Nguyễn Hữu Thắng: Đừng gọi tôi là đại ca

Chủ Nhật, 04/09/2011, 15:46
Từ khoảng 7,8 năm về trước, tôi đã được ngồi nói chuyện với cha đẻ, mẹ vợ và hơn một người anh em ruột già của anh. Nhưng với riêng anh thì thú thật tôi luôn giữ một mối quan hệ có khoảng cách, tới mức gặp nhau ở sân bóng đá cũng chỉ gật đầu chào, hoặc cùng lắm là đưa cho nhau một cái bắt tay. Lý do: tôi cảm giác anh không ưa tôi - cái tên hay lý sự và cả hay sinh sự nữa; ngược lại, tôi cũng không có thiện cảm với anh - ông HLV dường như luôn đi theo "chủ nghĩa mạnh mẽ" tới mức cực đoan.

Nhưng sau chức vô địch V.League của Sông Lam Nghệ An (SLNA) hôm Chủ nhật tuần rồi thì tôi đã điện thoại cho anh với ý nghĩ "thôi thì hãy thử ngồi với con người này một lần xem sao". Ngồi với nhau, và trải lòng với nhau những điều gan ruột nhất, tôi chợt nhận ra một Hữu Thắng mạnh mẽ trên sân bóng hóa ra lại là một Hữu Thắng với nụ cười cùng cách nói chuyện duyên dáng đến lạ lùng. Và tôi đã tự trách mình chỉ vì một chút ác cảm cá nhân mà suýt chút nữa đã bỏ qua một nhân vật thú vị như anh.

Tôi không phải người… hét ra lửa

- Phan Đăng: Anh Thắng này, nhìn cảnh anh ôm mặt khóc rồi hét lên tới long trời lở đất sau khi đội nhà đoạt cúp vàng V.League, tôi hiểu chiếc cúp ấy giống như một chiến công vĩ đại của cuộc đời. Sau một chiến công vĩ đại, người ta thường ngồi với kẻ tri âm tri kỷ của mình để trút bầu tâm sự. Tôi tò mò muốn biết, người tri âm tri kỷ mà anh đã ngồi cùng là ai?

+ Hữu Thắng: Đúng rồi, đó là người em kết nghĩa của tôi. Trước trận SLNA

- HN.T&T hôm ấy, cậu em đã đặt vé khứ hồi từ Nga về Việt Nam, và cậu ấy bảo nếu Sông Lam thua thì sẽ bay về Nga ngay lập tức. May quá, Sông Lam không thua, nên cậu ấy đã đổi vé về, và bọn mình đã ngồi uống với nhau tới 11 giờ đêm.

- Có được một cậu em sống hết mình với mình đến vậy đủ chứng tỏ Hữu Thắng là một "Hữu Thắng đại ca", luôn cháy hết mình với anh em?

+ Không, đừng gọi là "đại ca". Gọi như thế, cứ có cảm giác mình đang đánh bóng mình. Mà tôi xưa nay thích kiểu sống chân thành, chứ không thích kiểu đánh bóng cá nhân. Chính vì sống chân thành, không màu mè nên tôi thừa nhận mình được một số anh em nể trọng. Như cậu em tôi vừa kể ấy, ngày tôi ở trại tạm giam, cậu ấy đã bay từ Nga về Việt Nam liên tục, làm cho mình tất cả những điều có thể làm.

- Không chỉ là một người đàn anh được nhiều đàn em nể trọng, Hữu Thắng còn là một HLV được các cầu thủ nể trọng, thậm chí sự nể trọng cao tới mức cứ nhìn thấy HLV Hữu Thắng là nhiều cầu thủ lại co rúm lại?

+ Rất nhiều người cũng nói với tôi như thế. Không hiểu sao người ta lại nghĩ tôi giống một tên "thét ra lửa" nhỉ? Tôi thừa nhận mình quản quân rất nghiêm, nhưng tôi cũng ăn cùng, ở cùng, vui - buồn cùng các cầu thủ, và vì thế cũng vẫn trêu đùa với họ trong những hoàn cảnh thích hợp đấy chứ. Làm một HLV mà cầu thủ vừa nhìn là đã sợ đến co rúm người lại thì cũng đâu có gì hay ho.

Hữu Thắng và con trai trong giây phút Sông Lam đăng quang.

- Nếu chỉ nhìn phong cách chỉ đạo trận đấu của anh, thực tình tôi sẽ vĩnh cửu suy nghĩ về một "HLV Hữu Thắng hét ra lửa", nhưng nói chuyện với anh rồi thì tôi tin những điều anh vừa nói. Giờ quay lại với người em mà anh đã ngồi sau buổi chiều SLNA vô địch nhé. Trong câu chuyện với người em thân thiết ấy, anh đã chia sẻ những điều gan ruột nào?

+ Tôi nói với cậu ấy rằng, chức vô địch của SLNA đã gột rửa cuộc đời tôi. Mọi người biết rồi, vì chức vô địch V.League của SLNA năm 2001 mà tôi đã rơi vào vòng lao lý, và đã trải qua những tháng ngày gần như là tuyệt vọng. Bây giờ khi có được chiếc cúp vô địch, lại có nó ở chính nơi mình đã từng gục ngã thì tôi hạnh phúc không sao tả nổi. Từ hôm ấy đến giờ, mỗi khi nhìn lại hình ảnh mình đang gào thét rồi ôm mặt khóc trên màn hình tivi, trong các chương trình thể thao, là tôi lại gai hết cả người. 

Tôi chịu ảnh hưởng to lớn bởi mẹ mình

- Ngay sau khi SLNA đoạt cúp, anh đã bảo: "Tôi tặng chiếc cúp này cho mẹ". Tại sao, thưa anh?

+ Năm tôi 14, 15 tuổi, nhà nghèo lắm, nhưng tôi là một VĐV nên ăn rất khỏe. Thế là mẹ toàn nhịn để tôi ăn. Lúc ấy, mẹ luôn bảo "mẹ no rồi, các con ăn đi", và tôi cũng tưởng là mẹ no thật, nhưng sau này nghĩ lại, tôi hiểu mẹ đã chịu đói, chịu khổ vì các con.

Bố mẹ tôi làm công nhân nhà máy in, để có tiền nuôi 5 anh chị em, bố mẹ hàng ngày lại nhận bóc lạc thuê. Tôi hồi ấy được giao nhiệm vụ phải bóc hết một thúng lạc mới được đi đá bóng. Nhưng nhiều lúc bóc không xuể, mà giờ đá bóng lại cận kề, thế là mẹ lại đổ nốt phần lạc còn lại trong thúng của tôi vào thúng của bà.

- Ngoài phẩm chất về sự hy sinh, còn đặc điểm nào ở mẹ ảnh hưởng đến tính cách, sự nghiệp cũng như toàn bộ cuộc đời anh sau này hay không?

Hữu Thắng khóc vì hạnh phúc với ngôi vô địch.

- Xưa nay mọi người vẫn bảo tôi là người mạnh mẽ. Sự mạnh mẽ ấy tôi nghĩ, cũng chịu ảnh hưởng từ mẹ. Bà là Việt kiều Thái Lan, mồ côi mẹ, và đã phải sống với dì ghẻ từ rất nhỏ. Sau này, khi bố của bà và dì ghẻ về nước, thì mẹ tôi cũng đã một mình sống rất vất vả. Khi về nước, mẹ gặp bố tôi, và cũng đã phải sống một cuộc sống nheo nhóc trong những năm bao cấp. Khổ là thế, nhưng mẹ không bao giờ đầu hàng, càng không bao giờ quỵ ngã. Mẹ luôn tự động viên mình bằng câu nói "đến rằm, trăng lại sáng". Và chính câu nói ấy cũng là thần chú của tôi trong những lúc khó khăn.

- Mẹ ảnh hưởng với anh là thế, vậy anh đã đền đáp được gì cho bà?

+ Mẹ tôi bị bệnh tim, có lần  vào viện thăm mẹ, tôi thấy mẹ ngồi xem tivi đen trắng ở phòng xem tập thể. Thế là tôi quyết phải mua cho mẹ cái tivi màu màn hình phẳng. Đấy là năm 1992, một chiếc tivi màu màn hình phẳng có giá 6,8 triệu - một con số khủng khiếp so với mức lương 2,3 triệu của những cầu thủ chúng tôi. Nhưng tôi đã quyết vay mượn, mua ngay bằng được một chiếc tivi về nhà. Biết có tivi, mẹ đòi rời viện về nhà gấp. Mà lạ lắm nhé, về nhà quả nhiên mẹ tôi khỏe hẳn ra.

- Nhưng anh Thắng này, tháng 5/2005 thì bà mất. Và đấy cũng là thời điểm nghiệp HLV của anh đang khủng hoảng. Hai chuyện này liệu có liên quan gì tới nhau?

+ Năm 2003 tôi làm HLV trưởng SLNA, và đã giúp SLNA đoạt JVC Cup. Thời điểm đó, ai cũng bảo tôi làm tốt. Nhưng vì những biến động ngoài chuyên môn, mà người ta giải tán BHL, khiến tôi phải xa công tác huấn luyện một thời gian. Mẹ tôi cho rằng tôi đã bị đối xử bất công, nên đã rất buồn.

Tôi muốn nói thêm rằng, năm 17 tuổi, khi thấy đồng lương bóng đá không đủ sống tôi đã định chuyển nghề, nhưng chính mẹ đã khuyên tôi phải theo nghề đến cùng. khi tôi làm HLV trưởng SLNA, bước đầu có được thành công thì mẹ mừng lắm. Có lẽ cũng vì mừng quá mà khi tôi không được làm nữa thì mẹ đã suy sụp. Và đó có thể là lý do khiến bệnh tình của bà phát tác, để rồi bà đã qua đời. Đấy là điều khiến tôi vô cùng đau khổ.

Tôi đã từng mất hết niềm tin vào con người

- Anh Thắng này, nếu có thể nói một cách ngắn gọn nhất về 13 tháng sống trong các trại tạm giam thì anh sẽ nói gì?

+ Đấy đích thực là một địa ngục trần gian. 13 tháng ấy, tôi đã có lúc suy sụp, mất hết niềm tin vào con người, vào cuộc đời. Bởi tôi đã nghĩ rằng mình không có tội. Việc tôi mang tiền đi thưởng cho Cảng Sài Gòn, đội bóng đã thắng Nam Định, qua đó giúp SLNA vô địch V.League 2001 nếu diễn ra ở nước ngoài sẽ là một việc rất bình thường, nhưng tiếc là ở Việt Nam lại không như thế. Mà lúc tôi vào trại thì mẹ tôi mới mất được chừng dăm tháng, con trai mới sinh của tôi chưa đầy 1 tuổi, nên tôi đã khủng hoảng nghiêm trọng.

- Khủng hoảng tới mức sau khi ra trại, anh đã từng tính đến chuyện bỏ quê đi nơi khác?

+ Chuyện đó có thật. Bạn thử nghĩ xem, dẫu mình luôn nghĩ là mình không có tội thì báo chí cũng đã bôi đen mình, nhiều người đã ác cảm với mình, gia đình, họ hàng của mình vì thế cũng bị ảnh hưởng lây. Cho nên tôi đã từng nghĩ đến việc bỏ quê ra nước ngoài sinh sống. Nhưng rồi tôi nhận ra rằng, bố tôi đã già rồi, tôi không thể đi xa được. Và những người bạn tri kỷ cũng đã đón nhận tôi, khuyên nhủ tôi, khiến tôi dần dần lấy được cân bằng.

- Ngay cả khi đã lấy được cân bằng, có di chứng nào của 13 tháng tù tội  vẫn còn ít nhiều ảnh hưởng tới anh?

+ Sống ở trong các trại tạm giam là sống trong bóng tối, nó khiến mắt tôi giảm thị lực trầm trọng. Ngày 14/2/2007, khi được trả lại tự do, bước chân ra cổng trại, được thả mình vào ánh sáng, tôi đã choáng váng dữ dội. Đến bây giờ, đi nắng mà không có kính râm, tôi vẫn thấy mắt mình choáng váng.

- Anh Thắng này, tôi biết chắc rằng anh là người tình trong mộng của rất nhiều phụ nữ thế hệ 7X, và cả 8X nữa. Ngay cả khi anh ở trong trại tạm giam thì vẫn có những người phụ nữ âm thầm thương nhớ, đợi chờ anh. Không biết anh đã làm gì để đưa mình thoát khỏi những tình huống "khó xử", chẳng hạn như khi người ta cứ gọi điện quấy rối mình?

+ (Cười…) Thì khi không có vợ, mình nghe máy, có vợ thì dập máy. Đùa thôi, sau tất cả những thăng trầm của cuộc đời, tôi hiểu vợ con, gia đình luôn là số 1. Chính vì vậy tôi đã và sẽ làm tất cả để vun vén hạnh phúc cho gia đình, vợ con mình.

- Tôi đã gặp chị Thủy vợ anh, và đã hỏi anh chị yêu nhau như thế nào, nhưng chị ấy nhất định không chịu nói. Song tôi tin là một người như Hữu Thắng sẽ không ngại trả lời bất cứ câu hỏi nào?

+ (Cười lớn…). Ngày xưa, một ông anh chơi với tôi đột nhiên bảo: "Tao sẽ giới thiệu cho mày một cô bé rất xinh, con giám đốc". Tôi bảo: "Cháu chú con giám đốc, cháu chả dám yêu", nhưng bảo thế thôi, chứ vẫn xin số điện thoại. Hồi ấy tôi ở ĐTQG, thứ bảy, các tuyển thủ về nhà hết, ở một mình buồn quá, tôi gọi điện thoại trêu. Sau đấy thì cô ấy mời đến nhà, và chúng tôi yêu nhau. 5 năm sau thì cưới nhau. Và 2 năm sau thì có con trai đầu lòng.

- Anh thích nhất điều gì ở vợ mình?

+ Cô ấy dịu dàng, hiền tính, và chăm lo cho chồng con rất tuyệt vời.

- Thế cô ấy được bao nhiêu phần trăm so với mẹ anh - người anh rất mực tôn thờ?

+ Xem nào, khoảng 80%!

- Nghĩa là còn thiếu 20% nữa?

+ Đừng nói tới chuyện thiếu - thừa, 80% cũng là hạnh phúc lắm rồi!

Nguyễn Hữu Thắng - Bật mí những… bí mật:

* Sở thích: Dọn dẹp, sắp xếp nhà cửa, nghe nhạc đỏ hoặc nhạc trữ tình. Khi hát karaoke, hay hát bài "Chân tình". 

*Thần tượng: Paolo Maldini (Italia), vì đấy là người đẹp trai, chung thủy với đội bóng và với… vợ.

*Đặt tên con trai là Triệu Phong với ý nghĩa một triệu cơn gió nhỏ sẽ tạo thành một cơn gió lớn.

*Tự nói về mình: Một Hữu Thắng đam mê với quả bóng, hết mình với bạn bè.

Phan Đăng – CSTC tuần số 73
.
.
.