“Người lớp trưởng nhỏ” trong trại giam Tân Lập
Lớp học nhân cách ấy được người đội trưởng đội phạm nhân có thành tích cải tạo tốt nhiều năm như Vũ Đình Chiến nhận xét là rất phức tạp và có nhiều ung nhọt ác cần phải nặn đi. Anh chính là người giúp các cán bộ quản giáo phát hiện ra những chiếc ung nhọt ấy ngay từ khi mầm mống gây bệnh mới nhú để hướng bản thân và nhiều anh em phạm nhân khác đến cái thiện.
Vũ Đình Chiến nhớ rõ từng ngày tháng mình bị bắt, ngày tháng vào trại giam và nói thành thạo cho tôi biết nội qui trong trại giam mà những phạm nhân như anh phải thực hiện. Anh cũng biết bản án 18 năm tù của anh được xử theo điều 2 khoản 2 của Bộ luật Hình sự vì tội tàng trữ, sử dụng, buôn bán trái phép chất ma túy là hoàn toàn xác đáng. Những lời của người phạm nhân được quản giáo tin tưởng giao cho nhiệm vụ thân cận các phạm nhân khác cứ rành rọt và thể hiện sự hiểu biết rất rõ hoàn cảnh của từng anh em khi kể cho tôi nghe về cuộc sống phức tạp trong tù.
Sự cứng rắn và sâu sắc trong đôi mắt và từng lời nói của người đàn ông trẻ tuổi ngồi trước mặt mình không khiến tôi ngạc nhiên bởi trước đây anh đã từng là 1 học sinh giỏi văn nhất nhì Trường THPT Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ và được nhà trường tặng tập thơ Trần Đăng Khoa cùng giấy khen khi anh đoạt giải học sinh giỏi văn của tỉnh.
Vũ Đình Chiến không có cơ hội dự thi đại học vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Ngay sau đó anh lập gia đình và chăm chỉ làm ăn buôn bán. Chính vì thế, cuộc sống gia đình Chiến khá đủ đầy và hạnh phúc với 2 đứa con gái xinh xắn đáng yêu như chính anh từng nói: "Trông lên thì không bằng ai nhưng nhìn xuống cũng thấy còn nhiều người không bằng mình".
Chiến được bạn bè làm ăn biết đến là người có tình có nghĩa nhưng vẫn kiên định bởi tính chất công việc làm ăn buôn bán qua biên giới khiến anh tiếp xúc với nhiều người bạn đã từng nghiện hút nhưng anh vẫn giữ được bản lĩnh của mình. Thế nhưng cổ nhân đã nói không sai "gần mực thì đen, gần đèn thì rạng", trong những ngày mưa phải nằm lại nhà trọ để chờ lấy hàng từ biên giới về, lòng sốt ruột lại buồn vì nhớ nhà, Chiến xiêu lòng muốn thử cảm giác phê phê của nàng tiên nâu theo lời rủ rê của bạn bè: "Dùng có 1 lần, chắc chắn không thể nghiện được" - suy nghĩ đó càng khiến nghiêng về "phần mực" hơn.
Thế rồi Chiến biết đến giấy bạc, biết đến bật lửa, khói heroin và nghiện thứ chết người đó từ lúc nào không hay. Khi đã khánh kiệt gia sản vì ma túy, Chiến bắt đầu kiếm tiền phi pháp bằng cách buôn bán heroin. Sa lưới pháp luật khi đang sử dụng và buôn bán ma túy ngay tại nhà riêng, Chiến lĩnh án 18 năm tù giam, bỏ lại hai đứa con thơ dại cùng người vợ ngoan hiền trong nỗi bàng hoàng đau đớn của gia đình.
Hoang mang và suy sụp trong những ngày đầu tiên bước chân vào trại giam nhưng vốn là người có nghị lực và lòng quyết tâm, ngay sau đó, được sự động viên của gia đình và sự giúp đỡ của các quản giáo ở Tân Lập, Chiến đã lấy lại được sự tỉnh táo và biết mình cần cải tạo tốt trong thời gian lĩnh án. "Đó là điều duy nhất mình phải làm lúc này để mãn hạn tù sớm, về với vợ và con" - Chiến tự nhủ với mình như thế.
Sự thành khẩn, bản tính chăm chỉ làm việc, lối sống chân thành, được lòng các phạm nhân trong tù của Chiến sớm được các quản giáo nhận ra và quan tâm, theo dõi. 5 năm sau đó, Chiến được các quản giáo tín nhiệm bầu làm đội trưởng 1 đội có 54 phạm nhân.
Công việc của người "lớp trưởng" không chỉ giống như bao học sinh đặc biệt khác trong lớp học này đó là học tập, lao động và giữ kỷ luật tốt mà Chiến còn theo dõi, tìm hiểu tâm tư và nguyện vọng của các anh em khác trong tù để các cán bộ trại giam có hướng giáo dục và cải tạo các phạm nhân khác một cách tốt nhất.
Đã nhiều năm cải tạo ở Tân Lập, Chiến biết rằng đội của mình cũng như tất cả các đội khác trong Trại giam Tân Lập đều có một đặc điểm chung là phạm nhân đều có mức án rất nặng, 1/3 là chung thân hoặc tử hình tha tội chết, số án 35 năm tù cũng chiếm số lượng lớn.
Có lẽ trong đội, Chiến là người lĩnh án với thời hạn ngắn nhất - 18 năm. Án nặng cũng đồng nghĩa với tâm trạng chán chường, không muốn cải tạo của các tù nhân. Mỗi phạm nhân vào tù, ngoài việc có đặc điểm chung là có hành vi phạm pháp và phải lĩnh án thì mỗi người đều có những hoàn cảnh gia đình riêng. Hiểu được một phần tâm trạng của các anh em trong tù, Chiến biết cách nói chuyện và ứng xử để các bạn mình cảm thấy được cảm thông và an ủi.
Riêng đối với những bạn tù có án tử hình tha tội chết, Chiến biết rằng, họ vốn rất đau đớn, suy sụp và có tâm lí "chẳng còn gì để mất" nên chỉ cần một lời nói, một thái độ không đúng mực của người xung quanh động chạm đến thì ngay lập tức những phạm nhân đó sẵn sàng dùng vũ lực một cách manh động. Đối với những đối tượng đó, anh phải tìm cách tiếp cận từ từ và nói chuyện với họ thật mềm mỏng. Thế nhưng cũng có những trường hợp khác, Chiến lại cứng rắn và khuyên giải họ bằng cách giải thích những qui định của trại giam để họ có thể chấp hành một cách tốt nhất.
Những lúc nghỉ giải lao, hay khi kết thúc một ngày làm việc mệt mỏi, Chiến thường đến bên cạnh những bạn tù có tâm trạng, sẵn sàng để họ sẻ chia, tâm sự. Có khi, Chiến cứ ngồi như thế bên họ, không cần nói gì, chỉ im lặng, nhưng cũng đã khiến những anh em đồng cảnh ngộ được an ủi phần nào.
Nhiều trường hợp phạm nhân đã từng hỗn láo sẵng giọng với quản giáo nhưng lại hé lộ với Chiến vì họ cảm thấy anh mới là người gần gũi và có thể đặt vào vị trí, hoàn cảnh của họ để hiểu họ hơn. Có lợi thế nắm bắt được tâm trạng và tìm hiểu được tính cách của các phạm nhân khác trong tù, Chiến như cánh tay phải của các quản giáo trong công tác hướng thiện và cải tạo phạm nhân.
Cuộc sống trong tù phức tạp và rắc rối hơn những lớp học bình thường ngoài xã hội. Đôi khi chỉ vì một lời nói, một hành động nhỏ làm phật ý nhau, những "học sinh" vốn lầm lỗi sẽ không biết tự kiềm chế bản thân và gây xô xát, đánh lộn lẫn nhau. Những lúc đó, Chiến lại là người đứng ra dàn hòa và phân xử để giữ trật tự trong đội.
Không phải ngẫu nhiên bạn tù đều nể anh mà thôi đánh đấm và các vụ mâu thuẫn, chia bè phái trong đội đều được anh giải quyết ổn thỏa. Anh nhận ra rằng, trên đời này, người ta chỉ nể và sợ những người sống tử tế và tốt với mình chứ không ai phục những kẻ dùng tội ác và vũ lực để uy hiếp người khác cả. Chiến sống đúng với cái tâm của mình, hết lòng vì họ. Đã từng sống với đàn anh đi trước lừng danh là tay "giang hồ bạt tử" sa lưới pháp luật, Chiến học được cách biết lắng nghe người khác để cư xử. Chiến được các anh em trong tù tin cậy có lẽ vì lẽ đó.
Chứng kiến biết bao nhiêu bạn tù đau đớn trong căn bệnh HIV giai đoạn cuối và qua đời trong chốn tù giam không người thân thích, Chiến xót xa và thấy lòng mình tê dại. Hơn bao giờ hết, anh hiểu họ cần được chăm sóc và quan tâm trong những lúc đau đớn ấy. Anh đã tự tay bón cháo, thuốc thang cho những người bị bệnh trong đội của mình.
Nhíu đôi hàng mi và những nếp nhăn trên trán hơi xô lại, đôi mắt anh đỏ lên như có nước, Chiến kể cho tôi nghe chuyện một lần anh thoát khỏi căn bệnh thế kỉ do may mắn khi chăm sóc người bạn tù Lưu Quang Cường có HIV ở giai đoạn cuối. Chiều một ngày mùa hè năm 2004, khi đang tưới rau thì Chiến sơ suất bị chiếc quai thùng bằng sắt đâm vào ngón tay trỏ. Máu chảy ra nhiều khiến anh phải ngừng lao động và dùng vải băng vết thương.
Buổi chiều, sau giờ cơm, khi Chiến đang ngồi ngoài hiên thì bỗng có một anh trong đội hớt hơ hớt hải chạy đến gọi Chiến rằng Cường đang nguy cấp và cần anh giúp đỡ. Chỉ nghe có thế, Chiến tức tốc chạy vào giường bạn. Tất cả những phạm nhân khác sợ không dám lại gần người có HIV mà chỉ đứng từ xa nhìn. Bọc mủ cạnh sườn Cường to như quả xoài đã đến ngày vỡ khiến bạn anh đau đớn vô cùng. Chiến nhớ rằng, lúc đó nhìn Cường gầy gò như một que củi nằm thoi thóp và thở không ra hơi vì quá đau buốt. Anh liền xốc tay bạn đặt lên vai mình, một tay anh đỡ cạnh sườn người bệnh để dìu bạn đến bệnh xá của trại giam. Mủ và máu chảy ra nhiều quá, lênh láng cả một góc phòng và rong suốt trên đường đi.
Khi Cường đã được các y tá tiếp nhận và chăm sóc, Chiến mới yên tâm quay về phòng. Và rồi anh giật mình khi xòe bàn tay bị chảy máu chiều nay đã thấm đẫm máu của Cường khi anh đỡ cạnh sườn bạn. Chiến tức tốc chạy đến bể nước rửa tay, rồi chạy vào bệnh xá xin cồn sát trùng để rửa lại lần nữa, anh gắng hết sức để tuốt và nặn máu ở chỗ tay bị đứt trong nước cồn. Dù có nặn được hết máu ở hết cánh tay của anh ra nữa, Chiến tự nhủ rằng mình đã bị nhiễm HIV từ Cường đến 90% rồi. Lúc đó, anh chỉ đau đớn, xót xa, tủi hổ khi nghĩ đến một điều rằng, sau này khi các con lớn lên, con sẽ phải xấu hổ với thiên hạ khi biết rằng bố chúng chết ở trong tù vì căn bệnh mà cả xã hội đều ghê tởm và tránh xa.
Những ngày sau đó, anh lại bị sốt liên miên và sụt cân. Không còn nghi ngờ gì nữa, anh đã bị nhiễm HIV. Hằng đêm anh khóc thầm khi nghĩ đến việc sẽ không bao giờ được quay trở về với vợ và các con. Bao nhiêu tội lỗi về tuổi thơ không trọn vẹn của các con anh sẽ không có cơ hội bù đắp lại được. Chiến tự miên man với ác mộng chết vì có HIV và xin lỗi các con hàng ngàn lần trong cuốn nhật kí.
Thế nhưng thật lạ lùng, 5 năm đã trôi qua, sau trận sốt cao ấy, cơ thể Chiến lại phát triển bình thường, thậm chí anh không bị ốm đau thêm lần nào nữa. Năm ngoái, anh nhận kết quả xét nghiệm máu của bệnh xá và biết mình hoàn toàn khỏe mạnh.
Anh tính rằng, nếu ngày đó anh có HIV thì bây giờ, anh đã không được ngồi đây nói chuyện với tôi nữa mà nằm trong bệnh xá để chuẩn bị về trời rồi. Chiến kể cho tôi nghe chuyện đó xong và thở phào như vừa mới biết mình không có HIV. Tôi thì nghĩ rằng, đó là cái phúc của Chiến, cái phúc ấy đến với những người nhân hậu luôn biết tha thứ và sống vì người khác.
Tôi biết rằng, những người cải tạo tốt như Chiến chắc chắn sẽ được đặc xá, nhưng bài báo này mong rằng vợ con anh sẽ đọc được để biết rằng người chồng và người cha của họ vẫn sống tốt từng ngày để bù đắp những lỗi lầm mà anh đã gây ra cho vợ cho con. Đôi mắt người cha ánh lên lòng yêu thương sâu sắc khi nói về hai con gái một học lớp 10 và một học lớp 7 hàng ngày vẫn viết thư cho anh và kể chuyện về ông bà, về mẹ, về bạn bè và thầy cô của chúng.
Những trang thơ của Chiến viết trong tù, trang nào cũng tràn ngập những vần yêu thương khi anh viết về vợ về con. "Anh sẽ về với cơm ngọt canh lành/ Cuộc đời lênh đênh nơi đêm trường nghiệt ngã/ Anh sẽ về trả ân tình anh nợ/ Để cái con chồng vợ khỏi lênh đênh"