Giáo dục đầu năm: Sốc với khoản thu lên tới 100 triệu đồng

Thứ Hai, 26/09/2011, 16:15
Cứ vào đầu năm, khi công bố các khoản thu đầu năm, các bậc phụ huynh lại không khỏi lo lắng, sốt ruột vì sự gia tăng khoản thu, gia tăng con số đóng góp thỏa thuận…

Một trường tiểu học bán quốc tế ở Hà Nội đóng khoản thu đầu năm lên đến 100 triệu đồng, tiền đóng học tính bằng đô la Mỹ. Đó là con số "khủng" làm nóng dư luận những ngày đầu năm học mới. Phải là gia đình thật sự giàu có mới dám cho con học trường đó. Còn hầu hết phụ huynh, do phụ thuộc vào kinh tế chỉ mong cho con học ở trường công lập - nơi có môi trường học và chi phí học bình dân nhất.

Mặc dù vậy, cứ vào đầu năm, khi công bố các khoản thu đầu năm, các bậc phụ huynh lại không khỏi lo lắng, sốt ruột vì sự gia tăng khoản thu, gia tăng con số đóng góp thỏa thuận…

Lạm dụng công nghệ thông tin - phụ huynh nghèo cũng phải chạy đua

Sự kiện 6 lớp 1 ở một trường tiểu học thuộc quận Ba Đình, Hà Nội trong năm học 2011-2012 đồng loạt chuẩn bị mua "bảng tương tác" (còn gọi là bảng cảm ứng) dù mới "chân ướt chân ráo" vào học đã gây xôn xao trong giới phụ huynh, học sinh. Đây là sự việc "sốt xình xịch" trong năm học này bởi bảng tương tác là thiết bị công nghệ thông tin hiện đại, mà trường nào trang bị phương tiện này thì càng chứng tỏ đẳng cấp của mình.

Vì thế mà một số công ty bán loại bảng này đã nhanh chân "chen" vào trường học để quảng bá và lẽ dĩ nhiên là phải có sự đồng ý của nhà trường. Làm phép tính, một chiếc bảng tương tác có giá 80 triệu đồng, nếu một lớp 40 học sinh thì mỗi em phải đóng tới 2 triệu đồng. Đối với những gia đình thu nhập thấp hoặc trông vào đồng lương công chức thì tiền mua bảng, tiền đóng đầu năm đã mất đứt một tháng lương.

 Điều khiến người ta đặt câu hỏi ở đây là vì sao phụ huynh của cả 6 lớp 1 đã đồng loạt ký tên vào danh sách mua bảng tương tác khi con mình vừa mới bước vào năm học mới? Nếu không có sự "gợi ý" thì liệu các phụ huynh có biết đến thiết bị này hay không? Và khi nhiều phụ huynh trong lớp đã "đồng ý" thì những người còn lại đành phải nghe theo, dù không có tiền cũng vay mượn để con họ khỏi bị đẩy ra ngoài cuộc. Mấu chốt ở đây là liệu với các học sinh lớp 1, khi bây giờ còn đang học chữ cái, học đánh vần thì bảng tương tác có thực sự cần thiết hay không?

Câu chuyện về bảng tương tác lại cho chúng ta nhớ đến "cơn sốt" mua máy chiếu trong năm học 2010-2011 và vẫn lan mạnh trong năm nay. Dưới danh nghĩa cha mẹ phụ huynh tự nguyện đóng góp, nhưng một chiếc máy chiếu có giá từ 35 triệu đến 70 triệu đồng cũng là xa xỉ.

Có nơi, việc học máy chiếu là do sự gợi ý của giáo viên với Ban Phụ huynh lớp để vận động các bậc cha mẹ khác, sau đó đưa ra cuộc họp phụ huynh. Nhiều phụ huynh chỉ dám phản đối hoặc cho rằng không cần thiết với nhau, nhưng đến khi họp phụ huynh đầu năm, vấn đề mua máy chiếu được đưa ra thì vẫn bấm bụng "đồng ý". Tâm lý sợ con bị "trù" dẫn đến những khoản thu dù biết là vô lý, biết là cao nhưng phụ huynh vẫn đồng ý.

Tại một trường tiểu học dân lập ở huyện Từ Liêm, Hà Nội, trung bình mỗi tháng phụ huynh phải chi 4,7 triệu đồng cho con. Học phí đã cao, nhưng nhà trường lại đề nghị phụ huynh đóng 3 tháng một lần tất cả các khoản. Cách thu này đã gây bức xúc lớn cho phụ huynh. Nhưng họ đành chấp nhận vì muốn cho con học ở ngôi trường được coi là trường điểm này.

Mặc dù những trường thu mức giá "khủng" công khai số tiền để phụ huynh "liệu cơm gắp mắm", đủ khả năng thì cho con học, nếu không thì chuyển trường khác. Nhưng ở các trường công lập, người dân không còn lựa chọn nào khác cho mức thu nhập bình dân thì cũng phát sinh nhiều khoản thỏa thuận tế nhị. Năm nay, các trường lấy cớ lạm phát để tăng mức thu của nhiều khoản thỏa thuận, tự nguyện.

Ví dụ như một số trường THCS công lập ở quận Hoàn Kiếm thu quỹ lớp lên tới 1,5 đến 1,8 triệu đồng/học sinh. Thậm chí một trường mầm non chất lượng cao còn yêu cầu nộp học phí 3 tháng một và đóng tiền xây dựng cơ sở vật chất trong 3 năm học luôn một lần. Có lớp 1 của một trường tiểu học ở quận Thanh Xuân, cô giáo kê cả tiền phụ đạo toán và tiếng Việt một tháng lên tới 225.000đ/học sinh.

Thu "thoả thuận" nhưng không được lựa chọn

Năm nào cũng vậy, cứ bước vào năm học mới là phụ huynh lại "phát sốt" về các khoản thu đầu năm. Những khoản thu trong quy định không nói làm gì, cái đáng bàn ở đây là những khoản thu được gọi là "thoả thuận" mà cha mẹ phải đóng góp. Ngoài phải lo đóng tiền cơ sở vật chất, tiền học phẩm họ còn phải đóng nhiều khoản quỹ như quỹ lớp, quỹ cha mẹ học sinh… Đối với gia đình thu nhập thấp, có hai con đang đi học, việc lo đóng các khoản tiền tự nguyện này đã là cả một gánh nặng.

Đầu năm học, phụ huynh “lên cơn sốt” vì các khoản thu.

Hai chữ "thoả thuận" hay "tự nguyện" nói cho "oai" chứ thực ra nhiều bậc phụ huynh bị đẩy vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Các khoản thu tự nguyện nhà trường đều đưa ra một mức giá, buộc các phụ huynh chỉ có "đồng ý" hay "không đồng ý" mà không có sự lựa chọn khác. Ví dụ ở một trường mầm non xa trung tâm, nhà trường ấn định một mức tiền ăn bán trú cho trẻ là 13.000đ/trẻ, trường khác thì đưa ra mức giá 17.000đ/trẻ.

Phụ huynh buộc phải gửi con ăn bán trú đành đánh dấu vào ô "đồng ý". Đối với trường ở khu vực nội thành thì đây không phải là vấn đề. Nhưng với con nhà nông dân, họ mong số tiền đóng ít hơn thì cũng không có sự lựa chọn khác, đành ký đồng ý với mức gọi là "thỏa thuận" này. 

Chị Nguyễn Thị Hương, ở quận Tây Hồ cho biết: "Lấy lý do trượt giá, các mức thu năm nay của trường đều tăng so với năm ngoái. Ví như tiền cơ sở vật chất năm ngoái đóng 200.000đ, năm nay nhà trường tăng lên 300.000đ, lấy ý kiến phụ huynh. Chúng tôi một là đồng ý, hai là không, chứ nhà trường không đưa ra một số mức để phụ huynh lựa chọn".

Còn một phụ huynh khác cũng ở Tây Hồ phản ánh: "Vì trượt giá nên năm nay quỹ cha mẹ học sinh tăng từ 200.000đ lên 300.000đ. Nhưng chúng tôi không hiểu thu quỹ này để chi vào các hoạt động gì mà phải đóng góp nhiều thế khi Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có thông báo không chi quỹ Ban đại diện cha mẹ học sinh vào các hoạt động như thưởng cho giáo viên… vào ngày lễ".

Thoả thuận thu đầu năm nhưng hết một học kỳ phải có thông báo kê khai chi tiết các khoản thu để phụ huynh biết được số tiền mình đóng cho con đã được chi vào việc gì, nhưng không phải khoản nào cũng được công khai minh bạch. Rất nhiều ý kiến thắc mắc được phản ánh.

Ví như một trường mầm non ở quận Tây Hồ, cứ đầu năm học là thu tiền xây dựng cơ sở vật chất, nhưng mấy năm nay không những không trang bị thêm đồ chơi mới, thậm chí những con đu quay gãy cả tay nắm, nguy hiểm đến hoạt động vui chơi của các cháu vẫn không được thay. Hay việc lớp học đã có điều hoà rồi, nhưng các cháu nhà trẻ vào nhập học lại phải đóng tiền mua điều hoà. Vậy tiền này để làm gì?

"Chấn chỉnh lạm thu" như thế nào?

Ngày 23/8/2011, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ban hành Văn bản số 5584/BGDĐT-KHTC gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nhằm "chấm dứt tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục". Theo đó, Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo, kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

Những khoản đóng góp được thỏa thuận giữa nhà trường và cha mẹ học sinh để thực hiện một số nhiệm vụ thay cha mẹ học sinh (CMHS) trong công tác nuôi, dạy học sinh như: tiền ăn, tiền chăm sóc bán trú, tiền nước uống… nhà trường phải thỏa thuận với phụ huynh học sinh về chủ trương, công khai mức thu, nội dung chi đảm bảo nguyên tắc thu đủ bù chi.

Một trong những nội dung chấn chỉnh của công văn trên quy định mức thu phí hoạt động của Ban đại diện CMHS do cuộc họp đầu năm học của cha mẹ học sinh quyết định, không sử dụng để hỗ trợ các hoạt động dạy học và giáo dục, khen thưởng cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường. Việc chi tiêu phải được lập kế hoạch và công khai kết quả sử dụng tại cuộc họp cuối học kỳ, cuối năm học.

Ngay sau khi Bộ GD&ĐT có văn bản trên, các Sở GD&ĐT cũng ban hành văn bản chấn chỉnh lạm thu gửi tới từng trường học. Tuy nhiên, nội dung chấn chỉnh cũng chỉ chung chung chứ không cụ thể từng hạng mục khiến cho các trường vẫn có cơ hội vận động nhiều khoản thu thỏa thuận.

Nhất là trong văn bản chấn chỉnh, Bộ vẫn có hướng mở cho nhà trường là: "Khuyến khích đóng góp tự nguyện của các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân để hỗ trợ cơ sở vật chất nhà trường". Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT và các Sở GD&ĐT cần làm chi tiết hơn, bởi đối với các trường học công lập, cơ sở vật chất nhà trường đã được nhà nước đầu tư, việc huy động đóng góp tự nguyện trong trường hợp này phải xem xét lại cụ thể.

Đã thành thông lệ nhiều năm nay, cứ vào đầu năm mới, phụ huynh lại chuẩn bị một khoản tiền không nhỏ để đóng góp cho con đến trường. Trong Văn bản số 73666/SGD&ĐT-KHTC, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng yêu cầu các trường không được thu gộp nhiều khoản vào đầu năm. Nhưng, gần như toàn bộ các trường học vẫn thu theo kiểu: "đúng hẹn lại lên" vào đầu năm học mới.

Trường Việt - Úc Hà Nội công khai các khoản thu trên website vashanoi.edu.vn: Học phí 10 tháng đối với Tiểu học: 61,950 triệu đồng (~ 3.000USD); lớp 6, 7, 8: 72,275 triệu đồng (~ 3.500USD); lớp 9: 74,340 triệu đồng (~ 3.600USD); lớp 10, 11: 80,535 triệu đồng (~3.900USD); lớp 12: 82,6 triệu đồng (~ 4.000USD). Các khoản phí bắt buộc: Phí ghi danh tiểu học: hơn 1 triệu đồng, phí giữ chỗ hơn 10 triệu đồng, quỹ hỗ trợ phát triển trường hơn 7 triệu đồng.

Tuy nhiên, có một quy định khá đặc biệt là: "Các khoản phí không thanh toán đúng hạn sẽ chịu lãi với lãi suất 10%/năm kể từ ngày đến hạn nhưng không được chậm quá 30 ngày…". Các khoản phí giữ chỗ, học phí, quỹ hỗ trợ phát triển trường phải nộp khi làm thủ tục nhập học. Các loại tiền khác như tiền học phí khuyến khích nộp một lần, cũng có thể nộp 2 lần vào đầu mỗi học kỳ với điều kiện phải cộng thêm 5%. Tiền ăn trưa và xe đưa đón được nộp 2 lần vào đầu mỗi học kỳ…

Chúng tôi đã liên hệ với hiệu trưởng một số trường học ở Hà Nội, đặt vấn đề về các khoản thu, đặc biệt là khoản thu tự nguyện đều bị từ chối trả lời. Có hiệu trưởng trả lời câu hỏi của phóng viên qua điện thoại nhưng không đồng ý gặp làm việc trực tiếp và yêu cầu không đưa nội dung trao đổi lên báo. Có vẻ, vấn đề này đang quá nhạy cảm!

Trung Dũng - Mạnh Tuấn – CSTC tuần số 76
.
.
.