LĐ nữ châu Phi bị biến thành "cỗ máy tình dục", bị giết và lấy đi các bộ phận cơ thể

Thứ Tư, 20/07/2011, 12:21
Manola nhớ khi đến Lebanon thì trời đã tối, được đưa vào một căn hộ 4 phòng. Ngày làm việc đầu tiên của cô bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc vào 2 giờ sáng hôm sau. Thời gian làm việc của cô trong tất cả các ngày, thậm chí cả khi ốm. Người ta đã khóa chặt phòng có điện thoại. Không lâu sau, cô bắt đầu bị đánh.

Câu chuyện của Manola từ Madagasca

Manola Rajaonarison với mong muốn đến Lebanon để làm người giúp việc qua công ty môi giới. Nhưng cô không hề hay biết là sẽ bị làm nhục, đánh đập và hãm hiếp liên tục.

Cuối cùng, Manola cũng trở về được Madagasca. Một tổ chức cứu trợ đã tạo áp lực buộc chính phủ phải đưa ra hiến chương, và trong báo cáo có tất cả 85 phụ nữ như Manola bị bạo hành.

Hiện nay, có 7.000 phụ nữ ở Madagasca phải đi làm nghề giúp việc tại Lebanon. Tháng 3.2009, một báo cáo tổng quan cho biết, tỷ lệ dân nghèo (những người có thu nhập ít hơn 1 đôla 1 ngày) ở Madagasca đã tăng từ 67% đến 76%. Thậm chí là sau cuộc khủng hoảng chính trị, con số đó còn tăng tới mức chưa từng thấy ở bất cứ nơi đâu.

Trong khi đó, nhu cầu về lao động tại Lebanon tăng đột biến do sự chấm dứt thỏa thuận hợp tác lao động giữa Philippines và Lebanon sau những báo cáo về tình trạng người Philippines bị bóc lột tại Lebanon. Nhưng những cô gái như Manola không hay biết về thỏa thuận đó và rất nhiều người trong số đó đã phải nhận những kết thúc không có hậu.

12 triệu người đang sống cảnh nô lệ

Câu chuyện của Manola chỉ là một ví dụ về tình hình bắt cóc người ở Trung Đông. Và một trong những điều ít bị lên án nhất đó là, trong thời gian qua tại Nigeria đã xảy ra những câu chuyện đáng chú ý, đó là 32 trẻ em gái mang thai đã bị bắt vì có ý định bán con cho bọn buôn người với giá 120 Euro một đứa trẻ sau khi sinh ra.

Một phụ nữ châu Phi đi lao động ở Trung Đông bị đánh đập.

Theo tổ chức nhân quyền Terre des Hommes, cả thế giới hiện có khoảng 12 triệu người đang phải sống trong cảnh nô lệ. Manola, được công ty môi giới trả một khoản tiền khoảng 2.830 Euro, là người may mắn sống sót trở về. Trên máy bay đưa cô trở về Madagasca cũng có 12 tử thi. Trong những năm qua, Tổ chức nhân quyền (Human Right Watch) đã ghi lại những trường hợp tự tử và những cái chết "liên quan đến tai nạn" trong số những nô lệ như Manola- con số lên đến 8 người 1 tháng.

Randimbiarison là giám đốc của Quỹ nhi đồng LHQ (UNICEF). Trên chiếc bảng trong văn phòng của cô là hình ảnh một người phụ nữ với những vết thương trên cơ thể, như bị khâu vội lại. Randimbiarison giải thích hình ảnh trên bảng: "Đây là lần thứ hai chúng tôi nhận được trường hợp như thế này, báo cáo khám nghiệm tử thi cho biết có một vài bộ phận trong cơ thể đã bị thiếu. Chúng tôi xác nhận những phụ nữ này là nạn nhân của bọn buôn nội tạng người". Các công ty không thực hiện các nhiệm vụ đã ghi trong hợp đồng. Cô phàn nàn: "Một khi đã ra nước ngoài, không ai có thể biết được điều gì sẽ xảy đến với các cô gái đó".

Khổ tới cùng cực

Chưa hết sốc, Manola vẫn chưa sẵn sàng để đi làm trở lại. Nhưng cô muốn kể lại câu chuyện của mình. Với mái tóc tết, gương mặt tròn, cô gái 20 tuổi ngồi trên chiếc ghế bành trong túp lều nhỏ vẫn toát lên vẻ gì đó còn ngây thơ, trẻ con. Có lẽ bởi vì những gì cô trải nghiệm đã gợi lại cho cô chính xác trình tự những việc đã xảy ra. Ngồi cạnh bố, ông Alfred, Manola dịu dàng nói: "Những người hàng xóm đã nói với tôi về chương trình ở Lebanon, và chỉ 2 tuần sau tôi đã có mặt trên chuyến bay cùng với 11 cô gái khác. Chúng tôi đã nói với nhau về những gì chúng tôi định làm với đồng tiền sắp kiếm được. Ước mơ của tôi là có được nhà riêng và xây dựng gia đình".

Trước khi đến Lebanon, Manola làm việc tại một công ty dệt với mức lương 30 Euro một tháng. Đến Lebanon, người ta hứa sẽ trả cho cô 100 Euro 1 tháng và được ăn, ở miễn phí. Rõ ràng, số tiền không phải là nhiều nhưng cũng còn hơn đồng lương ba cọc ba đồng cô kiếm được tại Madagasca. Khi tới Lebanon, cảnh sát đã lấy hộ chiếu của cô, đưa cho chủ nhà người Lebanon, người mà cô sẽ làm thuê.

Manola nhớ khi đến nơi thì trời đã tối. Họ được đưa vào một căn hộ 4 phòng. Ngày làm việc đầu tiên của cô bắt đầu từ 5 giờ sáng và kết thúc vào 2 giờ sáng hôm sau. Thời gian làm việc của cô trong tất cả các ngày, thậm chí cả khi ốm. Người ta đã khóa chặt phòng có điện thoại. Không lâu sau, cô bắt đầu bị đánh. Người đàn ông đã đá mạnh vào người cô trong vài phút và cuối cùng sự việc chỉ coi như "không may làm vỡ cái đĩa". Khi được hỏi về những kiểu bạo hành khác, cô chỉ nói rằng: "Tôi đã trải qua thời gian vô cùng khổ sở".

Mặc dù đã chứng kiến hàng trăm câu chuyện như thế này nhưng Harilala Julio, Chủ tịch tổ chức bảo trợ cho 28 cơ quan Madagasca đưa phụ nữ sang Lebanon còn chỉ trích việc chính phủ thi hành lệnh cấm môi giới từ tháng 3.2011 do tình trạng bạo hành ngày càng tăng

Trường Vân - Hoàng Cúc (theo Time) – CSTC tuần số 67
.
.
.