Ông tiên chân đất của 2.000 trẻ em khuyết tật

Thứ Sáu, 14/10/2011, 09:28
Từ năm 2001 đến nay, hơn 2.000 người khuyết tật đã được ông Hà Xuân Định, 81 tuổi, ở làng Thượng (Vân Từ, Phú Xuyên, Hà Nội) nhận về Trung tâm đào tạo nghề cho trẻ khuyết tật của Hợp tác xã sơn khảm trai Ngọ Hạ nuôi nấng chăm sóc như con cháu, đào tạo nghề rồi xin việc cho hẳn hoi. Tất cả đều miễn phí.

Công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng vô cùng khó khăn này đã được ông hoàn thành rất xuất sắc. Chính vì thế mà ông Định được nhiều người quen gọi là "ông tiên, ông bụt" của những đứa trẻ khuyết tật.

"Ông tiên, ông bụt" của trẻ khuyết tật

Tuy tuổi cao, sức yếu nhưng với ý chí, nghị lực phi thường, ông Hà Xuân Định không quản ngại khó khăn, gian khổ, hàng chục năm qua cùng chiếc xe đạp rong ruổi khắp các huyện, thành, thuộc Hà Tây (cũ), Hà Nội, có lần ông còn đạp xe đến tận Hòa Bình, Hà Nam. Mỗi chuyến như vậy ông đạp xe cả trăm cây số, cứ ở đâu có trẻ khuyết tật, kém may mắn là ông tìm đến để chia sẻ và tỏ lòng muốn giúp đỡ.

Dù công việc ông làm không hề đơn giản chút nào, cũng chẳng ai trả công cho ông. Nhưng đến nay đã có trên 2.000 trẻ khuyết tật được ông giúp đỡ. Ông coi việc làm này là trách nhiệm của mình đối với xã hội. Đồng thời nhằm bù đắp lại những gì mà thời ấu thơ ông đã trải qua. Ông Định kể: "Sinh ra và lớn lên ở xã Thanh Lãng, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc. Năm 13 tuổi bố mất, mẹ tôi suốt ngày ốm đau, sức cùng lực kiệt đành nuốt nước mắt bán tôi cho một người ở Phúc Thọ, Hà Tây (cũ). Chính vì tuổi thơ như vậy nên tôi mới chọn công việc này với mong muốn mang lại hạnh phúc cho trẻ khuyết tật. Đây cũng là niềm vui, hạnh phúc cho mình".

Với ông Định thì trong xã hội này công việc nào cũng có khó khăn thuận lợi. Ngay cả việc làm từ thiện cũng vậy. Ông Định chia sẻ về ngày đầu tiên ông bước chân vào con đường làm từ thiện: "Hồi đó, làng tôi có rất nhiều trẻ em khuyết tật, nhiều cháu không được ăn học tử tế, không việc làm. Trong số những cháu đó có rất nhiều người thiểu năng trí tuệ nhưng chân, tay khỏe mạnh. Cũng có cháu mắc những căn bệnh do di họa của chiến tranh để lại. Tôi tự nhận thấy mình phải có trách nhiệm với họ, nhưng ý nghĩ đó không thành vì lúc đó tôi không có tiền, lại không biết kiếm nghề gì cho các cháu làm".

Rồi ông lại nghĩ: "Nếu là đan lát hay khâu vá như nghề vốn có ở quê thì người bình thường làm còn khó huống chi người khuyết tật". Vậy là ý nghĩ đó không thể thực hiện được.

Trong lúc ông Định nản chí nhất vì "kế hoạch" công việc mấy năm qua khiến ông đau đầu phải bỏ thì tin vui đã đến. Ngày đó, ông nghe tin có một tổ chức phi chính phủ của Mỹ đầu tư cho việc phát triển làng khảm trai Ngọ Hạ ở (Chuyên Mỹ - Phú Xuyên - Hà Nội) mà chủ yếu tìm những mảnh đời bất hạnh về đào tạo nghề, xin việc cho họ. Cũng nhờ tổ chức phi chính phủ đó Hợp tác xã khảm trai Ngọ Hạ ra đời, ông mừng lắm. Ông thầm nghĩ mong ước bấy lâu nay của mình sắp thành hiện thực rồi.

Chớp thời cơ, đây cũng là công việc nửa đời ông ấp ủ. Ông Định vui vẻ kể rằng, vào năm, tổ chức phi chính phủ Marynoll của Hoa Kỳ tài trợ cho Hợp tác xã sơn khảm Ngọ Hạ ở Chuyên Mỹ, Phú Xuyên, Hà Tây (cũ). Với mục đích mở lớp đào tạo nghề miễn phí cho trẻ em khuyết tật. Lúc đó Hợp tác xã được thành lập và người của họ chia nhau đi khắp nơi tuyên truyền về lớp học miễn phí đặc biệt đó.

Chiếc xe đạp chở niềm tin đến với những đứa trẻ khuyết tật đã gắn bó với ông 10 năm qua.

Biết tin ông liền đến gặp nhà tài trợ và nói lên nguyện vọng của mình, đầu tiên họ không đồng ý vì ông tuổi đã cao, sức yếu, công việc này cần sự di chuyển rất nhiều. Như muốn chứng tỏ tài năng của mình với đại diện bên nhà tài trợ ông đã lấy ngay trong túi ra tờ giấy và chiếc bút, ông viết luôn kế hoạch mà mình đã ấp ủ bao năm qua. Đọc bản mô tả công việc của ông Định, đại diện nhà tài trợ trầm trồ khen ngợi và quyết định nhận ông làm "tình nguyện viên", người chuyên đi tìm gặp, động viên những đứa trẻ khuyết tật đến tham gia lớp đào tạo nghề miễn phí này.

Vậy là mong ước bấy lâu nay của ông đã trở thành hiện thực. Ban đầu ông tìm đến với những người khuyết tật ngay tại thôn mình, rồi sang các xã lân cận, cứ thế cho đến khi những trẻ em khuyết tật ở tất cả các xã trong huyện Phú Xuyên được ông Định đưa đến Hợp tác xã đào tạo nghề. Chỉ mất vài năm, tiếng tăm "ông tiên, ông bụt" của trẻ khuyết tật mang tên Hà Xuân Định vang xa khắp huyện, dần dần rất nhiều người dân tỉnh Hà Tây (cũ) cũng như Hà Nội đều biết đến ông.

10 năm đạp xe làm từ thiện

"Người bạn" luôn đồng hành cùng ông ngày đó và cho đến bây giờ đã 10 năm qua vẫn một mực "trung thành" với ông là … chiếc xe đạp. Chiếc xe đạp ấy được ông Định ví như một người bạn chí cốt, nó đã đưa ông đi đến bất cứ nơi nào cần đến. Và ngược lại ông cũng không thể đi xa như vậy nếu thiếu "đôi chân sắt" của mình. Giữa ông Định và chiếc xe đạp "yêu quý" nhau đến nỗi ngay cả khi Hợp tác xã sơn khảm trai Ngọ Hạ đề xuất ông tuổi cao sức yếu rồi nên đi xe đạp điện cho đỡ mệt, thì ông Định cũng không đoái hoài đến.

Nghe ông Định kể về quá trình đến với công việc từ thiện cũng như "mối tình" của mình với chiếc xe đạp cổ, lúc này bà Nguyễn Thị Bòng (vợ ông Định) như ghen tị với chiếc xe, bà Bòng đưa mắt nguýt chồng lấy giọng: "Ghớm, lúc nào cũng xe với đạp, các cháu nhìn xem trên trán ông ba mũi khâu còn chưa hết sẹo". Chẳng là cách nay hơn một tháng ông Định nghe tin ở huyện Thường Tín có gia đình nghèo, con lại tật nguyền rất cần sự giúp đỡ. Hay tin, ông tức tốc lên đường, vừa đạp xe ra đến quốc lộ 1A cũ thì bị một thanh niên đi xe máy va quệt vào khiến ông bất tỉnh, phải mất nửa tháng chữa trị tại bệnh viện mới khỏi.

Thấy vợ mình nói vậy, ông Định cười hề hề chỉ tay về phía chiếc xe đạp dựng ngoài hiên nhà tếu táo: "Nói thế chứ, hôm tôi bị va quệt bất tỉnh, vậy mà chiếc xe đạp không hề hấn gì, chỉ cần ra viện rồi nghỉ ngơi vài ngày tôi lại tiếp tục tìm đến nhà có người không may mắn đó và động viên họ cho con cái mình đến tham gia lớp học miễn phí".

"Chiếc xe đạp ấy 10 năm qua chở biết bao người khuyết tật đến với Hợp tác xã, và cũng chính chiếc xe này đã chở các học viên sau khi hết khóa đào tạo đến một số cơ sở, doanh nghiệp làm việc". Nghe ông Định kể mà chúng tôi hình dung ra một hình ảnh quá quen thuộc với những con đường làng Phú Xuyên, hình ảnh một cụ già dùng xe đạp chở niềm tin đến với những đứa trẻ khuyết tật rồi lại chở niềm tin của các cháu đến với Hợp tác xã sơn khảm trai Ngọ Hạ. Và từ đây hàng ngàn người đã có công ăn việc làm ổn định, có người còn mở hẳn một cơ sở rồi thuê nhân công làm, có người vào trong Nam làm, họ vẫn thường xuyên liên lạc với ông.

Ông còn nhớ như in lần đi lên Sơn Tây, Ba Vì "nhặt" những đứa trẻ khuyết tật về đào tạo nghề. Trên đường về, đến một ngã ba ở thị trấn Thanh Mai, huyện Thanh Oai (Hà Tây cũ), có một cháu gái tầm 20 tuổi đang ngồi bán nước, thấy ông Định ngồi nghỉ bên đường nên mời ông vào quán uống nước. Ông nói vội nghỉ lát rồi đi nhưng cháu gái đó nhất quyết mời ông vào uống cốc nước mát rồi đi tiếp. Thấy sự tận tâm của cháu ông ngồi vào quán thì mới biết cháu bị liệt. Cô gái đó nói với ông Định là: "Ông tự rót nước uống nhé, cháu không đi được, cháu trông quán cho bố mẹ ra đồng thôi".

Cũng chính cuộc gặp đặc biệt này, ông Định đã chia sẻ công việc của mình cho cháu gái nghe, rồi cháu một mực xin theo ông học và không cho ông về, cháu cứ nằng nặc là ông phải đợi bố mẹ cháu về rồi xin theo học nghề luôn. Và bây giờ cô bé đặc biệt đó đã thành thạo nghề và mở một cơ sở ở thị trấn Thanh Mai, hiện cơ sở lúc nào cũng có gần chục nhân công làm việc thường xuyên. Cháu gái liệt hai chân hồi đó tên là Phạm Thị Út giờ đã trở thành một bà chủ.

Theo ông Định thì không phải gia đình nào cũng tuyệt đối tin tưởng mình và giao con cái cho, thực ra nhiều gia đình đã bất ngờ khi thấy ông già đầu tóc bạc phơ, tự nhiên vào nhà "đòi" mang con mình đi họ cũng lo lắng vì không biết ông là ai, ở đâu. Nếu có nghe ông giới thiệu thì họ biết vậy. Thế là một "bài giảng" về công tác tư tưởng lại được ông Định "lôi" ra động viên họ. Đã có hàng chục trường hợp như vậy sau khi nghe ông giải thích đã tuyệt đối tin tưởng và giao con cho ông.

Bà Nguyễn Thị Vui, người đứng đầu Hợp tác xã sơn khảm trai Ngọ Hạ không giấu nổi niềm xúc động: "10 năm qua, "ông tiên, ông bụt" Hà Xuân Định đã giúp cho hơn 2.000 trẻ khuyết tật. Nhưng đâu đó trên đất nước này còn hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn người không may mắn hay những nạn nhân của chất độc da cam do chiến tranh để lại họ đang rất cần gặp được người như ông".

Chia tay ông Định, vừa ra khỏi ngõ nghe thấy tiếng gọi phía sau. Ông Định chạy tới và nói với chúng tôi: "Các cháu là phóng viên, nhà báo hay đi nhiều, nếu có gặp người khiếm khuyết thì gọi cho ông nhé. Ông mới 81 tuổi, ông đạp xe đi làm công việc này cho đến khi không còn sức nữa mới thôi!"

Văn Hoàng - số 53
.
.
.