Nguồn tiền tài trợ cho hoạt động khủng bố của Al-Qaeda từ đâu?

Thứ Hai, 23/05/2011, 16:22
Nếu không có hậu thuẫn về tài chính, tại sao mạng lưới Al-Qaeda vẫn tiếp tục hoạt động, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình từ Nam Á, tới Trung Đông, châu Phi và liên tục tổ chức các vụ tấn công khủng bố mới cũng như chiêu mộ và đào tạo tân binh?

Câu hỏi này đang là tâm điểm tranh cãi của dư luận quốc tế và là mục tiêu tìm hiểu của các cơ quan tình báo phương Tây, nhất là sau khi Mỹ hé lộ 5 cuộn băng thu được tại nơi trú ẩn của trùm khủng bố Osama Bin Laden. Khác với suy nghĩ của nhiều người, những năm cuối đời, thủ lĩnh mạng lưới khủng bố quốc tế Al-Qaeda đã buộc phải sống trong cảnh bần hàn, nghèo túng bởi thiếu tiền.

Vậy nếu không có hậu thuẫn về tài chính, tại sao mạng lưới Al-Qaeda vẫn tiếp tục hoạt động, mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình từ Nam Á, tới Trung Đông, châu Phi và liên tục tổ chức các vụ tấn công khủng bố mới cũng như chiêu mộ và đào tạo tân binh?

30 triệu USD cho hoạt động mỗi năm

Theo bình luận của tờ Times, để vận hành một tổ chức khủng bố không tốn quá nhiều tiền bởi chỉ cần vài trăm USD là người ta có thể mua một chiếc áo có cài bom. Chẳng hạn, như trong vụ tấn công khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ nhằm vào Trung tâm thương mại thế giới ngày 11-9-2001, số tiền mà lực lượng khủng bố Al-Qaeda đã sử dụng vào khoảng 200.000 USD (bao gồm cả khoản phí cho các khóa đào tạo phi công).

Những vụ tấn công khủng bố tiếp sau đó như vụ đánh bom hộp đêm ở đảo Bali (Indonesia) tiêu tốn có 50.000 USD và vụ nổ bom tàu điện ngầm ở thủ đô Madrid (Tây Ban Nha) hồi tháng 3/2004 làm 191 người thiệt mạng cũng chỉ lấy từ quỹ tài chính của Al-Qaeda có 10.000 USD…

Tuy nhiên, việc duy trì, mở rộng phạm vi hoạt động bằng cách chiêu mộ và đào tạo tân binh cũng như mua vũ khí… lại "ngốn" của Al-Qaeda một khoản phí không nhỏ. Người ta ước tính mỗi năm, mạng lưới này phải tiêu tốn khoảng 30 triệu USD để duy trì các hoạt động và khuếch trương "thanh thế". Và vì vấp phải hàng loạt các biện pháp cấm vận, can thiệp và thắt chặt quản lý tài chính từ Mỹ cùng các nước phương Tây khác nên Al-Qaeda đang dần bị khánh kiệt.

David Cohen, một quan chức nghiên cứu về tình hình tài chính của các tổ chức khủng bố cho hay, sự túng khó của Al-Qaeda là kết quả của nỗ lực dài lâu của Mỹ và đồng mình, cắt các nguồn tài chính bằng cách tấn công vào những nhà tài trợ lớn và can thiệp vào khả năng di chuyển tiền của chúng. Đặc biệt, từ năm 2009, Al-Qaeda đã thực sự gặp nhiều khó khăn đến nỗi trong một năm, các thủ lĩnh của nhóm này ít nhất 4 lần công khai kêu gọi hỗ trợ tiền cho việc tuyển mộ và đào tạo tân binh.

Chẳng thế mà Phó cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng John Brennan trong lần trả lời phỏng vấn báo giới sau khi trùm khủng bố Osama Bin Laden bị tiêu diệt đã nhận xét một cách đầy lạc quan rằng "Bin Laden đã chết. Al-Qaeda đang phá sản". Nhưng niềm vui với người Mỹ nói riêng và thế giới nói chung từ lời tuyên bố này chưa được bao lâu thì Al-Qaeda đã sớm xuất hiện với những đe dọa trả thù đẫm máu.

Và 5 nguồn tiền hỗ trợ

Nhiều người đã đặt câu hỏi, vậy Al-Qaeda lấy tiền đâu để thực hiện những âm mưu tấn công khủng bố mới của mình nhằm trả thù cho cái chết của Osama Bin Laden nếu như bản thân thủ lĩnh của nhóm này còn phải sống khắc khổ, thiếu thốn. Và khi tên này chết đi, Al-Qaeda đồng thời cũng đã mất đi một nguồn tài trợ vô cùng lớn bởi nhiều thông tin cho hay, Osama Bin Laden sở hữu số tài sản trị giá tới 300 triệu USD từ người cha là một doanh nhân giàu có.

Trên thực tế, Al-Qaeda không phải cần đến tiền của Osama Bin Laden. Từ năm 2004, báo cáo của Uỷ ban điều tra Quốc hội Mỹ về vụ tấn công khủng bố 11-9-2001 đã chỉ ra rằng, Al-Qaeda có cách thức riêng để gây quỹ và mở rộng hoạt động trên khắp thế giới. Một khám phá cũng khá thú vị nữa là Osama Bin Laden không hề giàu có như người ta tưởng.

Tất nhiên, không ai có thể dám nói là y nghèo bởi chỉ ít, y cũng là một trong số 52 người con của ông trùm bất động sản người Arab Saudi Mohammed Awad Bin Laden. Năm 1968, sau khi chết trong vụ tai nạn máy bay ở San Antonio, Mohmamed Awad Bin Laden đã để lại khoản tiền 60 triệu USD cho cậu con trai 11 tuổi với bà vợ người Syria.

Ngoài ra, từ năm 1970 đến năm 1994, Osama Bin Laden vẫn được nhận một khoản tiền viện trợ 1 triệu USD. Mãi đến khi chính phủ Arab Saudi thu hồi quyền công dân, y mới bị cắt khoản viện trợ này và bị cả gia đình xa lánh. Hai năm sau, những người sẽ hốt bạc ở Sudan qua việc thành lập công ty xuất nhập khẩu nông sản thì Osama Bin Laden một lần nữa lại bị trục xuất và ra đi với 2 bàn tay trắng. Khoảng 10 năm gần đây, tiền bạc đã trở thành một "vấn đề lớn" đối với trùm khủng bố.

Trong bối cảnh đó, Al-Qaeda tự "nuôi sống" mình bằng 5 nguồn tiền khác nhau. Đầu tiên phải kể đến khả năng vận động quyên góp tiền của mạng lưới này thông qua các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức từ thiện Hồi giáo. Ước tính, mỗi ngày, tổng số tiền mà các cá nhân và tập thể vô tình hay cố ý quyên tiền cho mạng lưới Al-Qaeda qua các thánh đường Hồi giáo và những hình thức quỹ khác lên tới 1 hoặc 2 triệu USD.

Một vài cá nhân ở Arab Saudi và các nước vùng Vịnh thân thiết với Mỹ hóa ra lại là những "Mạnh Thường Quân" đối với Al-Qaeda. Báo cáo của cảnh sát Pakistan hồi năm 2009 cho hay, mỗi năm, các quỹ từ thiện của Arab Saudi hỗ trợ tới 15 triệu USD cho các hoạt động "tử vì đạo". Còn cơ quan tình báo Afghanistan thì khẳng định, từ năm 2006 đến nay, ít nhất 1,5 tỷ USD đã được chuyển tới nước này để tài trợ cho Al-Qaeda và Taliban.

Bản thân chính phủ Arab Saudi cũng có lần phải thừa nhận rằng, họ gặp rắc rối trong vấn đề chính sách đối với các cuộc hành hương hàng năm đến Thánh địa Mecca vì những tín đồ hành hương đến đây quyên góp được hàng triệu USD để ủng hộ các chiến binh Hồi giáo. Đó là chưa kể đến hình thức quyên tiền mà Phó tướng của Osama Bin Laden là Al-Zawahari đã thực hiện từ năm 2009 là trực tiếp kêu gọi những người châu Âu có cảm tình với các "chiến binh thánh chiến" hoặc những người tham gia các trại huấn luyện khủng bố đóng khoản phí 1.200 USD/người.

Ngoài ra, các hoạt động buôn bán ma túy, giết người thuê, bắt cóc con tin và tấn công tàu hàng trên biển cũng đã trợ giúp Al-Qaeda những số tiền không  nhỏ. Ban đầu, Al-Qaeda chỉ nhận được từ các hoạt động buôn bán ma túy ở Afghanistan. Nhưng sau đó, nhóm này mở rộng hoạt động và đã bảo kê cho các nhóm buôn bán ma túy khác ở châu Phi và Mỹ Latinh. 10 năm trở lại đây, Al-Qaeda thậm chí còn tham gia hoạt động buôn bán ma túy từ Mỹ Latinh tới châu Âu và câu kết với nhiều băng nhóm buôn bán ma túy khét tiếng ở Mexico. Bắt cóc các công dân châu Âu cũng đem lại cho Al-Qaeda khoản tiền "kếch sù" hàng chục triệu USD mỗi năm.

Hồi tháng 3, Bộ trưởng An ninh Anh Baroness Neville-Jones cảnh báo rằng, các cuộc biểu tình bạo lực phản đối chính phủ gần đây tại Trung Đông và Bắc Phi có thể là cơ hội để Al-Qaeda lợi dụng cho mục đích đen tối của mình và chi nhánh mạng lưới Al-Qaeda tại Bắc Phi là Islamic Maghreb đang "tài trợ tiền cho các cuộc tấn công nhờ số tiền kiếm được ngày càng nhiều  từ các vụ bắt cóc người châu Âu", trong đó có người Italy, Tây Ban Nha, Áo và Thụy Sĩ. "Càng quan tâm" nhiều tới châu Phi, Al-Qaeda lại càng nhận thêm được nhiều sự ủng hộ từ các lượng khác nhau.

Cố vấn cấp cao của NATO Lord Jopling hé lộ thông tin rằng, những số tiền chuộc hàng trăm triệu USD mà cướp biển Somalia thu được hàng năm đều đã chuyển cho các nhóm Hồi giáo cực đoan trong đó có cả mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Ông Lord Jopling khẳng định, hoạt động trắng trợn của cướp biển ở Somalia đã khuyến khích các nhóm Hồi giáo cực đoan tham gia bởi đây là cách thức dễ có được nhiều tiền bằng con đường nhanh nhất.

Các con số thống kê cũng cho thấy, trong năm 2008, số vụ cướp biển xảy ra trên thế giới là 300 vụ và con số này đã tăng gấp đôi, gấp 3 vào những năm tiếp theo. Những bằng chứng về mối quan hệ giữa cướp biển ở Vịnh Aden với nhóm Hồi giáo cực đoan Al-Shabab (có quan hệ thân thiết với Al-Qaeda) do Bộ An ninh Anh cung cấp đã khiến Bộ Tài chính Mỹ phải ra lệnh điều tra hoạt động tài chính của nhóm này.

Cách thức kiếm nguồn tiền thứ 4 của Al-Qaeda lại chủ yếu là hoạt động buôn bán. Nhưng đây không phải là kiểu làm ăn thông thường mà Al-Qaeda chỉ tham gia hoạt động buôn bán kim cương ở những quốc gia châu Phi giàu có trữ lượng nhưng lại yếu kém về an ninh và sự quản lý của chính quyền lỏng lẻo.

Điển hình nhất là những hợp tác giữa Al-Qaeda với cựu Tổng thống Liberia Charles Taylor, kẻ đang đối diện với những phiên tòa xét xử tội danh, tội ác với loài người có liên quan đến "kim cương máu". Sau sự sụp đổ của chính quyền Liberia và ông Charles Taylor bị bắt giữ, Al-Qaeda quay sang hợp tác với các tổ chức buôn bán động vật quý hiếm.

Mỗi năm, những tổ chức này thu lãi ít nhất là 10 tỷ USD và một phần số tiền này đã được chuyển cho Al-Qaeda. Chính phủ Tanzania cũng khẳng định đã tìm được bằng chứng cho thấy hoạt động buôn bán động vật quý hiếm ở nước này trải dài tới châu Âu và châu Á dưới sự bảo trợ của Al-Qaeda và một số chi nhánh của mạng lưới này.

Mới đây, tổ chức kiểm soát tài chính toàn cầu có trụ sở tại Washington D.C (Mỹ) báo cáo rằng, ít nhất 2 nhóm Hồi giáo cực đoan là Harakat ul-Jihad-Islami-Bangladesh (HUJI-B) và Jamaat-ul Mujuhedin Bangladesh (JMB) đang chỉ huy các hoạt động buôn bán động vật quý hiếm ở châu Phi. Còn nhóm vũ trang Janjaweed và các chiến binh Somalia ở Đông Phi thì ủng hộ Al-Qaeda thông qua lợi nhuận có được từ hai nhóm Hồi giáo cực đoan nói trên.

Cuối cùng, theo như nhiều báo cáo được gửi lên chính phủ Mỹ, Al-Qaeda còn nhận được những nguồn tiền không nhỏ trích ra từ các quỹ tài trợ của Mỹ cho những hoạt động ở Afghanistan, Pakistan và Iraq.  Việc này chỉ bị phát hiện khi WikiLeaks hé lộ về hoạt động ủng hộ Al-Qaeda của một chính trị gia người Afghanistan tên là Mullan Haji Rohullah.

Chuyện là, ông Mullan Haji Rohullah từng cam kết sẽ thuyết phục các nông dân nhân 250 USD cho mỗi acre không trồng cây thuốc phiện. Sau khi nhận tiền tài trợ từ Anh (khoảng 5 triệu USD), ông vẫn tiếp tục cho phép trồng cây thuốc phiện và giúp thành viên Al-Qaeda tiêu thụ ra nước  ngoài…

Trung Nguyên – CSTC tuần số 58
.
.
.