Thảm họa sinh vật ngoại lai gây hại

Thứ Tư, 19/01/2011, 10:45
Không phải đợi đến khi sinh thái Hồ Gươm có nguy cơ bị đảo lộn bởi rùa tai đỏ, vấn đề xâm hại môi trường của sinh vật ngoại lai mới đáng báo động ở nước ta, bài học ốc bươu vàng, cây mai dương, bèo Nhật Bản, hải ly… vẫn đang nóng hổi.

Ngày cuối cùng của năm 2010, các ban, ngành chức năng của Hà Nội cùng đông đảo các nhà khoa học đầu ngành về sinh vật, môi trường gặp nhau trong cuộc họp đột xuất sau khi hình ảnh rùa tai đỏ cưỡi lên lưng "cụ" rùa Hồ Gươm được đăng tải tràn lan trên báo. Cuộc họp này không bàn thảo đến việc rùa tai đỏ gây hại cho môi trường ra sao bởi đấy là điều hiển nhiên, mà vấn đề "làm sạch" loài vật ăn tạp này ở Hồ Gươm như thế nào mới là chủ đề chính.

Không phải đợi đến khi sinh thái Hồ Gươm có nguy cơ bị đảo lộn bởi rùa tai đỏ, vấn đề xâm hại môi trường của sinh vật ngoại lai mới đáng báo động ở nước ta, bài học ốc bươu vàng, cây mai dương, bèo Nhật Bản, hải ly… vẫn đang nóng hổi.

1. Đầu năm 2004, "Nhà rùa học" - PGS, Tiến sỹ Hà Đình Đức phát hiện về loài rùa mới xuất hiện ở Hồ Gươm. Rồi ông liên tiếp nhận được những con rùa cùng loài với loại rùa mới xuất hiện ở Hồ Gươm từ người dân các nơi chuyển đến. Có những lúc dư luận còn cho rằng, có thể những cá thể rùa nhỏ mới xuất hiện ở Hồ Gươm là con cụ Rùa. Tuy nhiên, dưới con mắt của một nhà sinh vật, một chuyên gia nghiên cứu về rùa, ông Đức không tin giả thiết này. Kiểm đếm lại những hình ảnh đã chụp và thu thập được về rùa ở Hồ Gươm, ông giật mình trước bức ảnh mà anh Vũ Văn Mạnh, công tác ở Bưu điện Bờ Hồ cung cấp năm 1997. Đó là hình ảnh về loài rùa có vạch đỏ trên đầu, giống với cá thể rùa mới phát hiện ở Hồ Gươm. Qua tra cứu tài liệu, ông mới xác định đây là rùa tai đỏ, tên khoa học là Trachemys scripta elegans. Nó có nguồn gốc từ Trung Mỹ. Đáng chú ý là loài rùa này được thế giới xác định là 1 trong 100 loài sinh vật đặc biệt gây hại. Lúc này, ông thực sự bàng hoàng.

Rùa tai đỏ bán tại chợ tạm Kim Ngưu, Hà Nội (ảnh chụp ngày 29/12/2010).

Bằng cách nào mà rùa tai đỏ lại xuất hiện trong lãnh thổ của cụ Rùa? Tục phóng sinh chính là nguyên nhân khiến rùa tai đỏ có mặt ở Hồ Gươm. Vào ngày rằm, mùng Một, Tết Ông Công Ông Táo, người dân thường hay thả cá, ốc xuống hồ. Từ các quốc gia khác, rùa tai đỏ được đưa về Việt Nam nuôi làm cảnh. Con vật có bề ngoài dễ coi này cũng được người dân nuôi, mua để phóng sinh. Không chỉ ở Hồ Gươm, người ta phát hiện rùa tai đỏ có ở Văn Miếu, chùa Một Cột… Cứ ở đình, chùa nào có hồ nước là người dân phóng sinh rùa tai đỏ ở đấy. Ở TP HCM, rùa tai đỏ cũng xuất hiện tại một số ngôi chùa. Người dân do chưa ý thức được tác hại của loài sinh vật này với môi trường nên vô tình tiếp tay cho việc bành trướng lãnh thổ của rùa tai đỏ.

Trở lại cuộc họp ngày 31/12/2010 do Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội nêu ở phần đầu bài viết để bạn đọc thấy tính bức thiết của việc xử lý rùa tai đỏ ở Hồ Gươm của Thủ đô. Các nhà khoa học đưa ra cảnh báo, nếu để rùa tai đỏ phát triển ở Hồ Gươm sẽ đe dọa sinh thái hồ. Các loài sinh vật, trong đó có tảo, thức ăn của cụ Rùa sẽ bị loài này "dọn sạch". Lúc đó, cụ Rùa sẽ đứng trước nguy cơ thiếu thức ăn. PGS Hà Đình Đức còn cảnh báo, cụ Rùa vốn là loài có mai mềm nên rất dễ bị rùa tai đỏ… gặm mai. Chưa có bằng chứng về việc rùa tai đỏ biến mai cụ Rùa làm thức ăn nhưng hình ảnh nó thản nhiên cưỡi lên lưng cụ Rùa khiến người ta rùng mình khi nghĩ đến khả năng giả thiết này là đúng.

Cùng quan điểm với "nhà rùa học", ông Nguyễn Ngọc Khôi, Giám đốc doanh nghiệp Hà Nội KAT chuyên nuôi, xuất khẩu rùa cho rằng điều này rất dễ xảy ra. Tới cuộc họp, ông Khôi còn đem theo một cá thể rùa tai đỏ đã trưởng thành, nặng hơn 1kg. Theo ông Khôi, cá thể rùa này có thể chế biến thành món ăn ngon. Trước đây, ông từng được cơ quan chức năng cho phép nuôi rùa tai đỏ và đã nhân rộng ra 50 trang trại trong phạm vi quản lý của mình.

Cây mai dương (móc hùm), một loài thực vật ngoại lai xâm hại môi trường.

Tuy nhiên sau đó thực hiện yêu cầu của các cơ quan chức năng trong đó có Cảnh sát môi trường, doanh nghiệp của ông đã tiến hành bắt, tiêu huỷ rùa tai đỏ. Vì thế, ông có kinh nghiệm trong việc bắt loài rùa này. Có 3 cách bắt đã được ông áp dụng là: Tháo cạn nước, xắn bùn để rùa bò lên bờ bắt; dùng lồng làm bằng lưới B40, cho mồi vào trong (mồi là cá mè hoặc da trâu), rùa tai đỏ chui vào ăn mồi, đêm đến sập cửa lại rồi kéo lên bờ bắt. (Với cách này mỗi góc ao, hồ nên đặt một bẫy) làm một cái vó bè có phao bao xung quanh, cho thức ăn vào giữa, đợi một thời gian nhất định kéo lên bắt rùa. Theo ông Khôi, ở Hồ Gươm chỉ nên áp dụng cách thứ hai. Do Hồ Gươm là một danh thắng nên cần tính đến yếu tố thẩm mỹ khi làm bẫy lồng bắt rùa.

Xoay quanh các phương án xử lý rùa tai đỏ ở Hồ Gươm, các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn đều thống nhất cách bắt bằng thủ công. Thông tin mới nhất chúng tôi có được từ Sở Khoa học Công nghệ, sẽ dùng bẫy dạng lồng đề bắt rùa tai đỏ. Bẫy được thiết kế có cửa sập đặt chìm dưới nước, dùng bè nổi gắn với bẫy, bẫy đặt tại những nơi rùa tai đỏ hay xuất hiện. Như vậy, sau những bàn thảo cuối cùng cơ quan chuyên trách Hà Nội đã đưa ra giải pháp xử lý rùa tai đỏ. Người dân đang trông đợi hiệu quả của việc bẫy rùa tai đỏ tại Hồ Gươm.

2. Trong khi các cơ quan chuyên trách của Hà Nội nỗ lực tìm biện pháp "làm sạch" rùa tai đỏ ở Hồ Gươm thì việc ngăn chặn nạn thả loài sinh vật này xuống hồ cũng đang là mối quan tâm của nhiều người. Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Trưởng ban Quản lý Hồ Gươm cho biết, lực lượng đảm bảo ANTT ở hồ cũng được giao phát hiện, ngăn chặn việc thả rùa tai đỏ xuống hồ. Tuy nhiên cách làm này không thể triệt để mà còn phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của người dân. Ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ cho rằng, cùng với việc tiến hành bắt rùa tai đỏ, còn phải tuyên truyền, vận động người dân hiểu và không thả loại rùa này xuống hồ.

Chỉ riêng việc xử lý rùa tai đỏ ở Hồ Gươm đã bộc lộ những khó khăn cũng như khiếm thiếu trong việc quản lý sinh vật ngoại lai xâm hại. Sau Hồ Gươm, sẽ có biện pháp nào khác để xử lý rùa tai đỏ xâm hại môi trường trên toàn quốc?

Theo GS Mai Đình Yên, Hội Sinh thái thì hiện nay, rùa tai đỏ đã có mặt ở hầu hết các lưu vực nước trên toàn quốc. Nếu không được ngăn chặn, loài sinh vật này sẽ phát triển, phá vỡ cân bằng hệ sinh thái, xâm hại sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản như ốc bươu vàng. Ban đầu ốc bươu vàng nhập vào Việt Nam với mục đích nuôi làm thức ăn. Và rồi chỉ vài năm sau, ốc bươu vàng có mặt ở khắp các cánh đồng, ao hồ trên toàn quốc. Tác hại của ốc bươu vàng thấy rõ nhất trong việc hại lúa, rau muống... Khi phát hiện ra điều này thì ốc bươu vàng đã phát triển đến mức không kiểm soát được nữa. Thế là phương án tiêu diệt loài ốc này được đưa ra như thả vịt, tìm và tiêu huỷ trứng... Tuy nhiên, cách làm đó không thể triệt tiêu hoàn toàn loài sinh vật gây hại môi trường này.

Rất dễ bắt gặp trứng ốc bưu vàng ở các lưu vực nước.

Không chỉ ốc bươu vàng mà bài học cây mai dương, một loài thực vật ngoại lai có sức phát triển đáng sợ đang phá vỡ môi trường sống của nhiều loài sinh vật, trong đó có sếu đầu đỏ (sinh vật đặc hữu ở Vườn quốc gia Tràm Chim). Cây mai dương "đi" đến đâu là các loài thực vật thân cỏ khác bị tiêu diệt không thể ngóc đầu lên được. Loài cây này tán phát trong gió, theo các dòng chảy... Hạt loài cây này "đi" đến đâu sẽ nảy mầm và sinh trưởng với tốc độ chóng mặt đến đó. Bước đầu, các nhà thực vật học xác định có thể loài cây này theo các đoàn tàu thủy quốc tế du nhập vào nước ta. Ngoài ra, còn có những loài sinh vật ngoại lai xâm hại môi trường khác nữa đang có mặt ở Việt Nam như bèo Nhật Bản, chuột Hamster...

Mỗi loài có những đường đi khác nhau ở nước ta, nếu kịp thời kiểm soát sẽ ngăn chặn hậu quả đáng tiếc, trường hợp hải ly là một ví dụ. Khi loài hải ly nhập vào nước ta, các nhà sinh vật học đã kịp thời phát hiện và cảnh báo tác hại môi trường của loài gặm nhấp có khả năng đào hang siêu đẳng này. Sự cảnh báo kịp thời của các nhà chuyên môn đã ngăn chặn được loài sinh vật gây hại này vào Việt Nam. Nếu như chúng ta có "cổng" kiểm soát sinh vật ngoại lai tốt, chắc chắn sẽ ngăn chặn được những sinh vật gây hại đang tồn tại như một thách thức như nêu ở trên.

Nhanh nhất phải đến tháng Giêng năm 2011 chúng ta mới có Nghị định hướng dẫn cụ thể, chi tiết cách quản lý, kiểm soát sinh vật ngoại lai gây hại cũng như danh mục cụ thể từng loài. Hiện nay, các cơ quan chuyên trách mới đang làm danh sách những loài ngoại lai nguy hiểm để trình lên chính phủ. Bài học về ốc bươu vàng, cây mai dương và hiện tại là rùa tai đỏ đang là vấn đề thời sự nóng hổi. Việc kiểm soát, quản lý chặt chẽ, xử lý sinh vật ngoại lai gây hại vô cùng cấp bách hiện nay.

GS Mai Đình Yên: Bộ Tài nguyên Môi trường liên quan đến việc quản lý sinh vật ngoại lai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì quản lý việc nhập khẩu. Để có cơ chế chặt chẽ trong việc quản lý thì cần có văn bản pháp lý, cơ quan chuyên trách cụ thể. Đối với rùa tai đỏ, tôi đề nghị tham khảo cách bẫy rùa theo kiểu dân gian để không làm ảnh hưởng đến cụ Rùa.

Ông Mai Đình Thắng, Trưởng Ban quản lý Hồ Gươm: Chúng tôi có chức năng giữ gìn ANTT, cây xanh ở Hồ Gươm. Chúng tôi cũng nhận thức được rất rõ việc để rùa từ nơi khác vào Hồ Gươm là không hay và từng nghĩ đến phương pháp phi tiêu để tiêu diệt rùa tai đỏ. Mong rằng thành phố sẽ có biện pháp bắt rùa tai đỏ một cách hiệu quả nhất. Nghị định 31/CP quy định rõ việc thả sinh vật ngoại lai gây hại ra môi trường với mức phạt 10-15 triệu đồng/lượt nhưng chưa được áp dụng do đối tượng chưa được làm rõ.

Ông Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Hà Nội: Làm rõ đặc tính sinh học của rùa tai đỏ để bắt và cần phải tiến hành ngay. Đồng thời tuyên truyền tác hại của rùa tai đỏ đối với Hồ Gươm nói riêng và môi trường sinh thái nói chung để người dân biết. Còn việc rùa tai đỏ có gặm mai cụ Rùa hiện chưa được chứng minh nên cần phải xem có đúng không. Đề nghị các cơ quan thông tin đại chúng, trong đó có Đài Truyền hình Hà Nội có kịch bản tuyên truyền về tác hại của rùa tai đỏ.

Cao Hồng - CSTC tuần số 41
.
.
.