Phạm Văn Quyến và một mảnh đời sau… bán độ

Thứ Bảy, 27/08/2011, 16:19
Bây giờ sau đỉnh cao và vực sâu cuộc đời, Quyến có lẽ đã tìm được một trạng thái sống cân bằng. Bây giờ, ở trong trạng thái cân bằng ấy, Quyến mơ gì nữa không? Câu trả lời của Quyến: "Một cuộc sống yên bình, và sau này, nếu có thể, sẽ làm HLV bóng đá!".

Sau khi đăng bài phỏng vấn Phan Văn Tài Em với tựa đề: "Không hận thù Quốc Vượng, Văn Quyến!" xung quanh câu chuyện bán độ và tố cáo bán độ của của các cầu thủ ĐT U.23 VIệt Nam tại SEA Games 23, CSTC đã nhận được rất nhiều phản hồi của độc giả, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến câu hỏi: Sau vụ bán độ đó, những Quốc Vượng, Văn Quyến bây giờ đang sống ra sao, và có bao nhiêu phần trăm cơ hội trở lại thời vàng son xưa cũ của mình? CSTC sẽ lần lượt đăng tải những bài viết để lần lượt trả lời những câu hỏi này.

Đồng tiền của Quyến

Trong những lần nói chuyện với Văn Quyến, tôi nhớ mãi buổi sáng ngày 27/1/2007, đúng 3 ngày trước khi Quyến cùng nhóm cầu thủ bán độ phải ra hầu tòa. Hôm ấy ngồi giữa căn nhà Quyến ở xã Hưng Tiến, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An, ngay trước mặt mẹ Niềm của Quyến, tôi đã hỏi anh chàng một câu rất thật: "Em có nhớ, hồi còn nổi tiếng những đồng tiền có ích đã được mình tiêu như thế nào hay không?".

Chẳng cần nghĩ ngợi nhiều, Quyến kể vanh vách: "Mỗi lần về quê ăn Tết, em lại biếu các cậu mợ mình mỗi nhà 2 triệu đồng. Em còn hỗ trợ mấy người anh em họ học đại học trên Hà Nội mỗi tháng 500.000 đồng. Và em đã xây lại nhà cho mẹ, đúng như lời dặn của mẹ: "Mày muốn làm gì thì làm, cũng phải cố xây lại cái nhà con ạ". Nghe Quyến nói thế, mẹ Niềm ngồi bên cạnh gật gù, như thể xác minh những gì con trai mình nói là chính xác.

Thật ra ai cũng biết, hồi còn sống trên đỉnh vinh quang, Quyến không xa lạ gì với vũ trường, em út, cũng chẳng xa lạ gì với những bộ đồ hàng hiệu và những cuộc nhậu nhẹt với các đồng đội mà ở đó cu cậu bao giờ cũng là người "chủ chi". Vậy nên tôi hỏi tiếp: "Những đồng tiền được tiêu một cách có ích dường như quá nhỏ bé, xa xỉ, so với những đồng tiền mà em đã tiêu để thỏa mãn những thú ăn chơi xa xỉ của bản thân?". Với câu hỏi này thì Quyến lặng im. Và giấu trong sự lặng im ấy dường như là cả một chút căm giận cố nén đối với người đưa ra câu hỏi.

Những khoảnh khắc của Văn Quyến. Ảnh: Quang Minh.

Và để phá vỡ bầu không khí có phần căng thẳng, mẹ Niềm chen vào một câu: "Hắn bây giờ lại xin tiền mẹ mua xăng chú ạ". Phải, Quyến hồi ấy mới rời trại tạm giam nên vẫn sống nhờ tiền của mẹ và của một số ít bạn bè. Thế nên hồi ấy, dù vẫn còn cái xe Spacy, nhưng Văn Quyến - chủ nhân của cái xe Spacy ấy không còn ăn tiêu hào phóng như hồi còn nổi tiếng. Và nói gì thì nói, với Quyến, đấy vẫn là một sự hẫng hụt không dễ gì có thể làm quen.

Phải đến cuối năm 2009, khi thời hạn 2 năm án treo đã kết thúc, và khi VFF đồng ý để Quyến trở lại sân chơi V.League thì anh chàng mới có lại cái khả năng "kiếm tiền" như ngày xưa mình từng có. Lúc ấy, ở đội 1 Sông Lam, Quyến nhận được khoảng 20 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên con số 20 triệu có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba nếu Quyến tính đến chuyện rời Sông Lam, về đầu quân cho một số đại gia mới nổi. Nghe đâu cũng đã có đội âm thầm tiếp xúc với Quyến, và nghe đâu, anh chàng cũng đã lờ mờ nghĩ đến chuyện "đi hay ở", nhưng rồi khi được nghe những người thầy ruột của mình tư vấn, Quyến quyết định ký hợp đồng trọn đời với đội bóng quê hương.

Với bản hợp đồng trọn đời ấy, bây giờ Quyến bỏ túi tròm trèm 30 triệu/tháng - con số bé tí tẹo so với những khoản trăm triệu mình kiếm được thời còn ở đỉnh cao, nhưng lại là con số vĩ đại so với những ngày tháng mới ra trại, phải ngửa tay xin mẹ từng đồng mua xăng. Thế thì với Quyến con số 30 triệu ấy cũng chính là một con số vừa đủ để giúp Quyến giữ cân bằng sau những đỉnh cao và những vực sâu của cuộc đời cầu thủ?

Sự rụt rè của Quyến

Khai mạc SEA Games 22 giữa Việt Nam - Thái Lan, ông chủ tịch VFF Mai Liêm Trực xuống sân Mỹ Đình bắt tay từng cầu thủ. Riêng tới lượt Văn Quyến, ông Trực dừng lại vỗ mạnh vào vai, rồi nói nhỏ một câu gì đó. Lúc ấy Quyến cười rạng rỡ, tự tin đón nhận sự khích lệ đặc biệt mà ông chủ tịch dành cho mình. Chi tiết ấy đủ nói lên phong thái mạnh mẽ, tự tin của Quyến thời đỉnh cao. Thế nhưng vẫn ở Mỹ Đình, và vẫn trong lần đối diện với người đứng đầu VFF, Quyến của năm 2010 lại là một Văn Quyến khác lạ hoàn toàn.

Một buổi sáng ngày 7/9/2010, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ xuống sân Mỹ Đình thăm đội tuyển Việt Nam (ĐTVN) mới được tập trung. Và Văn Quyến trong tư cách của một cầu thủ vừa trở lại ĐT sau "bản án cuộc đời" đã đón nhận cái bắt tay của ông chủ tịch một cách hết sức rụt rè. Lúc ấy, Quyến không đứng thẳng, mà khúm núm núp sau lưng Việt Thắng, rồi vội vàng đưa ra cái bắt tay, trước khi vội vàng rút tay về. Cũng trong hôm ấy, Quyến chạy trốn gần như tất cả những chiếc ống kính hướng về phía mình, và sau đó đã ngồi thu lu một góc cùng vị bác sĩ ĐT, trong lúc các đồng đội nói cười rôm rả.

Vẫn liên quan đến sân Mỹ Đình - cái sân hằn in những ngày tháng hiển hách thời đỉnh cao của Quyến, lại có những chi tiết khác chứng minh sự rụt rè, sợ hãi của Quyến sau này. Đó là trước trận chung kết lượt về AFF Suzuki Cup 2010, một đồng đội đã tặng Quyến đôi vé, nhưng Quyến cầm vé mà không dám vào sân. 

Chẳng biết lúc ấy, Quyến sợ phải đối diện với ánh mắt của cả một biển trời những người hâm mộ, hay sợ phải chạm vào cái ký ức rực rỡ một đi không trở lại bao giờ? Sau trận đấu, khi ĐTVN hạnh phúc với chiếc cúp vàng đầu tiên trong lịch sử, Quyến cũng âm thầm đến khách sạn La Thành chia vui. Nhưng rồi Quyến cũng chẳng dám vào khách sạn, mà chỉ bắt tay chào hỏi vài tuyển thủ thuộc vào hạng "đàn em" rồi lặng lẽ ra về.

Nhìn chung con người Quyến xưa nay vẫn vậy: rất ít nói, và đã nói thì luôn nói theo kiểu nhát gừng. Thế nhưng nếu cái nhát gừng ngày xưa là biểu hiện của một sự tự tin cao độ thì cái nhát gừng bây giờ lại là biểu hiện nhút nhát của một con người rơi vào tình thế "con chim bị thương, sợ cành cây cong…".

Quả bóng trong chân Quyến

SEA Games 22, khi được cả nước tôn vinh là một "cậu bé vàng", khỏi nói quả bóng trong chân Quyến đã được điều khiển một cách ma quái, bay bổng ra sao. Quả bóng ấy và đôi chân ấy đã từng là nỗi khiếp sợ của mọi hàng thủ Đông Nam Á, và đã từng làm được một việc mà ngay cả những thế hệ đàn anh của Quyến cũng chẳng dám mơ: Sút tung lưới Hàn Quốc, đem về chiến thắng lịch sử cho ĐTVN.

Nhưng Quyến sau thời gian chịu án, Quyến lại tăng cân và lại mập lên thấy rõ. Cái mập cướp đi của Quyến cái khả năng bứt tốc cùng những pha lạng lách tinh ranh trong vòng cấm địa. Rồi Quyến lại đen đủi gặp hết tai nạn nọ đến tai nạn kia. Đầu tiên là tai nạn với cái cổ chân khi đang khoác áo ĐTVN chuẩn bị tham dự AFF Cup 2010.

Tiếp nữa là những tai nạn đời thường không ai tin nổi, chẳng hạn như việc bị ngã trong nhà vệ sinh, dẫn đến việc gãy sống mũi, rồi lại bị ngã khi đang trèo lên ghế thắp hương, khiến cho những mảnh thủy tinh vụn dưới sàn nhà đâm nát bàn chân. Những tai nạn "trời ơi" như thế không ít thì nhiều cũng làm ảnh hưởng tới bản năng sát thủ vốn vẫn len lỏi trong thẳm sâu lòng Quyến. Nó khiến cho Quyến bây giờ gần như chỉ là một "người thừa" trong đội hình thi đấu của Sông Lam.

Bán kết cúp Quốc gia cách đây hai tuần, Quyến hiếm hoi được đá ngay từ đầu, nhưng không những không để lại dấu ấn, mà còn gián tiếp dẫn đến 1 bàn thua. Vòng 25 V.League diễn ra cách đây 1 tuần, Quyết bất thình lình được tung vào sân khi trận đấu Sông Lam - HN.ACB còn khoảng 30 phút, nhưng ngoại trừ một đường chuyền tạm gọi là "ngon nghẻ" cho Trọng Hoàng, thực sự Quyến cũng không để lại diều gì đặc biệt.

Riêng trận Sông Lam - Ninh Bình diễn ra trước đó, Quyến ngồi trên ghế dự bị chán nản tới mức không tập trung xem trận đấu, mà còn rút điện thoại ra để nhắn tin, hay chơi điện tử gì gì đó. Trò chuyện với tôi, một nhân vật trong BHL Sông Lam nói rất thật rằng: "Văn Quyến bây giờ chỉ còn là một cái bóng mà thôi".

Hơn ai hết, Quyến hiểu nỗi đau của một người từng là "cậu bé vàng" giờ lại biến dạng thành một "cái bóng" trong một tập hợp, thế nên Quyến vẫn cố gắng, và vẫn gồng mình luyện tập không ngừng nghỉ. Nhưng có lẽ con người ta không thể tắm hai lần trên một dòng sông, với những gì đang diễn ra, đòi hỏi Văn Quyến tìm lại được dù chỉ là 30% khả năng của mình thời đỉnh cao cũng là điều gần như không tưởng.

Và giấc mơ của Quyến

Hồi còn nhỏ, cưỡi lên lưng con trâu rồi cùng chúng bạn đá bóng trên từng thửa ruộng, Quyến mơ giấc mơ sau này sẽ trở thành cầu thủ. Và giấc mơ ấy đã thành hiện thực, cho dù chính giấc mơ ấy đã "giết chết" cuộc đời Quyến trong cách nhìn, cách nghĩ của mẹ Niềm.

Bản thân Văn Quyến trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây nhất cũng thừa nhận rằng: "Thành công sớm và những lời tung hô quá đà trong cuộc đời cầu thủ đã giết chết tôi". Sau khi đã mất tất cả, đã phải lầm lũi bước chân vào T16, và đã ở chung với hai người bạn tù tóc bạc trong đêm đầu tiên ở T16 thì Văn Quyến, một cách vô thức lại mơ được trở lại thời chăn trâu cắt cỏ ngày xưa. Quyến kể rằng: "Đêm đầu tiên trong trại, tôi đã mơ lại cái cảnh ngồi trên lưng con trâu, nô đùa với chúng bạn như thủa nào!". 

Giữa giấc mơ được trở thành một cầu thủ nổi tiếng, với giấc mơ được quay trở về thời thơ ấu chăn trâu, Văn Quyến rõ ràng đã đi từ cực nọ tới cực kia. Cái hành trình đổi cực đáng sợ của một cậu bé thiếu cha, của một chàng thanh niên thiếu hành trang vào đời và một người nổi tiếng thiếu khả năng miễn nhiễm với những cám dỗ xung quanh.

Bây giờ sau đỉnh cao và vực sâu cuộc đời, Quyến có lẽ đã tìm được một trạng thái sống cân bằng. Bây giờ, ở trong trạng thái cân bằng ấy, Quyến mơ gì nữa không? Câu trả lời của Quyến: "Một cuộc sống yên bình, và sau này, nếu có thể, sẽ làm HLV bóng đá!".

Ôi, giấc mơ thứ ba, giấc mơ giản dị, giấc mơ cuối cùng của một mảnh đời sau tâm bão!

Bàn thắng này tặng ai?

Sau bàn thắng lịch sử ghi vào lưới ĐT Hàn Quốc năm 2003, đứng trước câu hỏi: "Bàn thắng tặng ai?", Quyến thật thà nói: "Bàn thắng này tặng mẹ"! Nhưng rồi người ta tư vấn Quyến bàn thắng quan trọng thế, phải nói là "tặng Tổ quốc" chứ, thế là hôm sau, trên nhiều trang báo, người ta thấy Quyến chợt bay bổng với một "bàn thắng tặng Tổ quốc?". Chi tiết này chứng tỏ hình như Quyến không được sống thật là mình, và cũng không có cái dũng khí sống thật với mình ngay cả khi đang ở trong đỉnh cao sự nghiệp.

Và chính cái việc không "sống thật" ấy phải chăng cũng là một lý do đưa cuộc đời Quyến vào một vực thẳm âm u? Sau này khi trở lại bóng đá, và ghi được bàn thắng đầu tiên trong màu áo Sông Lam, Quyến đã thật thà nói câu: "Bàn thắng này, tôi dành tặng mẹ".

Phan Đăng – CSTC tuần số 72
.
.
.