Người “quản ca” trong trại giam Nam Hà
Không biết hát, nhưng anh lại là người khuấy động phong trào văn hoá, văn nghệ của phạm nhân trong trại; là người đã "tư vấn" cho cán bộ trại tìm thêm những nghề mới, giúp phạm nhân trong trại có thêm việc để làm và rèn luyện. Trong bộ quần áo sọc dọc của tù nhân, chẳng ai có thể tin anh từng là một vị giám đốc quyền cao trọng vọng ở tỉnh Hà Tây.
Từ tháng 10/1999 đến tháng 12/2000, lợi dụng chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng mà Nhà nước ban hành để hỗ trợ đối với những người trực tiếp sản xuất, khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hoá để tăng nguồn thu ngoại tệ, Tạ Phúc Cơ đã câu kết với một số đối tượng trong công ty và nhiều doanh nghiệp khác chiếm đoạt tiền hoàn thuế. Thủ đoạn của nhóm đối tượng này là mượn hàng hoá của các doanh nghiệp trong tỉnh rồi làm giả hồ sơ xuất khẩu nông hải sản, mở tờ khai hải quan rồi làm thủ tục xin hoàn thuế.
Chỉ hơn một năm, Tạ Phúc Cơ và đồng bọn đã chiếm đoạt được hơn 24 tỷ đồng của Nhà nước. Đây được coi là một trong những vụ án kinh tế lớn nhất năm 2000, với sự tham gia của nhiều công ty xuất nhập khẩu (XNK) ở một số tỉnh miền Bắc, tạo thành một đường dây có tổ chức, bòn rút ngân sách. Ngay khi vụ án được phanh phui, 43 đối tượng của đường dây này đã sa lưới pháp luật. Là một trong những đối tượng cầm đầu, Tạ Phúc Cơ phải chịu mức án 28 năm tù giam cho hai tội danh tham ô và đưa hối lộ hòng chạy tội.
Khi tôi gặp Tạ Phúc Cơ trong Trại giam Nam Hà, anh đã có 7 năm thụ án nhưng rất vui vẻ, bình thản với cuộc sống sau song sắt, gương mặt vẫn toát lên vẻ thông minh, hiểu biết của một người có học thức. Nhớ lại thời "hoàng kim", anh kể: "Khi còn là Giám đốc, kiêm Bí thư Đảng ủy Công ty XNK Hà Tây, tôi đã gặt hái được rất nhiều thành công. Nhiều năm liền, công ty tôi luôn là lá cờ đầu của tỉnh trong lĩnh vực XNK. Tôi liên tục được nhận các danh hiệu thi đua khen thưởng cấp tỉnh, cấp quốc gia. Con đường đi đến một vị giám đốc nhiều quyền uy tương đối suôn sẻ đã khiến tôi không biết điểm dừng cho những tham vọng của mình. Tôi ôm ấp tham vọng bành trướng công ty và thực hiện nó bằng mọi giá. Lúc điên cuồng với tiền tài, địa vị, danh vọng cũng là lúc tôi sa chân vào vòng lao lý. Tháng 9/1999, khi Nguyễn Khả Tuấn, Trưởng phòng kinh doanh 5 của công ty đề xuất việc làm hoá đơn giả để chiếm tiền hoàn thuế VAT, tôi đã gật đầu mà không hề nghĩ đến hậu quả. Những lần đặt bút kí lên hàng loạt những hoá đơn giả đó đã huỷ hoại toàn bộ tiền đồ, sự nghiệp của tôi".
Tất cả bạn bè và đồng nghiệp đều không thể phủ nhận tài năng và sự nhạy bén trong kinh doanh của Tạ Phúc Cơ. Nhưng sai lầm là điều không thể chối cãi. Không ít người tiếc vì Hà Tây đã mất đi một cán bộ thực sự có tài. Tuy vụ án bị phanh phui cuối năm 2000, nhưng cho đến tận ngày 24/12/2002, Tạ Phúc Cơ mới chính thức bị bắt vào Trại tạm giam Hoả Lò.
Anh nhớ lại: "Dù là người cuối cùng bị bắt giam, nhưng ngay từ lúc đầu tôi đã biết mình không thể tránh được sự trừng phạt của pháp luật. Hơn một năm trời trước khi bị bắt, tôi bình tĩnh lo thu xếp chuyển giao công việc cho đồng nghiệp tại công ty, hoàn thành nốt những công việc dang dở để công ty vẫn giữ được sự ổn định vốn có. Tôi củng cố tâm lý cho vợ, để cô ấy vững vàng, chân cứng đá mềm trong ngày tôi phải tra tay vào còng số 8. Khi đó, vẫn được cầm hộ chiếu trong tay, có thể bỏ trốn bất cứ lúc nào nếu muốn, nhưng tôi đã chọn cách ở lại để trả giá cho những sai lầm của mình. Lưới trời lồng lộng, dù có thoát khỏi khỏi cảnh tù tội, tôi vẫn tin rằng mình sẽ bị trừng phạt ở đâu đó, bằng cách này hay cách khác. Bữa ăn cuối cùng của tôi với những người bạn, người làm nhà báo, người làm chủ doanh nghiệp, tôi đã nói vui với họ rằng, tôi từ bỏ những bộ comple tù túng để chuyển sang bộ quần áo sọc dọc, từ bỏ những bữa tiệc thịnh soạn để trở về với cơm rau cơm cà. Tôi đã sẵn sàng đón nhận cuộc sống tù đày, dù biết nó sẽ rất dài. Trong suốt cuộc đời mình, chưa bao giờ tôi có được sự bình thản đến thế".
Trong 7 năm thi hành án tại trại giam Tân Lập, Tạ Phúc Cơ được những cán bộ quản giáo giao cho phụ trách đời sống tinh thần cho phạm nhân. Không có năng khiếu văn nghệ, không có chất nghệ sĩ, nhưng anh đã thực sự nỗ lực để phát triển phong trào văn nghệ của phạm nhân. Nhiều bạn bè của anh đang công tác trong lĩnh vực văn hoá văn nghệ của tỉnh Hà Tây đã vì quý mến anh mà cất công đến tận Trại giam Nam Hà để dạy hát, dạy múa cho tù nhân trong trại.
Trước mỗi buổi diễn văn nghệ, Tạ Phúc Cơ đều tìm mọi cách để có được những tiết mục đặc sắc. Anh cũng không nề hà việc nhờ bạn bè bên ngoài tìm kiếm giúp những đạo cụ, trang phục cho tiết mục thêm sinh động. Nhờ có anh, phong trào văn nghệ của phạm nhân phân trại 3 ngày càng sôi nổi và gây được ấn tượng mạnh. Khi nhìn anh đứng ra tổ chức cho phạm nhân diễn tập, người ta vẫn nhận ra cái "chất lãnh đạo" của cựu giám đốc tài giỏi một thời.
Là người có đầu óc nhạy bén, lại nhiều năm lăn lộn thương trường, Tạ Phúc Cơ đã sử dụng những mối quan hệ bạn bè cũ của mình để giúp các cán bộ quản giáo đưa những công việc mới về cho phạm nhân trong phân trại làm. Anh chia sẻ: "Học được một cái nghề ổn định sẽ giúp những người tù tránh mắc phải những sai lầm đáng tiếc khi ra ngoài xã hội. Thấy phạm nhân trong trại ngoài làm nông nghiệp ra chỉ có thêm nghề làm hàng mây tre đan, tôi đã vận dụng những mối quan hệ làm ăn cũ của mình, giúp các cán bộ quản giáo mang nghề làm chổi truyền thống ở quê tôi về trại để dạy cho tù nhân. Có công việc để làm, có cái để học, những người tù như chúng tôi sẽ yên tâm cải tạo hơn rất nhiều".
Tạ Phúc Cơ tâm sự mình rất thích đọc sách, đặc biệt là những sách viết về Khổng giáo và Hồ Chí Minh, nên năm 2005 khi Cục Quản lý Trại giam V26 phát động "Cuộc thi tìm hiểu về những ngày lễ lớn" cho tất cả phạm nhân trong cả nước, anh đã hăng hái tham gia bằng một bài viết rất xuất sắc về Hồ Chí Minh dài gần 40 trang. Bài dự thi đó đã được Cục V26 chấm giải đặc biệt duy nhất trong tất cả trại giam cả nước. Riêng cá nhân Tạ Phúc Cơ được khen ngợi và được thưởng 500.000 đồng, ký gửi vào căng tin trại.
Đây có lẽ là một kỉ niệm rất vui, nên kể lại chuyện này, anh vẫn rất hỉ hả: "Ở trại giam, mỗi khi được xếp loại cải tạo khá tốt, chúng tôi được thưởng 10.000 đồng. 500.000 đồng tiền thưởng của tôi tương đương với 50 lần xếp loại cải tạo tốt. Rất đáng để tự hào, đúng không cô? Thật kì lạ là món tiền này không lớn, nhưng tôi thấy rất có ý nghĩa, nó khác hơn rất nhiều so với những đồng tiền trước đây tôi kiếm được. Đây là phần thưởng cho khối óc và con tim".
Nhắc về vợ con, ánh mắt Tạ Phúc Cơ vừa tự hào vừa đau đớn. Đau đớn là vì những năm tháng tù đày còn rất dài, người vợ trẻ của anh vì thế cũng phải trả giá cả tuổi thanh xuân cho những lỗi lầm của anh. Nhưng anh cũng không khỏi tự hào, vì trong gian khó, hoạn nạn, chị vẫn một lòng trọn vẹn với anh: "Tôi luôn biết ơn ông bà ngoại, những người đã sinh ra cho tôi một người phụ nữ tuyệt vời. Tôi đi tù, một mình cô ấy nuôi hai con, lo lắng cho cả hai bên gia đình nội ngoại, mà tháng nào cũng gửi đồ tiếp tế hoặc lên thăm tôi khi thu xếp được công việc. Những ngày nhìn thấy vợ đứng ở nhà thăm của trại giam, là những ngày tôi thấy cuộc đời mình hạnh phúc nhất. Cô ấy như là một thứ ánh sáng giúp tôi không bị lạc khỏi con đường của mình. Trong sự đắng cay, tôi mới biết hạnh phúc quý giá đến nhường này".
Rất nhiều bạn bè của Tạ Phúc Cơ, là những người thành đạt trong xã hội, vẫn thường xuyên lên thăm và động viên anh. "Sau những vấp ngã, hoạn nạn, tôi biết mình thực sự có nhiều bạn tốt" - anh nói - "Họ thay tôi lo lắng cho việc học hành của các con, giúp đỡ vợ tôi những lúc khó khăn và động viên tôi cố gắng phấn đấu để chờ ngày làm lại cuộc đời".
Ở trong trại giam, ăn cơm, lao động, học tập theo chế độ của trại, sống giữa những người bạn tù với đủ hoàn cảnh, đủ tính cách khác nhau nhưng Tạ Phúc Cơ vẫn dễ dàng tìm được sự thanh thản cho bản thân. Tuy đã phá hỏng sự nghiệp gây dựng suốt cuộc đời và còn 20 năm tù giam đằng đẵng ở phía trước, nhưng anh vẫn tin vào ngày trở về: "Tôi tin vào sự khoan hồng của pháp luật, vào sự thành tâm cải tạo của bản thân. Ngày trở về có thể sẽ không xa đến thế nếu tôi thực sự nỗ lực cải tạo. Và khi ra khỏi đây, tôi nhất định sẽ bắt đầu làm lại mọi cái. Tham vọng của tôi chưa chết, nhưng tôi đã học được cách để nó không đi sai đường. Tôi sẽ tìm một con đường mới để làm ăn, kinh doanh, gây dựng lại từ đầu và mở một doanh nghiệp xuất khẩu nhỏ. Cuộc sống trong bốn bức tường trại giam dạy cho tôi sự điềm đạm và không làm hỏng của tôi sự minh mẫn, nhạy bén".
Với một cựu giám đốc đã từng lẫy lừng khắp tỉnh Hà Tây về tài năng và trí tuệ, tôi thực sự tin rằng Tạ Phúc Cơ vẫn có ngày ngẩng cao đầu với đời