Những lãng tử cuối cùng của đất Hà Thành:

Hậu duệ của chúa Trịnh: Lạc chân vào cõi phiêu bồng

Thứ Năm, 03/03/2011, 15:57
Quần bò, mũ phớt và áo phông rộng khiến Trịnh Đình Tiến chẳng có vẻ gì giống một "lão già" đã bước vào tuổi bảy mươi ba. Ngày ngày ông vẫn bù khú với bạn bè ở những quán ruột. Tao nhã thì làm tách cà phê, muốn thưởng cái ồn ào phố xá thì kéo nhau đi làm chầu bia hơi vỉa hè. Thời gian còn lại ông dành cho nhiếp ảnh.
>> Dại điên, mê đắm… Hoàng Hồng Cẩm

Gần nửa thế kỷ song hành cùng nghiệp ảnh giờ ông đã thành một người "giàu có" khi đang sở hữu một kho tư liệu ảnh vô giá. Những lúc rảnh rỗi ông thường ngồi một mình lần giở lại gia sản, coi đó như một thú vui khi tuổi già đang sầm sập đến.

1. Ít ai biết rằng ông chính là hậu duệ đời thứ mười của chúa Trịnh Căn và là con trai của ông hoàng thủy tinh xứ Đông Dương Trịnh Đình Kính. Thuở thiếu thời được sống trong nhung lụa, chưa một lần nếm trải sự lầm than. Có lẽ vì thế chăng mà tính tình của chàng trai Hà Nội này lúc nào cũng trên mây trên gió. Thích ciné và luôn nuôi trong lòng mộng ước một ngày nào đó sẽ trở thành một nhà sản xuất phim.

Thế nên dù cha Tiến một lòng muốn đứa con trai mình theo nghiệp thủy tinh nhưng Tiến đã nhất mực chối từ. Tiến không muốn dựa bóng cha, cũng không muốn đi theo con đường mà cha đã dọn sẵn. Tiến muốn tự tìm cho mình một lối đi riêng. Lối đi ấy dù gặp nhiều chông gai nhưng thỏa được mơ ước bao ngày ấp ủ. Tuổi trẻ với biết bao hăng hái và nhiệt huyết. Tiến vừa học quay phim vừa xin đi phụ quay cho các đoàn làm phim. Tình yêu phim ảnh căng đầy, vượt đèo, lội suối chẳng quản gian nan. Bởi đó là niềm đam mê, là lẽ sống của chàng trai đất Hà Thành khi ấy.

Người ta nói sinh nghề, tử nghiệp, dù không bị mất đi tính mạng nhưng chàng trai trẻ ngày ấy đã phải hiến dâng một bên mắt của mình cho một tai nạn nghe thì có vẻ chẳng liên quan gì lắm đến cái nghề mà Tiến theo đuổi. Lần đó, Tiến đi theo phụ quay cho bộ phim "Vợ chồng A Phủ". Đang quay thì phim hết, đạo diễn cử Tiến đi lấy bản nối phim cho đoàn.

Trịnh Đình Tiến đã may mắn khi chộp được khoảnh khắc Nhạc sĩ Văn Cao và vợ trao nhau cái nhìn tình tứ.

Hồi đó phương tiện đi lại không đa dạng như bây giờ, nhất lại là đối với loại địa hình đồi núi hiểm trở thì ngựa luôn là sự lựa chọn tốt nhất. Tiến lên ngựa, muốn phi thật nhanh để khỏi làm lãng phí thời gian của cả đoàn làm phim nhưng con ngựa bỗng giở chứng bất kham. Nó hất Tiến xuống và đá thẳng vào bên mắt trái. Sau tai nạn ấy Tiến đã phải điều trị và dưỡng thương rõng rã suốt hai năm trời và con mắt bên trái gần như không nhìn thấy gì.

Hoài bão trở thành một nhà quay phim đành lỡ dở. Bởi từ cổ chí kim nào đâu thấy ai bị hỏng một mắt mà vẫn trở thành nhà quay phim giỏi. Tiến vẫn nhớ như in cái cảm giác đau đớn đến điên dại khi biết chắc rằng chẳng còn cơ hội nào để mình thực hiện ước mơ. Cái ước mơ ấp ủ và nuôi lớn Tiến suốt tuổi thơ giờ trở nên diệu vợi.

Tiến mất thăng bằng và mang trong người cảm giác mình là người vô dụng. Vô dụng bởi lẽ đã không thể theo đuổi được mộng ước lớn nhất của đời mình. Đã thế bạn bè đến chơi nhiều đứa còn vô tâm chọc vào nỗi đau của Tiến. Chúng nó trêu rằng: "Mất một mắt thì về vườn kiếm ăn thôi".

2. Dù không muốn nhưng đó là sự thực. Không thể theo đuổi giấc mộng phiêu diêu nay đây mai đó, phiêu bạt khắp nơi để quay những thước phim đẹp nhất, giá trị nhất để lại cho đời. Tiến về "vườn". Cái vườn ấy chính là Trại sáng tác ở phố Châu Long. Nhưng trong cái rủi lại có cái may. Cái may ấy chính là Tiến đã tìm được một nửa đích thực cho trái tim cô đơn của mình.

Ngày ấy, Tiến làm quản lý cho trại sáng tác nên thường xuyên phải đặt cơm ở căng tin của Trại. Bỗng một hôm có một cô gái với vẻ đẹp trong ngần và thánh thiện bước vào căng tin. Vẻ đẹp của người con gái ấy đã đánh thức sự say ngủ trong nỗi đau bị cướp đi lý tưởng phấn đấu của Tiến.

Kể từ khi ấy chàng trai Hà Nội cứ thấp thỏm, mong ngóng sự có mặt của cô gái xa lạ. Hỏi ra mới biết cô ấy chính là em gái của người cấp dưỡng trại sáng tác nơi Tiến làm và đang là nữ sinh Trường Phan Châu Trinh. Đặt quyết tâm chinh phục người con gái ấy, dù biết rằng một người đẹp như thế sẽ có rất nhiều vệ tinh bao quanh. Và rồi một ngày đẹp trời, người con gái ấy đã đỏ mặt thẹn thùng khi nhận được lời tỏ tình lãng mạn của Tiến. Kể từ đó họ yêu nhau.

Có những buổi chiều hè cô gái cứ mải miết dọc theo đường Hoàng Diệu nhặt từng bông hoa gạo đem về lấy bông dệt gối tặng người yêu đi xa. Khi ấy, Trịnh Đình Tiến lại một lần nữa thi vào học lớp quay phim khóa 4 của trường Điện ảnh.

Có lẽ chủ nghĩa xê dịch đã ngấm vào từng đường gân thớ thịt của chàng trai Hà Nội. Không được di chuyển nay đây mai đó, đôi chân Tiến như phát cuồng và tâm hồn Tiến như bị ai đóng khung. Cái tâm hồn mộng mơ kia rất cần có không gian khoáng đạt để thỏa sức bay bổng với gió, với mây và với bạt ngàn cây cỏ.

Trịnh Đình Tiến đã may mắn khi chộp được khoảnh khắc Nhạc sĩ Văn Cao và vợ trao nhau cái nhìn tình tứ.

Và cứ mỗi lần từ nơi xa trở về Hà Nội, chàng thanh niên ấy lại không quên gói ghém một kỷ vật nào đó mang về tặng người yêu. Khi là một bó hoa cúc quỳ rực nở, khi là một giò phong lan thanh khiết và đôi khi chỉ là một hòn đá đổi màu. Những thứ phi vật chất ấy lại là chất xúc tác để nuôi lớn tình yêu của đôi trẻ.

Nửa thế kỷ trôi qua, họ kề vai sát cánh bên nhau, chia sẻ với nhau những buồn vui đau khổ. Từng ấy năm rồi, vậy mà khi nói về người bạn đời, đôi mắt ông vẫn lấp lánh tình yêu thương và sự hàm ơn toát lên qua từng lời kể. Ông nói nếu không có bà ấy chịu thương chịu khó, nhịn ăn nhịn tiêu hy sinh cho cái thú của chồng thì ông chẳng bao giờ có được như ngày hôm nay.

3. Cuộc đời luôn không như ta muốn. Lại một lần nữa Trịnh Đình Tiến phải gác lại giấc mơ trở thành nhà quay phim. Lần này không phải vì khiếm khuyết của bản thân mà phần nhiều là do cơ chế. Tiến ngộ ra rằng, dù có cố thì Tiến mãi cũng chỉ là một chân chạy giấy mà thôi. Nghiệm ra chân lý ấy nên dù rất đau đớn nhưng Tiến vẫn phải khép lại giấc mơ.

Khi không thể trở thành nhà quay phim, cũng không thể trở thành đạo diễn thì chiếc máy ảnh như một sự cứu rỗi đối với con người này. Dù phải vác máy ảnh đi hành nghề với chức năng như cái cần câu cơm (bởi lúc này Tiến không chỉ phải nuôi mình, nuôi vợ mà còn phải nuôi cả bốn đứa con thơ) nhưng vẫn thỏa mãn cái thú được ngắm, được di chuyển của mình. Ông là một trong số rất ít những người khai mở phong trào chụp ảnh ở vườn hoa Thống Nhất. Ông nhớ rằng mình đã phải sát hạch ghê lắm vì chụp ảnh khi đó được coi như một nghề đặc doanh (kinh doanh đặc biệt).

Phải chụp ảnh để làm kế sinh nhai, chứng kiến những giây phút quan trọng của con người từ khi họ cất tiếng khóc chào đời cho tới khi đậy nắp ván thiên nhưng Trịnh Đình Tiến cũng không quên tự thưởng cho bản thân bằng việc ghi lại những khoảnh khắc mà mình thích. Từ những cổng chào Hà Nội đến cảnh uống bia ở vườn hoa Cổ Tân. Từ hình ảnh các văn nghệ sĩ ngồi túm năm tụm ba uống cà phê gánh Lâm khói (tên một người bán cà phê gánh nổi tiếng ở phố Nguyễn Hữu Huân) đến hình ảnh cố nhạc sĩ họ Trịnh đứng trước gương ngoài hành lang Nhà hát lớn chỉn chu trang phục và đầu tóc trước khi lên biểu diễn…

Có những tấm ảnh giờ trở thành chứng nhân lịch sử. Thế hệ như chúng tôi nếu không nhìn vào những bức ảnh ông chụp nào mấy ai biết được chợ Đồng Xuân trước khi bị cháy ra sao? Những chuyến tàu điện leng keng cuối cùng trước khi bị dỡ bỏ thế nào? Trong cuộc triển lãm “Ống kính người Hà Nội chụp giải phóng Thủ đô”  (năm 2005) nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Thủ đô thì ông là nhà nhiếp ảnh trẻ nhất trong số 8 nhiếp ảnh gia góp mặt tại triển lãm.

Vì là người Hà Nội nên ông yêu quý mọi thứ thuộc về Hà Nội. Trong kho tư liệu ảnh của mình ông có vô vàn những bức ảnh về cuộc sống, sinh hoạt của người Hà Nội xưa. Từ các thiếu nữ Hà Nội qua từng thời kỳ đến các thú chơi tao nhã của người Hà Nội đều được ông ghi lại và lưu giữ khá đầy đủ trong bảo tàng của riêng mình. Trịnh Đình Tiến vẫn mong sớm có một ngày được công bố kho tư liệu ảnh ấy để mọi người cùng thưởng thức. Vì đối với một nghệ sĩ nhiếp ảnh như ông "chụp được một bức ảnh đẹp cũng giống như nhà văn viết được một câu văn hay. Sướng vô cùng".

Đã bước vào cái tuổi xưa nay hiếm nhưng sự mê đắm, say sưa với nhiếp ảnh thì vẫn vẹn nguyên như ngày nào. Với ông nhiếp ảnh giờ không đơn thuần là nghề mà nó đã trở thành nghiệp, thành "đạo" lúc nào không hay. Giống như một con chiên ngoan ngoãn, luôn nghiêng mình kính cẩn trước cái đạo mà mình đã chọn. Cái đạo ấy đã khiến ông sống không chỉ cho riêng mình mà còn muốn dâng hiến cho cuộc đời những gì tinh túy nhất…

Ngọc Anh – CSTC tuần số 47
.
.
.