Một nhân vật của điện ảnh Việt Nam 2010

Thứ Bảy, 29/01/2011, 14:43
Năm 2010 ghi nhận một lọat sự kiện Điện ảnh Việt Nam: Đại hội Điện ảnh Việt Nam lần thứ 7 với sự tự nguyện rút khỏi ghế Tổng thư ký Hội của ông Trần Luân Kim. Thành, bại của seri phim chào mừng Lễ hội 1000 năm Thăng Long. Sự sôi réo dư luận quanh bộ phim truyện nhựa "Cánh đồng bất tận". Gần cuối năm là một sự kiện khác: Đạo diễn Đặng Nhật Minh được Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ tôn vinh vì công lao cống hiến cho nền điện ảnh nước nhà.

Trong những lần trả lời phỏng vấn của báo giới, đạo diễn Đặng Nhật Minh thường nói ông là người làm phim không qua trường lớp chính quy, không được đào tạo bài bản… 

Ấy thế nhưng với mấy chục năm ông gắn bó với nghề, với từng ấy bộ phim truyện nhựa ông đã dàn dựng, có đủ cơ sở để khẳng định ông là một đạo diễn có học nhất trong ngành phim truyện ở nước ta.

Là con trai của Giáo sư, bác sỹ Đặng Văn Ngữ- một tên tuổi lớn của ngành Y học Việt Nam, ngay từ thuở niên thiếu Đặng Nhật Minh như đã được tắm trong môi trường giao lưu của những người trí thức hàng đầu ở nước ta. Tiếp đó ông được cử sang Liên Xô theo học tiếng Nga.

Khoảng đầu những năm 1960, đạo diễn A.Ibraghimov được cử sang Việt Nam hướng dẫn khóa đào tạo lớp đạo diễn đầu tiên cung cấp cho ngành phim truyện nước ta. Ông Đặng Nhật Minh được giao làm công việc phiên dịch cho ông thày Nga này.

Thuở đó, việc đào tạo ngành nghề chưa hề vướng vào chuyện mua điểm, mua bằng cấp, nhưng lại vướng vào một hệ lụy khác. Học viên được tuyển vào học ngành đạo diễn dứt khoát phải là những ai có lý lịch công nông, được trưởng thành trong lửa đạn, chứ không quan tâm nhiều đến vốn văn hóa sẵn có hoặc khiếu năng bẩm sinh.

Không tránh được hiện tượng này, ngồi nghe ông thày Tây thao thao bất tuyệt về một lĩnh vực còn hết sức mới mẻ, hết sức xa vời như điện ảnh, hẳn có vị học viên đạo diễn sẽ ù cạc, sức tiếp nhận hạn chế. Trong khi đó chàng phiên dịch mới ngòai tuổi đôi mươi Đặng Nhật Minh lại có đầy đủ nền tảng văn hóa và sự tinh nhậy để tiếp thu những bài học lý thuyết, những chỉ dẫn khi thực hành về nghề làm phim từ ông thày Nga. Như vậy việc có hay không một tấm bằng tốt nghiệp khóa đào tạo đạo diễn đầu tiên của Điện ảnh Việt Nam đối với đạo diễn Đặng Nhật Minh là không quan trọng. Điều đáng kể hơn là ông đã say nghề, ngấm nghề ngay từ thuở đó.

Bây giờ khi nói đến tiểu sử sáng tác của đạo diễn Đặng Nhật Minh, người ta thường nhắc tới bộ phim "Thị xã trong tầm tay" (1983) như bộ phim khởi đầu sự nghiệp điện ảnh phim truyện của ông. Thực ra trước đó ông đã làm bộ phim "Ngôi sao biển", theo truyện ngắn "Hoa cúc biển" của nhà văn Nguyễn Khắc Phục. Tuy nhiên, bộ phim này không gây được ấn tượng mạnh.

Tên tuổi và tài năng của đạo diễn Đặng Nhật Minh thực sự bùng phát, được dư luận trong và ngoài nghề chú ý tới bởi phim "Thị xã trong tầm tay" (1983) và ngay sau đó là phim "Bao giờ cho đến tháng Mười" (1984).

Nói tới những bộ phim truyện được đạo diễn Đặng Nhật Minh dàn dựng kể từ phim "Thị xã trong tầm tay" là nói tới một loạt điểm mạnh nổi trội mà các đạo diễn khác không phải ai cũng đạt tới.

Điều đầu tiên, đạo diễn Đặng Nhật Minh hết sức coi trọng yếu tố văn học của kịch bản. Bản thân ông đã từng có truyện ngắn đăng trên báo "Văn nghệ" Trung ương, lại kết giao thân tình với nhiều văn nghệ sỹ thế hệ đàn anh như Kim Lân, Bùi Hiển, Tô Hòai... cũng như thế hệ bằng vai phải lứa như Đỗ Chu, Nguyễn Khắc Phục, Nguyễn Huy Thiệp...

Hầu hết các bộ phim của ông đều do ông tự viết lấy kịch bản. Ông kỹ tính trong việc chọn lựa quay phim, họa sỹ thiết kế, đặc biệt kỹ càng, khe khắt khi chọn diễn viên. Trên trường quay, ông tự nghiêm khắc, đòi hỏi cao ở mình, sau đó nghiêm khắc và đòi hỏi cao đối với các cộng sự. Ông ghét nhất sự ẩu tả, thói xuê xoa, làm cho xong việc. Do tác phong làm việc và lòng yêu nghề như vậy, các bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh ít "sạn" nhất, mang rõ trình độ tay nghề nhất so với phim của các đạo diễn khác.

Theo dõi hành trình tư tưởng đạo diễn Đặng Nhật Minh gửi gắm trong các bộ phim của mình, nhiều khi chúng ta thấy hình như chúng mâu thuẫn với nhau. Hai bộ phim "Thị xã trong tầm tay" và "Bao giờ cho đến tháng Mười" có thể coi được triển khai theo những quan niệm chính thống. Bỗng nhiên ra đời "Cô gái trên sông" tức xuất hiện giọng điệu khá dũng cảm và xa lạ vào thời điểm ấy: tố cáo những vị "quan cách mạng" phản bội lại ân nhân đã cưu mang mình trong thời kỳ chiến tranh.

Với "Mùa ổi", ông ghét cay ghét đắng những tệ nạn của thời kỳ bao cấp. Ấy thế nhưng trước đó, trong "Trở về" hình như ông khá xa lạ và có phần ghê sợ với nền kinh tế thị trường. Có gì trục trặc, không nhất quán đây? Không! Phim của ông phản ánh chính con người nghệ sỹ của ông. Hạt nhân nhân văn, tấm lòng yêu thương đồng loại, đồng bào; lòng yêu nước, sự trăn trở với số phận đầy truân chuyên, nghiệt ngã của dân tộc mình ẩn chứa trong ông không cho phép ông bình thản, tỉnh táo; đã trở thành tấm gương trung thực phản chiếu những biến động dữ dằn, quay cuồng, rối rắm những năm tháng mà ông đang sống khiến nhiều khi chính người nghệ sỹ cũng bị tổn thương. Đây có thể là nguyên nhân khiến các bộ phim của đạo diễn Đặng Nhật Minh không sa vào căn bệnh minh họa chủ trương, đường lối; tìm được sức thanh xuân mà tác phẩm của nhiều đạo diễn khác không thể đạt tới.

Đây nhé: chỉ xét trên mặt bằng phim thôi, không ai có thể tách ông khỏi hàng ngũ những đạo diễn thuộc thế hệ thứ nhất của ngành phim truyện Việt Nam như Hải Ninh, Huy Thành, Trần Vũ…và cũng trên mặt bằng phim, ông nối mạch ngay với dòng phim đặt bước qua thời kỳ Đổi mới của các đạo diễn Vương Đức, Lưu Trọng Ninh, Hà Sơn, Vinh Sơn, Việt Linh, Nguyễn Thanh Vân... thậm chí nối mạch cả với phim của Bùi Thạc Chuyên sau này.

Và có lẽ cũng chính từ điều vừa nói, các tác phẩm của đạo diễn Đặng Nhật Minh chiếm vị trí xứng đáng nhất khi chúng ta muốn lựa chọn để giới thiệu gương mặt của nền Điện ảnh dân tộc nói chung, ngành phim truyện Việt Nam nói riêng trong nửa thế kỷ hình thành và phát triển vừa qua đối với bạn bè, đồng nghiệp trong khu vực và trên thế giới.

Từ bộ phim đầu tay đến bộ phim "Đừng đốt", tôi thích nhất và đánh giá cao nhất bộ phim "Thương nhớ đồng quê" của ông. Đây là tác phẩm điện ảnh đầy tính ngẫu hứng mà rất chỉn chu, rất hoàn chỉnh, kết hợp nhuần nhuyễn nhất trong số các bộ phim của ông giữa chất chính luận và chất trữ tình- vốn là giọng điệu chủ đạo trong các tác phẩm của ông.

Tiếp thu chất liệu từ mấy truyện vừa của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, ngay từ năm 1994, 1995 đạo diễn Đặng Nhật Minh đã cất lên tiếng nói thống thiết và không khoan nhượng báo động về tình trạng bỏ rơi nông thôn, bần cùng hóa người nông dân vốn là lực lượng xã hội đã đóng góp sức người, sức của lớn nhất trong hai cuộc chiến tranh vừa qua. Hồi chuông báo động này, hiện nay đã thành tai họa nhỡn tiền.

Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XI, diễn ra ở Hà Nội, tác phẩm xuất sắc này bị tuột khỏi Giải Vàng, chỉ nhận Giải dành cho đạo diễn xuất sắc nhất. Người viết những dòng này có vinh dự được ngồi trong Ban Giám khảo mảng phim truyện nhựa tại Liên hoan phim đó. Khi bỏ phiếu bình Giải Vàng cho "Thương nhớ đồng quê", theo một cây gậy chỉ đạo, hầu hết các thành viên Ban Giám khảo-là những Nghệ sỹ Nhân dân, Nghệ sỹ Ưu tú, đồng thời cũng là những bạn hữu, đồng nghiệp thân cận của đạo diễn Đặng Nhật Minh bỗng ngó lơ và rụt tay lại. Chỉ có hai thành viên là đạo diễn (hồi ấy còn trẻ) Vương Đức và nhà báo quèn là tôi, giơ cao tay yêu cầu trao ngay Giải Vàng cho "Thương nhớ đồng quê". Điều vừa kể, đạo diễn Đặng Nhật Minh biết rõ

Tô Hoàng
.
.
.