Giá trị sống - sinh mạng và nỗi lo quá tải!

Thứ Năm, 11/08/2011, 09:08
Mấy đêm hè nóng như thiêu như đốt vừa qua, nhiều người dân Hà Nội trong cuộc cũng như ngoài cuộc đều phát sốt khi thấy cảnh các bậc phụ huynh thức trắng đêm để xin cho con nhỏ, những công dân tương lai của Tổ quốc được ghi danh vào lớp một. Tình hình nóng bỏng và bức xúc đến mức, nhiều cử tri Hà Nội đã chính thức phản ánh với chính quyền thành phố về vấn nạn có tầm vóc ngoại hạng dành cho cả những công dân còn quá nhỏ này.

Vấn đề là gì? Tại sao cả người trong cuộc thức thâu đêm xếp hàng, lẫn người đứng ngoài nhìn thấy cảnh tượng đó đều cảm thấy tầm quan trọng nhức nhối của nó? Bởi vì người ta nghĩ, trời ơi, giáo dục mầm non, tiểu học là giáo dục hạ tầng đầu tiên sơ khai nhất, một điều kiện tiên khởi của con người, chứ có phải vấn đề du học quốc tế hay ẵm giải thế giới gì cho cam, vậy mà các bậc phụ huynh đã phải khổ nhọc thế này?!

Khổ nhọc ư, khổ nhọc mà được việc, là việc lo cho tương lai của con cái thì cũng cam, nhưng khổ nhọc cũng chẳng chắc gì được việc, như vậy không chỉ thức trắng đêm công cốc, mà ngay cả tương lai của con nhỏ cũng thành công cốc, thì sao yên lòng được. Vì sao? Danh sách lớp một có hạn, đã có xếp hàng từ đêm chắc hẳn thể nào cũng có chen ngang, giống như mua vé ôtô ngày xưa, chiếc xe có dăm bảy chục ghế ngồi, mà vừa bán vài vé lấy lệ, người bán vé đã tuyên bố "hết vé".

Giống vậy, xếp hàng hồi hộp vô cùng, nhìn số người xung quanh, mới đầu những tưởng, dù trước hay sau con ta cũng đến lượt thôi. Nào ngờ, người khôn của khó, trường tiểu học thì ít, bao nhiêu năm chẳng thấy xây thêm cái nào, trong khi đó dân số tăng vù vù, lại thêm những người nhập cư ào ào đổ về thành phố tìm công ăn việc làm.

Một công dân tương lai phải có những bước đi đầu tiên vững chắc.

Người ít tiền còn đi xếp hàng nghĩa đen, còn người có quyền có tiền, thì người ta đã dùng chước "đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn" xếp hàng trước cả lúc điểm danh trên giấy, thì làm sao đến lượt con mình? Đành vậy, đành đi xa thêm một tí cho con học ở trường khác vậy. Nhưng đến đó thì cảnh xếp hàng vẫn tiếp tục, bởi vì cũng có quá nhiều người "đành vậy" đang xăm xăm lao đến.

Ôi, thật là não lòng! Thật lo lắng! Thật tan nát… Làm sao ăn ngon ngủ yên đây, khi đứa nhỏ "trẻ cậy cha" đang nhờ cậy tuyệt đối vào cha mẹ, nhưng chỉ có cái việc đầu tiên nhất, việc ghi danh cho con đi học những con chữ bài hát hay điệu múa đầu tiên, ta đã lo lắng đi xếp hàng từ đêm trước mà vẫn không "mua được vé". Con ta nếu không mua được vé xe đò, nó hẳn phải đi bộ, trong thời đại tiến bộ "thắng một ly đã đi vạn dặm" này, nó lại phải lủi thủi cuốc bộ để con cái nhà khác vượt xa, thì khổ nhục làm sao?!

Người đời nói "vạn sự khởi đầu nan", cái sự khởi đầu mà ta không lo được cho con cái của mình, đứa trẻ không có được quyền lợi giáo dục tối thiểu thuộc về nó như tất yếu phải vậy, xã hội không làm tròn trách nhiệm của nó trước những công dân tương lai bé bỏng còn chưa biết cả sự vòi vĩnh đầu tiên "con không khóc, xã hội không chu cấp cho giáo dục", thì đó có phải là một vấn đề cam go nhức nhối tồn tại ngay từ bước chân nhỏ bé đầu tiên muốn bước vào xa lộ cuộc đời vạn dặm chông gai?! Mối quan tâm của mọi người trở nên căng thẳng rằng: cái việc nhỏ bé như vậy, việc lo cho những đứa trẻ con mà cha mẹ, gia đình, rồi xã hội còn không lo được , nói gì đến những thứ cao…

Người đời có câu "lúc nhỏ không học, lúc lớn chẳng biết làm gì!". Đúng vậy, nhỏ không học, tức không được giáo dục để tinh chế cũng như đào tạo kỹ năng làm người, thì làm sao tiến bộ? Cơ quan Liên hiệp quốc cũng đã xác nhận, quyền lợi căn bản tối thiểu thiết yếu của những đứa trẻ sinh ra ở đời là quyền: được nuôi dưỡng về thể chất và được giáo dưỡng về tâm hồn. Mới đẻ ra, mới được hưởng chút sữa và đồ ăn của ông bà hay bố mẹ, nhưng đến cái tuổi đã bi bô học nói học cười, đi đăng ký ghi danh vào lớp mẫu giáo đã thiên khó vạn nan như vậy, thậm chí còn bất khả, thử hỏi những đứa trẻ sẽ được giáo dưỡng tâm hồn cách nào?

Người xưa có câu "giết vua, giết cha không phải là việc xảy ra trong một ngày", có nghĩa là mọi việc lớn đều có âm mưu, ý đồ của nó. Còn việc giáo dục của chúng ta, xét theo khía cạnh nhân quả, thì không phải nó chỉ xảy ra vào vài cái đêm các phụ huynh thức trắng lo lắng xếp hàng, mà nó là kết quả tồn đọng của rất nhiều vấn đề.

Phụ huynh phải chầu chực qua đêm để đăng ký cho con mình vào tiểu học.

Chẳng hạn, vấn đề giản dị như in sách giáo khoa, ở các nước tiên tiến hầu như được soạn thảo cẩn thận và bất dịch, làm cho đứa lớn có thể để lại sách cho đứa bé mà không cần phải in lại sách mới, gây lãng phí lớn, nhưng ở ta thì không, lãng phí thế nào không cần biết, người ta chỉ cần mỗi năm được in một bộ sách mới bán thả cửa để còn thu tiền tươi. Các vấn đề như cải cách sách lớp một hay biên soạn sửa đổi sách giáo khoa, hoặc bỏ bớt kỳ thi… tất cả hầu như không được bàn thảo một cách có luận cứ, mà cứ bôi lây nhây ra để giải ngân nhiều hơn là để được việc.

Ngay cái việc dạy và học thêm là thứ phơi sờ sờ trước mắt không dễ gì giấu giếm, nhưng người ta cứ bàn qua tán lại nhiều lần úm ba la như thể đang lập kế hoạch bắt gián điệp vậy. Vấn đề chính là ở chỗ, khi người ta hành xử cái gì cũng đặt lợi ích, lợi nhuận của cơm áo lên trên, thì người ta sẽ biện hộ đến cùng cho nó, cho dù đó là thứ đánh trận giả hay phi lý thế nào.

Kiếm lợi, vụ lợi, trục lợi, đó chính là những chìa khóa của cái gọi là kinh tế thị trường, đó cũng chính là sự lên ngôi của tiền bạc đem theo sự lao dốc của đức hạnh. Bất động sản đã leo thang trên nhiều cơn sốt, thậm chí nếu nó không sốt thì người ta còn quất cho nó tả tơi trong những cơn sốt giả mong biến ví tiền nở phồng thành túi ba gang.

Bao nhiêu công trình mọc lên, không phải với mục đích phục vụ cuộc sống mà phục vụ màn ảo thuật của đồng tiền, làm sao hóa ba hóa bảy, những cao ốc lao nhanh lên mây, mặc cho không có điện, đường, trường, trạm, không có cả bãi để đậu xe, mà nếu có bãi đậu thì đó là một cuộc làm giá kinh hoàng dành cho những người có ví của đại gia… Tóm lại, tất cả đều nhanh chóng tăng tốc độ chạy tới cuộc lôi kéo chiếc ví của người giầu.

Chẳng hạn, nếu nhìn thấy một tòa nhà đang mọc lên, người ta sẽ hỏi: đó là tòa nhà nào vậy? Một trường mẫu giáo dành cho trẻ em ư, hay một bệnh xá dành cho người nghèo? Không! Đa phần đó là những sa lông ôtô hoặc văn phòng cao cấp, để người ta có thể thu hồi vốn nhanh nhất. Còn dành cho trẻ em ư? Những công dân tương lai nghe có vẻ đẹp đấy nhưng lý tưởng đó đến khi nào mới đến? Còn cho người nghèo, ừ còn thời gian mà, cô bác anh chị em hãy ráng đợi, khi nào hết những dự án quan trọng thì sẽ đến lượt người nghèo ngay thôi mà…

Đã là thu lợi tài chính, đồng tiền phải nóng sốt, phải tua vòng, phải chạy điên đảo, có như vậy mới sinh lời nhanh được chứ. Nếu vậy thì phải nhắm vào nào siêu thị, căn hộ cao cấp cho người giầu, sa lông ôtô, ít ra thì xe máy, các nhà hàng, khách sạn siêu sao… Chính thế mà ngay cả giáo dục được gọi là ngành chiến lược của quốc gia, nơi đào tạo ra tầm vóc của quốc gia trong tương lai cũng bị thói vụ lợi tiền mặt bỏ qua thảm hại, đến cả việc mưu cầu một chỗ đi học mẫu giáo cho con cũng khó tìm ra cửa.

Đi học là cái con người có thể chủ động nhằm nâng cao phẩm chất cho đời sống của mình. Nhưng bệnh viện là cái con người hoàn toàn thụ động khi phải qua đó để cứu vãn cuộc sống của mình, như chẳng may gặp tai nạn, chẳng may cơ quan cho đi nghỉ mát, cả trăm con người bỗng ăn phải đồ ăn nhiễm độc, rồi cảm cúm, ốm đau, hoặc bệnh nan y xuất hiện… người ta phải lao vào bệnh viện để tìm cơ hội cứu vãn chính mình, hoặc người thân, bố mẹ, vợ chồng, con cái mình… Nhưng theo thống kê, có nhiều thành phố, số nhà cao tầng mọc lên như nấm, nhưng trong đó con số bệnh viện mới dường như vẫn vẻn vẹn nằm trong hồ sơ cũ.

Bệnh viện luôn quá tải.

Dân số tăng nhanh, các khu lao động phục vụ các khu công nghiệp tăng mạnh, nhưng những bệnh viện qui mô nhỏ bé èo uột ngày xưa dường như mặc kệ tốc độ gia tăng đó, vẫn cứ ì ạch, đứng chôn chân bên những bức tường rêu phong xám xịt… Hai người, ba người, rồi bốn người nằm chung một giường. Những người nằm chung ấy là người nghèo hay người giầu vậy? Xin thưa, dù bệnh viện vẫn chưa cơi nới được bao nhiêu, nhưng hầu hết đã quây một khu cao cấp, cho thuê phòng bệnh nhân như thuê khách sạn, có cả tủ lạnh, lẫn truyền hình cáp… bệnh nhân lẫn người nhà tha hồ mà tĩnh dưỡng. Không hiểu một chỗ như vậy có dành cho người nghèo không?

Mọi sự quá tải tất sẽ phát sinh chủ nghĩa "mắc kê nô", vô cảm, bất cần… Đó chính là bài học về nạn nhân Dương Thị Thu Hiền, 17 tuổi, chết tại Bệnh viện Năm Căn, do khi được đưa đến bệnh viện, các y bác sĩ trực đã không thăm khám cho cô. Sự việc tồi tệ hơn khi dẫn đến, cả đêm 29 sáng 30-6, hàng trăm người đã mang quan tài cô gái này đi trên phố sau đó đập phá bệnh viện, nhà riêng bác sĩ, trụ sở Công an, UBND huyện Năm Căn. Sáng 30-6, cơ quan Công an đã tạm giữ 24 người, giải tán khoảng 1.500 người.

Giáo dục và y tế là hai thứ hệ trọng thiết yếu với người dân, mong rằng tất cả chúng ta đều có tránh nhiệm đừng để nó quá tải hơn những gì đang quá tải, kẻo lại dẫn đến những kết cục quá tải chăng?!

Nguyễn Hoàng Đức - số 50
.
.
.