Phim tư liệu chiến tranh và cách hành xử của người Việt

Chủ Nhật, 02/01/2011, 10:33
Những bộ phim phóng sự - tài liệu do Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Truyền hình TP HCM quay trong mươi, mười lăm năm trở lại đây được đánh dấu VTV, HTV, VFS, TFS rất tỷ mỉ, rất cẩn thận. Cũng cách đây dăm bảy năm Đài Truyền hình Việt Nam mua lại của gia đình đạo diễn Xôviết Roman Carmen bộ phim tài liệu "Việt Nam trên đường thắng lợi", họ liền ghi dấu bản quyền VTV hầu như ở từng mét phim.

Ấy thế mà có một sự thật trớ trêu như thế này: Không biết AI và XẢY RA TỪ BAO GIỜ hầu như toàn bộ những thước phim tư liệu về hai cuộc chiến tranh thuộc quyền sở hữu của Hãng phim Tài liệu Khoa học TW, của Hãng phim Quân đội, của Viện Tư liệu Phim VN nay ráo rạo thuộc về các "ông chủ" truyền hình. Thuộc quyền sở hữu của ai, điều này không có gì đáng quan tâm nhiều. Điều cần rung hồi chuông báo động là ở một phương diện khác.

Tất cả những mét phim tư liệu kể trên đều được quay bằng phim nhựa 35 ly hoặc 16 ly. Nhưng về với "ông chủ" mới chúng được chuyển qua băng và đĩa. Từ đây phim tư liệu được nhân bản vô tội vạ và được sử dụng càng vô tội vạ hơn. Những mét phim tư liệu vô cùng quý giá về những năm tháng Chủ tịch Hồ Chí Minh sống tại chiến khu Việt Bắc; những mét phim về Đường Hồ Chí Minh trên đỉnh Trường Sơn, về cuộc Tổng tấn công nổi dậy Tết Mậu thân, đặc biệt là phim tư liệu về giờ phút thiêng liêng giải phóng Sài Gòn thực hiện giấc mơ non sông về một giải... bây giờ dễ dàng bắt gặp trong việc minh họa cho từng bài hát, từng sô diễn, từng bộ phim phóng sự hoặc tài liệu.

Sử dụng nhiều như một thứ minh họa cho sự nhanh vội hoặc lười suy nghĩ, sử dụng không bị ràng buộc bởi bất cứ một quy định hay luật lệ nào, đương nhiên bản thân những mét phim tư liệu kia mất đi sự thiêng liêng, mới mẻ, dễ trở nên nhàm chán, quen thuộc.

Tôi nhớ lại Viện phim Tư liệu Trung ương Liên xô trước đây có một sự phân loại và quy định rất rành rõ: Phim tư liệu được phân thành loại A1, A2, A3… B1, B2, B3... Ví như phim về lãnh tụ Lênin hay những sự kiện Cách mạng Tháng 10, hay Hồng quân cắm cờ trên nóc nhà Quốc hội Đức ở Berlin... thuộc loại A1. Và chỉ những bộ phim nào, những trường hợp lễ lạp nào mới được Viện Tư liệu phim cho phép trích và dùng.

Trở lại với những mét phim tư liệu của chúng ta. Với Điện ảnh Khu 8, các nhà quay phim dũng cảm như Mai Lộc, Khương Mễ, Lê Minh Hiền, Vũ Sơn... đã xông pha nơi hòn tên mũi đạn để có những mét phim sớm nhất về cuộc kháng chiến chống Pháp không chỉ ở Nam Bộ mà còn xét trên phạm vi cả nước như trong các phim "Trận Mộc hóa", "Chiến dịch Cầu kè", "Công binh xưởng trong rừng"…

Cũng chính đạo diễn Mai Lộc và nhà quay phim Nguyễn Thế Đoàn từ bưng biền Đồng Tháp lặn lội vượt Trường Sơn lên tận Việt Bắc để ngày hôm nay con cháu có được những mét phim quý hiếm về Đại hội Đảng lần 1, Đại hội Anh hùng Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần 1, Bác Hồ tập võ với các chiến sỹ cảnh vệ, Bác Hồ cưỡi ngựa ra trận, Bác Hồ tắm suối, Bác Hồ vừa đi vừa phơi quần áo… Nghệ sỹ Mai Lộc còn góp vào kho tư liệu những hình ảnh đầu tiên của lối đánh công kiên, có sự hiệp đồng giữa bộ binh, pháo binh trong phim " Chiến thắng Tây Bắc". Những hoạt động của du kích tại đồng bằng Bắc Bộ thì ông cũng là người ghi hình đầu tiên trong bộ phim "Giữ làng, giữ nước".

 Như nhiều người trong chúng ta đều biết, nhiều hình ảnh công binh mở đường, dân công chở gạo ra mặt trận, kéo pháo vào, kéo pháo ra và hình ảnh về những trận đánh trên đồi Him Lam, đồi Độc lập, đồi A1 và bộ đội vượt  qua cầu Mường Thanh tấn công vào Sở Chỉ huy của Tướng De Castri tại Chiến dịch Điện Biên Phủ mà đạo diễn Liên Xô Roman Carmen đưa vào phim "Việt Nam trên đường thắng lợi" là của nhà quay phim Nguyễn Tiến Lợi. Những mét phim quý giá ấy bây giờ khi được sử dụng hoàn toàn không ghi tên tác giả.

Ấy thế mà chỉ một đoạn văn, chỉ một giai điệu nhạc bạn cứ thử trích vào sách, vào phim của mình mà không xin phép tác giả, bạn lập tức bị kiện và có thể còn bị lôi cổ ra tòa. Vậy những mét phim đánh đổi bằng xương máu kia cứ mãi mãi không có chủ, mãi mãi được coi là "của chùa" sao?

Nói đến phim tư liệu cũng xin được nêu lên một vài hiện tượng khác cần được nắn chỉnh kịp thời.

Tôi đã từng thấy trong một số đĩa DVD ca nhạc, trong môt số phim phóng sự - tài liệu các tác giả trẻ sẵn sàng lấy hình ảnh từ các bộ phim truyện như "Sao tháng Tám", "Em bé Hà Nội", "Tự thú trước bình minh"... dùng như những mét phim tư liệu. Liệu có nguyên tắc nào ghi rằng chỉ loại phim người thật việc thật mới có quyền và được quyền trở thành phim tư liệu không?

Những người làm truyền hình trẻ khi dùng phim tư liệu trong nhiều trường hợp cũng mắc phải căn bệnh "lú lẫn". Ví như anh chị em dùng những mét phim tư liệu về việc mở đường hoặc tải gạo lên mặt trận Điện Biên Phủ (Xuân - Hè năm 1954) gắn vào bộ phim nói về những năm tháng chiến tranh chống Mỹ. Hoặc dùng hình ảnh những chiến sỹ đặc công đang tập luyện trong thời bình để minh họa cho các trận đánh trong nội đô Sài Gòn Mậu Thân năm 1968.

Nực cười hơn, trong một phim phản ánh quân dân Đồng Tháp Mười tải đạn,tải gạo cho bộ đội thời chống Mỹ thì tác giả trích luôn hình ảnh những cô gái chàng trai cũng khăn rằn quanh cổ, cũng là những gói, những thùng trĩu nặng trên vai đang bươn chải qua kênh, qua rạch. Nào ngờ những hình ảnh sau lấy từ phim phản ánh nạn buôn thuốc lá lậu ở biên giới Tây Nam... Những hiện tượng như vậy không hiếm!

Trong kho phim tư liệu về hơn nửa thế kỷ Cách mạng và Chiến tranh vừa qua, may mắn sao chúng ta đã có một lượng phim tư liệu về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thật khổng lồ, thật phong phú. Ấy thế mà tên tuổi của những ai tạo nên những mét phim đó như Kiều Thẩm, Kim Môn, Lưu Xuân Thư, Nguyễn Kha, Ngô Đặng Tuất, Nguyễn Chí Phúc... ở miền Bắc, Trần Nhu, Trần Văn Thủy, Hồng Chi, Lâm Quang Ngọc, Phạm Khắc… ở miền Nam hoàn toàn vắng bặt trên những mét phim tài liệu trích. Tình trạng cướp công, bất hợp lý hiện tại không thể chấp nhận được và phải chấm dứt ngay, xét cả về phương diện tình cảm lẫn luật pháp.

Thời ở mặt trận cánh phóng viên báo viết chúng tôi với các phóng viên quay phim hệt như anh em ruột thịt. Cùng hưởng gạo, đường, thuốc men một tiêu chuẩn. Cũng tăng, bạt, võng dã chiến như nhau. Đi đâu cũng í ới gọi nhau.  Nhưng khi một trận đánh xảy ra liền có sự phân biệt đối xử. Phóng viên báo viết thường chỉ xuống tới ban Chỉ huy Tiểu đoàn là cùng, còn phóng viên nhiếp ảnh, quay phim thì được đi theo các mũi chủ công, vượt qua hàng rào cự mã, nhiều trường hợp bám sát từng mũi thọc sâu của các trung đội, tiểu đội. Nghĩa là các anh xông xáo, kề cận cái chết y hệt như những người lính.

Lý do ư? Cánh báo viết thì còn có thể nghe kể lại, còn quay phim, nhiếp ảnh không xông xáo vào tận nơi hòn tên mũi đạn liệu làm sao có được những bức ảnh, những thước phim chân thực? Thành thử đức dũng cảm, lòng can trường, tính tự nguyện sẵn sàng chấp nhận cái chết trong tích tắc vốn là những phẩm chất không còn nghi ngờ gì của những người làm phim phóng sự - tài liệu chiến tranh. Vậy vì cơn cớ gì chúng ta không trả lại bản quyền từng mét phim của những người làm phim phóng sự - tài liệu đã ngã xuống hoặc đang còn sống?

Tô Hoàng
.
.
.