Thảm họa động đất và sóng thần ở Nhật Bản: Thế giới rùng mình

Thứ Ba, 29/03/2011, 15:30
Thế giới sửng sốt với thảm họa động đất tại Nhật Bản nhưng điều khiến toàn cầu phải rùng mình không hẳn bởi cường độ và thiệt hại do động đất gây ra. Hãy cùng CSTC tiếp cận với 4 góc nhìn "ngoài dư chấn".

1. Khi con người những tưởng đã làm chủ trái đất "chật chội và nhỏ bé" để tiến những bước rất xa vào vũ trụ, rốt cuộc lại "lún" bởi vết rạn ngay dưới chân mình, ở cái nơi ngỡ đã bị khoa học công nghệ khống chế. Trận động đất tại Nhật Bản - một quốc gia được coi "ông chủ khoa học công nghệ" (riêng khả năng nghiên cứu và phòng chống động đất đứng số 1 thế giới), rốt cuộc lại sụt lún một cách không thể bất ngờ hơn.

Có chi tiết đáng lưu ý: khoảng một tuần trước khi xảy ra động đất, một tuyên bố của NASA (Cơ quan hàng không và vũ trụ Hoa Kỳ) gây tò mò: tìm thấy bằng chứng có sự sống ngoài trái đất. Tuyên bố trên là của tiến sỹ Richard B.Hoover, một nhà sinh vật học vũ trụ tại Trung tâm bay vũ trụ Marshall của NASA. Tiến sỹ cho biết đã tìm thấy bằng chứng xác thực về sự sống ngoài hành tinh, đó là các hóa thạch của vi khuẩn trên một mẩu thiên thạch hiếm có được gọi là thiên thạch các-bon CI1.

Thế nhưng, khi vũ trụ - phía trên đầu là một khái niệm còn quá rộng lớn chưa thể chinh phục, thì chính quả địa cầu - phía dưới chân, chứa gần 7 tỷ người lại liên tục tỏ thái độ "phẫn nộ" bởi những cú oằn mình. Nó cho thấy một sự thật, chính xác là một bi kịch: Con người làm chủ sự sống trên trái đất, lâu nay dồn sức chinh phục khoảng không trên đầu mình quá nhiều mà không nhận ra triết lý đơn giản: chúng ta đang đứng ở đâu và vì sao đứng được?

Thế giới rúng động không chỉ vì cường độ động đất mạnh.

Thế kỷ XXI, thế kỷ của khoa học, công nghệ, thế nhưng những trận động đất và các thảm họa thiên tai khác đang thực sự thách thức nhân loại. Dù đã rất cố gắng thì khoa học vẫn buộc phải thừa nhận những trận động đất rất bất ngờ, chúng diễn ra mà không thể báo trước kéo theo sự tàn phá ghê gớm.

Tiến sĩ Harley Benz, nhà khoa học tại Trung tâm Thông tin động đất quốc gia, Cục đo đạc địa chất Hoa Kỳ (USGS), cho biết, bão tố và những thiên tai thời tiết khác có thể được phát hiện nhiều ngày trước khi chúng diễn ra, các vệ tinh và các thiết bị định vị thông thường cho con người một khoảng thời gian để chuẩn bị ứng phó.

Núi lửa cũng vậy, thường thì trong giai đoạn cảnh báo sẽ có hàng loạt những cơn địa chấn giúp người ta có thời gian để sơ tán. Nhưng việc dự đoán động đất lại vô cùng khó khăn, không thể nói trước khi nào động đất sẽ xảy ra với bất kỳ độ chính xác nào, đành chấp nhận sống chung với động đất.

2. Khi mà khoa học đang bó tay thực sự, dường như người ta lại tìm về với những kinh nghiệm dân gian ngàn đời. Chẳng biết có tiên đoán hay sự trùng hợp ngẫu nhiên, con cóc lại được một số nhà khoa học vin lấy, nói rằng cóc có khả năng dự báo động đất.

Một loài cóc rất phổ biến được nói rằng biết trước trận động đất tại thành phố L'Aquila của Italia xảy ra vào ngày 6/4/2009 khiến hơn 300 người thiệt mạng, được nhà sinh học Rachel Grant của Đại học Mở tại Anh đưa ra công bố: Khi trăng tròn vào tối 9/4, vài chục con cóc đực quay trở lại để giao phối với cóc cái. Sau tối đó số lượng cóc đực lại đột ngột giảm và một dư chấn có cường độ 4,5 độ richter xuất hiện vào ngày 13/4. Hai ngày sau cơn dư chấn số lượng cóc đực lại tăng…

Chưa đủ, lại có nhà khoa học đưa chuột vào diện "tiên tri" khi cho rằng, loài gặm nhấm thóc lúa có thể khám phá ra khả năng nhận biết động đất bởi cơ thể chúng có phản ứng trước tác động của sóng điện từ với tần số cực thấp (mà con người không thể nhận biết), khiến đồng hồ sinh học bị đảo lộn…

Cóc, chuột, nếu nói được, không biết nó sẽ phản ứng thế nào với khoa học? Dựa vào sinh vật để phán đoán khí hậu, sự biến thiên nhiên kiểu "chuồn chuồn bay thấp thì mưa" vốn là kinh nghiệm dân gian khi khoa học chưa lộ diện. Bất luận điều gì thì nó chỉ cho thấy sự lúng túng thực sự của thế lực làm chủ trái đất nhưng chưa thể khám phá được chiều sâu bên trong nó.

3. Thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, thiên tai tiếp tục tàn phá khắp năm châu bốn biển. Nhưng dường như, thiên tai hay bất cứ sự liên lụy nào tác động đến "đại gia" của thế giới, nói chính xác là một trong 8 cường quốc của nhóm G8 đều khiến tất cả trở mình. Cơn địa chấn ở Nhật được coi kỷ lục 140 năm tại xứ sở của động đất, nhưng nếu đặt trong chuỗi sự kiện do trái đất "trở mình" thì còn những thảm họa nặng nề khác. Một trong số đó là trận động đất ở Haiti, tháng giêng năm 2010.

Hai cơn địa chấn diễn ra cách nhau hơn một năm nhưng có lý do để suy nghĩ: Haiti đã là nước nghèo nhất ở bán cầu Tây và là một trong những nước nghèo nhất thế giới (hơn một nửa trong số 9 triệu dân Haiti sống dưới 1USD/ngày, gần một nửa dân Haiti bị đói). Trận động đất làm khoảng 200 nghìn người thương vong (lớn hơn nhiều lần ở Nhật Bản), đẩy đất nước này về "thời sơ khai". Lần này, thịnh nộ nằm ở phía Đông, ở cường quốc kinh tế và khoa học thế giới.

Rõ ràng thiệt hại về nhân mạng ở Haiti là vô cùng lớn. Nhưng dường như sự nghèo yếu của đất nước ở phía Tây bán cầu khiến cơn địa chấn năm đó không thực sự gây chú ý mạnh với thế giới (cả về thông tin lẫn các phương diện khác). Hay như trận bão Katrina ập vào nước Mỹ năm 2005 làm rúng động toàn cầu, khiến cả thế giới cảm nhận rõ sự tàn phá của bão tới nước mình dẫu nước họ lẩn sâu trong đại lục và chưa bao giờ dính bão. Trong khi đó, nếu nói về sức hủy diệt nhân mạng thì bão Katrina thua xa bão Nagis ập vào Mianmar sau đó ít năm, nhưng cái tên Nagis có vẻ dễ "chìm" và… ở xa thì không biết!

Nó chứng tỏ một thực tế: sự tác động thế giới đối với một thảm họa thiên nhiên không tỷ lệ thuận ở cường độ thiên tai và thiệt hại về con người, vật chất. Đây là sự khác biệt không khó giải thích.

4. Cơn địa chấn tại đất nước mặt trời mọc đúng vào thời điểm trên vỏ trái đất đang có sự biến. Dường như sự thịnh nộ của địa cầu đã phần nào đẩy lệch bầu không khí căng thẳng tại Bắc Phi và Trung Đông, tâm chấn dưới lòng đất vô tình kéo sự chú ý của thế giới từ trục Tây về trục Đông.

Nội tình Libya và một số nước khác ở khu vực này còn nóng bỏng, nhưng thông tin đại chúng và dư luận quốc tế đã hướng sự quan tâm về địa chấn phía Đông nhiều hơn, thì về mặt nào đó, sự tình ở khu vực bạo loạn Bắc Phi bị chi phối, giảm về cường độ thông tin. Nếu đưa ra sự phân tích, càng cho thấy nhân loại đang đứng trước các mối nguy hiểm đến từ nhiều phía.

Trên mặt đất, các mâu thuẫn mang tính quy luật giữa con người với con người là căn nguyên mọi xung đột, căn nguyên của những hiểm họa xã hội. Chưa kể tác động đến từ môi trường thiên nhiên trên mặt đất, cái gọi là biến đổi khí hậu đang khiến các quốc gia cần phải bắt tay nhau.

Trong khi đó, dưới lòng đất, những biến đổi của địa cầu đều dễ dàng bất ngờ gây thảm họa và nó hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát của con người. Dành sự quan tâm cho biến đổi khí hậu, nhưng sự thay đổi trong lòng đất không thuộc biến đổi khí hậu, lại trở thành thách thức chưa hề có luận giải.

Việt Nam cũng không thể chủ quan

TS Lê Huy Minh.
Tiến sĩ Lê Huy Minh, Giám đốc Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần (Viện Vật lý địa cầu) khẳng định: Hiện khoa học chưa thể dự báo ngăn được động đất. Dự báo động đất ngắn hạn có độ chính xác cao về thời điểm và địa điểm sẽ xảy ra là điều chưa có bất kỳ nước nào làm được. Lâu nay người ta chỉ có thể cảnh báo động đất theo kiểu "khoanh" thời gian, ví dụ như đưa ra khả năng xảy ra động đất ở khu vực rộng lớn nào đó sau 20, 30 hay 50 năm nữa.

Dự đoán này dựa vào các con số đo đạc và chu kỳ hoạt động của các đới đứt gãy trong vỏ trái đất. Việc đưa ra nhận định trong khoảng thời gian dài như vậy và với khu vực rộng lớn khiến nó không có nhiều ý nghĩa trong việc giúp người dân phòng tránh động đất, không thể biết chính xác động đất xảy ra lúc nào và ở đâu.

Theo Tiến sĩ, Việt Nam không nằm trong khu vực thường xuyên xảy ra các trận động đất lớn nhưng nguy cơ động đất ở nước ta cũng không phải là quá nhỏ. Trong thế kỷ XX, Việt Nam đã xảy ra 3 trận động đất trên 6 độ richter, đó là vào các năm: Năm 1935, trận động đất mạnh 6,75 độ richter đã xảy ra trên đới đứt gãy sông Mã; năm 1961 xảy ra một trận động đất mạnh 6,1 độ richter ở tỉnh Bắc Giang; năm 1983, một trận động đất có cường độ 6,8 richter ở huyện Sơn La. Các trận động đất này không xảy ra thiệt hại lớn về người và của.

Năm 2010 ghi nhận một vài trận động đất nhưng cường độ đều nhỏ, như động đất ở Thanh Hoá, Nghệ An, về cơ bản không thiệt hại gì. Hà Nội nằm trên đới đứt gãy sông Hồng, các thiết bị đo được đã chứng minh sự dịch chuyển của đới đứt gãy này là rất nhỏ, khoảng 2mm/năm. Với sự dịch chuyển chậm, nếu xảy ra động đất thì chu kỳ rất dài.

Do sự "lặng yên" như vậy của địa chất, lâu nay người Việt Nam không quan tâm mấy tới động đất. Các công trình xây dựng, nhất là nhà cao tầng, các chủ đầu tư không bận tâm gì đến yếu tố này trong thiết kế, thi công. Nhưng rõ ràng, một khi khoa học còn bó tay, không thể dự báo thì sự chủ động đối phó với chúng ta là không hề thừa.

Phan Đăng - CSTC tuần số 50
.
.
.