Triệt phá đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy lớn nhất Đông Nam Á

Thứ Ba, 24/05/2011, 15:01
8,8 tấn nhựa cần sa, 10.485 USD; 278.691 NDT; 1.073.480 đô la Hồng Kông cùng nhiều tài sản và vật chứng khác của vụ án trị giá hơn 4 tỷ đồng - đó là những con số gây sửng sốt trong vụ án buôn bán ma túy lớn nhất Đông Nam Á do Uông Huệ Lan và Trần Quốc Quang cầm đầu vận chuyển vào Móng Cái - Quảng Ninh năm 2008. Sau một quá trình điều tra, xác minh, các chiến sĩ phòng PC17 Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp cùng các đơn vị chức năng khác chặn đứng, triệt phá đường dây vận chuyển trái phép chất ma túy nguy hiểm và táo tợn này.

Trong những năm gần đây, tình hình ma túy vùng biên vô cùng nhức nhối. Đặc biệt Quảng Ninh - xét ở góc độ địa lý, các tổ chức tội phạm ma túy lợi dụng Quảng Ninh làm địa bàn tiêu thụ và trung chuyển ma túy với số lượng lớn. Đặc biệt trên tuyến biên giới Việt - Trung tại thành phố Móng Cái. Hầu hết, heroin và cần sa được trung chuyển từ nước ngoài vào Việt Nam, qua địa bàn Quảng Ninh và đưa sang nước thứ 3. Các loại ma túy tổng hợp được thẩm lậu từ Trung Quốc vào nước ta để tiêu thụ trong nội địa. Trong khi đó, thủ đoạn và phương thức hoạt động của tội phạm ma túy ngày càng tinh vi, xảo quyệt.

Quá trình vận chuyển ma túy được thực hiện theo quy trình khép kín, mỗi đối tượng đảm nhiệm một công đoạn nhất định, chúng là những móc xích có sự liên kết chặt chẽ với nhau. Do vậy, trong một số vụ án, có lúc chỉ bắt được đối tượng vận chuyển thuê nên quá trình đấu tranh làm rõ hành vi phạm pháp của các đối tượng chủ mưu, cầm đầu gặp rất nhiều khó khăn.

Thủ đoạn cất giấu ma túy của chúng tinh vi, khó phát hiện và thường được ngụy trang dưới một vỏ bọc không thể hợp lý hơn, ví dụ như tẩm bột heroin vào trong con sá sùng, mực khô để vận chuyển ra nước ngoài, hoặc giấu ma túy trong ôtô chở gạo, giấu ma túy dưới đế giày. Điều đặc biệt, hầu hết các đối tượng tội phạm đều có tiền án, tiền sự, có số má, sẵn sàng sử dụng hung khí chống đối quyết liệt lực lượng chức năng khi bị phát hiện.

Trong khi đó, lợi dụng những kẽ hở trong công tác quản lý của Nhà nước về An ninh trật tự, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua biên giới, đặc biệt là những lô hàng tạm nhập, tái xuất. Theo thủ tục hải quan, những lô hàng này trong tờ khai của các doanh nghiệp, nếu không phải là loại hàng hóa dễ bị phân hủy, vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường… và container còn nguyên kẹp chì thì kiểm tra trên giấy tờ và cho chuyển khẩu, không nhất thiết phải kiểm tra hàng hóa.

Lợi dụng sơ hở này, bọn tội phạm ma túy dễ hoạt động phạm tội, cất giấu ma túy vào trong các lô hàng tạm nhập, tái xuất để vận chuyển công khai qua nhiều quốc gia mà không bị các cơ quan chức năng "sờ gáy". Chính 5 kẻ cầm đầu đường dây vận chuyển 8,8 tấn nhựa cần sa sang Móng Cái - Quảng Ninh cũng "chắc mẩm" sẽ vượt qua tai mắt của lực lượng Công an thông qua hành vi ngụy trang khéo léo, nhưng chúng không biết rõ 1 chân lý rất đơn giản: "vỏ quýt dày có móng tay nhọn".

Đảo ngược quy luật thương mại

Đầu tháng 4/2008, phòng PC17 - Công an tỉnh Quảng Ninh nhận được thông báo khẩn của nguồn tin cơ sở cung cấp, một người đàn ông tự xưng tên Long - là thành viên của băng đảng tội phạm xã hội đen, hiện đang định cư ở Hồng Kông (Trung Quốc) liên lạc bằng điện thoại đặt vấn đề thuê tạm nhập vào Việt Nam, tái xuất sang Trung Quốc một lô hàng gồm 2 container quần bò và thảm len chùi chân có nguồn gốc từ Pakistan. Người đàn ông này hỏi các thủ tục tạm nhập tái xuất ở Móng Cái có dễ dàng không? Kiểm tra Công ty TNHH V.H tại địa chỉ khu công nghiệp Móng Cái có khả năng "tạo điều kiện thuận lợi" trong kiểm tra, thông quan hàng hóa không? Sau khi bàn bạc và đi đến thống nhất, cơ sở nhất trí giúp ông chủ Long kiểm tra Công ty V.H, có trách nhiệm dẫn chủ hàng đến Việt Nam nhận hàng, phiên dịch và bảo vệ chủ hàng khi lô hàng đến Móng Cái. Tiếp đó, nhận vận đơn do một người ở Đông Hưng, Quảng Tây, Trung Quốc đưa sang để chuyển cho Công ty V.H.

Toàn bộ hồ sơ vận đơn hàng hóa bằng chữ tiếng Anh có nghĩa: Người gửi hàng: Công ty Lucky Traders (Karachi - Pakistan); Người nhận hàng: Công ty V.H (Khu công nghiệp Móng Cái); Chuyên chở: Đường biển; Tàu chở hàng: Đại lý tàu biển quốc tế Wan Hai, Singapor; Cảng dỡ hàng: Hải Phòng, Việt Nam. Container thứ nhất có số hiệu GLGU 7367200, vận đơn số 0588000614 chứa 677 kiện quần bò nam, 24 cái/kiện =16.248 quần. Container thứ 2 có số hiệu WHLU 5086522, vận đơn số 0588000615 chứa 600 kiện quần bò, 19 cái/kiện = 11.400 quần.

Qua nghiên cứu, tìm hiểu, lực lượng Công an nhận thấy trong thương vụ này có rất nhiều "hạt sạn", nhiều điểm bất minh về xuất xứ, nguồn gốc và hoàn toàn trái với quy luật thương mại. Bởi lẽ, Trung Quốc là nước có truyền thống xuất khẩu hàng may mặc lớn nhất thế giới, và Pakistan không phải là nước sản xuất và xuất khẩu quần áo may sẵn, trong đó có quần bò.

Trong khi đó, tất cả các giao dịch không để lại bất cứ tì vết, các cuộc điện thoại gọi từ Hồng Kong đến Việt Nam có nội dung ngắn gọn, bằng thẻ điện thoại công cộng nên chỉ xác định được mã quốc gia, các đối tượng hoàn toàn chủ động trong liên lạc. Theo đánh giá của đặc tình và tổng hợp những nguồn tin thu thập được, lực lượng Công an đặt ra nghi vấn: Một tổ chức tội phạm ma túy quốc tế gồm nhiều đối tượng là người Hồng Kông, Trung Quốc hoạt động xuyên quốc gia, với thủ đoạn lợi dụng việc tạm nhập, tái xuất hàng hóa để vận chuyển ma túy hoặc hàng cấm với số lượng lớn vào Việt Nam và trung chuyển sang nước thứ 3.

Chuyên án mang bí số 408 P

Bắt đầu từ những nghi vấn đó cùng với những tài liệu thu thập được, 21/4/2008, phòng CSĐT tội phạm ma túy đã báo cáo Ban Giám đốc Công an tỉnh. Trên cơ sở tài liệu ban đầu kết hợp với phân tích đánh giá, Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo để xác minh, làm rõ. Một tổ công tác di chuyển theo hướng Quảng Ninh - Hải Phòng có nhiệm vụ kiểm tra hành trình của lô hàng này và khi nào về tới Hải Phòng sẽ bí mật giám sát chặt chẽ, nhằm đảm bảo lô hàng không bị trộm cắp, di chuyển và tìm ra chân tướng kẻ đến kiểm tra lô hàng.

Đêm 22 rạng sáng 23/4/2008, hàng đã nhập tới cảng Chùa Vẽ. Lúc này, nhiệm vụ đòi hỏi phải tăng cường lực lượng để giám sát lô hàng. Tổ công tác phối hợp với lực lượng phòng chống ma túy Cục Cảnh sát biển cùng thực hiện giám sát 24/24, đồng thời đề phòng chủ hàng sẽ xuất hàng theo đường biển không đúng như lộ trình dự kiến đi đường bộ ra Móng Cái.

Một tổ công tác khác do đồng chí Nguyễn Quang Thành, là Trưởng phòng CSĐT tội phạm ma túy Công an tỉnh Quảng Ninh (nay là Trưởng Công an thị xã Uông Bí) chỉ huy có trách nhiệm điều tra về Công ty V.H và các đối tác tới nhận hàng. Hiện tại, giám đốc Công ty V.H đi vắng và lô hàng vẫn đang nằm chờ ở Hải Phòng. Tiếp đó các thông tin đến cơ sở bị cắt đứt, các đối tác người nước ngoài dừng liên lạc. Do vậy, nội tình về Công ty V.H gặp khó khăn trong công tác tìm hiểu, nhận diện thông tin. Tình thế nan giải và có nhiều khả năng sẽ không bắt được chủ hàng nếu không nắm được hồ sơ và người xuất hàng.

Qua các biện pháp và trinh sát, ta nhận định Công ty V.H chỉ là đơn vị làm dịch vụ vận chuyển thuê không biết bên trong lô hàng có ma túy, căn cứ vào số tiền công thuê làm dịch vụ và trình tự nội dung của hoạt động hàng hóa tạm nhập, tái xuất. Nếu không nhanh chóng nắm được thời cơ và tiếp nhận V.H sẽ không tìm ra đầu mối người giao, người nhận hàng.

Vụ án đang đi vào thế bí, thì đầu tháng 4/2008, Công ty V.H nhận được hợp đồng vận chuyển lô hàng tạm nhập tái xuất từ Pakistan qua cảng Hải Phòng đưa sang Trung Quốc và Canada do đối tác Pakistan yêu cầu. Mọi giao dịch được thực hiện qua email, vận đơn hàng chuyển đến cho Công ty V.H không qua giao dịch bưu điện, dự kiến ngày 16/4/2008 hàng nhập cảng Chùa Vẽ - Hải Phòng nhưng do trục trặc nên tới ngày 22/4 hàng mới đến nơi.

Ban đầu có một người họ Lý mang quốc tịch Canada, gốc Hoa biết nói tiếng Anh, tiếng Việt đến gặp cơ sở đặt cọc 20.000.000 VNĐ thuê làm dịch vụ lô hàng này nhưng sau đó không thấy người này quay lại nữa. Tiếp đó, có nhiều người, bao gồm cả người Việt và người nước ngoài đặt vấn đề với Công ty TNHH V.H nhận lô hàng trên nhưng đặc biệt chú ý đến nhóm đối tượng Uông Huệ Lan, người Quảng Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Lan liên lạc bằng điện thoại và trực tiếp đến nhận lô hàng trên. Bản thân Uông Huệ Lan thông báo với bên làm dịch vụ, báo khách hàng đã đến Việt Nam bằng đường hàng không, ngày 24/4/2008 sẽ đến Móng Cái để nhận lô hàng.

Thông qua các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng Công an đã xác định được danh tính của 3 người đàn ông đi cùng Uông Huệ Lan là Lu Minh Cheng (Lữ Minh Trình), Ngan Chiu Kuen (Nhan Chiêu Quyền) và Ieong Chi Kai (Dương Trí Giai). Mọi động tĩnh của nhóm người khả nghi này đã nằm trong tầm ngắm của lực lượng chức năng.

Sán 26/4/2008, Uông Huệ Lan cùng Lữ Minh Trình đến Công ty V.H để làm việc. Lan đưa 300.000 đô la Hồng Kông đề nghị được nhận hàng. Do không thỏa mãn được các yêu cầu về pháp lý, tất cả các vận đơn hàng hóa khi xuất trình không có giấy tờ gốc, các văn bản chỉ là bản sao, và nhận qua bản fax, email nên quyết không giao hàng với lý do: Nếu người khác đưa các giấy tờ hợp pháp thì phải gánh chịu toàn bộ thiệt hại về tổng giá trị lô hàng và tiền phạt vi phạm Luật thương mại. Do không thương lượng được với Công ty V.H, Uông Huệ Lan lấy lại 200.000 đô la Hồng Kông, cùng 3 người đàn ông đó từ Móng Cái về Hạ Long nghỉ, cho tới sáng 30/4/2008, Lan cùng đồng bọn rời Hạ Long đi Nội Bài, xuất cảnh về Hồng Kông. Số tiền Uông Huệ Lan đặt cọc làm tin đối với Công ty V.H là 100.000 đô la Hồng Kông và hẹn sau 1 tuần sẽ quay lại nhận hàng với đầy đủ giấy tờ gốc.

Xuất phát từ mối nghi vấn ban đầu về xuất xư bất minh của lô hàng, trái với quy luật thương mại, tất cả mọi giao dịch đều mờ ám, loại hàng hóa và phương thức giao nhận, vận chuyển có nhiều điểm nghi vấn, các đối tác gợi ý trả tiền công dịch vụ cho Công ty V.H là rất cao, hoàn toàn "khập khiễng" với vận đơn tiền hàng ở 2 container, chưa kể tới cung đường vận chuyển khá dài từ Pakistan đến Việt Nam và nhiều nước khác sẽ không bù đắp được các khoản chi phí. Với mặt hàng may mặc, thông thường chủ hàng có nhất thiết phải mất nhiều công sức và tốn kém vậy không? Vậy thực chất, hàng hóa trên 2 chiếc container là cái gì?

Thông tin được củng cố thêm nhờ mạng lưới cơ sở mật báo: Ngày 5/9/2007, Uông Huệ Lan và một người bạn họ Lý đã thuê Công ty V.H vận chuyển 1 container khai báo chứa thảm len và khăn tắm có nguồn gốc từ Ấn Độ đi Trung Quốc với giá dịch vụ là 10.000 NDT. Khoảng 10 ngày sau thuê cửu vạn bốc lên container chuyển sang Trung Quốc (Công ty TNHH mậu dịch Thái Hòa, Đông Hưng). Những người bốc vác sau này có phản ánh lại, trong các container có nhiều thùng carton đựng hàng có trọng lượng khoảng 20kg/thùng nhưng điều lạ là kích thước các thùng hàng giống nhau nhưng chênh lệch về cân nặng giữa các thùng từ 5-7kg. Uông Huệ Lan và người đàn ông tên Lý là người trực tiếp mở từng kiện hàng, cho vào bao dứa khâu kín lại, sau đó mới thuê cửu vạn bốc lên container.

Tổng hợp các nguồn tin, nhận định có nhiều khả năng lô hàng 2 container có chứa chất ma túy từ Pakistan chuyển qua Việt Nam và đi nước thứ 3 với số lượng lớn càng được củng cố và vững chắc. Do vậy, cần phải tập trung lực lượng đấu tranh, làm rõ hành vi phạm pháp của tổ chức tội phạm ma túy xuyên quốc gia đặc biệt nguy hiểm này.

Ngày 28/4/2008, Công an tỉnh Quảng Ninh quyết định xác lập chuyên án trinh sát mang bí số 408 P để đấu tranh, trong đó Trưởng ban Chuyên án là đồng chí Nhâm Ngọc Tám, Phó Giám đốc Công an tỉnh, và đồng chí Nguyễn Quang Thành - Phó trưởng ban Thường trực chuyên án - người sát sao tình hình từ đầu tới cuối.

Triệt phá đường dây vận chuyển ma túy lớn nhất Đông Nam Á

Ngày 8/5/2008, Uông Huệ Lan đến Việt Nam bằng cửa khẩu Đông Hưng còn 4 người đàn ông là Lữ Minh Trình, Trần Quốc Quang, Dương Trí Giai và Nhan Chiêu Quyền từ Hồng Kông đến Việt Nam bằng cửa khẩu Nội Bài, sau đó tất cả về thành phố Móng Cái. Ngày 9/5/2008, Uông Huệ Lan cùng với Quang tới đặt vấn đề nhận lô hàng nhưng không đầy đủ các thủ tục pháp lý chứng minh mình là người nhận hàng. Quang buộc phải viết giấy xác nhận cam đoan mình là chủ lô hàng trên và xin được nhận hàng.

Lan không hề hay biết mình đang rơi vào "thế trận" của lực lượng chức năng, ngoan ngoãn giao số tiền 100.000 đô la Hồng Kông làm thủ tục giao dịch. Ngay lập tức bên nhận fax và gửi mail về Công ty Lucky Traders (Karachi, Pakistan) đề nghị nơi chuyển hàng xác nhận chủ hàng là Quang nhưng không được trả lời, khả năng địa chỉ của người chuyển hàng trên tờ vận đơn là giả. Lan và Quang tiếp tục đặt cọc 50.000 USD để bảo đảm nhận lô hàng trên. Họ đồng ý giao tiền mặt cho công ty dịch vụ ngay khi nhìn thấy container hàng còn nguyên kẹp chì ở kho V.H.

Tiếp đó, họ thỏa thuận sơ bộ với công ty dịch vụ cho hàng nhập kho và làm thủ tục chuyển 2 container hàng trên sang Trung Quốc. Họ sẽ chọn lại 400 kiện hàng sau đó thuê Công ty TNHH V.H mua quần áo thể thao đóng vào container, dán mẫu mã hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam đưa vào thành phố Hồ Chí Minh gửi sang Canada qua đường tàu biển OOCL đến cảng Halifax, Canada.

Ngày 11/5/2008, theo kế hoạch lô hàng này sẽ được chuyển từ cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng ra Móng Cái do Công ty TNHH V.H thực hiện dịch vụ. Phương án "Vận chuyển có kiểm soát" đã được thực hiện chính xác và nghiêm ngặt trong toàn bộ hành trình do nhiều lực lượng tham gia: Phòng PC47, PC67 Công an tỉnh Quảng Ninh, Phòng 4/C47, Cảnh sát biển giám sát đã bảo đảm an toàn tuyệt đối với 2 container này.

Khi hàng đến Móng Cái, Quang và Lan đến viết giấy cam đoan mình là chủ hàng, đặt tiền bảo đảm và kiểm tra lô hàng. Sáng ngày 12/5/2008 theo sự phân công thì tên Quyền đứng ở cổng Công ty TNHH V.H có nhiệm vụ cảnh giới, tên Trình cầm 50.000 USD tiền đặt cọc, Quang và Lan đến kho của Công ty V.H xem 2 container con nguyên kẹp chì hay không.

Thời cơ đã đến, đúng 9h ngày 12/5/2008, Trưởng ban chuyên án ra hiệu lệnh đồng loạt các tổ trinh sát bất ngờ áp sát, khống chế đối tượng đồng thời tiến hành kiểm tra 2 contaier theo thủ tục Hải quan. Kiểm tra container thứ nhất, đều là thùng carton đựng quần bò đúng như lời khai của Lan và đồng bọn. Chúng một mực khẳng định cơ quan chức năng của Việt Nam cố tình gây khó dễ cho những người làm ăn lương thiện, cản trở con đường làm ăn và phát triển kinh tế của họ, đồng thời họ đòi bồi thường thiệt hại do công đoạn kiểm tra gây chậm chễ thời gian xuất hàng.

12h30, trời nắng như đổ lửa, container thứ nhất được bóc dỡ xong và không có bất cứ dấu hiệu bất thường nào. Các chiến sĩ vừa đói, vừa mệt, chia nhau xuất cơm ăn vội và uống ngụm nước lại tiếp tục kiểm tra container hàng thứ hai. 1/3 container hàng thứ hai đều là quần bò, cho tới 2/3 số hàng sau, bao gồm 200 thùng quần bò ở bên ngoài có 400 thùng carton ở mặt trên và dưới đáy được ngụy trang bằng 4 chiếc quần bò, ở giữa là những bánh chất dẻo màu nâu hình chữ nhật có in chữ La tinh và chữ Tây Á.

Qua giám định và xác định trọng lượng sơ bộ kết luận: toàn bộ chất dẻo có đặc điểm như trên là nhựa cần sa có tổng trọng lượng hơn 8 tấn và các loại tiền, tài sản trị giá trên 4 tỷ đồng cùng nhiều tài liệu chứng minh tội phạm, đồng thời bắt khẩn cấp 5 đối tượng: Chan Kwok Kwong (Trần Quốc Quang), 58 tuổi, trú tại Hồng Kông - Trung Quốc, Iong Chi Kai (Dương Trí Giai) 53 tuổi, trú tại Ma Cao - Trung Quốc, Ngan Chiu Kuen (Nhan Chiêu Quyền) 43 tuổi, trú tại Hồng Kông - Trung Quốc và Wang Hue Lan (Uông Huệ Lan), 43 tuổi, trú tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc, Lu Minh Cheng (Lữ Minh Trình) 53 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, trú tại thành phố Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông - Trung Quốc.

Ngay sau khi bóc tách 5 đối tượng, quá trình điều tra, thẩm vấn của các chiến sĩ Công an gặp không ít khó khăn. Chúng lợi dụng bất đồng ngôn ngữ để chối tội và đổ thừa cho một thế lực khác ở nước ngoài. Song với những bằng chứng không thể chối cãi, cùng với bút tích viết tay của Trần Quốc Quang thừa nhận bản thân là chủ lô hàng và xin được nhận hàng đã tố cáo hành vi phạm tội của Quang và đồng bọn.

Như vậy, trong thời gian rất ngắn, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc Công an tỉnh và sự hỗ trợ tích cực của các lực lượng chức năng, sự quyết tâm cao độ của tập thể lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ phòng PC47 Công an tỉnh Quảng Ninh đã điều tra khám phá thành công chuyên án 408 P, chặt đứt tổ chức tội phạm ma túy quốc tế đã lợi dụng việc tạm nhập tái xuất hàng hóa để vận chuyển ma túy, thu giữ lượng ma túy lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam, thể hiện thái độ cương quyết đấu tranh bài trừ tội phạm và tệ nạn ma túy ra khỏi đời sống xã hội.

Ngày 28/5/2010, tại TP Hạ Long, Tòa án nhân dân tối cao xét xử phúc thẩm vụ án Uông Huệ Lan cùng đồng bọn có hành vi vận chuyển hơn 8 tấn nhựa cần sa qua biên giới, Hội đồng xét xử đã tuyên 5 bị cáo với mức án tử hình, trong đó 3 bị cáo Lữ Minh Trình, Trần Quốc Quang và Dương Trí Giai nhận án tử hình về tội "vận chuyển trái phép chất ma túy" và "vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới", 2 bị cáo Nhan Chiêu Quyền và Uông Huệ Lan nhận mức án tử hình về tội "vận chuyển trái phép chất ma túy". Bản án thích đáng dành cho những kẻ ngoại quốc có hành vi phạm pháp đã khép lại quá trình tổ chức đấu tranh chuyên án trinh sát, điều tra xét hỏi bị can vô cùng khó khăn và phức tạp của Phòng CSĐT tội phạm ma túy, Công an tỉnh Quảng Ninh

Lương Nhan
.
.
.