Hé lộ những vũ khí hiện đại của Hải quân Nga
Đội tàu ngầm của Hải quân Nga
Hải quân Nga vừa chính thức ra mắt con át chủ bài của đội tàu ngầm tấn công chiến lược, tàu ngầm nguyên tử đa năng hiện đại nhất Severodvinsk vào ngày 7 tháng 5 nhân dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Chiến thắng phát xít. Đây là phiên bản đầu tiên của serie tàu ngầm hạt nhân tấn công lớp Yasen thuộc Dự án 855, Severodvinsk được xưởng đóng tàu Sevmash của Nga nghiên cứu, thiết kế, chế tạo từ năm 1993. Con tàu mơ ước này dự kiến hoàn thành vào năm 1998. Tuy nhiên, sự thiếu hụt về tài chính khiến dự án đầy tham vọng trên phải hoãn lại đến tận năm 2001 mới được khởi động lại.
Severodvinsk là loại tàu ngầm đa năng đầu tiên của Hải quân Nga khi có thể đồng thời tiến hành giải quyết hàng loạt các nhiệm vụ khác nhau, có khả năng bắn một lúc nhiều tên lửa tầm xa mang đầu đạn hạt nhân và có thể hạ gục bất cứ mục tiêu dưới nước, trên mặt biển, trên bộ và thậm chí là cả trên không của đối phương.
Vũ khí trang bị cho loại tàu ngầm hiện đại này gồm 24 tên lửa hành trình siêu âm, 8 ống phóng ngư lôi tự dẫn đa năng hoạt động sâu và các tên lửa đối hạm như SS-N-16 Stallion. Bên cạnh đó, Severodvinsk còn được ứng dụng những thành tựu mới nhất về công nghệ của Tổ hợp Công nghiệp quốc phòng Nga để có thể vượt qua cả các lớp tàu ngầm nguyên tử hiện đại nhất thế giới hiện nay về độ ồn và khả năng bí mật khi hoạt động. Tàu có khả năng hoạt động ở độ sâu tối đa 600m, tốc độ hoạt động 31 hải lý/giờ, thủy thủ đoàn 90 người, trong đó có 32 sỹ quan.
Hiện nay, Severodvinsk vẫn chưa có biến thể nào tương tự trên thế giới và cũng là loại tàu ngầm hiện đại nhất của Nga, có thể sánh với tàu ngầm nguyên tử đa năng lớp "Seawolf" và "Virginia" của Mỹ. Tuy nhiên, Severodvinsk được đánh giá có khả năng ứng dụng cao hơn, sử dụng để thực hiện nhiều nhiệm vụ tác chiến hơn, tốc độ nhanh hơn và hiệu quả tấn công cũng lớn hơn.
Tàu ngầm nguyên tử hiện đại này chính thức hạ thủy vào ngày 7 tháng 5 năm 2010 và được chuyển giao cho Hạm đội Biển Bắc của Hải quân Nga vào cuối năm 2010. Tư lệnh Hải quân Nga, Đô đốc Vladimir Vysotsky cho hay, việc chế tạo tàu ngầm hạt nhân tấn công và mang tên lửa đạn đạo thế hệ mới là ưu tiên hàng đầu của hải quân nước này. Năm 2009, Nga khởi công chế tạo một tàu ngầm thứ hai thuộc chuỗi này với nhiều thiết bị và vũ khí hiện đại hơn.
Theo chương trình trang bị quốc phòng của Nga giai đoạn 2007-2015, Hải quân Nga sẽ tiếp nhận nhiều tàu ngầm và chiến hạm mới, trong đó có 5 tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo chiến lược Bulava, Project 955 Borey, 6 tàu ngầm 677 Lada, 3 tàu hộ vệ Project 22350 và 5 chiến hạm cỡ vừa Project 20380. Igor Dygalo.
Nga tăng cường trang bị vũ khí hạt nhân trên các tàu ngầm đa chức năng
Tàu ngầm là một trong những phương tiện hiện đại nhất thế giới hiện nay góp phần bảo vệ vững chắc an ninh quốc gia và đẩy lùi mọi nguy cơ đe dọa.
Củng cố và tăng cường tiềm lực cho hải quân là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược quốc phòng của Nga, đặc biệt là trong giai đoạn các mối nguy cơ an ninh ngày càng gia tăng và mở rộng trên nhiều khu vực lãnh hải quốc tế và khu vực, đặc biệt là nguy cơ khủng bố và cướp biển. Bên cạnh việc chú trọng nghiên cứu, chế tạo, cải tạo các loại tàu nổi mặt nước, Hải quân Nga cũng tập trung đầu tư khá nhiều cho tàu ngầm các lớp khác nhau, từ phi nguyên tử đến nguyên tử, từ mang vũ khí thông thường đến vũ khí hạt nhân.
Với nỗ lực đó, cho tới thời điểm này, Hải quân Nga cũng đã sở hữu một số lượng không nhỏ tàu ngầm lớn nhỏ khác nhau, sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau.
Tàu ngầm nguyên tử dự án 671 PTM: Nhờ được trang bị tên lửa hành trình chiến lược cỡ nhỏ Granat có tầm bắn xa tối đa 3.000 km nên tàu có khả năng giải quyết hàng loạt các nhiệm vụ cả trong các cuộc chiến thông thường lẫn chiến tranh hạt nhân. Do đặc tính kỹ thuật của tên lửa hành trình Granat không khác nhiều so với ngư lôi tiêu chuẩn nên nó có thể sử dụng ngay ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm trang bị trên tàu.
Tàu ngầm nguyên tử hạng nặng mang tên lửa dự án 941: Đây là loại tàu ngầm nguyên tử lớn nhất trên thế giới hiện nay. Nó có tốc độ hoạt động trên mặt nước là 12 hải lý/giờ, dưới nước là 25 hải lý/giờ, có khả năng hoạt động ở độ sâu 400 m, hoạt động liên tục dưới nước trong vòng 180 ngày đêm, kíp lái 160 người. Tàu có lượng choán nước trên mặt nước 23.200 tấn, dưới nước là 48.000 tấn, dài 172 m, rộng 23,3 m, lượng mớn nước trung bình 11 m. Tàu được trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533 mm, 22 ngư lôi 53-65K và ngư lôi-tên lửa, mìn-ngư lôi, 20 tên lửa đạn đạo P-39 (PCM-52) cùng 8 tổ hợp tên lửa phòng không Ygla.
Tuần dương hạm ngầm chiến lược mang tên lửa: Đây là loại tàu ngầm nguyên tử trang bị tên lửa đạn đạo được sử dụng để tấn công bằng tên lửa vào các mục tiêu công nghiệp- quốc phòng quan trọng có ý nghĩa chiến lược của đối phương. Hiện nay, trong biên chế của Hải quân Nga đang sở hữu tàu ngầm nguyên tử chiến lược thế hệ thứ 2: 667 BDR Kalmar và 667 BDRM Delphin cùng tàu ngầm nguyên tử chiến lược hiện đại thế hệ thứ tư: 955 Borey.
Tàu ngầm diesel-điện: Đây là loại tàu ngầm trang bị động cơ diesel để chạy trên mặt nước và động cơ điện để hoạt động ngầm dưới nước. Chiếc tàu ngầm diesel-điện đầu tiên đã được nghiên cứu, chế tạo vào đầu thế kỷ XX.
Trong tương lai, lực lượng hạt nhân chiến lược trên biển của Nga vẫn được duy trì trong thành phần "bộ ba" hạt nhân của các lực lượng vũ trang Nga, song vai trò của vũ khí hạt nhân chiến thuật trên các tàu ngầm nguyên tử đa chức năng sẽ được tăng cường. Đó là tuyên bố của Phó Đô đốc Ô-lếch Bua-xép, Phó Tham mưu trưởng Binh chủng Hải quân Nga.
Tháng 12 năm 2007, Quân đội Nga vừa cho hạ thủy chiếc tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ thứ tư. Đây là lần đầu tiên trong 17 năm qua, hải quân nước này đón nhận loại tàu ngầm thế hệ mới.
Nghi thức đập chai rượu để hạ thủy chiếc Yury Dolgoruky, tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Borey tại Nhà máy Sevmash, thuộc khu vực miền Bắc Arkhangelsk của Nga. Nó sẽ được trang bị tên lửa đạn đạo Bulava cải tiến từ hỏa tiễn Topol-M. Đây là tàu ngầm hạt nhân chiến lược thế hệ thứ tư của Nga. Các công nhân của Nhà máy đóng tàu ngầm Sevmash tham dự lễ hạ thủy cùng Phó Thủ tướng thứ nhất Nga Sergei Ivanov. Ông cho biết, Yury Dolgoruky là thế hệ tàu ngầm hạt nhân mới đầu tiên của Nga trong 17 năm qua. Chiếc tàu ngầm này sẽ chạy thử trên biển và lắp đặt đầy đủ các loại vũ khí ngay sau đó và được biên chế vào Hải quân Nga.
Tàu ngầm Yury Dolgoruky có chiều dài 170 mét, đường kính thân khoảng 13 mét và tốc độ chạy khi lặn là 29 hải lý/h. Tàu có thể mang tối đa 16 quả tên lửa đạn đạo. Ngoài chiếc Yury Dolgoruky đã được hạ thủy, hai chiếc tàu ngầm khác cùng lớp Borey mang tên Alexander Nevsky và Vladimir Monomakh cũng đang được đóng tại Nhà máy Sevmash. Chiếc thứ tư cũng đã có trong kế hoạch sản xuất
Chế tạo tàu ngầm hạt nhân chiến lược và đa chức năng thế hệ thứ tư là hướng ưu tiên trong phát triển sức mạnh Lực lượng Hải quân Nga, Tổng Tư lệnh Lực lượng Hải quân Nga, Đô đốc Vladimir Vysotsky phát biểu với RIA. Ông nói: "Hiện nay, Nga có đủ khả năng tài chính để đảm bảo việc chế tạo một nhóm tàu ngầm tên lửa chiến lược thế hệ mới". Ông cho biết trong thời gian sớm nhất tàu ngầm hạt nhân lớp đầu tiên Project 955 Yuri Dolgoruky được trang bị tên lửa đạn đạo Bulava-M mới sẽ gia nhập Hạm đội phương Bắc.
Đô đốc nói: "Việc chế tạo seri tàu ngầm thuộc dự án này đang được thực hiện". Ngoài ra, Nga còn có kế hoạch đưa vào "biên chế" hải quân tàu ngầm hạt nhân đa chức năng đầu tiên Project 885 Severodvinsk. Ông nói: "Tàu ngầm dự án 677 mới (St. Petersburg và Lada) được trang bị vũ khí tên lửa và ngư lôi mới đang trải qua các cuộc thử nghiệm quốc gia".Trước năm 2010, Hải quân Nga đã đóng 3 chiếc tàu ngầm diesel Project 677 St. Petersburg. Hải quân Nga cần tất cả 40 tàu ngầm phi hạt nhân. Nga có kế hoạch chế tạo 8 tàu ngầm thế hệ Borei (Gió Bắc Cực) vào năm 2017 với mong muốn đây sẽ là hạt nhân của sức mạnh Hải quân nước Nga.
Hải quân Nga đối phó tên lửa Mỹ
Tháng 1 năm 2010, Tên lửa Patriot của Mỹ đã được chuyển đến phía Bắc Ba Lan, cách biên giới với Nga chỉ 100 km. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Bogdan Klich cho biết quyết định triển khai tên lửa đến thành phố Morag, gần biên giới với Nga, là do điều kiện thực tế chứ không mang tính chính trị.
"Ở Morag, chúng tôi có thể mang lại những điều kiện tốt hơn cho binh sĩ Mỹ cũng như căn cứ kỹ thuật tốt nhất cho các thiết bị này", Ria Novosti dẫn lời ông Klich. Trước đó các tên lửa này được triển khai ở thủ đô
Ria Novosti dẫn nguồn tin hải quân cấp cao của Nga cho biết: "Lực lượng trên bộ, dưới nước và trên không của hạm đội Baltic sẽ được tăng cường sức mạnh". Ông cũng cho biết thêm các tàu chiến mới được trang bị tên lửa hành trình chính xác cũng sẽ tham gia hạm đội.
Gepard 3.9, ”quả đấm thép” của Hải quân Nga
Áp dụng công nghệ tàng hình (Stealth Technology) cho tàu chiến là một xu hướng chủ đạo trong phát triển vũ khí trang bị thế kỷ XXI. Nga cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Trong những năm qua, các cường quốc hải quân như Mỹ, Pháp, Đức, Hà Lan, Anh..., đặc biệt là các nước Bắc Âu (Thụỵ Điển, Phần Lan, Nauy) đầu tư rất nhiều tiền của cho lĩnh vực này. Năm 2010, Nga cho xuất xưởng hai tàu chiến tàng hình Gepard-3.9 lớp 1166.1.
Trong thập niên 1980, Viện Thiết kế Zelenodolsk (ZPKB, tức Viện TsKB-340) tại thành phố Zelenodolsk, CH Tatarstan, Liên bang Nga cho ra đời thiết kế tàu Projekt 1166.1. Năm 2003, Hải quân Nga nhận vào trang bị chiếc tàu đầu tiên của lớp 1166.1 là Tatarstan và dùng làm kỳ hạm của Hạm đội Caspi; chiếc thứ hai Dagestan nhận vào trang bị năm 2009. Cuối thập niên 1980, ZPKB đã thiết kế serie tàu Gepard (Gepard 1, Gepard 2, Gepard 3, Gepard 4 và Gepard 5) dựa trên thiết kế lớp 1166.1 để xuất khẩu.
Các tàu Gepard-3.9 đời mới được đóng tại Nhà máy đóng tàu Zelenodolsk mang tên Gorky có thiết kế tiên tiến, áp dụng công nghệ tàng hình, nhiều trang thiết bị trên boong được đưa vào trong tàu và được trang bị các loại vũ khí tiên tiến nhất của Nga hiện nay, trong đó có hệ thống phòng không Palma-SU, hệ thống tên lửa Uran và trực thăng Ka-28. Hệ thống bảo đảm sinh hoạt cho thuỷ thủ đoàn 103 người được cải tiến đáng kể, lắp đặt hệ thống điều hoà không khí mới.
Gepard-3.9 có lượng giãn nước 2.100 tấn; chiều dài 102,2 m; chiều rộng 13,1 m và mớn nước 3,8 m. Hệ thống động lực kết hợp diesel-turbine khí có tổng công suất 20.000 mã lực, cho phép tàu đạt tốc độ 28 hải lý một giờ (52 km một giờ), khả năng hoạt động độc lập 20 ngày đêm, cự ly hành trình gần 5.000 hải lý với tốc độ 10 hải lý một giờ. Ở đuôi tàu có sân đỗ cho một trực thăng Êà-27 (hoặc Ka-28, Êà-31). Nhiệm vụ chính của các loại trực thăng này là chống ngầm.
Vũ khí hiện đại, uy lực mạnh
Gepard-3.9 được trang bị tổ hợp vũ khí hiện đại gồm: hệ thống tên lửa chống hạm Uran gồm bốn bệ phóng với 4 ống phóng với 16 tên lửa chống hạm Kh-35E, một khẩu pháo 76,2 mm ÀÊ-176Ì ở mũi tàu dùng để tác chiến chống mục tiêu mặt nước, mặt đất và máy bay bay thấp, có tốc độ bắn 60-120 phát mỗi phút, tiêu diệt mục tiêu ở cự ly trên 15 km và bay cao 11,5 km; ba hệ thống tên lửa-pháo phòng không cao tốc Palma và hai súng máy 14,5 mm; hai hệ thống phóng lôi với hai ống phóng 533 mm và một bệ phóng có 12 ống phóng bom phản lực chống ngầm RBU-6000.
Vũ khí đáng sợ nhất của Gepard-3.9 là 3M24 (Kh-35) Uran, NATO gọi là SS-N-25 Switchblade, loại tên lửa chống hạm dưới âm, bay sát mặt biển, sử dụng hệ dẫn quán tính giai đoạn bay giữa và radar chủ động giai đoạn cuối.
Uran có hình dáng và tính năng tương tự loại tên lửa chống hạm chủ lực của Hải quân Mỹ là AGM-84 Harpoon. Tên lửa Uran có chiều dài 4,2 m; đường kính 0,42 m, trọng lượng 630 kg, đầu đạn 145 kg, tầm bắn 5-130 km, tốc độ tối đa 0,9M. Ngoài biến thể 3M24 Uran SS-N-25 Switchblade trang bị cho tàu chiến, Nga còn chế tạo các biến thể phòng thủ bờ biển 3K60 (3M24M) Bal/Bal-E (SSC-6 Stooge) và biến thể lắp trên máy bay Kh-35U (AS-20 Kayak).
Hệ thống tên lửa - pháo phòng không Palma có thể tác chiến chống máy bay và trực thăng, bom, tên lửa hành trình chống hạm, tàu nhỏ và mục tiêu nhỏ trên bờ.
Những vũ khí hiện đại tối tân trong kho tàng vũ khí của Hải quân Nga đã giúp cho quân đội Nga có được sự tự tin và dũng mãnh trong công cuộc bảo vệ đất nước khỏi những thế lực tấn công.
(Tổng hợp từ Báo chí Nga)