Xả chất thải nguy hại ra môi trường:

Sonadezi "phiên bản" mới của Vedan lộ mặt

Thứ Tư, 17/08/2011, 20:08
Bỏ qua công đoạn xử lý, công nghệ chưa hoàn thiện, dùng thuỷ triều để làm loãng hoá chất độc hại trong nguồn nước xả thải… vậy mà Sonadezi đang là đơn vị chuyên trách về thu gom và xử lý chất thải nguy hại cho 1 cụm công nghiệp Long Thành - Đồng Nai, nơi có 80% các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu là dệt nhuộm, xi mạ với khối lượng xả thải khoảng 10.000m3/ngày.

Người dân ở rạch Bà Chèo than thở, bước xuống rạch là bị ngứa chân, viêm mũi bởi cái mùi "thum thủm" đặc trưng của thuốc nhuộm. Mọi việc có vẻ như vẫn "bình thường" vì Sonadezi hoạt động có "phép tắc" đàng hoàng. Chỉ đến khi Cục CSPC TP MT C49-Bộ Công an phối hợp các ban, ngành thực hiện vụ đột kích thì sự việc mới được phanh phui.

Cuộc đột kích lúc nửa đêm

Những kết quả xử lý mẫu do các trinh sát lấy từ ống nước xả thải của Sonadezi  cho thấy chỉ tiêu chất rắn lơ lửng vượt 2,5 lần ngưỡng cho phép xả vào nguồn nước được dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt và vượt 1,3 lần nước cho phép xả vào các nguồn tiếp nhận không dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt và chỉ số COD (nhu cầu oxy hóa học) vượt tới 13 lần. Xác định vi phạm này hết sức nghiêm trọng. Chuyên án mang số N… đã được thành lập.

Liên tục từ tháng 6/2011 các chiến sĩ trong tổ trinh sát Cục CSPC TP về MT hay phiên nhau vào khu công nghiệp Long Thành khu vực xử lý chất thải tập trung của Sonadezi để nắm tình hình.

Thượng tá Cù Nam Tiến - Phó phòng 2 C49 tại phía Nam kể: Do địa hình, địa thế của khu vực nhà máy xử lý nước thải (XLNT) này đã được qui hoạch tổng thể nên ngoài những người làm việc trong KCN được thường xuyên qua lại, người lạ không mấy ai được bén mảng tới.

Cống xả thải của khu XLNT tập trung Long Thành Đồng Nai đoạn ra rạch Bà Chèo.

Cũng vì vậy để qua mắt được lực lượng bảo vệ, anh em CSMT phải giả trang làm thường dân, việc xả thải thường tiến hành vào ban đêm, tiến độ chuyên án đã kéo dài mấy tháng, lại trúng mấy ngày này phía Nam mưa suốt, anh em phải giả trang làm người đi soi ếch để phục kích. Đi thì đi đêm. Lại phải canh khi thuỷ triều xuống công ty mới cho xả cống, thuỷ triều lên lại án binh bất động. Cái khó cho lực lượng trinh sát là vậy. Ngày 3/8, chờ cả ngày không thấy hệ thống vận hành xả nên anh em tưởng đã… "công cốc".

Ở trên TP HCM, anh em đã được lệnh huy động về thêm từ Tây Ninh và Bình Dương thì nóng lòng chỉnh tề quân phục, không dám rời khỏi vị trí trực, chỉ chờ khẩu lệnh là lao xuống Long Thành. Đúng 23 giờ 15 phút đêm 3/8 khi lực lượng CSMT ập tới không một tiếng động. Tổ công tác yêu cầu giữ nguyên hiện trường và vận hành tại chỗ toàn bộ qui trình hệ thống xử lý nước thải của công ty.

Phép tắc đầy đủ, chỉ có nước thải là... chưa đạt

Công ty CP DV Sonadezi Long Thành là chủ đầu tư KCN Long Thành (đường số 5, KCN Long Thành, xã Tam An, Huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai). Bắt đầu hoạt động từ tháng 10/2003 với tổng diện tích đất là 488 ha. Tổng số lao động làm việc trong KCN là 7.900 người. Thời điểm bắt quả tang xả thải trộm đang có 42 DN hoạt động.

Dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật KCN Long Thành đã được Bộ TNMT phê duyệt. Công ty có giấy phép xả thải số 911/GP-BTNMT do Bộ TN&MT cấp ngày 19/5/2011. Theo đó nguồn tiếp nhận nước thải là sông Đồng Nai, vị trí xả thải là rạch Bà Chèo, với lưu lượng trung bình là 9.700m3/ngày đêm. Lưu lượng lớn nhất 1 ngày là khoảng 10.000m3/ngày đêm.

Công ty Sonadezi đã đầu tư xây dựng nhà máy XLNT tập trung với khối lượng thiết kế 10.000m3/ngày đêm áp dụng cho công nghệ xử lý hóa lý kết hợp xử lý sinh học bùn hoạt tính hiếu khí, sau đó xả vào hồ hoàn thiện theo đường cống ngầm đường kính khoảng 40cm, dài khoảng 500-600m ra hồ sinh thái rồi ra rạch Bà Chèo cuối cùng đổ vào sông Đồng Nai.

Trong sổ đăng ký chủ nguồn thải CTNH do Sở TN&MT cấp công ty có đăng ký bùn thải từ hệ thống xử lý không phải là chất thải nguy hại (CTNH). Nước xả thải của các nhà máy sản xuất dệt nhuộm trong khu công nghiệp Long Thành chiếm tới 80%. Toàn bộ phải được thu gom và xử lý tại hệ thống XLNT tập trung. Phí XLNT khoảng 6.400 VND/m3.

Kết quả làm việc trinh sát C49 đã phát hiện công ty có nhiều dấu hiệu xử lý chưa đạt chuẩn vào hồ hoàn thiện. Nước thải đã qua công đoạn xử lý cuối cùng (công đoạn khử trùng) theo 2 đường cống có đường kính 30cm chảy vào hố tập trung cạnh hồ hoàn thiện. Tại đây 2 dòng nước thải nhập chung và theo một đường cống đường kính khoảng 40cm chảy vào hồ hoàn thiện vẫn có nhiệt độ cao, màu đen đậm và có mùi hôi. Khảo sát thực tế của C49  nhận thấy các bể xử lý vi sinh có dấu hiệu đã bị hư hỏng, hệ thống đường ống dẫn hoá chất vào bể khử trùng không hoạt động (các van của đường ống bị khoá), bộ phận khử màu không hoạt động.

Tại hồ hoàn thiện này có diện tích khoảng 2.400m2. Cuối hồ hoàn thiện có 1 đường ống có đường kính khoảng 40cm, dài khoảng 500-600m dẫn nước thải chảy thẳng ra hồ sinh thái nằm cạnh rạch Bà Chèo sau đó thoát ra sông Đồng Nai. Trên bờ hồ hoàn thiện gần hố ga còn phát hiện thêm một van khoá nằm sâu dưới mặt đất khoảng 80-100cm. Công ty trình bày, van khoá trên gắn vào 1 đường ống sử dụng vào mục đích vệ sinh hồ hoàn thiện khi cần.

Tại hồ sinh thái, công ty có lặp đặt một trụ cống có cửa xả đóng mở bằng cách xoay van khoá bằng tay. Sử dụng van khoá này có thể đưa nước từ rạch Bà Chèo vào hồ khi thuỷ triều lên và xả nước trong hồ ra rạch khi thuỷ triều xuống thấp. Vào thời điểm lập biên bản vụ việc, van khoá cống đang mở để nước trong hồ sinh thái chảy ra rạch Bà Chèo. Nước từ trong hồ chảy qua van khóa cũng có màu đen và mùi hôi giống với nước trong hồ hoàn thiện.

Đoàn điều tra cho người đào thí điểm một số đoạn đường ống nối từ hồ hoàn thiện ra hồ sinh thái đã phát hiện chỉ có 1 đường ống thoát nước thải duy nhất, có đường kính khoảng 40cm. Tổ công tác C49 yêu cầu cho vận hành hệ thống XLNT đúng với hiện trạng hoạt động tại thời điểm lập biên bản vụ việc hồi 23 giờ 15 phút ngày 3/8. Sau khi vận hành nước thải sau xử lý từ 2 modules theo đường ống chảy vào hồ hoàn thiện với lưu lượng lớn, nước thải có màu đen đậm, nhiệt độ cao và mùi hôi.

Nước từ hồ hoàn thiện theo đường ống nhựa ra hồ sinh thái cạnh rạch Bà Chèo. Nước từ hồ sinh thái thoát ra rạch Bà Chèo qua trụ cống xả đáy có tiết diện khoảng 1m2. Qua cảm quan nước từ trong hồ sinh thái chảy ra rạch Bà Chèo giống như nước trong hồ hoàn thiện: nóng, mùi hôi nồng nặc và có màu đen.

Theo C49, tại modules số 1 công ty đang tiến hành cải tạo sửa chữa công đoạn xử lý hoá lý(sau xử lý vi sinh), do vậy quá trình XLNT đã bỏ qua công đoạn xử lý hóa lý.

Công nghệ xử lý nước thải bằng... thủy triều

Chuyện như đùa đang xảy ra tại một đơn vị chuyên trách có chức năng xử lý nước thải của cả một khu công nghiệp lớn như cụm Công nghiệp Long Thành- Đồng Nai của Công ty Sonadezi, đó là một trong những công đoạn quan trọng trong việc xử lý khối lượng nước thải công nghiệp cực lớn phát sinh hằng ngày là dùng nước thuỷ triều để pha loãng…độc hại.

Với sự chứng kiến của các ban ngành, C49 yêu cầu Công ty Sonadezi cho dùng máy xúc đào thí điểm đoạn đường ống nối từ hồ hoàn thiện ra hồ sinh thái.

Ông Trần Quang Thỏa, Phó TGĐ Công ty cổ phần dịch vụ Sonadezi thừa nhận hiện nay chưa thể kiểm soát được chất lượng nước thải đầu vào từ các DN về nhà máy xử lý nước thải tập trung nên chưa xử lý triệt để được chỉ tiêu độ màu trong nước thải, còn các chỉ tiêu khác đều đã xử lý được. Do vậy để giảm chỉ tiêu ô nhiễm trong nước thải, công ty đợi thuỷ triều lên sẽ tích nước thải từ hồ hoàn thiện ra hồ sinh thái để pha loãng, khi thuỷ triều rút sẽ kéo theo toàn bộ nước thải ra rạch Bà Chèo sau đó ra sông Đồng Nai.

Theo Thiếu tá Đặng Tuấn Anh, Phó trưởng phòng 2- C49, việc làm loãng nước xả thải mà công ty Sonadeezi cho rằng là một trong cách "tạm thời khắc phục" hạn chế do công nghệ hiện nay chưa đủ khả năng xử lý hoàn thiện nước thải từ sản xuất dệt nhuộm chỉ là một cách né  cho "thủ đoạn" cố tình làm sai qui trình xử lý nước thải chứa CTNH của công ty. Vì cái khó nhất trong xử lý nước xả thải là các chỉ tiêu những thành phần nguy hại còn các chỉ tiêu BOD, coliform, độ pH… thuộc về xử lý hoá lý thì vấn đề là họ có chịu đầu tư hay không.

Huỷ hoại môi trường đang là những bức xúc hàng đầu của dư luận cũng như là mối quan tâm của các cơ quan chức năng, bài học Vedan còn đó cũng không biết đến bao giờ và số tiền đền bù ít ỏi có đủ để làm "liền sẹo" những vết thương môi trường hay không. Nhưng Vedan cũng mới chỉ là chuyện một công ty, còn đây là chuyện một khu công nghiệp và đơn vị vi phạm là một đơn vị có chức năng xử lý có công nghệ được "chấp nhận".

Xử lý còn chờ vào kết luận của cơ quan chức năng. Sonadezi dù có sai phạm nhưng các cơ quan chức năng cũng không thể buộc phải ngừng hoạt động vì ảnh hưởng tới các DN đang hoạt động trong khu. Cũng chưa có tính toán nào cụ thể khi một ngày không xử lý vi sinh, một ngày van…. hỏng thì Sonadezi tiết kiệm được bao nhiêu chi phí.

Hơn ai hết lãnh đạo của Sonadezi biết rõ điều này và họ sẽ hiểu những nghiêm trọng của vấn đề. Mong rằng Sonadezi có ngay những biện pháp sửa sai trước mắt để dư luận không cảm nhận họ là một phiên bản thứ hai của Vedan. 

Sonadezi quanh co phủ nhận trách nhiệm

Theo nguồn tin từ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an cho biết lãnh đạo của Công ty CPDV Sonadezi và nhân viên vận hành nhà máy xử lý nước thải vẫn chưa nhìn nhận việc cố ý xả thải ra môi trường. Theo nguồn tin từ C49, ông Trần Quang Thỏa, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP DV Sonadezi cùng ba nhân viên vận hành khi lấy lời khai vẫn viện lý do hệ thống khử trùng nước và khử trùng màu không hoạt động là do sự cố.

Còn việc hệ thống xử lý vi sinh bị hư là do hai nhà máy dệt nhuộm tại KCN Long Thành xả nước thải có nhiệt độ quá cao, làm bể vi sinh bị "liệt". Việc hơn 9.300m3 nước thải đổ ra Bạch Chèo trong đêm 3/8 nhưng chỉ bỏ 2kg hóa chất để xử lý, nhân viên đã viện lý do "trong lúc vận hành đã sơ ý, quên không bơm hóa chất vào để xử lý nên nước thải đầu ra chưa đạt chuẩn.

Ông Nguyễn Văn Ngẫu, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Thành

Thấy nông dân ở cơ sở bức xúc và kêu nhiều, chúng tôi đã tập hợp lại những ý kiến nguyện vọng của người dân báo cáo chính quyền địa phương nhưng không được giải quyết. Hội chúng tôi không thể tự làm được, chúng tôi rất bức xúc, nhưng làm sao có thể vào nhà máy giám sát, lấy mẫu nước để bảo vệ nông dân mình, đó là trách nhiệm của cơ quan chuyên môn.

Huyền Nga – CSTC tuần số 71
.
.
.