Lybia: Thủ lĩnh Abdel Hakim Belhadj có quan hệ mật thiết với mạng lưới khủng bố Al Qaeda?
Kẻ thánh chiến cực đoan
Theo tài liệu từ cơ quan tình báo Mỹ, chỉ huy lực lượng nổi dậy ở thành phố Tripoli, hiện tại là thị trưởng của thủ đô này là một người không hề xa lạ gì. CIA từng lần theo dấu vết của Belhadj và đã bắt được ông tại Malaysia năm 2003. Sau đó cơ quan này đã ngầm chuyển Belhadj tới một nhà tù tuyệt đối bí mật ở Bangkok. Lúc đó Abdel Hakim Belhadj được biết đến với cái tên Abu Abdallah al-Sadek, sinh ngày 1/5/1966, khét tiếng là một kẻ thánh chiến Hồi giáo. Belhadj bắt đầu là một phần tử thánh chiến cực đoan vào năm 1988 ở Afghanistan, giống như rất nhiều nhà hoạt động Hồi giáo cực đoan khác.
Tuy nhiên, việc CIA bắt giữ Belhadj là do ông ta là một trong những người đứng đầu của một "tiểu vương xứ Ả Rập" trong nhóm chiến đấu Hồi giáo Lybia. Trước khi xảy ra vụ khủng bố 11/9, tổ chức trên đã có hai trại huấn luyện bí mật tại Afghanistan. CIA đặc biệt quan tâm đến một trong hai trại huấn luyện này có tên là Shahid Cheikh Abu Yahya, cách thủ đô Kabul 29 dặm về phía Bắc, nơi LIFG thường đón tiếp những người tình nguyện có móc nối với tổ chức Al Qaeda.
Trong ban lãnh đạo của trùm khủng bố Osama Bin Laden có rất nhiều nhân vật chóp bu là người Lybia, trong đó có Abu al-Laith al-Libi- một trong những chỉ huy quân sự của Al Qaeda - kẻ đã bị giết chết tại Afghanistan năm 2008. Năm 2007, tổ chức LIFG đã được nhận "con dấu phê duyệt" của Ayman al Zawahiri- thành viên xuất chúng của Al Qaeda và cũng là người cốt cán trong bộ máy lãnh đạo của Bin Laden. Sau đó, LIFG kêu gọi những kẻ phiến loạn Lybia đứng lên chống lại Gaddafi, Mỹ và " những kẻ ngoại đạo" khác ở phương Tây.
Thủ lĩnh Al Qaeda ở Iraq Abu Musab al-Zarqawi từng có quan hệ mật thiết với Abdel Hakim Belhadj. |
Sau Afghanistan, Belhadj đã đến Pakistan và Iraq. Iraq là đất nước tập trung đông đảo những "tình nguyện viên Hồi giáo" người Lybia. Belhadj được cho là có quan hệ mật thiết với Abu Mussab al-Zarqawi - thủ lĩnh của tổ chức Al Qaeda tại nước này. Vào năm 2004, tại Băng cốc - nơi Belhadj bị giam giữ, có nguồn tin cho rằng, ông ta đã bị CIA đánh đập dã man, và sau đó được giao cho các tổ chức bí mật của Lybia.
Từ nhà tù tới những cuộc nổi dậy
Năm 2009, Lybia dưới sự chỉ đạo của Saif al-Islam- con trai thứ hai và là người được cho là thừa kế Gaddafi, đã bất ngờ khởi xướng chính sách hòa giải với LIFG. Những người đứng đầu của nhóm LIFG đã công bố 417 trang tài liệu đề cập tới "những nghiên cứu khắc phục hậu quả" (tiếng Pháp là "les études correctrices"), trong đó, họ lấy lòng rằng, cuộc thánh chiến chống lại Gaddafi là không có mà tổ chức hướng mũi tên vào những nước Hồi giáo đã bị xâm chiếm như Afghanistan, Iraq, Palestine.
Tập tài liệu này chắc hẳn chỉ là một cách dẫn dụ để Belhadj không còn bị tra tấn trong nhà tù. Nhờ đó mà Belhadj được ra tù, và ông ta chỉ giữ lời hứa trên trong một thời gian ngắn. Thực tế là, Belhadj đã gia nhập lực lượng nổi dậy và cầm đầu phong trào chống đối ở miền Tây giúp đi đến thắng lợi tại thành phố Tripoli.
Phải chăng Belhadj muốn rời xa tầm ảnh hưởng của tổ chức Al Qaeda? Đó là một câu hỏi hóc búa khi nói về kẻ đã 2 lần từng bội ước này. Câu hỏi này cũng khó trả lời đối với rất nhiều người. Belhadj từng dính dáng đến cái chết của cựu Bộ trưởng Bộ Nội Vụ Abdul Fatah Younis. Một nhà phân tích chính trị Lybia đã giải thích khá rõ ràng rằng: "Trước kia Bộ trưởng Bộ Nội vụ Younis từng đứng đầu những lực lượng binh chủng Đặc công và ông ta đã thúc đẩy một cuộc chiến tàn nhẫn chống lại LIFG từ năm 1990 đến năm 1995 ở miền Đông Lybia".
Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà những cựu thành viên của LIFG lại giữ những chức vụ quân sự chủ chốt trong cuộc nổi dậy lần này: Belhadj ở thành phố Tripoli, Ismail al-Salabi ở Benghazi, Abdel Hakim al-Assadi ở Derna. Trong Hội đồng Chuyển tiếp Quốc gia Lybia có cả Ali Salabi. Năm 2009, khi làm đại diện cho Saif al-Islam, Ali Salabi là một trong những người đứng ra tổ chức các cuộc đàm phán để thả tự do cho những tù nhân của LIFG. Những sóng gió ở Lybia rõ ràng đang trở thành một vòng tròn khép kín