Thị trường nhạc Việt - cố chấp và manh mún

Chủ Nhật, 23/01/2011, 16:30
Lẽ ra với sự khởi sắc của các nhân tố mới bao gồm cả nhạc sĩ, ca sĩ, lẫn nhà sản xuất từ những năm cuối của thập niên 90 thế kỷ trước thì thị trường nhạc Việt sẽ đi lên theo đúng như suy nghĩ của mọi người. Nhưng một thập niên nữa đã trôi qua kể từ quãng thời gian ấy, thời điểm đầu năm 2011 biết bao nhiêu niềm hi vọng đã từng được kì vọng cho thị trường lại càng lúc càng tan biến như bọt bong bóng…

Chuyện gì đang xảy ra?

Không định hướng, không mục tiêu, không có đám đông đủ lớn để tạo ra cái gọi là thị hiếu để mọi người nhìn vào và biết thị trường nhạc Việt đang nghe gì… Thị trường chúng ta giống như một người nghèo khó sống bên vỉa hè, lo cho bữa ăn mỗi ngày đã là quá sức huống hồ gì nghĩ đến ngay mai hay tương lai. Rất nhiều "khai quốc công thần" của ngày đó như ca sĩ Hồng Nhung, Mỹ Linh, Thanh Lam, Minh Thuận, Lam Trường, Phương Thanh, Đan Trường… giờ đã "chồn chân mỏi gối", người thì đã gần như nghỉ hát người thì đã bước qua đỉnh cao khá lâu mà ước mơ phục hưng nhạc Việt vẫn chỉ là đốm lửa nhen nhóm chưa chưa thể bùng lên. Một thế hệ sau đó của những Quang Dũng, Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm… thì độ phủ sóng rộng hơn, khao khát mãnh liệt hơn nhưng họ nổi tiếng khi không còn đủ trẻ, và họ "ngộ" ra thị trường quá sớm để thấy có làm gì nhiều đi chăng nữa thì… mọi thứ cũng sẽ vậy.

Trong cuộc trò chuyện gần đây nhất với chúng tôi, ca sĩ Mỹ Tâm cho biết sức sống của một bài hit của cô giờ cũng đã không còn kéo dài 1 năm hay 2 năm nữa, mà đôi khi chỉ vài ba tháng đã trôi vào quên lãng. "Nhiệt huyết thì không hẳn là mất đi, nhưng mình chỉ đang cố gắng làm những gì mình yêu thích, vậy thôi. Chỉ tiếc là khi thế hệ chúng tôi tạo ra được những khát khao trở thành ca sĩ cho lớp trẻ, thì chính lớp trẻ ấy lại vô hình trung "tự tước đoạt" cái cơ hội bật lên của mình bằng cách sống an toàn, sống giống nhau… theo kiểu kiếm tiền kiếm danh là đủ". Cái lỗi của thị trường âm nhạc là lỗi của cả một hệ thống nhưng không người trong cuộc nào chịu nhận cái lỗi ấy về mình. Nhạc sĩ thì thích viết nhạc hơn là học nhạc, ca sĩ thì thích mau có cái danh hơn là thích chứng tỏ giọng hát của mình, nhà sản xuất thì thích bỏ tiền ra ít nhưng thu lợi lại nhiều… Rốt cuộc khi sản phẩm xuất hiện trên thị trường là một thứ sản phẩm thứ cấp nhưng gần như "người trong cuộc" nào cũng cảm thấy hài lòng…

Nhạc sĩ Đức Trí chia sẻ với chúng tôi anh không bất ngờ với những gì đang diễn ra trong thị trường, nhưng để trả lời cho câu hỏi thị trường này đang đi về đâu thì nhạc sĩ này cũng không dám chắc chắc. "Tạm thời cứ phải tồn tại đã, còn những gì thuộc về kế hoạch, dự án âm nhạc thì cứ để đó cho đến một thời điểm thích hợp. Nhưng khi nào thích hợp thì tôi cũng chưa biết, vì rõ ràng 5-10 năm nữa mọi thứ trong nhạc Việt vẫn sẽ bề bộn…", nhạc sĩ Đức Trí tâm sự.

Sự tấp nập của các cuộc thi âm nhạc vừa qua những tưởng có thể sẽ dấy lên một điều gì đó cho thị trường. Nhưng nếu ai đó đủ tỉnh táo để nhận ra, chúng ta đang tin vào những giá trị ảo hơn. Thần tượng âm nhạc 2010 Uyên Linh là một giọng hát hay, có cá tính… nhưng có đến mức làm cho cả 4 vị giám khảo của "game show Vietnam Idol 2010" sững sờ, run rẩy, nổi da gà… hay không thì còn phải xét lại. Một chương trình truyền hình giải trí như Vietnam Idol với những kịch tính của nó cộng thêm những lời khen phủ sóng mọi lúc mọi nơi của ban giám khảo đã tạo nên một phản ứng dây chuyền cảm xúc đối với khán giả.

Sao mai - Điểm hẹn 2010 không nổi đình nổi đám như Vietnam Idol 2010 nhưng cũng xôn xao với một chất lượng thí sinh càng lúc càng thấp hơn mặt bằng so với các mùa trước. Rồi chuyện nhắn tin bầu chọn, chuyện đấu đá hậu trường của thí sinh, chuyện BGK người nói một đằng người nói một nẻo… quyện lại với nhau tạo nên một mớ bùng nhùng khiến khán giả thất thần trong bối cảnh bị dụ dỗ mà không hề hay biết, còn các nhà tổ chức thì ngồi mỉm cười đếm tiền lãi… mặc sau đó chuyện gì xảy ra cứ xảy ra.

Điều gì đang khiến cho thị trường này không thể thuyết phục được niềm tin của đám đông khán giả? Câu trả lời có lẽ nằm ở việc "cố chấp một cách thông minh" của những người đứng trong guồng máy giải trí. Chính vì lí do nghĩ đến cái "tôi" trước khi nghĩ đến "chúng ta", nghĩ đến cái lợi trước mắt mà không thể tính được những cái lợi trong tương lai đã tạo ra một thế hệ ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất (có thể) tài năng hơn những thế hệ trước nhưng lại không đủ bản lĩnh để đi đường dài… Nếu có điều kiện sang thăm thị trường Việt Nam, chắc chắn sẽ có rất nhiều nhà tổ chức âm nhạc trên thế giới ngạc nhiên đến sửng sốt khi biết rằng tại Việt Nam hiện nay có không ít các "bầu show" tổ chức các chương trình ca nhạc chỉ mới 25-26 tuổi. Liệu có phải thị trường đang xuất hiện nhiều tài năng nổi bật mà khán giả chúng ta không đủ khả năng thẩm định hay không? Chẳng mấy ai dám trả lời rằng có…

Những dòng chảy ngầm và sự manh mún của ước mơ

Đã từ rất lâu, những khoảnh khắc loé sáng của các ca sĩ trong thị trường thường không đến bằng những cuộc thi, mà đến từ những cú ăn may bằng một bài hit… Và cứ thế, các ca sĩ cứ ngày đêm chờ đợi "một bài hit" như món quà của tổ nghiệp thương nên trao tặng. Những chiến lược âm nhạc dài hơi, nhưng album khẳng định được xu hướng hay tên tuổi… đã trở thành một thứ gì đó xa xỉ. Phải ra album vì còn đi hát mà mỗi năm không có album thì lấy gì ăn nói với các bầu show hay khán giả. Phải ra album vì đến hẹn phải làm, không thì bị cạnh khoé là hết thời. Phải ra album vì đồng nghiệp "đứa nào cũng có album"… Sự manh mún trong đam mê công việc của chính các ca sĩ đã làm cho họ tự hài lòng với chính họ. Và đôi khi chính sự hài lòng này đã giết chết những ước mơ đột phá táo bạo, điều mà lẽ ra không ít ca sĩ sẽ làm được nếu không luôn luôn tự nhủ "mình được như vậy là may mắn lắm rồi!".

Đông Nhi và Hồ Ngọc Hà.

Rất ít những cơ may tìm thấy sự độc đáo từ các ca sĩ chuyên nghiệp, vậy thì có khi nào thị trường đang bỏ sót những tài năng đến từ những dòng chảy ngầm, độc lập và không chạy theo xu hướng?… Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này cũng chẳng kiếm được mấy chút khấm khá hơn. Internet phát triển ở Việt Nam tạo nên một cộng đồng mạng sôi động, từ đó xuất hiện những nghệ sĩ nổi tiếng của thế giới mạng. Nhưng quãng đường từ thế giới ảo bước ra thế giới thật thì vô cùng diệu vợi, có một giọng hát hay thì không có nghĩa là có thể làm ngôi sao. Còn là sắc vóc, còn phong cách, còn hình ảnh tạo ra… và đó chính là điểm tạo ra sự khác biệt cho thị trường nhạc Việt.

Những hụt hẫng của khán giả khi chứng kiến "ngôi sao mạng" bước ra sân khấu đời thật đã khiến cho các "ngôi sao mạng" không thể tồn tại được lâu, và họ nhanh chóng lụi tàn hoặc lay lắt với ước mơ nửa vời. Những ca sĩ độc lập muốn đi theo con đường singer/songwriter thì hoặc là quá cá tính mà không thèm nghe lời bất cứ lời khuyên nào, hoặc là quá ảo tưởng vào bản thân vì nghĩ "một mình làm nên tất cả"… cũng đang loay hoay trong chính con đường họ đi. Nghe một hai ca khúc của các ca sĩ trong dòng chảy ngầm thì thấy rất thú vị, nhưng nghe nhiều hơn một chút từ 5-7 bài trở lên thì đâu lại vào đó. Nền tảng căn bản của một nhạc sĩ, nền tảng căn bản của một ca sĩ… thứ nào họ cũng có nhưng không thứ nào có trọn vẹn.

Tất cả các ca sĩ, nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc mà chúng tôi gặp thông qua những bài phỏng vấn về thị trường âm nhạc, nhìn lại cũng như dự đoán tương lai cho nó đều hiểu rất rõ rằng: "Vì lẽ gì khán giả trẻ (đối tượng khách hàng lớn nhất của thị trường) hôm nay chấp nhận mua một vé xem phim đến 80.000 đồng, thậm chí là vé xem phim 3D đến 150.000 đồng, trong khi lại không bỏ ra 50.000-60.000 đồng để mua một album ca nhạc. Chưa kể bộ phim xem xong rồi thì hết, còn đĩa nhạc thì vẫn được giữ lại trên kệ đĩa để có thể nghe đi nghe lại cả trăm lần mà không tốn thêm bất cứ chi phí nào…".  Và chính bản thân ca sĩ Tuấn Hưng cũng chia sẻ với chúng tôi một điều không mới: "Với thị trường âm nhạc như chúng ta, mà có ai đó mơ rằng thu lời từ tiền bán album thì chỉ là ảo tưởng…".

May mắn là vài năm gần đây khi các mạng điện thoại phát triển tại Việt Nam đã nảy sinh một nguồn lợi mới cho các nhạc sĩ, ca sĩ là khoản nhạc chuông, nhạc chờ… Nhưng khoản tiền này thực tế cho đến nay cũng chỉ là một khoản thu nhập nhỏ lẻ gọi là giúp cho việc tồn tại của các nghệ sĩ, hiếm hoi lắm mới có nhạc sĩ hay ca sĩ nào đó kiếm được 500-700 triệu tiền nhạc chuông nhạc chờ từ một ca khúc hit hay từ một album bán độc quyền cho các công ty kinh doanh nhạc qua mạng…

Thị trường âm nhạc Việt Nam có bão hòa hay không? Thực tế là không, vì mỗi năm lứa ca sĩ mới vẫn gia tăng đều, số lượng album phát hành không ít từ những ca sĩ lâu năm đến các ca sĩ mới trưởng thành, các chương trình ca nhạc trực tiếp lẫn trên sân khấu vẫn rầm rộ mỗi mùa, các giải thưởng âm nhạc chỉ có nhiều lên chứ không ít đi so với cách đây hơn 10 năm… Thị trường không bão hòa nhưng thị trường đang… bão tố. Chúng ta có quá nhiều ca sĩ nhưng để tìm ra những gương mặt đại diện cho bộ mặt âm nhạc Việt Nam thì còn phải bàn lâu… và dài. Những nghi ngại vẫn còn đó khi nói đến hình mẫu của những ca sĩ giải trí như Hồ Ngọc Hà, Thủy Tiên, Đông Nhi, Noo Phước Thịnh… hay nói đến những người đi lẻ loi và trung thành với chọn lựa của mình theo cách của Đức Tuấn, Tùng Dương…

Để lạc quan về một năm 2011 cho thị trường nhạc Việt thú thật là rất khó. Chỉ còn cách trông mong vào việc "tồn tại" của những người yêu nghề thật sự, có tài năng thật sự… vẫn giữ được "đốm lửa" để chờ một ngày khơi lại một đám lửa mới. Nhưng ngày đó là ngày nào thì cũng thật khó nói…

Việt Nguyễn - CSTC tuần số 42
.
.
.