Sự thật về những vòng xoáy bí ẩn dìm chết người ở hồ đá Bình Dương

Thứ Ba, 26/04/2011, 15:53
Từ lâu, những hồ đá nằm sát khuôn viên làng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh (phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, Bình Dương) được đặt cho cái tên đáng sợ "hồ tử thần". Bởi năm nào cũng có không ít những cái chết thương tâm xảy ra. Từ năm 1993 đến nay đã có trên 40 người xấu số bỏ mạng dưới hồ. Nhiều câu chuyện cho rằng lòng hồ có ma, tạo ra những "vòng xoáy bí ẩn" dìm chết người…

Lòng hồ bí ẩn và những sự thật… lạnh sống lưng

Có những cái chết bất ngờ xảy ra tại hồ đá mà nhiều người vẫn cho rằng có một thế lực siêu nhiên đang ẩn nấp đâu đó. Tuy nhiên, cũng nhiều người cho rằng, lỗi tại ý thức của con người.

Dạo một vòng quanh những "hồ đá tử thần" ở Đông Hòa vô cùng vắng vẻ này sẽ dễ dàng thấy đôi trai gái vào đây ngồi chênh vênh trên các mỏm đá, hay ngồi rất sát bờ để ngắm cảnh, để tâm sự hẹn hò, nhiều sinh viên ngồi đọc sách hay học bài, cả những bạn trẻ đi câu cá ngay sát bờ hồ cho thỏa trí tiêu khiển, ngoài ra vài đôi uyên ương cũng tìm đến đây để chụp hình cưới. Nhưng không may nếu lỡ trượt chân là sẽ rơi ngay xuống hồ vì bờ hồ có chỗ là đất cát, có chỗ là những vách đá trơn trượt.

Phía bờ bên kia thấp thoáng nhóm vài ba thanh niên cởi trần "gan cùng mình" vô tư nhảy xuống hồ bơi lội… Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu đây là những hồ nước bình thường, nhưng hầu như ai cũng biết chúng là những hồ nước ẩn chứa quá nhiều hiểm nguy mà từ bao lâu nay đã cướp đi khá nhiều mạng sống của bao người. Biết rồi, mới thấy lạnh sống lưng! Quả là nhiều người gan bằng trời, không biết sợ thần chết!

Những người đi câu cá ở hồ.

Dù chính quyền địa phương, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đã lập hàng rào, biển cấm, thậm chí bố trí lực lượng bảo vệ quanh hồ để cảnh báo, nhắc nhở nhưng nhiều người vẫn đến đây để dạo chơi, thả diều, chụp hình, thậm chí tắm hồ bằng cách phi thân từ vách đá cheo leo xuống dòng nước lạnh ngắt. Hay nhiều người còn bơi thi từ bờ bên này qua bờ bên kia hồ nên những vụ tai nạn chết người vẫn xảy ra. Được biết từ năm 1993 đến nay đã có hơn 40 người mất mạng ở các hồ đá này và phần lớn là dân ở nơi khác đến, sinh viên, vài nhóm trẻ sành điệu và đều mất mạng vì bị chuột rút dẫn đến chết đuối.

Có thể kể những vụ tai nạn thương tâm tại những hồ đá này như đầu năm 2010 đã có bốn nữ công nhân đến đây chụp hình kỷ niệm, trong lúc đứng trên những mỏm đá cao mà ngay sau lưng là vực thẳm, mải chụp hình và cú sảy chân đã kéo hai người rơi xuống hồ. Thấy bạn gặp nạn, hai nữ công nhân còn lại cũng lao xuống nước cứu nhưng bi đát thay cả bốn người đều không còn cơ hội nhìn lại những tấm hình mình đã chụp... Hay gần cuối năm 2010, một học sinh cấp 3 vì vớt chiếc canô điện tử của mình chết máy giữa hồ cũng bị dòng nước "nuốt chửng".

Trước đó năm 2009, sau khi nhậu xong, một nam công nhân ở Dĩ An cùng ba người bạn kéo ra hồ đá tắm giải rượu. Sau cú nhảy từ trên bờ xuống hồ, anh công nhân này không còn ngoi lên được nữa. Xác anh được vớt lên trong trạng thái co quắp, tê cứng. Hoặc trường hợp ba thanh niên rủ nhau chạy thử canô trong khu vực hồ đá cũng phải bỏ mạng vì canô lật làm họ chết đuối. Mới đây nhất, rạng sáng ngày 15/3/2011, người dân đã phát hiện một xác chết nam chưa rõ nguyên nhân nổi trên mặt hồ đá, quanh bụng nạn nhân được cột khoảng bốn viên gạch…

Sau những cái chết bi thương này đã có rất nhiều những lý giải mang đầy màu sắc kỳ bí được đưa ra như hồ có những hồn ma "nuốt người" hay hồ có những "vòng xoáy bí ẩn" kéo xác người chết đuối xuống dưới lòng hồ…

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Cường - Trưởng Công an phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương đến nay những thông tin như vậy chỉ là tin đồn, dư luận, chứ thực tế không có gì bí ẩn, hoàn toàn có thể lý giải được.

Theo ghi nhận của chúng tôi, ở đây có hồ rất rộng, nước sâu, người thì bảo chỉ khoảng 15-17m, cũng có người bảo chỗ sâu nhất đến gần 50-60m, thậm chí có người còn quả quyết nơi sâu nhất của hồ phải tới 70m… Dù con số nào thì hồ đá cũng rất nguy hiểm vì hồ được tạo ra từ những đợt khai thác đá của một công ty và lâu ngày hình thành nên những hồ nước với những vách đá dựng đứng và dòng nước từ mạch ngầm chảy ra kết hợp với nước mưa đọng lại lâu ngày.

Càng xuống sâu, nước trong hồ càng lạnh. Nhiều người xuống tắm, do nước lạnh quá đột ngột nên sẽ dễ bị chuột rút, tê cứng tay chân dẫn đến chết đuối. Ông Ngô Duy Trợ (chủ trại hòm Hai Đây - Dĩ An) và các thợ lặn ở Đồng Nai đã nhiều lần được thuê vớt xác tại các hồ đá này cho biết, những hồ này đặc biệt nguy hiểm, chỉ cần sảy chân là có thể mất mạng do vách đá dựng đứng nên nạn nhân không có chỗ bám vào. Từ bờ hồ nhìn ra nhiều người lầm tưởng nước ngay gần bờ khá nông do cỏ dại, rong rêu mọc khá dày. Nhưng chỉ ra thêm vài bước là ngay lập tức có thể bị hụt xuống mức nước sâu ngập đầu.

"Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ"

Điều gì khiến cho những hồ đá có lực hút đến kỳ lạ như vậy? Anh Tuấn, chủ xe bán nước mía ngay sát đường bên hồ đá đối diện nhà khách Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết: "Bình thường thì đây là không gian khá lý tưởng để cho sinh viên ngồi thư giãn hay học bài, hoặc chụp vài tấm hình làm kỷ niệm, và còn là nơi cho các đôi lứa có không gian rất thuận lợi để tâm sự riêng. Người ta còn gọi nó là "thiên đường tình ái". Tuy nhiên những cái chết thương tâm từ chuyện "gan cùng mình" dám nhảy xuống hồ bơi lội lại là chuyện khác, vì các hồ đều có hàng rào và biển cấm, nhưng nhiều người cứ bất chấp xuống hồ bơi lội thì có lẽ chẳng có cách nào ngăn cản được…".

 

Những hàng rào bị bẻ cong.

Quả thật như lời anh Tuấn nói, quanh các hồ đều có hàng rào bằng kẽm gai và biển cấm nhưng nhiều chỗ hàng rào đã bị bẻ cong lên và trở thành những "cánh cửa" tự phát dẫn vào hồ.

Ông Nguyễn Văn Cường - Trưởng Công an phường Đông Hòa cũng cho biết thêm, hiện nay trong địa bàn phường này có ba hồ đá và hai hầm đất được hình thành từ việc khai thác đất, đá của xí nghiệp khai thác đá 621 từ thời chế độ cũ tới giờ. Trong đó, hồ đá nằm đối diện nhà khách Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh là nơi sâu và nguy hiểm nhất. Tuy nhiên cả khu vực này từ lâu đã khiến chính quyền địa phương rất đau đầu. Vì vào các buổi tối, nhất là các ngày cuối tuần ở khu vực này thường tụ tập rất đông, dù có các hàng rào xung quanh các hồ đá nhưng nhiều đối tượng vẫn cắt, bẻ cong để vào trong bờ hồ.

Bãi đáp lý tưởng cho nạn cướp giật

Ngoài nguyên nhân các hồ có cấu tạo phức tạp thì lý do chính dẫn đến những cái chết thương tâm này là do ý thức của người dân. Công an cùng Ban Quản lý Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh  từng lắp đặt nhiều biển cảnh báo nguy hiểm nhưng đều bị phá hoặc phớt lờ, nhiều người vẫn cứ vào vui chơi, bơi lội dưới hồ, đó là chưa kể ngày nào cũng có những đám người đến để chụp hình cưới rất nguy hiểm…

Theo ông Cường, khu vực này thuộc quy hoạch của làng Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nên ban quản lý các trường phải quyết định. Công an phường cũng không thể làm gì khác ngoài việc tuần tra, nhắc nhở vì chưa có quy định nào về việc những người vi phạm tại đây sẽ bị xử phạt.

Ông Cường kể có lần chính ông đi tuần tra, bữa đó trời gần tối có mưa nhỏ, ông thấy một cặp tình nhân che dù ngồi ngay sát bờ hồ tâm sự. Ông dựng xe và xuống tận nơi nhắc nhở, thay vì chấp hành, đôi trai gái và đặc biệt là chàng trai lại cự cãi lớn tiếng với ông, ngoài ra anh ta còn tiến tới rút chìa khóa xe của ông vứt đi. Chưa dừng lại, anh chàng này còn điện Cảnh sát 113 báo là người của chính quyền ở đây uy hiếp và hăm dọa họ. Đến khi Cảnh sát 113 tới mới giải quyết được.

Theo ông Cường, bên cạnh những tai nạn thương tâm ở các hồ đá thì do khu vực này rất vắng vẻ và đường thoáng rộng nên một số tệ nạn đã xảy ra như cướp giật chẳng hạn. Ngoài ra đây cũng là "đường đua" lý tưởng của nhiều thanh niên từ vùng khác đến đây đua xe trái phép. Từ đầu năm 2011 tới nay, xung quanh khu vực hồ đá đã xảy ra 5 vụ cướp giật, chủ yếu là giật túi xách và laptop của sinh viên và các cặp tình nhân ở khu vực bờ hồ…

"Tôi nghĩ cần phải tiếp tục tuyên truyền mạnh mẽ hơn nữa để mọi người ở xung quanh khu vực hồ đá ý thức rõ về sự nguy hiểm, đồng thời đề ra những biện pháp chặt chẽ hơn để xử lý các trường hợp vi phạm. Song điều quan trọng nhất vẫn là ý thức của mọi người ở khu vực này", ông Cường nhấn mạnh.

Mặc dù đã được lý giải nguyên nhân của nhiều cái chết bi thảm, nhưng thông tin về "hố xoáy bí ẩn dìm chết người" lại có sức lan tỏa nhanh hơn, khiến nhiều sinh viên và người dân tỏ ra hoang mang. Nhưng, người hoang mang vẫn hoang mang, còn người liều mạng vẫn cứ liều. Và khi không có ý thức về sự nguy hiểm, thì những cái chết… lãng xẹt vẫn tiếp tục xảy ra và những tin đồn về khu hồ bí ẩn sẽ còn tiếp tục kéo dài…

Phạm Phú Lữ - CSTC tuần số 52
.
.
.