"Vợ ơi tham việc lắm, giàu mà làm chi?"
Hôn nhân quả là một thế giới cực kỳ rối rắm, phức tạp. Có khi cứ tưởng mình thế là thành "chính quả" rồi, hiểu hết nó như thế nào rồi, ấy vậy mà hóa ra vẫn là lầm tưởng. Thôi thì, đành phải chấp nhận đó là cuốn "tiểu thuyết" chương hồi bất tận, khi bi lúc hài, khi sôi sục, lúc ngán ngẩm. Đành vậy!
Vợ tôi và tôi lấy nhau hoàn toàn vì tình yêu chứ chẳng vì cái gì khác sất. Khi cưới, tụi tôi chẳng có gì ngoài đôi bàn tay trắng. Tôi cảm động vì tình yêu của cô ấy dành cho tôi, và cô ấy cũng nhiệt thành với tình yêu tôi dành cho cô ấy. Chỉ sau 7 tháng gặp và yêu nhau, chúng tôi đã gật đầu đánh rụp khi cùng đưa ra ý định về chung một nhà.
Phải nói, cô ấy là một cô gái ngoan, trong trắng và hồn nhiên. Đặc biệt, ở cô ấy có một chút hoang dại cực kỳ hấp dẫn. Cô ấy được tiếng là giỏi giang ngoan ngoãn nên gia đình tôi chấp nhận cô ấy liền khi tôi mới ướm lời về chuyện cưới hỏi. Khi đó, bố mẹ anh chị tôi đã rầm rộ lên kế hoạch chi tiết tỉ mỉ đến từng cái tăm sợi chỉ cho người sang ăn hỏi và ngày rước dâu về.
Chúng tôi đã hạnh phúc biết bao trong những ngày đầu tiên sau đám cưới. Mặc dầu cả hai chưa có một tài sản gì trong tay, ngoài hai công việc mang tiếng là ổn định nhưng đồng lương thì nghèo rớt. Hai đứa đã quyết không làm phiền cha mẹ hai bên, dắt díu nhau đi thuê nhà, cùng vật lộn với những thách thức công việc, trải qua những gian nan vất vả thuở cơ hàn, giờ nghĩ lại tôi vẫn không khỏi ứa nước mắt vì những ngày khó khăn ấy. Nhưng rồi ở hiền gặp lành, sau bao nhiêu nỗ lực thì vận may cũng đến với chúng tôi.
Ở nhà tôi, cô ấy dành hẳn một tầng chuyên để dạy thêm. Học sinh với phụ huynh cứ lũ lượt đến rồi đi, hết lớp này đến lớp khác. Cô ấy lao vào công việc cùng tốc độ với quá trình lão hóa của mình mà cứ như thể không hay biết.
Trước kia, khi còn thảnh thơi chưa vướng bận, cũng chưa nhiều tiền bằng 1 phần trăm bây giờ, chúng tôi luôn dành thời gian chăm sóc nhau và chăm sóc tổ ấm của mình. Còn bây giờ, tôi bận đã đành, cô ấy cũng đua theo sức của tôi, mà có khi còn lao lực hơn tôi. Thay vì hưởng thụ cuộc sống, chăm sóc sắc đẹp như bao "quý bà" có chồng hái ra tiền khác, vợ tôi cứ như nữ tu ép xác vào đọc kinh vậy, ngày ngày đêm đêm còng lưng khản cổ dạy học không chán. Mức học phí cứ tăng tỉ lệ thuận theo kỳ tăng lương, tăng rau, tăng thịt, tăng danh tiếng… Và lòng tham của cô ấy cũng tăng theo.
Tôi không nghĩ vợ tôi tham tiền, bởi cô ấy làm gì có thời gian tiêu pha mà tham để làm gì? Cô ấy chẳng có lý do gì để kiếm nhiều tiền như thế cả. Chúng tôi không hề thiếu tiền. Rất nhiều thì không có, nhưng có thể nói là đã dư dả rồi, không đến mức phải đổ mồ hôi sôi nước mắt. Ấy vậy mà như thể trí thông minh, tính hồn nhiên trong sáng chưa từng tồn tại trong cô ấy vậy, cô ấy cứ lao vào, gần như phớt lờ những lời can thiệp, những xót xa cho sức khỏe cô ấy của tôi.
Về sau, tôi tự giải thích với mình rằng hình như cô ấy bị bệnh nghiện công việc, nghiện cái cảm giác được thấy mình lao động cật lực, nghiện những ánh mắt khát tri thức, nghiện được thấy mình có ích, hay đại loại cái gì đó như thế. Được thôi, như thế thật tốt cho túi tiền, và cho nhu cầu học sinh nữa. Nhưng với tình cảm gia đình mà cụ thể là với tôi thì quá lắm, quá không thể chịu nổi nữa rồi.
Bởi vì lao động hết công suất, nên mỗi khi trở về với vai trò làm vợ, cô ấy gần như không còn một chút hứng thú nào. Dường như cô ấy không có một phút nào nghĩ đến cảm giác của tôi thì phải. Đường đường là một giám đốc thành đạt, tôi nào có thiếu các cô gái vây quanh, sẵn sàng xin chết? Tại sao cô ấy lại chủ quan khinh địch đến thế? Ngặt nỗi là tôi vẫn chỉ một lòng một dạ với cô ấy thôi, thương xót vợ mà nói vợ đâu có thèm nghe? Vì thế nên tôi đau khổ. Tôi khổ vì đêm đêm muốn ôm ấp vợ một chút mà cô ấy cứ hồn nhiên há hốc mồm ngủ, hơi thở nặng nề sau một ngày mệt nhọc, có yêu mấy cũng mất cả hứng thú. Đến sáng ra, ngồi trên xe đi làm, liếc sang cũng thấy vợ lúc thì đang ngủ, lúc thì lại mải mê đọc cái tài liệu nào đó, chẳng trò chuyện nổi một câu nào với chồng.
Có lần, cáu quá tôi quát nhặng lên: "Cô làm sao đấy? Có cái gì thì nói thẳng ra? Hay là cô có ai rồi cô chán tôi?". Nghe thế vợ tôi lại giở bài chọc cười, nhưng như thế tôi lại càng đâm tức, mặt ngắn lại. Vợ tôi không được hưởng ứng thì lại dài mặt ra. Thêm chút nữa là lại cãi nhau căng thẳng. Vợ tôi khi ấy mới thẽ thọt, rằng thì là muốn đi làm để anh đỡ vất vả, muốn làm nhiều hơn để không thua kém chồng!
Tôi giận lắm, trên đời này có "mụ" đàn bà nào ngoan cố ngược đời như cô vợ tôi không kia chứ? Làm phụ nữ thì chỉ cần xinh đẹp, biết chăm sóc chồng con nhà cửa là được rồi. Đối với tôi thế là quá đủ. Tôi không cần cô đi làm, không cần cô dạy thêm, không cần cô cố gắng gì hết. Cô chỉ cần cố gắng nghĩ đến chồng con hơn nữa thôi!
Không biết tôi đã rót vào tai vợ tôi bao nhiêu lần những lời như thế, cô ấy chỉ vâng vâng dạ dạ rồi đâu vẫn hoàn đó, chỉ bơn bớt đi thôi, xong vì áp lực vật nài của phụ huynh rồi vì cái gì đó nữa không biết, cô ấy lại lao vào dạy tối ngày. Con thì vứt cho ông bà trông nom, chồng thì bận đằng chồng, tối về mỗi đứa ôm một gối ngủ mệt ngủ mỏi. Suy đi tính lại, cũng ra sức tìm nguyên do để giải quyết, tôi vẫn chưa bao giờ giải quyết được triệt để.
Nhiều lúc cám cảnh, tôi nghĩ, tiền nhiều để làm gì khi là gia đình vữa nát như thế này? Chẳng còn gì gắn kết nữa. Tôi hoàn toàn cảm thấy bất lực, và tôi thực sự chán ghét cuộc sống. Khi gia đình không làm tôi cảm thấy yên ấm, cảm thấy bình yên, cảm thấy là nơi tôi muốn trở về, thì gia đình đó đang đứng bên bờ vực thẳm.
Gần đây, tôi đã phát hiện ra một điều mấu chốt. Ấy là tính hiếu thắng ẩn trong người vợ tôi. Tôi nghĩ rằng chính tính hiếu thắng đã đưa lối dẫn đường cho tất cả mọi hành động của cô ấy. Cô ấy hiếu thắng với chính tôi - chồng của cô ấy. Khi tôi càng thành đạt, càng đưa nhiều tiền về nhà, thì cô ấy càng nỗ lực nhiều hơn để không những không thua thiệt mà còn phải hơn cả số tiền mà tôi đưa về.
Chính tính hiếu thắng đã khiến cô ấy mờ mắt, không nhận ra rằng mình đang trở nên tàn tạ. Một đóa hoa thay vì khoe sắc, tận hưởng cuộc sống, lại tận lực tuôn hết sắc hương cho những cơn gió vô tình ngang qua nào đó, chẳng chóng thì chầy, đời sống ấy sẽ nhạt phai và sẽ rơi rụng… Tôi chợt thấy mình bất lực hơn bao giờ hết. Và thấy thương đứa con của mình như chưa bao giờ được thương…