Hồ sơ về ông vua cuối cùng của triều đình nhà Nguyễn

Thứ Sáu, 11/02/2011, 10:44
Nhân dịp xuân Tân Mão, chúng tôi xin được kể lại những nét tiêu biểu nhất về Bảo Đại – một ông vua đã trao ấn kiếm thoái vị, để trở thành công dân của một đất nước độc lập.

Cách đây ít lâu, Nhà xuất bản Đà Nẵng đã ấn hành cuốn “Giai thoại và sự thật về Bảo Đại – ông vua cuối cùng triều Nguyễn” của tác giả Lý Nhân Phan Thứ Lang. Đúng như tên gọi, nội dung cuốn sách không hoàn toàn là chính sử, tác giả tập hợp tư liệu trong và ngoài nước, kể cả ghi chép của những người thân cận và hồi ký “Le Dragon dAnnam” của chính Bảo Đại, để cố gắng dựng lại bức chân dung, nhân cách và sự nghiệp của vị Hoàng đế cuối cùng ở nước ta. Nhân dịp xuân Tân Mão, chúng tôi xin được kể lại những nét tiêu biểu nhất về Bảo Đại – một ông vua đã trao ấn kiếm thoái vị, để trở thành công dân của một đất nước độc lập.

Làm vua từ tuổi 13

Năm 1766 chúa Nguyễn Phúc Luân tức Hưng tổ Hiếu Khương Hoàng đế từ trần, khi đó người con thứ ba của ông là Nguyễn Phúc Ánh mới 4 tuổi đã theo người chú là Nguyễn Phúc Thuần tức Duệ Tôn vào Nam. Khi Phúc Ánh trưởng thành được Duệ Tôn cho làm Chưởng sứ Tướng Tả Dự Quân. Đến khi Duệ Tôn tử trận, Phúc Ánh được phong làm Đại Nguyên soái kế vị Duệ Tôn.

Năm 1802, ông lên ngôi Hoàng đế lấy niên hiệu là Gia Long và từ đó cha truyền con nối cho tới Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy tức vua Bảo Đại là đời thứ 13 triều Nguyễn. Vĩnh Thụy lên ngôi từ năm 13 tuổi kế vị vua Khải Định, ngự trị ngai vàng 19 năm, cho đến khi Cách mạng Tháng Tám thành công.

Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy sinh ngày 22/10/1913, khi 9 tuổi đã được Khâm sứ Huế là Charles nhận làm con nuôi và đưa sang Pháp học “nghề làm vua” tại trường chuyên ngành khoa học chính trị Lycée Condoreet puis Sciences Politique ở Paris. Cuối năm 1925, vua Khải Định băng hà, ngày 8-1-1926 triều đình tôn Vĩnh Thụy lên ngôi.

Sau khi làm lễ đăng quang và an táng vua cha, Bảo Đại trở lại Pháp tiếp tục học tập, còn mọi việc trong nước giao cho Hội đồng Phụ Chánh, do quan Đại thần Nguyễn Hữu Bài đứng đầu, điều hành. Tuy nhiên, trên thực tế mọi việc đều do người Pháp sắp đặt và cai trị, còn chính phủ Nam triều chỉ đóng vai trò thừa hành.

Từ giữa những năm 20 trở đi, ở nước ta nhiều đảng ái quốc ra đời, lập chiến khu, dấy lên các phong trào chống thực dân Pháp. Trước tình thế đó, vào mùa hè năm 1932, Pháp buộc phải đưa Bảo Đại về nước với hy vọng ông đã học xong trường cao đẳng chính trị, vị vua trẻ mang phong cách và văn minh Phương Tây về nước có thể thu phục được các tầng lớp thanh niên, nhất là đội ngũ trí thức, làm nguội dần các phong trào chống Pháp.

Đầu tháng 9/1932 về tới Huế, ngay lập tức Bảo Đại ra mắt quần thần, ngỏ lời cùng quốc dân, đưa ra nhiều lời hứa, mong muốn cải cách, xây dựng một đất nước văn minh. Quả thực, sau 10 năm ăn học ở Pháp, tiếp thu lối sống Phương Tây, Bảo Đại đã cho bỏ những tập tục, lễ nghi cổ truyền mà các vua cha bày ra. Trước hết ông ban sắc dụ từ nay Hoàng thượng tới đâu, thần dân không phải quỳ lạy, có thể ngẩng đầu chiêm ngưỡng long nhan đức vua mà không sợ phạm thượng, các quan cũng không phải quỳ lạy mỗi khi vào chầu.

Làm như vậy thực ra Bảo Đại nhằm tới hai mục đích: Thứ nhất, để tỏ ra là một nhà vua tiến bộ, bình dân, tôn trọng những người lớn tuổi đáng bậc cha chú, nếu cứ bắt họ phủ phục mỗi khi vào chầu thật khó coi. Thứ hai, nhân dịp này để các quan Tây vào chầu cũng khỏi phải chắp tay xá lạy, mà chỉ cần bắt tay tỏ ý thân thiện theo kiểu Phương Tây.

Tiếp theo, Bảo Đại cải tổ bộ máy hành chính, cho các vị thượng thư già yếu hoặc kém năng lực về hưu. Chẳng hạn như Nguyễn Hữu Bài đã làm thượng thư quá lâu, lại có tư tưởng bài Pháp, nên được nghỉ trước tiên. Đồng thời sắc phong thêm 4 thượng thư mới lựa chọn trong giới hành chính và học giả. Về sau ông còn lập thêm một số bộ và thành lập Viện Dân biểu để trình bày nguyện vọng của dân chúng lên nhà vua và Chính phủ Pháp.

Nhà vua cũng cho phép Hội đồng Tư vấn Bắc kỳ được thay mặt Nam triều trong việc hợp tác với chính phủ bảo hộ. Trong khi đó Bảo Đại tiến hành các cuộc ngự du, trước hết là bái yết vong linh tiên đế nhà Nguyễn, về Thanh Hoá vinh qui bái tổ, thăm Hà Nội, Sài Gòn, Tây Nguyên và các địa phương khác để nắm được nguyện vọng của thần dân… Có lẽ vì vậy thời đó người ta coi Bảo Đại là “Nhà vua cải cách”.

“Thà làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ”

Khi thế chiến thứ II sắp tới hồi kết, quân Nhật tràn vào nước ta. Ngày 9/3/1945 Nhật đảo chính Pháp, cai trị dân ta, bắt nông dân nhổ lúa, trồng đay, ngô để cung cấp cho chúng. Kết quả năm đó thiếu thóc gạo, dẫn đến nạn đói giết hại 2 triệu người, chủ yếu ở đồng bằng Bắc bộ, nơi được coi là một trong hai “vựa thóc” của nước ta.

Quá bất ngờ, Bảo Đại vội vàng tìm một số người ít thân với Pháp trước đây để thành lập nội các mới. Trong vòng từ tháng 4 đến tháng 8/1945, nhà vua ủy thác cho Trần Trọng Kim hai lần thành lập nội các thân Nhật. Nhưng đây cũng chỉ là những chính phủ bù nhìn, mọi chính sách và hoạt động nhất nhất đều chịu sự giật dây của một Cố vấn tối cao người Nhật Yokoyama. Thực ra, khí thế cách mạng của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản đang ào ào dâng lên, thì cũng không có một ông vua, hay một chính phủ Nam triều nào khi đó có thể đứng vững.

Từ đầu tháng 8, Bảo Đại cũng như cả Hoàng tộc đều vô cùng hoang mang, lo lắng. Cũng dễ hiểu, bởi họ liên tưởng tới một thực tế là Hoàng đế Louis thứ 16 của nước Pháp xưa kia, hay Sa hoàng Nikolas của Nga khi cách mạng nổ ra lật đổ ngai vàng, đã bị xử tử ngay; còn như Phổ Nghi - vị Hoàng đế cuối cùng của Trung Quốc, sau khi bị hạ bệ cũng phải đi lao động cải tạo nhiều năm, rồi mới được trở về làm công dân cho đến hết đời.

Trong tình hình đó, vua Bảo Đại coi ông Đổng lý văn phòng Phạm Khắc Hoè như một người cộng sự tâm phúc nhất. Quả thực, ông Hoè đã đóng vai trò rất đặc biệt. Ông theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình chiến cuộc giữa quân đồng minh với phe phát xít, bắt liên lạc với các nhà ái quốc để tìm hiểu chủ trương, đường lối của cách mạng, để rồi đưa ra những lời khuyên nhủ khéo léo cho nhà vua cùng Hoàng tộc.

Thấy nhà vua đã rất nao núng, hoang mang tột độ, ông Hoè buông lời thăm dò xem Bảo Đại có biết lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc là ai không, Bảo Đại nói rằng cũng chỉ nghe lơ mơ khi hoạt động tại Pháp cụ Nguyễn Ái Quốc đã viết truyện “Con Rồng Tre” với thâm ý đả kích Khải Định, vua cha của ông.

Nhân đó, ông Hoè còn đem chuyện sấm trạng Trình ra kể cho Bảo Đại nghe. Ông bảo ở Nghệ An người ta thần thánh hoá vị lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc. Cụ đã từng hoạt động ở Pháp mà danh tiếng đã vang dội về nước. Bảo Đại chẳng cần nghĩ lâu, nói ngay: “Nếu quả người cầm đầu Việt Minh là thánh Nguyễn Ái Quốc thì tôi sẵn sàng thoái vị ngay”.

Ngày 22/8/1945, Việt Minh ra tối hậu thư đòi nhà vua phải trao trả chính quyền cho nhân dân và hứa bảo đảm tính mạng, tài sản cho Hoàng gia với những điều kiện: “Nhà vua phải trao lại cho chính quyền cách mạng đội lính khố vàng với tất cả vũ khí, đạn dược; Nhà vua phải báo cho Nhật biết là triều đình đã trao tất cả quyền binh cho chính quyền cách mạng rồi; Nhà vua phải điện ra lệnh cho tất cả các tỉnh trưởng phải giao chính quyền cho cách mạng tức là Việt Minh”.

Bảo Đại và Phan Văn Giáo tại sân bay Đà Lạt (1949).

Ngoài ra còn yêu cầu nhà vua phải trả lời trước 13h30’ phút ngày 22/8/1945 và cử ông Phạm Khắc Hoè làm liên lạc giữa nhà vua và chính quyền cách mạng. Nội các Nam triều họp khẩn cấp và tất cả đều nhất trí đáp ứng mọi điều kiện của Việt Minh. Tuy nhiên, Bảo Đại vẫn còn băn khoăn một điều là: Sao Chủ tịch Chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời lại là Hồ Chí Minh, Cụ là ai mà lâu nay không thấy nói đến? Đến khi ông Hoè biết chính xác Hồ Chí Minh chính là cụ Nguyễn Ái Quốc và trình lại với nhà vua, thì Bảo Đại giơ cả hai tay lên trời buột miệng nói tiếng Pháp “Ca vaut bien le coup alors!” (như thế thì thật đáng thoái vị!).

Lễ thoái vị được tổ chức trọng thể trước Ngọ Môn vào ngày 30-8-1945. Một phái đoàn gồm các ông Nguyễn Lương Bằng, Cù Huy Cận và do ông Trần Huy Liệu dẫn đầu, thay mặt Chính phủ lâm thời từ Thủ đô vào nhận ấn kiếm của vua Bảo Đại trao lại. Phát biểu thoái vị trước 50 nghìn đại diện các tầng lớp nhân dân, Bảo Đại dõng dạc tuyên bố: “Thà làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ”. Đây cũng là thời điểm cuối cùng Bảo Đại rời khỏi ngai vàng sau 19 năm trị vì, để trở lại địa vị công dân Vĩnh Thụy.

Ngay sau đó, Vĩnh Thụy đã được Hồ Chủ tịch mời ra Hà Nội làm cố vấn cho Chính phủ, còn ông Phạm Khắc Hoè được điều động giúp ông Hoàng Minh Giám chăm lo công việc ở Bộ Nội vụ. Được Cụ Hồ tiếp đón trọng thị, ân cần thăm hỏi cả mẹ và vợ con, cố vấn Vĩnh Thụy vô cùng xúc động, đã viết thư về cho mẹ là bà Hoàng Thị Cúc, kể lại rằng: “Cụ Hồ tốt lắm! Con ra đây được Cụ Hồ thương lắm! Cụ thương con như con! Ả (tức mẹ) cứ yên tâm. Không phải lo chi cho con cả”.

Rất tiếc, từ khi ra Hà Nội, sống xa gia đình vợ con, vốn tính xa hoa phóng đãng, lại bị những kẻ “buôn vua” giàu có bỏ tiền ra mồi chài, Vĩnh Thụy đã nhanh chóng sa vào con đường trụy lạc, ham thú phòng khuê và những trò đỏ đen. Bởi vậy, trong một lần được Cụ Hồ cho tháp tùng sang Trung Quốc, Vĩnh Thụy đã tự ý ở lại, không thực hiện được những điều đã hứa trước quốc dân.

Nam Phương Hoàng hậu và những người tình của Bảo Đại

Trong số 13 đời vua triều Nguyễn, chỉ có Duy Tân và Bảo Đại lên ngôi từ khi còn nhỏ, nên mới có chuyện vua kén vợ. Vua Duy Tân được chọn kế ngôi lúc mới 8 tuổi, vì vua cha Thành Thái có tư tưởng chống Pháp nên đã bị chính quyền thực dân đày sang châu Phi. Tuy tuổi còn trẻ nhưng nổi tiếng bởi dòng máu vua cha, nên sau khi lên ngôi vua Duy Tân không hề ăn chơi trác táng như những đời vua tiền nhiệm, mà dốc tâm chăm lo cho dân, tìm cách cứu nước thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp. Có lẽ cũng vì vậy, về sau người Pháp đã rút kinh nghiệm, đưa Vĩnh Thụy đi đào tạo “nghề làm vua” ngay tại Pháp từ khi còn nhỏ.

Vợ chồng cha nuôi - Khâm sứ Charles không những dày công chăm sóc, dạy dỗ cậu bé Vĩnh Thụy, mà còn để nhiều thời gian ngắm nghía, lựa chọn rất kỹ càng hoàng hậu tương lai. Tìm hiểu khắp cố đô Huế và Sài Gòn, không thấy có con gái nhà ai ưng ý. Người đẹp, hiền thục không thiếu, nhưng phần lớn theo đạo Phật, tư tưởng bảo thủ, coi vua như ông trời, bảo sao nghe vậy, không dám phản đối và như vậy khó trở thành một hoàng hậu giúp ích cho vua.

Cuối cùng họ cũng tìm thấy cô Mariette Jeanne Nguyễn Hữu Thị Lan, con gái một gia đình giàu có nhất nhì Nam bộ, đã tốt nghiệp tú tài ở Pháp, có thể hội đủ những tiêu chuẩn cho một hoàng hậu. Vì thế Charles đã khéo léo sắp đặt cho Bảo Đại đi trên một chuyến tàu thuỷ trở về Việt Nam cùng với Mariette Lan.

Sau đó ông ta còn sắp đặt để Bảo Đại đi nghỉ ở Đà Lạt, trong khi “tình cờ” toàn thể gia đình cô Thị Lan cũng đang có mặt ở thành phố này. Hai người trai tài, gái sắc đã gặp nhau lênh đênh trên biển cả tháng trời, nay lại có dịp cùng nhau nghỉ mát, vui thú thưởng ngoạn những phong cảnh sơn thuỷ hữu tình của thành phố mộng mơ. Trong hoàn cảnh đó thật dễ nảy sinh tình cảm trăm năm kết tóc xe tơ.

Lễ cưới nhà vua được tổ chức vào ngày 20/3/1934, khi chú rể Bảo Đại 21 tuổi, còn cô dâu Mariette Thị Lan 19 tuổi. Trở thành Nam Phương Hoàng hậu, bà đã cùng vua Bảo Đại sống với nhau rất hạnh phúc. Cho đến trước khi Bảo Đại rời ngôi vua, bà đã sinh được cho ông 2 hoàng tử và 3 công chúa. Nam Phương Hoàng hậu là một phụ nữ rất nhạy cảm với thời cuộc, có đầu óc suy đoán tinh tế và am hiểu chính trị.

Chính bà đã thường xuyên bàn luận về thời cuộc với ông Đổng lý Phạm Khắc Hoè để sớm tối tỷ tê với Hoàng thượng, góp phần thúc đẩy ông đi tới quyết định thoái vị. Hôm khai mạc “Tuần lễ vàng” ở Huế, bà đã ăn mặc rất lịch sự, cổ đeo kiềng vàng, tai bông vàng, hai cổ tay 2 xuyến vàng và cả 10 ngón tay đeo nhẫn vàng, làm cho mọi người trong Hoàng tộc và các mệnh phụ vô cùng ngỡ ngàng, ngạc nhiên. Đến khi bà tháo tất cả hàng chục lượng vàng để ủng hộ cách mạng, mọi người mới vỡ lẽ.

Được Cụ Hồ mời bà đưa các con ra Hà Nội đoàn tụ với ông cố vấn Vĩnh Thụy, bà cũng đã xử sự rất đúng mực, khi trả lời rằng rất biết ơn Cụ Chủ tịch, nhưng sợ như vậy sẽ làm tốn kém thêm cho Nhà nước trong khi Chính phủ còn đang nghèo, phải lo trăm chuyện.

Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu.

Trước năm 1945, Bảo Đại một lòng một dạ thương yêu Nam Phương Hoàng hậu, nhiều khi ông tự lái xe đưa bà đi thưởng ngoạn các danh lam thắng cảnh của đất nước. Thế nhưng từ khi sống độc thân ở Hà Nội, ông đã sa vào cạm bẫy của người đẹp Bắc Hà.

Trước hết cặp bồ với Bùi Mộng Điệp, một cô gái nghèo nhưng sắc nước hương trời, làm vũ nữ. Quan hệ giữa ông với Mộng Điệp đã “già nhân ngãi, non vợ chồng”, đến khi ông ở lại Trung Quốc, thì ở nhà bà sinh con gái. Pháp quay trở lại chiếm Hà Nội, chúng đã bắt Mộng Điệp vì nghi cô là gián điệp của Việt Minh cài vào để cầm chân Bảo Đại theo cách mạng.

Nghe tin Mộng Điệp bị bắt, Bảo Đại viết thư phản đối nhà đương cục Pháp, vì vậy cô đã được tha. Sau này, vào năm 1949 Pháp đưa Bảo Đại trở về làm “Quốc trưởng”, Mộng Điệp đã được ông đón về làm thứ phi. Mộng Điệp theo đạo Phật, thông thạo lễ nghi và khôn khéo hành xử, chiều chuộng Hoàng Thái hậu cũng như các thành viên Hoàng gia, nên được mọi người quí trọng. Về sau bà sinh thêm cho Bảo Đại 2 hoàng tử nữa.

Cùng thời với Mộng Điệp, Vĩnh Thụy còn yêu một vũ nữ khác cũng rất nổi danh ở đất Bắc Hà là Lý Lệ Hà. Tuy nhiên, ông sống với cô gái này không lâu, không có con với nhau, rồi hai người chia tay. Năm 1946, khi đào tẩu ở lại Trung Quốc, Vĩnh Thụy yêu một cô gái Trung Hoa lai Tây tên là Hoàng Tiểu Lan và cũng đã “đơm hoa kết trái” sinh được một cô con gái. Những năm ở ghế “Quốc trưởng”, ông còn kết duyên với một cô gái Huế tên là Lê Thị Phi Ánh, sinh được hai con, một trai một gái. Sau đó còn vài ba mối tình nữa, tính đến cuối đời Vĩnh Thụy có tất cả 8 người vợ, 13 người con.

Những năm tháng cuối đời của Bảo Đại

Ở ngôi vua và “Quốc trưởng” gần 25 năm, nhưng trên thực tế không có mấy thời gian Bảo Đại thực thi chức trách, quyền hành của mình. Phần lớn quĩ thời gian ông dành cho thể thao, săn bắn, vui chơi và giải trí cùng người đẹp. Người ta thấy ông sống ở Tây Nguyên nhiều hơn ở kinh thành.

Sau khi bị Ngô Đình Diệm tiếm ngôi “Quốc trưởng” năm 1954, Bảo Đại sống lưu vong ở Paris và vẫn được Pháp trả lương. Đương nhiên không nhiều, nên không thể sống xa hoa như trước, thậm chí lắm khi còn bị “viêm màng túi”.

Bảo Đại trong một quán cà phê ở Paris.

Những ngày cuối đời cựu Hoàng muốn thấy những vật báu của Hoàng triều để lại. Nhưng các con ông lo ngại, không muốn trao cho thân phụ, sợ khi túng tiền ông bán đi thì uổng phí, hoặc sợ khi ông qua đời lại rơi vào tay bà Monique Baudot, người vợ cuối cùng có hôn thú với ông. Gia đình lục đục, hầu hết con cháu không ưa gì bà Baudot, nên ông rất buồn.

Mãi tới năm 1982, nhân dịp khai trương Hội Hoàng tộc ở hải ngoại, những người con của bà Lê Thị Phi Ánh và Hoàng Tiểu Lan đang sống ở Mỹ mời ông sang dự, ông mới có chuyến đi đầu tiên tới nước Mỹ. Tuy chỉ là một chuyến thăm riêng tư, nhưng đi tới đâu Bảo Đại cũng được bảo vệ cẩn thận.

Khi tới thăm Sacramento ông còn được tặng chiếc chìa khoá vàng tượng trưng của thị trấn này. Tới thăm thành phố Wesminter ông cũng được bà Thị trưởng Buchoz tặng danh hiệu “Công dân danh dự” của thành phố. Cũng nhân dịp Bảo Đại thăm Mỹ, nhiều người con của ông đã xin được làm lại giấy khai sinh, thay vì giấy khai sinh cũ chỉ có tên mẹ, nay đã có cả tên cha là Nguyễn Phúc Vĩnh Thụy.

Suốt 3 tuần ở Mỹ, được sống giữa đông đảo con cháu và gặp lại nhiều bè bạn cũ ông cảm thấy rất vui. Sau đó trở lại Pháp, bệnh suy thận tái phát. Năm 1997 mấy lần ông phải vào bệnh viện điều trị, thế nhưng không qua khỏi, ông từ trần ngày 1/8/1997, thọ 84 tuổi.

Đám tang Bảo Đại được Nhà nước Pháp cử một sĩ quan mang quốc kỳ Pháp, một tiểu đội lính lê dương quân phục trắng, ngù đỏ trên vai, ngực đeo huy chương lấp lánh, bồng súng đi bên linh cữu. Bộ Ngoại giao nước ta đã gửi điện chia buồn tới tang quyến, ngoài ra còn có vòng hoa phúng điếu của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Lưu Vinh – Gia Sơn
.
.
.