Phan Văn Tài Em: Không hận thù với Quốc Vượng, Văn Quyến!

Chủ Nhật, 21/08/2011, 13:51
Nếu cho rằng "cầu thủ hiện đại" là những con người biết ứng xử khôn ngoan với thời cuộc, biết hòa đồng khi cần hòa đồng, biết tạo sự khác biệt khi cần tạo sự khác biệt, biết chung thủy thi cần chung thủy, biết dứt khoát khi cần dứt khoát… thì anh - Phan Văn Tài Em, trong cách nhìn của tôi lại là cầu thủ "hiện đại" hơn ai hết.

Anh không phải là cầu thủ hiện đại điển hình, nếu hiểu khái niệm "cầu thủ hiện đại" theo nghĩa đấy phải là một ngôi sao xuất chúng trên sân cỏ, và phải là một người bóng bẩy, lộng lẫy trên các phương tiện truyền thông. Nhưng nếu cho rằng "cầu thủ hiện đại" là những con người biết ứng xử khôn ngoan với thời cuộc, biết hòa đồng khi cần hòa đồng, biết tạo sự khác biệt khi cần tạo sự khác biệt, biết chung thủy thi cần chung thủy, biết dứt khoát khi cần dứt khoát… thì anh - Phan Văn Tài Em, trong cách nhìn của tôi lại là cầu thủ "hiện đại" hơn ai hết. Cam kết của chúng tôi: Tài Em có thể không trả lời những câu hỏi khó, nhưng đã trả lời thì phải nói thật, chứ tuyệt nhiên không được…diễn.

"Vì sao tôi tố cáo đồng đội bán độ?"

- Tài Em này, vì sao lại có cái tên "Tài Em" nghe rất dễ thương như vậy?

- (Cười…) Ông anh liền trên tôi tên là Phan Văn Tài. Và khi sinh ra anh Tài, ba mẹ đã nghĩ đấy sẽ là người con cuối cùng trong gia đình đã có tới 9 người con. Nhưng chẳng biết trời xui đất khiến thế nào mà mẹ lại "lỡ" sinh thêm ra tôi, thế là đặt ngay cho tôi cái tên Phan Văn Tài Em với ý nghĩa nó là đứa em bất thình lình của thằng Tài.

- Chính đứa con bất thình lình ấy sau này lại là người nổi tiếng nhất nhà. Ba mẹ, gia đình nhà Tài Em hãnh diện với đứa con "bất thình lình" ấy lắm?

- Có lẽ vậy.

- Nói đến cái tên Tài Em, người ta nhớ ngay đến vụ bán độ kinh thiên động địa của một nhóm cầu thủ ĐT U.23 QG tại SEA Games 25, mà Tài Em là người đứng ra tố cáo. Lần ấy, khi được người ta vào phòng, rủ bán độ, cảm giác của Tài Em thế nào?

- Tôi nhớ mãi ngày hôm ấy, khi Quốc Vượng cùng vài cầu thủ khác vào phòng bảo tôi hãy cùng làm độ trận Việt Nam - Myanmar ở vòng đấu bảng SEA Games. Lúc đó tôi giật mình lắm, và đã từ chối ngay. Sau đó, khi Quốc Vượng về phòng thì tôi đã suy nghĩ rất nhiều. Thứ nhất, tôi nghĩ là mình sống bằng nghề bóng đá, nên nếu bán độ thì sẽ vi phạm nguyên tắc nghề nghiệp. Thứ hai, chúng tôi lại đang khoác áo ĐT U.23 QG, nên nếu bán độ, thì ở một góc độ nào đó sẽ là phản bội lại hình ảnh Tổ quốc. Và cả hai điều ấy đều không thể nào chấp nhận được. Lúc ấy, tôi ở cùng phòng với Hoàng Thương, nên đã chia sẻ tất cả những suy nghĩ đó với Thương. Cậu ấy đồng tình với những chia sẻ của tôi.

Những khoảnh khắc của Tài Em. Ảnh: Quang Minh.

- Thế rồi Tài Em sang phòng HLV phó ĐT U.23 QG Lê Thụy Hải để tố cáo tất cả?

- Vâng! Sau khoảng 1 tiếng suy nghĩ và trăn trở rất nhiều, tôi đã sang phòng bố Hải để kể lại toàn bộ sự việc. Mọi thứ dừng lại ở đó, và tôi tin rằng chắc là sẽ không có điều gì xảy ra nữa. Tuy nhiên, khi trận đấu diễn ra, và khi ĐT U.23 thực hiện hàng loạt đường chuyền, hàng loạt cú sút bất thường thì tôi đã nhận ra "có chuyện" thật rồi.

- Hỏi thật nhé, giữa Tài Em với nhóm Quốc Vượng, Văn Quyến ngày đó… có mâu thuẫn gì không?

- Tôi xin thề là không. Lâu nay tôi được biết dư luận cứ nói đến chuyện phe này phe nọ ở ĐTQG hay ĐT U.23 QG. Tuy nhiên, trong cách nhìn của tôi, mọi thứ đều là cạnh tranh lành mạnh, chứ không hề có chuyện phe phái. Với cá nhân mình, tôi quan hệ tốt với tất cả các đồng đội, thế nên chắc chắn không có chuyện tôi tố cáo Quốc Vượng, Văn Quyến… vì mâu thuẫn cá nhân.

- Nhưng sau này thì sao, khi mọi chuyện nổ ra, chắc quan hệ giữa Tài Em với Quốc Vượng, Văn Quyến…xấu đi rất nhiều?

- Sau này tôi có gặp lại nhóm cầu thủ bán độ ấy, và vẫn chào hỏi bình thường. Năm 2010, Văn Quyến lên ĐTQG, cũng vẫn nói chuyện với tôi bình thường. Thật ra thì họ nghĩ gì, cảm nhận gì tôi không dám chắc, nhưng về phần mình tôi thấy chẳng có rào cản gì ghê gớm cả. Quan điểm của tôi là, trong cuộc sống này những gì có thể bỏ qua cho nhau thôi thì hãy cứ bỏ qua. Như thế mới sống nhẹ nhàng được.

"Vì sao tôi… sạch?"

- Một trong những đặc điểm quan trọng tạo nên một Phan Văn Tài Em sạch sẽ có phải là… tố chất nông dân?

- Ba mẹ tôi làm ruộng, và nhà tôi đúng là nông dân. Ba mẹ luôn dạy tôi phải sống thật thà, và điều ấy tác động lớn tới phong cách sống, phong cách ứng xử của tôi sau này. Nhưng đấy mới chỉ là sự khởi đầu thôi. Tôi nghĩ rằng mình may mắn khi được sống và gắn bó với CLB ĐT.LA trong phần lớn thời gian thi đấu. Đó thật sự là một tập thể sạch sẽ, luôn đá bóng với tư tưởng có thể xuống hạng, chứ nhất định không chịu bắt tay tiêu cực với đội nọ đội kia.

Tôi nhớ là anh Thắng (ông bầu Võ Quốc Thắng - PV) ngay từ đầu đã nêu cao tôn chỉ đó. Và khi HLV Calisto tới đội thì điều đó càng được phát huy một cách mạnh mẽ hơn. Mà ông Calisto hay lắm, những cầu thủ có tì vết về việc "bán độ" khi về đầu quân cho đội luôn được ông đối xử bình đẳng. Quan điểm của ông ấy là, không bao giờ để ý tới quá khứ, cũng không để ý tới lời đồn thổi, mà chỉ căn cứ vào cách thức một cầu thủ thể hiện trên sân. Nhìn chung, làm việc với một người như ông ấy, tôi lớn lên rất nhiều cả ở góc độ cầu thủ lẫn góc độ con người. 

- Bằng danh dự của một người đàn ông, Tài Em có dám khẳng định là CLB của mình sạch không?

- Tôi dám khẳng định 100% là CLB ĐT.LA luôn sạch sẽ. Thế nên tôi mới nói là mình đã may mắn khi được lớn lên và trưởng thành với CLB mà.

- Vậy tại sao Tài Em lại quyết định chia tay một CLB như vậy để về đầu quân cho Navibank Sài Gòn? 

- (Suy nghĩ…): Tôi cũng là một con người, với những ham muốn vốn có của mọi con người. Ví dụ tôi rất thích ôtô, nhưng nếu đá cho ĐT.LA thì tôi không đủ tiền mua ôtô và nhiều vật dụng cần thiết khác, trong khi rất nhiều các cầu thủ thế hệ sau tôi đã có ôtô đi từ rất lâu rồi. Để có thể dung hòa những ham muốn của một con người với việc vẫn có thể gắn bó với đội bóng mình yêu quí, tôi đã gặp bầu Thắng đề nghị được tăng lương.

Mà tôi nói rất rõ rằng: Chỉ cần ĐT.LA trả cho tôi khoảng 7/10 so với các đội bóng khác trả cho tôi thì tôi sẵn sàng ở lại. Nhưng anh Thắng không đồng ý. Anh ấy bảo không bao giờ ĐT.LA trả cho cầu thủ một mức giá lớn hơn so với giá trị thật của cầu thủ. Anh ấy còn bảo, tôi hoàn toàn có quyền ra đi, nếu muốn. Nghe những điều đó, tôi rất buồn, và đã ra đi.

- Và sau khi về Navibank Sài Gòn với khoảng 8 tỷ đồng lót tay, Tài Em đã có ngay một chiếc Audi Q5 bóng loáng?

- Chính xác!

- Tài Em này, dường như giữa cám dỗ của đồng tiền với việc sẵn sàng hy sinh tất cả vì đội bóng quê hương mình, nơi đã đào tạo nên nhân cách bóng đá của mình, cầu thủ bây giờ có vẻ nghiêng hẳn về vế thứ nhất?

- Đấy chỉ là một góc độ thôi. Ở một góc độ khác, cũng phải thấy rằng nghề cầu thủ ngắn ngủi lắm. Hôm nay, khi đang khỏe mạnh, cống hiến được cho đội bóng, bạn sẽ được tung hô như người hùng, nhưng ngay ngày mai thôi, khi chấn thương không thể thi đấu thì bạn gần như sẽ bị lãng quên. Vậy nếu không tính toán đường dài, nếu không tích cóp khi có điều kiện để tích cóp, cuộc sống sau này của mình ai lo?

- Nghe Tài Em nói, tôi chợt nhớ lại một câu chuyện trong cuốn "Những tấm lòng cao cả" kể về một chú bé ăn xin đã ném trả lại những đồng bạc mình vừa xin được, vì chủ nhân của những đồng bạc ấy đã nói xấu nước Italia của chú. Với hành động "ném trả" như vậy, chắc chắn chú bé ăn xin sẽ bị đói, bị khát. Nhưng chú chẳng thà chấp nhận đói khát, chứ không chấp nhận để người ta chà đạp lên những giá trị mình tôn thờ. Hình như thế giới cầu thủ nói riêng và cuộc sống hiện đại nói chung đang thiếu trầm trọng một chút "điên" như cái "điên" của chú bé ấy. Nhưng thôi, đó lại là một câu chuyện khác, giờ quay lại chuyện bóng đá nhé: Cuộc sống ở Navibank Sài Gòn với Tài Em bây giờ hạnh phúc không?

- Về cuộc sống, cơ bản tôi thích Sài Gòn, vì nó sôi động, và ăn uống, đi lại lúc nào cũng dễ. Còn về đội bóng Navibank Sài Gòn, nói thật là chúng tôi còn phải cố gắng và hòan thiện mình nhiều lắm…

"Vì sao tôi… quái?"

- Nói đến Tài Em, người ta thường nhắc đến một cầu thủ hiền lành, sạch sẽ, nhưng có những lúc, thú thật tôi lại nhìn thấy một Tài Em rất… quái chiêu. Như ở trận Việt Nam - Myanmar tại Tiger Cup 2002 chẳng hạn. Tài Em biết tôi định nhắc đến tình huống nào rồi chứ?

- Tôi biết. Đó là tình huống mà trọng tài cho ĐTVN được một quả đá phạt, và tôi đã lập tức đẩy ông ta để thực hiện quả đá chớp nhoáng. Lúc ấy, tôi nghĩ rằng hãy cứ đẩy ông ta trước đã, sau đó, nếu ông ta thổi phạt thì chịu, còn nếu ông ta không thổi thì chúng ta sẽ có tình huống tấn công bất ngờ. May là ông ấy đã không thổi, và Việt Nam đã có bàn. Tôi thừa nhận là trong tình huống này mình có phần láu lỉnh nhưng đúng luật.

- Và tôi đã nghĩ rằng, trong cuộc sống người ta có thể diễn kịch, chứ trên sân cỏ, mọi cái hay, cái dở đều sẽ lộ ra hết. Sự láu lỉnh trên sân cỏ của Tài Em liệu có "tố cáo" cái phần láu lỉnh, khôn ngoan ít người nhìn thấy của Tài Em trong đời thường hay không?

- Tôi thì nghĩ sân cỏ là sân cỏ, đời thường là đời thường. Và ở ngoài đời, tôi sống ra sao, hãy cứ để mọi người nhận xét. Về phần mình, tôi chỉ nói, mình đã sống không hổ thẹn với mình mà thôi.

- Nếu tôi nhớ không nhầm, có lần chính HLV Calisto đã mắng Tài Em thậm tệ vì tội dám đá "bể nồi cơm" đồng đội?

- Tôi thừa nhận là có. Đấy là một trận đấu ở V.League, khi ĐT.LA đã dẫn Đồng Tháp 2-0, nhưng sau đó bị gỡ 2-2. Ông Calisto cho rằng tôi đá không hết mình, nên đã mắng như tát nước ngay trước mặt toàn đội. Ông ấy bảo đội bị gỡ hòa 2-2, khiến các cầu thủ bị mất một khoản thưởng lớn, và tôi chẳng khác gì kẻ đã ăn cướp tiền của anh em. Lần ấy tôi đã khóc, một lần khóc hiếm hoi trong đời. Nhưng tôi nghĩ ông Calisto làm thế vì quá nóng giận mà thôi.

-Và khi hết giận, ông ấy sẽ nhận ra một Tài Em… thật thà?

- (Cười….)

Phan Đăng (thực hiện) - CSTC tuần số 71

.
.