Thầy giáo "sàm sỡ" học sinh và sự suy đồi đáng sợ!

Thứ Sáu, 04/02/2011, 10:25
...Nghề giáo có nguyên tắc của nó, dĩ nhiên chẳng phải là luật lệ, nhưng cái nguyên tắc thầy - trò cần rành mạch ở chính tư duy của thầy. Khó chấp nhận một ông thầy lại "dễ tính" đến mức bảo học trò ra quán khi họ đang tìm đến chúc mừng ngày nhà giáo thiêng liêng...

Lại một vụ ầm ĩ có liên quan đến ngành giáo dục và cụ thể là người thầy. Hẳn dư luận còn chưa hết bức xúc về cảnh một giáo viên văng tục trước học sinh thì lại nhận thêm một cú "tát" về chuyện thầy Nguyễn Văn Huân, Hiệu phó trường THPT Bến Tre (Vĩnh Phúc) bị tố cáo "sàm sỡ, cởi đồ, quan hệ" với em H. học trò của mình, và khiến cô bé muốn tự tử.

Tất nhiên, cho đến bây giờ cơ quan Công an vẫn chưa có kết luận cuối cùng về chuyện này. Thế nhưng đã xuất hiện rất nhiều luồng thông tin trái chiều: Gia đình em H. đã khẳng định thầy Huân có những hành động "sàm sỡ", "cởi đồ" và "quan hệ" với học trò H., và họ còn có hẳn một bản tường trình thú tội của thầy Huân. Trong khi đó, thầy Huân lại một mực khẳng định, việc viết bản tường trình là do gia đình em H. bắt ép… Hơn nữa thầy Huân còn nói trước dư luận rằng, em H. đã có hành vi tống tình mình…

Dù thế nào đi nữa thì đây cũng là một việc đáng xấu hổ trong ngành giáo dục của chúng ta. Nhiều người phải thốt lên căm phẫn, và cũng không ít người cũng nhắm mắt, bịt tai vì không muốn những chuyện như vậy len lỏi vào đầu.

Hãy cùng nhau phân tích chuyện này sẽ thấy có dấu hiệu suy đồi về đạo đức, lối sống đối với không ít những thầy giáo của chúng ta. Việc đi hát karaoke về bản chất là không xấu, nhưng việc một thầy hiệu phó đã có gia đình lại mời một cô bé học trò đang tuổi mới lớn đến phòng hát trong đêm là chuyện khó chấp nhận.

Quan hệ thầy trò dù có thân thiết đến đâu nữa vẫn có một khoảng cách. Cái khoảng cách thầy trò hết sức rành mạch, và người tạo ra khoảng cách này phải là người thầy. Nếu đêm đó là một cậu học trò được thầy mời đi hát karaoke cũng là một chuyện không đáng làm, người thầy đúng nghĩa không bao giờ xuất hiện cùng học trò ở một nơi giải trí nhạy cảm như vậy. Đặc biệt trong trường hợp này học trò lại là nữ, vì thế dư luận hết sức khó chấp nhận.

Thầy trò gì mà cùng nhau uống bia, hát hò trong đêm? Và trong lúc hát, thầy Huân cùng em H. đi vào nhà vệ sinh rất nhiều lần, đến nỗi khiến người khác phải vào tìm và gọi người nhà đến đón em H. Chỉ cần nghe thế thôi cũng đủ thấy tư cách đạo đức, cũng như phẩm chất làm thầy của ông Huân là không đủ.

Nếu, em H. có yêu thầy của mình (như ông Huân đã khẳng định) thì cũng là chuyện bình thường, học sinh mến mộ rồi thầm yêu trộm nhớ thầy là chuyện không hiếm và cũng thật hiển nhiên ở cái tuổi mới lớn như em H. Nên nhớ, đó là một cô nữ sinh mới lớn, ở cái tuổi này tâm sinh lý hết sức phức tạp - người thầy phải hiểu như vậy, và trong giáo trình sư phạm, người ta cũng dạy rõ ràng như vậy, có hẳn một phần gọi là "tâm lý học sinh" để học trước khi trở thành người thầy.

Và nếu thầy Huân biết rõ em H. thầm yêu mình, thì việc cần làm đầu tiên là phải có cách giáo dục học trò mình rằng, đó chỉ là tình cảm nhất thời, việc của em là phải học trở thành người lớn… Và nếu em H. vẫn cố tình yêu thầy thì cần phải phối hợp với gia đình của H. để điều chỉnh tâm lý, cũng như mọi hành vi của cô bé… Đó là tất cả những gì mà một người thầy đúng nghĩa cần phải làm. Bởi thầy Huân là người lớn, đã có gia đình, có kinh nghiệm sống, việc "đối phó" với sự thổn thức của một cô bé như H. là chuyện chẳng khó khăn gì, và cũng là trách nhiệm của một người thầy trước học trò của mình.

Nhưng hình như thầy Huân đã không làm vậy. Có vẻ như thầy đã biết (và chắc chắn biết) cô nữ sinh này mến mộ rồi yêu thương mình. Và thầy bắt đầu lợi dụng chuyện đó, chuyện gọi nữ học trò đến phòng hát giữa đêm là sự lợi dụng. Chỉ những kẻ có suy nghĩ lệch lạc mới ngồi nghêu ngao hát với nữ học sinh của mình trong đêm ngoài quán karaoke như thế. Và hơn nữa, không thể bỗng dưng em H. có ý định quyên sinh. Hẳn H. phải trải qua một đợt sang trấn tâm lý hết sức dữ dội. Và thầy Huân là người liên đới!

Nhưng nếu chỉ là liên đới mà thầy giữ được một cự ly cần thiết thì dư luận, pháp luật có thể tha thứ. Chỉ có điều, thầy lại thường xuyên cho học trò vào phòng riêng của mình trong giờ học, khiến nhà trường phải nhắc nhở em H. Đây cũng là một tình tiết nói lên sự lợi dụng của người thầy này. Nhưng tại sao chỉ nhắc nhở em H. - một nữ sinh mới lớn? Tại sao Ban Giám hiệu nhà trường lại không nhắc nhở chính cái ông thầy Huân này? Thầy có quyền không cho học trò vào phòng mình cơ mà! Hay thầy cũng thích cho cô nữ sinh này tự do vào phòng mình?

Trả lời báo chí, thầy Huân luôn đưa ra chứng cứ để minh oan cho mình, rồi khẳng định: "Có người xúi giục thì họ làm như vậy. Nhưng tôi không biết đó là ai...". Ai sẽ xúi giục trong chuyện này nhỉ? Chẳng lẽ gia đình em H. không nhận thức rõ rằng, việc đi tố cáo một người thầy giáo sàm sỡ con mình là một việc tệ hại và người bị "thiệt" nhất không ai khác chính là em H. Ngay cả có ai đó xúi giục thì gia đình họ cũng phải thừa khôn ngoan để nhận ra hậu quả của nó.

Hơn nữa thầy Huân vẫn còn một bản "Tường trình thú tội" mà gia đình người ta vẫn giữ. Cũng có thể họ dùng sức ép, hăm dọa, thậm chí đánh đập (như lời thầy Huân kể) thì việc thầy đặt bút viết theo những lời yêu cầu của họ cũng chứng tỏ thầy là người thiếu bản lĩnh. Mình không sai thì nhất định không sợ! Mọi người đều có pháp luật bảo vệ, nếu họ hăm dọa, bắt thầy viết bản tường trình đó thì tại sao ngay sau khi được "thả" về thầy lại không lên trình báo cơ quan chức năng, ít nhất là Ban Giám hiệu nhà trường để được bảo vệ bởi công lý? Thầy đã im lặng để đến khi gia đình họ chính thức viết đơn tố cáo thì mới tự biện hộ cho mình?

Có hàng trăm câu hỏi để cái ông thầy này trả lời, và rõ ràng đang có một đám mây mù u ám trong sự việc này. Đúng sai, phải trái chưa ngã ngũ nhưng xin thưa thầy Huân, ông làm nghề giáo - một nghề cao quý - nghề đặc biệt thế nên việc hé lộ những chuyện lùm xùm này cũng đủ thấy ông chưa thật sự trong sạch theo tiêu chuẩn của một người làm giáo dục.

Cái kiểu "đi văn nghệ" của thầy toàn xuất hiện ở những nơi như cà phê, karaoke là một điều bất bình thường. Hãy nghe thầy kể trước báo chí: "…Trước đó, ngày 3/11, có đoàn thực tập về trường tôi ra mắt và mời các thầy cô đi hát. Tôi có đèo cô Oanh, GV thực tập cũng dạy ở lớp em (em H.). Tôi mới nói mời thêm em H. đi cho vui vì em trong đội văn nghệ. Sau đó chúng tôi tới nhà, xin phép gia đình "đi tập văn nghệ"…".

Tại sao lại phải nói dối gia đình họ rằng, đi tập văn nghệ chứ không phải hát karaoke. Mà tại sao thầy lại hay đi hát karaoke thế nhỉ, chẳng lẽ phong cách giải trí của thầy là đến quán cà phê rồi hát karaoke? Ừ thì cứ cho rằng, thầy thích hát karaoke đi nữa nhưng thầy phải biết rằng, mình đang làm nghề đứng trên bục giảng, cứ ẽo ợt hát hò với nữ học sinh (kể cả lành mạnh) thì xét về hình thức cũng chẳng ra gì.

Bài viết này không cố tình ép tội ai, nhưng công tâm mà nhìn sẽ thấy rất nhiều vấn đề liên quan đến đạo đức, lối sống của một người làm nghề giáo. Nên nhớ rằng, văng tục trước mặt học sinh còn bị đình chỉ, kỷ luật, thậm chí buộc thôi việc. Chuyện văng tục có thể do tâm lý ức chế, nhất thời, mất kiểm soát của lý trí… Còn ở đây việc đi hát karaoke của thầy Huân hình như là thường xuyên, và ít nhất hai lần đều có mặt em H. Đó là gì vậy thưa thầy Huân? Đây không phải hành động nhất thời, mất sự kiểm soát nữa mà có thể thấy nó gần giống với thói quen đi hát hò trong phòng kín… Cũng quên chưa nhắc lại, chuyện hát hò đâu nhất thiết phải uống bia. Mà ai đời thầy trò lại uống cái chất kích thích thiếu lành mạnh ấy, thứ ấy nhất thiết không hợp với cảnh thầy lớn, trò nhỏ lại là nữ gặp nhau.

Xin trích dẫn thêm lời của thầy Huân: "…Tôi trả lời đang ở cà phê Thu, mời em tới tham gia...". Học trò gọi điện hỏi thầy để đến chúc mừng nhân ngày nhà giáo, thầy lại bảo ra quán cà phê là không ổn. Có vui vẻ, thân thiết đến mấy cũng không ổn. Nghề giáo có nguyên tắc của nó, dĩ nhiên chẳng phải là luật lệ, nhưng cái nguyên tắc thầy - trò cần rành mạch ở chính tư duy của thầy. Khó chấp nhận một ông thầy lại "dễ tính" đến mức bảo học trò ra quán khi họ đang tìm đến chúc mừng ngày nhà giáo thiêng liêng.

Cuối cùng thì vẫn phải chờ sự kết luận chính thức của cơ quan điều tra. Nhưng dư luận thật buồn cho nền giáo dục, đơn giản vì họ toàn phải nghe những chuyện chẳng hay ho gì. Còn thầy Huân, nếu thật sự trong sạch, hãy tự tin mà đứng lên chứng thực. Chỉ có điều, khi xuất hiện trước báo chí thầy chỉ cho chụp hình từ phía sau. Thầy sợ hay ngượng?

Asáng
.
.
.