Xuất ngoại săn bảo kiếm

Thứ Hai, 14/03/2011, 09:28
Để thỏa mong ước sở hữu "bảo vật", lắm tay chơi ham hố xuất ngoại tìm đến "chợ đồ cổ" bên kia biên giới đốt cả đống tiền rinh về những thanh kiếm mà họ tin sái cổ là "bảo kiếm". Nhưng sự thật không hẳn như vậy!

Nhiều tay chơi cổ vật mới mon men vào cuộc chơi đã và đang phát sốt trước thông tin, giữa lòng Thủ đô Phnôm Pênh ở Vương quốc Campuchia xuất hiện phiên chợ chuyên bán đá quý và cổ vật, đặc biệt là những thanh kiếm ngàn năm tuổi từng là binh khí bất ly thân của các chiến binh đế chế Khơmer hùng mạnh.

Để thỏa mong ước sở hữu "bảo vật", lắm tay chơi ham hố xuất ngoại tìm đến "chợ đồ cổ" bên kia biên giới đốt cả đống tiền rinh về những thanh kiếm mà họ tin sái cổ là "bảo kiếm". Nhưng sự thật không hẳn như vậy!

Thú chơi thời thượng...

Khi cái ăn cái mặc, nhà cửa, tiền tài không còn là vấn đề phải bận tâm, khi ngồi trên núi tiền, nhiều người nghĩ đến chuyện tiêu tiền. Tùy gu, tùy sở thích mà người ta đổ xô vào đủ lĩnh vực ăn chơi như tậu xế hộp, "cưa" mỹ nhân, đi du lịch hoặc thưởng thức các món ngon vật lạ…

"Tiêu tiền thì quá dễ nhưng tiêu như thế nào để đẳng cấp không bị chìm lỉm, mà trái lại nổi bật giữa rừng tay chơi là cả một nghệ thuật. Ăn chơi, gái gú, đi chỗ này chỗ nọ riết rồi cũng chán, khi không còn gì để ham hố, thường thì người ta sẽ dồn tâm huyết vào việc sưu tầm hồn xưa, cụ thể là chơi cổ vật. Tùy sở thích mà người khoái sưu tầm đồ sành sứ, trống đồng cổ, rìu đá, gốm Lái Thiêu… Riêng tôi thì kết các món binh khí cổ bởi đó là thú chơi đầy cá tính, mạnh mẽ".

Một góc chợ "cổ vật".

Tâm tình trên của ông S. - người đang sở hữu nhiều thanh kiếm mà ông này tin là "cổ vật" cũng là tâm tình của nhiều tay chơi lắm tiền. "Phụ nữ mê phấn son, đàn ông kết đao kiếm, quy luật ngàn đời nó vậy mà" - ông M., cũng là thầu xây dựng như ông S., hân hoan tiếp lời bạn. Sau khi khoe đang sở hữu trong tay bộ sưu tập binh khí cổ gồm đủ loại kiếm-cung-giáo-mác của các bộ tộc ở Tây Nguyên, các tỉnh phía Bắc và các vương triều, đặc biệt là triều Nguyễn và triều đại Tây Sơn, ông M. chép miệng: "Sưu tầm riết rồi tôi thấy mấy món ấy quá thường. Cái thú thời thượng lúc này là sưu tầm các món binh khí, đặc biệt là kiếm cổ của các chiến binh thuộc đế chế Khơmer".

Bật mí vừa tậu về thanh bảo kiếm nghe đâu của một chiến tướng thời vua Indravarman I - vị vua thứ tư của Đế chế Khmer, ông Q., người tự nhận mình là "nhà sưu tầm cổ vật tuổi sơ sinh" bày tỏ quan điểm rằng, sở dĩ ông ta bày kiếm, nhất là những thanh báu kiếm khắp phòng làm việc ở công ty và đại sảnh của ngôi biệt thự tại quận 2 cũng vì "thích ánh thép" lạnh ngắt đầy sát khí của những món binh khí này.

"Các món sành-sứ-gốm-vàng chỉ có tính chất gợi nhớ về một thuở sơ khai. Riêng binh khí cổ, đặc biệt là kiếm nói lên biết bao điều. Tùy mỗi vương triều, mỗi thời đại mà thanh kiếm toát lên vẻ thần uy, liệt lẫm của nó. Kiếm triều Tây Sơn vì được rèn thời binh biến, chủ đích để chém giết ngoài chiến trận nên người rèn không chau chuốt lắm về mặt mỹ thuật, thế nên nó có "ngoại hình" đơn sơ, có khi thô kệch. Kiếm triều Nguyễn thì khá hơn, đẹp hơn nhưng tính sát khí thì không bằng thời Tây Sơn bởi giai đoạn này khá bình yên…".

Ông Q. nhấn mạnh, sở dĩ ông dồn tầm ngắm sưu tầm các món binh khí, nhất là kiếm cổ Khơmer vì những thanh kiếm ở bên kia biên giới nước Việt hội đủ 2 yếu tố "sát khí và mỹ thuật".

Ông tặc lưỡi vẻ khâm phục: "Để trở thành đế chế hùng mạnh về sức mạnh quân sự lẫn văn hóa, các vì vua Khơmer phải vừa chiến đấu vừa xây dựng vương quốc. Thế nên mỗi thanh kiếm của từng chiến binh không chỉ ra đời với bàn tay rèn giũa tinh hoa của nghệ nhân, mà còn lấy đi bao sinh mạng kẻ địch. Tôi kết kiếm cổ Khơmer là vì thế".

Một tay chơi với 2 thanh đoản kiếm ưng ý.

Quá trình tiếp cận với các môn đồ khoái xuất ngoại săn bảo kiếm, chúng tôi được ông V. chủ một cửa hiệu bán cổ vật ở phố đồ cổ Lê Công Kiều (quận 1) cho biết, không ít tay chơi thích săn kiếm ngoại chỉ đơn giản thỏa mãn niềm tin tâm linh.

Ông V. kể chuyện cách đây 6 tháng, lúc gặp nhau tại một quầy kiếm cổ giữa lòng Thủ đô Phnôm Pênh, một tay chơi người Việt, ở quận Tân Bình bỏ nhỏ với ông đang lùng một cây kiếm mà tính sát khí của nó phải dữ dằn. "Thầy tướng số nói tôi vía nhẹ nên hay bị người âm phá. Muốn diệt âm khí chỉ có cách bày trong nhà món binh khí dùng để đuổi tà khí, mà kiếm cổ của đế chế Khơmer do lấy quá nhiều mạng người nên hội tụ sát khí, thần khí mới có thể khiến các thế lực âm binh ngán ngại". (???)… 

Phiên chợ sôi động

Để thỏa mãn niềm đam mê cũng như thú chơi thời thượng của mình, vậy là các môn đồ của kiếm cổ như ông S., ông Q., ông V… đua nhau xuất ngoại. Qui trình săn "báu vật" của các ông khá đơn giản: "6h sáng ra đường Phạm Ngũ Lão ở khu phố Tây thuộc quận 1, leo lên xe. Với giá vé 200.000 đồng, chỉ sau khoảng 5h đồng hồ là xe đưa mình đến Nam Vang (tên gọi trước đây của Thủ đô Phnôm Pênh).

Tại đây mình chỉ việc thuê xe tuk tuk với giá 3USD bảo "Russian market" là các bác tài sẽ đưa đến tận nơi. Tại đó mọi nhu cầu cổ vật của khách đều được các chủ quầy đáp ứng. Việc giao dịch theo kiểu thuận mua vừa bán. Do Campuchia là vương quốc có bề dày lịch sử ngàn đời, từng là đế chế hùng mạnh kéo dài cả ngàn năm nên cổ vật nhiều lắm, đồ thật nhiều như lá rụng mùa thu bán còn không hết thì đâu có ai rỗi hơi mà sản xuất đồ giả" - ông S. ra vẻ sành điệu.   

"Phiên chợ báu kiếm" mà ông S. cùng các tay chơi đồng sở thích mách nước nằm giữa lòng Thủ đô Phnôm Pênh, được cộng đồng người Việt quen gọi là "chợ Nga" vì nơi đây tập trung đông du khách phương Tây ghé tham quan, mua sắm.

Nhắc đến chợ Nga, những du khách từng đáo qua sẽ hình dung trước mắt hàng trăm quầy hàng chuyên kinh doanh mỹ phẩm, đồ hiệu Sida vốn là hàng viện trợ của các nước phương Tây; vô số quầy bán đá quý với đủ loại như mã não, saphia, rubi, ngọc bích… và đặc biệt là cả trăm quầy hàng chuyên kinh doanh "cổ" vật với biển "đồ cổ" như tượng Phật, binh khí của thần Shiva, kiếm các loại, tiền xưa, các loại nhạc khí, có cả kèn tù và, cồng chiêng lớn nhỏ khác nhau mà ta hay gặp tại các lễ hội của tộc người Bana, Ja Rai, Xu-đăng, Êđê… ở Tây Nguyên.

Đủ loại binh khí, đặc biệt là kiếm giả cổ được bày bán tại chợ.

Ngoài ra còn có nhiều cổ vật được người bán giới thiệu được chế tác từ ngà voi như điếu ngà, thẻ bài, chén đũa vốn chỉ dành cho bậc quyền quý ngày trước.

Rảo qua những ki-ốt "cổ vật", chúng tôi gặp nhiều đấng tu mi nam tử đang vùi đầu vào hàng ngàn thanh kiếm dài ngắn, to lớn, chạm khắc muôn trùng hoa văn mà những người bán giới thiệu được làm từ các chất liệu thép, đồng, đồng pha thép, bạc… và cả pha vàng.

Tại một quầy cổ vật với bảng treo chi chít chữ Campuchia, chúng tôi bắt gặp một người đàn ông luống tuổi đứng tần ngần trước 6 thanh kiếm chất liệu đồng lên trong màu xanh, mỗi thanh dài khoảng 80cm, toàn thân kiếm khắc những ký tự, hoa văn kỳ lạ không rõ chữ mà cũng chẳng ra dáng người. Qua trao đổi bằng tiếng Anh, người phụ nữ vận xà rông người bản địa cho biết kiếm được tìm thấy tại một ngôi cổ mộ ở quận ngoại thành Miêng-Chay và ra giá mỗi thanh kiếm với giá 200 USD.

Nghía một hồi, ông khách chĩa tầm ngắm vào nhóm 7 thanh đoản kiếm mũi nhọn hoắc cái vàng rực, cái màu xám. Lần lượt cầm từng thanh kiến lên ngắm nghía, đến thanh cuối cùng được ánh nắng chiếu vào làm hắt lên ánh vàng huyền bí, thấy chuôi kiếm được tạc hình rắn thần Naga 7 đầu và toàn thân kiếm được chạm khắc nhiều hoa văn kỳ lạ trông như những đốm lửa đang rực cháy, ông khách nọ vỗ đùi cái đốp vì gặp món đồ ưng ý.

Tuyển thanh kiếm với số tiền quy ra tiền Việt tương đương 5 triệu đồng, chẳng biết lấy cơ sở ở đâu mà ông này bỏ nhỏ rằng mình trúng được món hời bởi đây là vũ khí phòng thân cuối cùng của một vị tướng: "Khi xông trận lúc xáp lá cà, vị tướng tay cầm trường kiếm, tay cầm đoản kiếm mà tả xung hữu đột. Nếu bại trận, để giữ sĩ khí và thể diện, vị tướng sẽ dùng thanh đoản kiếm tự sát".

Tại quầy kiếm cổ nằm cách đấy chưa đầy 30 bước chân, chúng tôi bắt gặp 2 ông khách tuổi ngoài 50 đang hăng hái bình phẩm về một cặp phi tiêu bằng thép dáng ngọn lửa với hình nữ vương chắp tay, bao quanh vị nữ vương là muốn trùng ngọn lửa, mỗi ngọn lửa được cấu thành từ những đàn rắn thiêng với phần đầu nhọn hoắc trông khá đặc biệt.

1 trong 2 ông này cho biết tháng trước, chính tại quầy cổ vật này ông ta tậu được thanh bảo kiếm của một vị đại tướng vì toàn thân kiếm có hình thần rắn, hình nữ vương, chuôi kiếm được nạm đá saphia đỏ như máu. Hỏi chuyện giá cả, ông này ậm ừ: "Của quý nên giá cao một tý" rồi tập trung vào các thanh kiếm "cổ"…

Kiểu nào cũng chết!

Những ngày theo chân các môn đồ của kiếm cổ sang Phnôm Pênh săn "báu vật", qua tiếp xúc với nhiều cư dân Việt sinh sống lâu năm tại Thủ đô của nước bạn cũng như qua trao đổi với những nhà sưu tập cổ vật, mới thấy ẩn sâu cái thế giới "kiếm báu", "bảo kiếm"… kia là cả bể lọc lừa, khuất tất. "Campuchia cũng như Việt Nam, chính phủ kiểm soát rất gắt và xử lý nghiêm các trường hợp mua bán đồ cổ nhằm tránh nạn chảy máu cổ vật. Mặt khác nếu có là cổ vật thật thì giá rất đắt và việc mua bán diễn ra rất bí mật chứ không có chuyện bày tràn lan và mua bán như rau củ như ở chợ Nga".

Dứt lời, anh Sok Hùng, tài xế xe tuk tuk chuyên đưa đón khách tuyến Quảng trường Thành Vua (còn gọi Quảng trường sông 4 mặt) - chợ Nga, ném ánh mắt thương hại về phía một ông khách vừa trở ra cổng chính của chợ với gương mặt hoan hỉ vì tậu được thanh kiếm cổ: "Dân Phnôm Pênh ai cũng biết các món đồ được bày bán ở đây là đồ giả cổ chứ chẳng phải cổ vật gì. Do thiếu hiểu biết mà lắm tay chơi dân mình liên tục rủ sang đây tậu các món đồ giả mà cứ ngỡ là đồ xịn".

Chị Mai Hồ, hướng dẫn viên một công ty lữ hành, bật mí: "Không ít người bán ở đây nhìn mặt khách mà hét giá. Họ quan sát nếu thấy khách sang trọng, chết mê chết mệt món đồ nào đó thì hét với giá trên trời. Nếu biết mua thì giá của thanh kiếm chỉ khoảng 2 hoặc 3/10 giá rao bán. Ngặt nỗi nhiều người khoái mua đồ giả cổ ở chợ, trong đó có kiếm thường mua với giá cao vì cứ ngỡ đó là đồ thật".

Từng nhiều lần sang thăm quan và tìm hiểu thị trường đồ xưa đồ cổ ở Phnôm Pênh, anh Võ Sỹ Hùng, nhà sưu tập cổ vật kín tiếng hiện ngụ tại phường Tân Hưng, quận 7, cho biết từng chứng kiến nhiều chủ nhân kiếm báu có nguồn gốc từ bên kia biên giới kêu trời khi phát hiện những thanh kiếm xưa mà có người phải trả hàng ngàn USD để được sở hữu là đồ đồng giả cổ.

"Thấy thanh kiếm đồng nổi teng (màu xanh), nhiều người non kinh nghiệm cứ ngỡ do kiếm nằm lâu trong lòng đất mới có được màu ấy nên chẳng chút nghi ngờ. Họ nào biết sau khi rèn xong thanh kiếm, để biến đồ mới keng thành đồ cổ trăm năm, người ta chỉ việc đổ axit pha lỏng lên rồi đem trụng nước, tiếp đó đem chôn ở khu vực đất ẩm khoảng mươi ngày moi lên chùi sạch… là màu teng nổi lên, thoạt nhìn cứ ngỡ là cổ vật" - anh Hùng, tiết lộ và có lời khuyên: "Mua kiếm cổ theo đúng nghĩa đen, tay chơi sẽ tự đưa mình vào vòng lao lý, vào sổ bìa đen của nước bạn nếu hành vi mua bán cổ vật bị phát hiện. Trong trường hợp món đồ là hàng trộm cướp thì tính chất vụ việc càng trở nên nghiêm trọng…"

Thành Dũng - CSTC tuần số 48
.
.
.