Nữ nhà báo Lê Phương Dung & những chuyến đi vào vùng tâm bão

Thứ Ba, 28/06/2011, 04:17
Dấn thân vào vùng giông bão - những cơn giông bão của xã hội loài người mà mức độ hiểm nguy còn lớn hơn thiên nhiên, Phương Dung tồn tại được chính bởi vì chị luôn "vì người" chứ không "vì mình". Nhiều người biết chị rất thân với Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam nhưng khi xảy ra vụ in sách ca ngợi Tổng Giám đốc Lê Văn Sở, chúng tôi rất ngạc nhiên khi trong danh sách những người tham gia không hề có tên chị.

Gần đây, trên nhiều tờ báo viết và báo mạng có một cái tên rất "hot" được bạn đọc quan tâm. Đó là các bài viết về Lê Phương Dung - nữ nhà báo, BTV của Tạp chí Thương mại. Hơn 20 năm, hôm rồi tôi tình cờ gặp lại chị trong buổi gặp gỡ CTV dịp đầu năm Tân Mão do Báo CAND tổ chức, mặc dù trước đó thi thoảng anh em vẫn điện thoại thăm hỏi nhau. Vẫn là một Phương Dung trẻ mãi không già với mái tóc bồng bềnh và cái mũi cao tây được thừa hưởng từ người bố lai Pháp. Đặc biệt là đôi mắt sâu to mênh mang như biết nói, nhưng lúc này tôi thật sự nể chị.

Bây giờ nhà báo Phương Dung đã chín chắn lên rất nhiều, tài năng đang độ thăng hoa và một nhân cách đã hoàn thiện, một chữ Tâm đã được trời đất chứng giám sau bao vất vả, thăng trầm. Và tôi không thể không thú nhận là mình đã từng xấu hổ vì một cái nhìn lo ngại ngày xưa. Ngày ấy, nhân xảy ra chuyện nữ phóng viên Kim Ngân (Báo KHĐS), nhà báo Sông Lam ở Vụ Báo chí bảo tôi: "Anh chơi với Phương Dung nên nhắc nó cẩn thận, nhỡ ra thì chết!". Tôi thật thà nói lại thì Phương Dung đỏ mặt trả lời: "Tại sao chị ấy lại nghĩ em như thế? Em khác, họ khác. Rồi thời gian sẽ chứng minh cho mọi người rõ". Thấm thoắt 20 năm trôi qua, đúng là thời gian đã trả lời.

Chữ Tâm gắn với chữ tai một vần

Lần đầu tiên đi công tác với Phương Dung là lần đến trụ sở Công ty Bia Tiger. Thấy chị nói từng câu cho phiên dịch với người nước ngoài đại diện của hãng bằng tiếng Anh rất chuẩn, ngắn gọn, đủ nghĩa, tôi đã thấy nể. Từ đó, dễ có đến hàng trăm lần mấy anh em chúng tôi đi công tác với nhau. Đặc điểm nổi bật ở những lần đi đó là tất cả đều tới những điểm nóng, hoặc về chính trị, hoặc về kinh tế, xã hội. Ở đâu sự công tâm cũng đặt lên hàng đầu.

Hồi đó ở miền Nam nổi lên hai vụ án, nổi nhất là vụ Tăng Minh Phụng. Rất lạ là Phương Dung không hề đả động đến vụ này. Nhưng với Huy Hoàng thì chị vào cuộc. Mặc dù khi tiếp cận doanh nghiệp đang ngấp nghé của sự phá sản và chính vì bài viết "Xứng danh Huy Hoàng" của mình thì chị mới vào cuộc. Chị cũng đã từng bị doanh nghiệp này vu oan bằng văn bản gửi tới Cục Báo chí là "gọi điện để tống tiền" nhưng may phúc hôm đó chị gọi điện tới nơi này bằng máy cơ quan có ghi âm trước sự chứng kiến của Ban Biên tập. Được minh oan xong chị không thù oán.

Chắc chắn là chị giúp cho cấp trên có cái nhìn công bằng về ông Lê Văn Kiểm. Nhưng bẵng đi từ đó đến khi ông Kiểm trở thành Anh hùng nổi tiếng như cồn, tôi chẳng hề thấy Phương Dung mảy may đả động tới người mà chị từng giúp đỡ rất công minh và hiệu quả. Sau này khi đã có chỗ đứng và đủ sự tin cậy, nhờ vào mối quan hệ của mình, Phương Dung còn giúp được khá nhiều trường hợp mà theo đó, chị tìm được giải pháp cho những xung đột tưởng chừng không bao giờ dung hòa giữa công và tội, xứng đáng hay không xứng đáng... Nghe nói hiện có những người lên cấp cao, thậm chí có người "quyền cao chức trọng" nhưng vẫn rất nể chị thể hiện trong từng cuộc điện thoại, từng cuộc nhắn tin mà chị vẫn nhận được hàng ngày.

Dấn thân vào vùng giông bão - những cơn giông bão của xã hội loài người mà mức độ hiểm nguy còn lớn hơn thiên nhiên, Phương Dung tồn tại được chính bởi vì chị luôn "vì người" chứ không "vì mình". Nhiều người biết chị rất thân với Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam nhưng khi xảy ra vụ in sách ca ngợi Tổng Giám đốc Lê Văn Sở, chúng tôi rất ngạc nhiên khi trong danh sách những người tham gia không hề có tên chị.

Song "chơi dao sắc cũng có ngày đứt tay", chữ tài đôi khi liền với chữ tai một vần. Chị cũng đã từng bị oan trái và chính tôi cũng là một người trong cuộc trong cái gọi là "tai nạn nghề nghiệp".

Chuyện xảy ra cách đây hơn 10 năm, cũng vào dịp chuẩn bị Đại hội Đảng 9 và bầu cử Quốc hội XXI khóa mới như vừa qua. Dạo ấy tôi và Phương Dung đều được vào viết bài, đưa tin về Quốc hội. Một chiều cuối tuần, Phương Dung bảo tôi: Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp - Lê Minh Châu mời mấy anh em mình vào thăm Công ty Xăng dầu Đồng Tháp.

Thành phần trong đoàn hôm ấy chẳng có ai quan trọng, toàn những người vô danh tiểu tốt theo đúng nghĩa là tập hợp những người đi chơi cuối tuần. Chỉ có hai người liên quan một cách gián tiếp đến những người nổi tiếng là chị Kim Anh - vợ nhà báo Trần Mai Hạnh, một cô giáo - nhà thơ đã nghỉ hưu. Một người nữa là cô Điều, nghe nói có họ với nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, cô Điều ở NKT78 TP HCM. Phương Dung thấy quý thì mời đi cùng cho vui và động cơ của chuyến đi là vậy, chẳng có gì quan trọng cả.

Đến Công ty vào buổi tối. Giám đốc Mai Văn Huy rất phấn khởi. Ngay buổi gặp mặt đầu tiên, Huy tặng mỗi người trong đoàn một phong bì 200.000 đồng, một gói mắm ruốc và 0,5kg tôm nõn. Thấy cô Điều có vẻ khoái món mắm ruốc và tôm khô, tất cả trong đoàn đều biếu lại cô, tôi và Phương Dung còn tặng cô luôn cả phong bì. Kết thúc buổi họp, Huy gặp riêng tôi bảo: Em đã được chú Mười Biên (Tổng cục Phó TCCS ở phía Nam) hỏi thăm mấy lần nhưng có gì đâu, sau đó chú cháu lại thân hơn từ đó. Em còn được chú Tâm Long, Thứ trưởng Bộ Công an trao Huy chương về thành tích trong phong trào bảo vệ ANTQ. Sáng mai em đưa anh xem ảnh nhé!". Nghe thế tôi càng tin. Trước khi đi ngủ, Mai Văn Huy một lần nữa cảm ơn "đoàn sỹ phu Bắc Hà" và chúc chúng tôi ngủ ngon.

Nhưng "những sỹ phu Bắc Hà" như tôi - một nhà báo bình thường, như cô Điều trình độ tạp vụ nhà khách, như chị Kim Anh, cô giáo văn vừa nghỉ hưu đã không thể ngủ ngon. Vừa về đến phòng khách, tôi đột ngột nhận được điện thoại của anh Trần Tử Văn - Phó Tổng Biên tập: "Đ.mẹ, ông điên à mà tham gia cái đoàn đó, nếu ông còn muốn giữ cái đầu thì quay ra Hà Nội ngay!". Tôi hỏi vì sao thì Trần Tử Văn tiếp tục quát: "Không hỏi han gì hết. Tôi thương mấy ông, mấy bà cả tin, thương người, giúp người không đúng chỗ nên nói vậy. Cứ ra đi sau này khắc biết!". Tôi báo ngay cho Phương Dung và tất nhiên Phương Dung nghe lời tôi.

Mai Văn Huy ngẩn tò te chẳng hiểu vì sao mặc dù rất buồn, Huy vẫn đành phải bố trí chúng tôi quay lại ngay TP HCM với hành trang còn chưa kịp mở và thay đồ. Duy nhất có một người trong đoàn "Sỹ phu Bắc Hà" mà sau này báo đăng là đoàn VIP mang theo "tang vật" là cô Điều với 10 gói mắm ruốc mà người Bắc mình quen gọi là mắm tôm. Mấy hôm sau báo chí rùm beng đăng tin "đoàn sỹ phu Bắc Hà vào giải cứu cho Mai Văn Huy". Tội tham ô, hối lộ một quan chức cấp tỉnh được tả tỉ mỉ đến từng cm. Nữ phóng viên viết bài này (mà ai trong nghề cũng biết là dựa vào tài liệu của cơ quan điều tra) còn được trao giải thưởng xuất sắc về đề tài phóng sự điều tra(?!).

Sau đó, nghe nói Phương Dung có dịp gặp nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ông cười hỏi chị: "Thế các cậu vào đấy có thấy dân chúng phản ánh gì về mấy ông quan cấp tỉnh đi xe xịn hàng tỉ đồng không?". Phương Dung báo cáo đồng chí Tổng Bí thư rằng: "Chúng cháu vào chưa kịp mở mắt đã quay ra thì làm sao biết được chuyện gì ạ?". Tới lúc đọc báo Công an TP HCM, rồi vụ Huy được đưa ra xét xử, chúng tôi mới biết mình bị rơi vào một trận đồ đã được cơ quan thanh tra của Đảng và cơ quan điều tra đã âm thầm vào cuộc. Phương Dung bị lên bờ xuống ruộng. Cơ quan ANĐT mời vào tận TP HCM hỏi han.

Cả tai nạn nghề nghiệp này là một bài học nên đem giảng ở các trường báo chí cho các sinh viên trẻ theo nghiệp báo nên cảnh tỉnh. Và chắc chắn đây càng là bài học nhớ đời giúp cho chị trưởng thành vững vàng như hôm nay. Nghe nói Mai Văn Huy đã ra tù, quay trở lại làm chuyên doanh về xăng dầu tại Đồng Tháp và làm ăn rất phát đạt. Có lần Mai Văn Huy và Phương Dung vô tình gặp nhau ở sân bay và Giám đốc Huy chỉ kịp nói với trên cầu thang: "Chào sỹ phu Bắc Hà. Hôm nào vào em chơi chị nhé!".

Đa tài, đa tình và một cái nhìn "thiên nhãn"

Biết chị làm báo nhưng càng với thời gian tôi còn biết Phương Dung rất đa tài, đa tình, đa cảm và có một giác quan thứ sáu, một khả năng ngoại cảm khá kỳ lạ. Chuyện về gia cảnh thì báo chí nhiều lần đã nói: Phương Dung có một tuổi thơ thiếu thốn tình cảm, bố mất sớm khi chị mới 5 tuổi, lớn lên chị sống rất nhân hậu, tình nghĩa. Chị đã đóng góp cho Quỹ XHTT của Báo CAND gần một tỷ đồng trong một thời gian ngắn để giúp đỡ chiến sĩ Công an hy sinh, chị tổ chức cả một toa tàu hàng tài trợ cho đồng bào bão lũ tỉnh Phú Yên. Nhiều đêm giao thừa, chị gọi tôi vào Bệnh viện Phụ sản trao quà bánh cho những người mẹ không thể cùng con về quê ăn Tết.

Dạo ấy chị sống giản dị cùng hai con trai Ngọc Linh và Nhật Linh trong một căn hộ ở khu tập thể. Chị quen anh Tư Rốp - nguyên Thứ trưởng Bộ Công an từ hồi anh còn làm Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh. Sau cái chết của anh đã gần chục năm, cứ đến ngày 18/9 là chị lại lặng lẽ đến căn phòng của anh ở Nhà khách Bộ Công an - số 10 Nguyễn Quyền hoặc vào chùa Quán Thánh thắp hương tưởng nhớ anh.

Có nhà báo bị bệnh nặng, chị tặng anh cùng đoàn đi theo toàn bộ kinh phí từ Hà Nội vào Đà Nẵng chữa bệnh. Đoàn vào tới nơi, chị còn nhắc anh nhớ nằm phòng máy lạnh cho bảo đảm sức khỏe, thiếu tiền chị sẽ gửi tặng thêm. Cho đến tận bây giờ chị vẫn giữ lời hứa, nhân ngày nhà báo, ngày lễ... vẫn thăm hỏi, tặng quà, tặng tiền mua thuốc cho anh. Vào thập niên 90, chị đã tài trợ hàng trăm triệu cho một cuốn sách ảnh trọn đời của cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Đỗ Huân.

Sống độc thân, chị dành hết tình cảm cho hai người con trai. Con trai lớn của chị là cháu Ngọc Linh hiện công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam, thỉnh thoảng đọc báo tôi vẫn thấy tên cháu trong nhịp cầu từ thiện. Mới đây thấy trên Báo CAND có đăng tên cháu tặng nhân dân Nhật Bản 53 triệu đồng. Cháu Nhật Linh hiện đang học tại Cộng hoà Pháp.

Rất nhiều tài tử, doanh nhân thích chị nhưng chị không phải dễ tính trong tình yêu. Nếu chị đã quý mến ai thì do chị chủ động và người bạn trai đó chắc chắn được hưởng một cuộc sống hạnh phúc. Tối thiểu người đó cũng được tặng một chiếc ôtô bạc tỷ. Nhưng ai không thật thà và thớ lợ, điêu toa chị cũng dứt khoát chia tay. Tôi biết có người chị đã "đuổi" ra khỏi nhà mà vẫn "tặng" cho một lúc hai chiếc xe hơi đời mới: 1 chiếc Mercedes và 1 chiếc Camry. Cũng may anh này cũng thấy nhục và đã ăn đủ nên không dám ở lại Hà Nội mà dạt mãi lên Hà Giang tìm một cô gái Mường để sống nốt phần đời còn lại của mình.

Nói về cái tài vặt của Phương Dung thì nhiều người đã chứng kiến. Chị đã từng là người mẫu cho các họa sỹ vẽ chân dung với bức họa "E ấp tuổi 17" mà người họa sĩ vẽ chị từng là Chánh Văn phòng Bộ VHTT, Cục trưởng Cục Mỹ thuật Việt Nam. Bức họa đó đã được một doanh nhân người Nga mua về trong bộ sưu tập tranh của mình với một giá khá ấn tượng.

Chị hát tiếng Nga rất hay bài "Đôi bờ", "Triệu triệu bông hồng" khiến nhạc sĩ Phú Quang và mấy ông Tây tròn mắt ngạc nhiên. Những nhà báo, bạn bè với chị thường đứt lưỡi khen tài nấu món chân giò nấu giả cầy ai đã được ăn thì sẽ muốn ăn mãi. Gần đây chị có khá nhiều tác phẩm xuất sắc.

Tùy bút "Một ngày ở Paris" chân thực tới mức người đọc xong như thấy từng chiếc lá vương bên bờ sông Seine, tiếng đại phong cầm mỗi sớm vang lên trong nhà thờ Đức Bà Paris. Đọc bút ký về "Phượng Hồng Kông" không ai không động lòng xót xa cho đề tài muôn thuở về những người đàn bà hồng nhan bạc phận. Một trong những bài thơ Phương Dung làm tặng cho bạn bè, người thân mà tôi thấy tâm đắc: “Em tập nhìn anh như một người dưng/ Ôi sợi tóc cứ lén tìm nơi rụng/ Câu thơ lén thở phía không người...”. Tình cảm trong con người đa tài này là vậy, yêu là lặng lẽ, thủy chung và luôn luôn nhận về mình sự thua thiệt.

Đặc biệt tài dự đoán của chị thì không ai lý giải nổi. Tôi kể những chi tiết sau đây cho Thiếu tướng - Tiến sĩ Nguyễn Chu Phác - Chủ nhiệm bộ môn Cận tâm lý và nhờ ông giải thích. Hồi đi cứu trợ ở Phú Yên, mọi người thấy lạ khi thấy chị khăng khăng chuẩn bị 11 phong bì chứ không phải 10 phong bì cho 10 người bị chết theo thông tin từ địa phương. Vào đến nơi mọi người đều giật mình sửng sốt thì đúng có 11 người bị chết.

Trước khi xảy ra vụ cô Lượm lừa Đài Truyền hình VTV1, chị đến Tòa soạn báo CSTC chơi và là người gửi nhiều tin nhắn nhất giúp đồng bào miền Trung bị bão lũ. Lạ kỳ là tin nhắn bị đơ phải dừng ở con số 553. Một cán bộ của báo chìa hồ sơ về cô Lượm và bảo chị "Trường hợp ni đáng thương lắm, chị xem có giúp được không?". Liếc qua ảnh mẹ con cô Lượm chị trả lời thẳng thắn: "Chị không thể giúp trường hợp này!". Khi vụ cô Lượm "lừa" xảy ra thì những người có mặt hôm đó là nhà văn Nguyễn Quang Thiều mới giật mình nhớ lại. Chị lên đền Hùng thắp hương nhiều lần, kỳ lạ là bát lần nào hương cũng hoá. Thiếu tướng Chu Phác chưa gặp chị lần nào nhưng đoán chắc: "Cô này chưa hẳn là nhà ngoại cảm nhưng có khả năng được tâm lý học gọi là "Thiên nhãn", có linh cảm đạo đức tốt nên phân biệt được người tốt người xấu!".

Phương Dung đặc biệt có một mùi xạ hương rất riêng mà mấy cô nữ nhà báo cứ nghĩ là đi Tây nhiều thì mua được nước hoa xịn, nhưng cô giúp việc Thanh Lê thì khẳng định trong hành trang mà Lê sắp cho Dung những chuyến đi thì không bao giờ có nước hoa hay kem phấn, có chăng chỉ là một ngọn nến, một lọ mật ong nhỏ và một nhúm muối tinh và đặc biệt là 3 bông hồng đem từ ban thờ nhà Dung đi. Lần Dung vào Tam Kỳ, ông thầy "nổi tiếng" ĐVT khi về lúc đó là 2h sáng từ ôtô đi xuống tiến thẳng vào trước mặt Dung. Mọi người ồ lên hỏi sao ông biết giữa hàng trăm người thì ông bảo ngay "Thấy hào quang tỏa ra từ Phương Dung"..

Tôi lại nhớ đến chuyện Phương Dung dự báo nhân chuyện nhà báo HV viết về đám cưới ca sĩ HNH. Viết xong anh cẩn thận gọi điện cho bà Loan, mẹ chồng tương lai của HNH vì anh nghe tin HNH sắp cưới Cường "đôla" vì sợ ảnh hưởng đến hạnh phúc của đôi bạn trẻ, bà Loan nhắn tin cho nhà báo HV: "Cứ viết đi cho em. Con ấy không thể bước qua cửa về làm dâu nhà em. Em sẽ có dịp cảm ơn anh sau". Nhà báo HV trả lời ngay: "Tôi là nhà báo, chỉ viết sự thật, tôi chẳng cần ơn huệ gì hết. Tôi có nhà trị giá 30 tỷ, đâu cần gì nữa, chị yên tâm đi!".

Sau khi bài báo in ra, Phương Dung biết chuyện hỏi: "Gia đình nhà trai phản ứng ra sao về việc này?". Nhà báo sực nhớ ra trả lời: “Có gì đâu, mà anh cũng chẳng quan tâm”, tiện thể đọc tin nhắn của bà Loan gửi tới cho Phương Dung nghe. Nghe xong Phương Dung nói ngay với nhà báo HV rằng "Người như vậy không nhớ ơn ai đâu. Đấy rồi anh xem". Bây giờ nhà báo HV mới tin những điều Phương Dung tiên nghiệm về bà Loan nói riêng và "phẩm chất" doanh nhân nói chung đúng như nhà văn Lê Lựu nhận xét: "Họ giàu không bởi cách họ làm ra tiền mà là ở cách chi tiêu tiền!".

Tôi lại nhớ có lần chị mời một nữ doanh nhân làm nghề xuất khẩu chè ăn cơm ở Khách sạn Melia. Nữ doanh nhân này khoe có tới 2 chiếc ôtô Mercedes, 2 chiếc Toyota nhưng tới khi Phương Dung trả tiền thừa 4 tờ 100USD, chị tặng mỗi người một tờ. Nữ doanh nhân giầu có cũng vui vẻ không chối từ và cẩn thận nhét 100 USD vào cái ví da cá sấu 1.000 USD mà chị khoe vừa mua trong chuyến đi nước ngoài với Phương Dung ở Ấn Độ.

Có một giai thoại kể rằng khả năng phân biệt người tốt kẻ xấu còn được chị huấn luyện cho 6 chú cún nhà chị. Đây là 6 chú béc giê được một anh bạn là Đại tá An ninh điều từ trường Cảnh khuyển về để canh giữ nhà cho chị. Nghe nói 6 chú khôn tới mức nếu là kẻ xấu, người gian bấm chuông thì các chú béc giê xồ ra sủa ầm ĩ. Còn người tốt, dù quen hay chưa quen, các chú cũng vui vẻ chạy ra vẫy đuôi mừng tíu tít.

Thiếu tướng Chu Phác khuyên tôi nên đưa Phương Dung đến các nhà nhân tướng học xem có gì khác biệt không? Tôi đưa Phương Dung đến gặp nhà ngoại cảm Phan Bích Hằng. Sau này Phan Bích Hằng bảo tôi: "Anh có một chị bạn nhà báo rất thú vị và lạ lùng, em không thể xem được. Chị ấy tặng cho em một cái nhẫn kim cương 6,53 ly và cứ bắt phải lấy!". Không nản chí, tôi lại đưa đến một ông thầy nổi tiếng chuyên xem cho Việt kiều ở quận Cầu Giấy. Ông cẩn thận xem khoảng một tiếng rồi cũng đi ra. Ông toát mồ hôi, vừa lau kính vừa bảo tôi: "Cô này lạ lắm không xem được, không xem được! Chỉ biết rằng cô ấy được Trời Phật phù hộ và sống rất có tâm đức".

Phương Dung là người không tháng nào không mời bè bạn đi lễ chùa, đi ăn chay. Nhiều tăng ni, phật tử ở Hà Nội biết tên chị. Vào dịp Đức Pháp Vương Gyal Wang Drupa đời thứ 12 tới thăm Việt Nam, Phương Dung cùng rất nhiều phật tử xếp hàng chờ chiêm bái Pháp Vương tại một ngôi chùa thiêng là chùa Hà Tiên để bái kiến Ngài ở Vĩnh Phúc. Không hiểu sao trong hàng ngàn người không quen biết, Đức Pháp Vương chỉ đúng chị cho mời vào.

Hồi đi công tác Trung Quốc với Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, chụp ảnh tại Đại lễ đường Bắc Kinh, riêng chị có một quầng sáng lạ bao quanh cùng rất nhiều chấm sáng. Nhà ngoại cảm Nguyễn Phúc Giác Hải sau quá trình tìm mộ liệt sĩ đã có một đề tài khoa học về các chấm sáng mà ông gọi là siêu vong thường có ở một số người đặc biệt này.

Và thú thực người viết bài này phục tài về trí nhớ siêu việt của nhà báo Lê Phương Dung, chị có thể nhớ tới hàng trăm số điện thoại trong đầu, mà thơ văn của ai nếu thích chị chỉ đọc đến lần thứ hai là thuộc lòng không sai một dấu chấm, phẩy. Trong 20 năm trong tốp anh em báo chí hay đi công tác cùng nhau (như Minh Tuấn "Đại Đoàn Kết", Tuyết Nhung "Báo Thanh Niên")... tôi có thể khẳng định rằng được gặp nhà báo Lê Phương Dung, đi cùng chị là một cơ may, nhưng để đọng lại và được chị quý mến thì thật sự phải là những người có tâm và đối với chị hãy sống thật lòng, đừng nên giả dối. Và cho đến nay, thú thực bạn bè không biết gọi chị là nhà gì, nhà hảo tâm, nhà ngoại cảm hay nhà nghệ sĩ? Phương Dung bảo cứ gọi chị là nữ nhà báo vì đó là một nghề rất gian nan nhưng khi tu luyện tới mức có đủ tài, đủ đức, làm đúng bổn phận cao cả của chức danh này thì rất đáng tự hào

Gia Bào (số 48)
.
.
.