Những đơn vị đặc nhiệm "đặc biệt" của Mỹ tại Afghanistan
CIA và những đơn vị đặc nhiệm hỗn hợp
Những thông tin này được các tờ báo lớn như New York Times của Mỹ, Der Spiegel của Đức và The Guardian của Anh phân tích làm rõ thêm những vấn đề, sự kiện quan trọng liên quan đến chiến lược chiến tranh và vai trò của những đơn vị này trong suốt quá trình tham gia cuộc chiến Afghanistan.
Theo hồ sơ của trang web Wikileaks, đã có ít nhất 2.058 người Afghanistan được liệt vào một danh sách bí mật có tên gọi là Danh sách Các mục tiêu ưu tiên của Liên quân (JPEL) và trở thành những mục tiêu "bắt cóc, thủ tiêu" của quân đội Mỹ. Trong số họ hiện còn hơn 700 người bị giam giữ trong nhà tù bí mật bên trong căn cứ quân sự của Mỹ ở Bagram.
Ý tưởng hình thành các đơn vị hỗn hợp với sự tham gia hợp tác giữa các binh chủng trong quân đội với Cục Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã bắt đầu phôi thai từ thập niên 80 thế kỷ XX, sau thất bại thảm hại của Chiến dịch Móng vuốt đại bàng (Operation Eagle Claw) bao gồm đầy đủ các lực lượng hải, bộ và không quân tham gia giải cứu con tin trong Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, Iran, với sự trợ giúp của CIA. Vụ đó, 8 binh sĩ đã thiệt mạng do máy bay trực thăng đâm vào nhau trong lúc vội vã thi hành nhiệm vụ.
Ngay sau đó, Đô đốc James L Holloway III đã đề xuất thành lập Bộ Chỉ huy đặc nhiệm liên quân (JSF) nhằm bảo đảm sự phối hợp tác chiến giữa CIA với các quân binh chủng được chặt chẽ hơn, có bài bản hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, phải đến sau vụ khủng bố 11/9/2001 thì tiến trình hình thành JSF mới được tăng tốc. Khi đó, CIA đã biệt phái một toán sĩ quan bí mật đến Afghanistan để điều nghiên thực địa, chuẩn bị lên kế hoạch cho cuộc tấn công vào Afghanistan. Không lâu sau, một đơn vị Mũ nồi xanh của bộ binh cũng cử một nhóm lấy tên là Đặc nhiệm Dagger đến Afghanistan để thực thi nhiệm vụ tương tự. Hai toán biệt phái sau đó đã nhập lại thành một.
Cùng thời gian đó, một đơn vị tương tự như Đặc nhiệm 5 là Đặc nhiệm 20 cũng đã được thành lập ở Iraq. Sau đó, tướng John Abizaid - Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Trung tâm đã quyết định sáp nhập 2 đơn vị này lại thành Đặc nhiệm 121.
Trong cuốn sách mới xuất bản nhan đề "Chiến dịch tim đen", Trung tá Anthony Shaffer đã mô tả hoạt động "bắt cóc, thủ tiêu" của Đặc nhiệm 121 vào năm 2003 - khi đó ông là một thành viên điều hành các chiến dịch của DIA (Tình báo Quốc phòng) từ bên trong căn cứ quân sự Bagram.
Vào một đêm tháng 10/2003, Shaffer được một trực thăng MH-47 Chinook thả xuống một ngôi làng gần Asadabad ở tỉnh Kunar để dẫn dắt một toán lính hỗn hợp (gồm biệt kích bộ binh và Sư đoàn 10 Sơn cước) đi tìm bắt một phó tướng của trùm chiến tranh Gulbuddin Hekmatyar có quan hệ với Taliban. Cuộc truy lùng dựa theo thông tin do CIA cung cấp.
Tuy nhiên, nhiệm vụ không hề dễ dàng. Ban đầu, toán hỗn hợp của Shaffer có vẻ giành thắng lợi như "chẻ tre" với các cuộc tập kích vào các căn cứ của quân Taliban dọc biên giới Afghanistan - Pakistan. Thế nhưng sau đó, nhiều thay đổi từ các lãnh đạo cao cấp đã khiến cho chiến dịch mắc nhiều sai sót, quân đặc nhiệm của Shaffer chỉ còn biết ngồi nhìn Taliban "quậy tưng bừng" ở bên kia biên giới Pakistan.
Shaffer chua chát kể lại, 25 năm sau thất bại của Chiến dịch Móng vuốt đại bàng, sự phối hợp giữa CIA và các lực lượng đặc nhiệm khác nhau của quân đội Mỹ vẫn tiếp tục lủng củng, CIA và các lực lượng đặc nhiệm tiếp tục đấu đá nhau xoay quanh cách thức tiến hành các chiến dịch bí mật "bắt cóc, thủ tiêu" tại Afghanistan. Đó chính là lý do khiến đơn vị hỗn hợp giữa CIA và các lực lượng đặc nhiệm không thể hoàn thành nhiệm vụ.
Đặc nhiệm 373
Theo Wikileaks, Đặc nhiệm 373 được nhắc đến lần đầu tiên vào năm 2007. Người ta vẫn hay thắc mắc về tên gọi của nó, bởi không ai biết nó được hình thành từ đâu và do ai. Tuy nhiên, có một sự trùng hợp đáng chú ý là Bộ luật số 10 của Quốc hội Mỹ quy định những điều mà quân đội được phép hay không được phép làm.
Chương 373 của Bộ luật cho phép Bộ trưởng Quốc phòng trao quyền cho một "nhân viên dân sự" thực thi lệnh bắt hoặc bắt giữ không cần lệnh. Không rõ điều luật này có phải là cơ sở hình thành đơn vị đặc nhiệm hay không, nhưng rõ ràng quy định có vẻ rất phù hợp với những hoạt động thực tế của đơn vị này.
Đặc nhiệm 373 hoạt động chủ yếu tại 3 căn cứ quân sự ở thủ đô Kabul, tỉnh Kandahar và thành phố Khost, gần vùng bộ lạc Pakistan. Ngoài ra, một số hoạt động của Đặc nhiệm 373 cũng có thể xuất phát từ Trại Marmal - căn cứ của quân Đức trong thành phần NATO đóng tại thành phố Mazar-e-Sharif, miền Bắc Afghanistan, đồng thời được sự phối hợp hỗ trợ của đơn vị Đặc nhiệm 42.
Tài liệu Wikileaks còn cho biết, đơn vị được trang bị cả máy bay trực thăng chiến đấu AC-130 Spectre và máy bay phản lực vận tải. Chỉ huy ban đầu của Đặc nhiệm 373 được cho là Chuẩn tướng Raymond Palumbo, trực thuộc Bộ Chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt bên trong căn cứ quân sự Fort Bragg, bang Bắc Carolina. Tuy nhiên, không lâu sau khi tướng Stanley McChrystal rời khỏi chức Tổng chỉ huy chiến trường Afghanistan vào giữa tháng 7/2010, Chuẩn tướng Palumbo cũng tự động biến mất khỏi căn cứ Fort Bragg.
"Bắt cóc, thủ tiêu" theo công thức F4
Cũng từ thất bại của Chiến dịch Móng vuốt đại bàng, Bộ Chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt (SFC) của quân đội Mỹ bắt đầu áp dụng "bắt cóc, thủ tiêu" nhằm "tìm và diệt" những mục tiêu chủ chốt của bọn khủng bố. Người có công đầu thúc đẩy việc áp dụng chiến thuật này là tướng Bryan D Brown, Chỉ huy trưởng SFC từ tháng 9/2003. Tướng Brown đã đưa ra công thức F4 (find, fix, finish, follow-up - tức tìm kiếm, xử lý, kết liễu, hậu kiểm) để xử lý các mục tiêu khủng bố.
Dưới thời Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld, Brown bắt đầu thiết lập các toán "đặc nhiệm liên quân" để triển khai công thức F4 ra bên ngoài vùng chiến sự, nhắm đến mục tiêu triển khai đặc nhiệm trên phạm vi toàn cầu. Và ý tưởng của tướng Brown đã được Tổng thống Bush ủng hộ mạnh mẽ, cho thành lập một văn phòng điều hành đặc nhiệm đặt bên trong Lầu Năm Góc do Micheal Vickers, Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các chiến dịch đặc biệt, các xung đột nhẹ quản lý.
Vickers là một chuyên gia kỳ cựu trong các chiến dịch bí mật của CIA ở Afghanistan, từng là kiến trúc sư mạng lưới chuyển tiền ủng hộ thánh chiến ở Afghanistan trong chiến dịch chống Xôviết của CIA hồi thập niên 80 thế kỷ XX. Dưới sự quản lý của Vickers, chiến thuật "bắt cóc, thủ tiêu" đã được thể chế hóa và được chỉ đạo từ Lầu Năm Góc.
Sau khi ông Bush rời khỏi Nhà Trắng, công thức F4 đã biến thành F3EA (find, fix, finish, exploit, analyze - tìm kiếm, xử lý, kết liễu, khai thác và phân tích), và chiến thuật "bắt cóc, thủ tiêu" cũng từ đó được mở rộng thật sự cùng với sự tăng cường hoạt động chống khủng bố bí mật của CIA trên phạm vi toàn cầu.
Cơn ác mộng của người Afghanistan
Trong hồ sơ của trang web Wikileaks, hơn 100 báo cáo mô tả các chiến dịch cho thấy Đặc nhiệm 373 đã thực hiện vô số vụ truy lùng "bắt cóc, thủ tiêu" các thủ lĩnh Taliban và Al-Qaeda có tên trong danh sách JPEL. Khu vực hoạt động chủ yếu của Đặc nhiệm 373 là ở các tỉnh Khost, Paktika và Nangarhar, nằm dọc biên giới giáp với vùng bộ lạc tây bắc Pakistan.
Trong một số phi vụ, Đặc nhiệm 373 đã đánh trúng mục tiêu, bắt giữ hoặc tiêu diệt được đối tượng. Chẳng hạn, Đặc nhiệm 373 và các đơn vị phối hợp đã thành công trong Chiến dịch Spartan tháng 12/2007, bắt giữ được 2 lãnh đạo Al-Qaeda có tên trong danh sách JPEL là Bitonai và Nadr ở tỉnh Paktika. Không chỉ bắt được Bitonai và Nadr, chiến dịch còn bắt thêm 33 tay súng dưới quyền của 2 tên này đưa vào giam giữ trong nhà tù bên trong căn cứ Bagram.
Tuy nhiên, rất nhiều vụ đã xảy ra sự cố "đạn lạc" hoặc bắt lầm, giết lầm dẫn đến thương vong đáng tiếc cho dân thường Afghanistan, từ đó gây ác cảm nơi người dân bản địa đối với các đơn vị đặc nhiệm Mỹ, nhất là Đặc nhiệm 373.
Trong Chiến dịch Ballantine ở tỉnh Ghazni giữa tháng 11/2009, Đặc nhiệm 373 phối hợp với Đặc nhiệm Đại bàng trắng (Ba Lan) đã giết lầm 1 phụ nữ và 4 người đàn ông bị cho là quân phiến loạn. Ngay sau đó, hàng chục người dân địa phương đã kéo đến căn cứ đóng quân của đơn vị để phản đối vụ bắn giết vô cớ.
Năm 2007 là năm xảy ra nhiều sự cố đáng tiếc nhất đối với Đặc nhiệm 373. Tháng 4/2007, Đặc nhiệm 373 bị Tỉnh trưởng tỉnh Khost Arsala Jamal phản đối vì đã làm chết nhiều dân thường trong các chiến dịch từ cuối năm 2006.
Tháng 6/2007, Đặc nhiệm 373 bị Tỉnh trưởng tỉnh Nangarhar Gul Agha Sherzai than phiền và yêu cầu giải thích về cái chết của 7 cảnh sát địa phương trong chiến dịch săn lùng Qari Ur-Rahman, một chỉ huy Taliban có biệt danh Carbon. Chưa đầy một tuần sau, Đặc nhiệm 373 lại bắn lầm vào một ngôi trường ở làng Nangar Khel, tỉnh Paktika làm chết hơn 10 trẻ em đang học trong trường.
Ngày 4/10 năm đó, Đặc nhiệm 373 ném loạt bom xuống một ngôi nhà dân thường ở làng Laswanday, tỉnh Paktika, giết chết 4 người đàn ông, 1 phụ nữ và 1 bé gái. Sau đó đã ung dung trốn thoát