lợi của bản thân mà không chú ý tới đời sống của nhân dân”…

Từ đây, các đối tượng phản động, chống đối, cơ hội chính trị rêu rao rằng “những gì đang diễn ra tại Myanmar sẽ tạo ra một thông điệp dân chủ cho Việt Nam”, “Myanmar là hình mẫu mà Việt Nam phải học tập”, kích động người dân Việt Nam phải “học theo Myanmar”, phải “xuống đường đấu tranh vì dân chủ”, đòi đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập…

Đáng chú ý, sau khi xảy ra việc nhiều người dân đập phá nhà máy, công ty của nước ngoài tại Myanmar để phản đối đảo chính khiến những đối tượng lợi dụng vấn đề dân chủ, tìm cách “diễn xiếc” trên mạng xã hội. Chẳng hạn như facebooker M.V đã phát tán nhiều bài ca thán về các cuộc biểu tình tại Myanmar kèm những luận điệu xuyên tạc để gieo rắc tâm lý tiêu cực đến với cộng đồng mạng.

Mới đây, sau khi xảy ra việc đốt đường ống dẫn dầu, cắt dây cáp quang mạng, đốt phá các nhà máy may mặc ở khu ngoại ô Hlaingthaya của thành phố Yangon, Myanmar do những người quá khích gây ra, ngay lập tức facebooker M.V đã chia sẻ bài viết với “Khi tiền không phải là mục đích sống của họ”, trong đó anh ta cổ súy rằng: “Người dân Việt Nam có thể giàu hơn người Myanmar về kinh tế, nhưng về trí tuệ và tâm hồn thì chưa chắc là đã hơn? Vì với họ, tự do, dân chủ mới là chân lý để họ sống, tiền không có, nghèo vẫn được nhưng miễn sao họ sống được hưởng không khí tự do”…

Một số người giở trò “mượn gió bẻ măng”, cố tình liên hệ về những câu chuyện vốn không liên quan để thêu dệt, suy diễn, qua đó tung hô, cổ vũ, coi vấn đề biểu tình tại đất nước Myanmar là “hình mẫu lý tưởng” để Việt Nam học theo.

Do đó, từ khi chính biến bắt đầu bùng phát tại Myanmar, các thế lực thù địch, phản động, chống đối, số đối tượng cơ hội chính trị lợi dụng vỏ bọc đấu tranh đòi “dân chủ, nhân quyền” để gieo rắc các quan điểm, tư tưởng, nhận thức sai lệch về tình hình trong nước bằng cách so sánh một cách khập khiễng tình hình tại Việt Nam với vấn đề nội bộ đất nước Myanmar. Họ đồng nhất vấn đề “dân chủ” và “chống độc tài”, tìm mọi lý do để nói xấu Đảng, Nhà nước ta, từ đó kích động người dân xuống đường biểu tình đòi yêu sách, chống đối chính quyền nhân dân. 

Thứ hai, các đối tượng đẩy mạnh việc thần tượng hóa các chiêu trò mà họ tung hô là “hình mẫu dân chủ”. Đối tượng được lựa chọn để “thần tượng hóa” thường là những người ở độ tuổi trẻ, đứng đầu các hội nhóm dân sự hoặc những người trẻ bị thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với cảnh sát tại quốc gia này. Trên một số diễn đàn, họ tung ra các bài viết với câu chữ hoa mỹ như: “Cảm phục những chiến binh trẻ tuổi của Myanmar trong những cuộc biểu tình tại Miến Điện”, “Lịch sử tại Myanmar sẽ ghi ơn những người đã hi sinh cho đất nước”…

Họ cố tình so sánh một cách khập khiễng, vô căn cứ vấn đề tại Myanmar với tình hình Việt Nam và kích động rằng giới trẻ Việt Nam không có tinh thần đấu tranh “vì dân chủ”, còn thờ ơ, vô cảm trước thời cuộc. Thực chất, đây là thủ đoạn kích động tâm lý để lôi kéo, dụ dỗ giới trẻ tham gia vào hoạt động chống phá.

Thứ ba, bôi nhọ lực lượng vũ trang nhân dân, đòi “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang. Lợi dụng việc lực lượng quân đội tiến hành đảo chính tại Myanmar, các đối tượng chống phá gia tăng hoạt động xuyên tạc về vị trí, vai trò của lực lượng vũ trang trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản với lực lượng vũ trang tại Việt Nam.

Nhiều bài viết có nội dung sai trái, bôi nhọ lực lượng vũ trang Việt Nam được tung ra như: “Chính biến thành Naypyidaw và bài học phi chính trị hóa lực lượng vũ trang cho Việt Nam”, “Chính trị hóa quân đội, mối nguy khôn lường cho đất nước”… Luận điệu xuyên suốt được các đối tượng xấu rêu rao là đòi lực lượng vũ trang phải “phi chính trị hóa”, phải “trung lập”, cho rằng lực lượng vũ trang “chỉ cần trung thành với Tổ quốc”… 

Thứ tư, gia tăng việc thực hiện các cuộc “cách mạng màu” trên mạng xã hội. Lợi dụng vấn đề Myanmar, có thể thấy các đối tượng chống đối đang tích cực sử dụng mạng xã hội để lan truyền những thông tin, luận điệu, quan điểm độc hại, hô hào tiến hành các “chiến dịch” mang màu sắc “cách mạng màu” trên mạng xã hội như: thực hiện chiến dịch “mùa xuân Đông Á” thông qua việc gắn hashtag #EastAsianSpring (hashtag là một loại thẻ, gồm một từ hoặc chuỗi các ký tự liên tiếp nhau đặt sau dấu #, được sử dụng để mô tả các chủ đề trên các trang web mạng xã hội); chiến dịch uống trà sữa, chống độc tài, tranh đấu cho tự do bằng việc gắn hashtag #MilkTeaAlliance”. Bắt đầu từ việc sử dụng hashtag để làm nóng những vấn đề, sự kiện được quan tâm, các đối tượng tiến hành chia sẻ, lan truyền những thông tin sai trái, tập hợp lực lượng, châm ngòi các cuộc bạo loạn.

Tỉnh táo để không bị lợi dụng

Đằng sau những luận điệu tưởng chừng như đầy “thương cảm” cho Myanmar, thực chất lại là những bộ mặt xảo trá. Núp dưới vỏ bọc “yêu nước”, đấu tranh vì “dân chủ”, “nhân quyền”, các thế lực phản động, chống đối, cơ hội chính trị đã gieo rắc những quan điểm, nhận thức, đánh giá phiến diện, chủ quan, sai lệch nhằm đánh lạc hướng dư luận, từ đó lôi kéo, dụ dỗ, hướng lái những người nhẹ dạ, cả tin tham gia vào các hoạt động chống phá.

Câu chuyện bất ổn, biểu tình tại Myanmar hay trước đó là Hồng Kông (Trung Quốc), Thái Lan hay biểu tình tại Mỹ bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc lấy những gì đã và đang diễn ra tại các nước này để so sánh với Việt Nam là hoàn toàn sai lệch. Đặc biệt, việc cho rằng biểu tình, chống đối với Nhà nước là thước đo cho sự “dũng cảm” trong đấu tranh dân chủ, nhân quyền như luận điệu các “nhà dân chủ mạng” đang rêu rao là không thể chấp nhận được.

Những thành tựu phát triển về mọi mặt của Việt Nam là minh chứng tiêu biểu, rõ ràng nhất cho thấy sự nghiệp cách mạng của nước ta đang đi đúng hướng. Đặc biệt, môi trường hòa bình, ổn định, tình hình an ninh, chính trị được giữ vững là nền tảng, cơ sở quan trọng, tiên quyết để thúc đẩy phát triển, đảm bảo tự do, dân chủ, nhân quyền. Do đó, việc “mượn gió bẻ măng”, lợi dụng tình hình bất ổn tại Myanmar cũng như tại một số quốc gia, vùng, lãnh thổ trong khu vực và trên thế giới để rêu rao, lan truyền các luận điệu kích động biểu tình, bạo loạn là hoàn toàn sai trái, cần nhận diện để đấu tranh.

Trần Anh Tú – Phạm Duy
.
.
.