25 năm sau thảm họa hạt nhân Chernobyl (26.4.1986-26.4.2011) và cái nhìn từ nước Nhật

Fukushima đang nối tiếp về quy mô thảm họa

Thứ Hai, 09/05/2011, 10:58
Một Hội thảo quốc tế với chủ đề: "25 năm sau thảm họa Chernobyl, an ninh của tương lai" vừa diễn ra mới đây tại Kiev (Ucraine). Bên cạnh đó, một hội chợ từ thiện cũng được tổ chức, theo đó chính phủ Ukraine hy vọng quyên góp được 1,05 tỷ USD cho các dự án liên quan tới Chernobyl, trong đó có việc xây dựng một nhà máy mới lưu trữ nhiên liệu đã qua sử dụng.

Thảm họa qua đi-nỗi đau dai dẳng

Bên cạnh các hội nghị, Bộ Tình huống Khẩn cấp Ukraine cũng dự định tổ chức một chuyến thăm quan dành cho báo chí tới khu vực cấm tại Chernobyl và những khu dân cư xung quanh. Khoảng 50 phái đoàn quốc tế tới thăm Ukraine trong "tuần lễ đen" này, trong đó có Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, Tổng giám đốc cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế Yukiya Amano, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso và nhiều nguyên thủ quốc gia khác.

Thảm họa Chernobyl, vụ tai nạn nhà máy điện hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử, xảy ra vào ngày 26.4.1986. Con số thiệt hại về nhân mạng do thảm họa cho đến nay vẫn còn là điều gây tranh cãi. Nó nghiêm trọng hơn nhiều so với sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island của Mỹ vào năm 1979, từng làm một số chất phóng xạ rò rỉ.

Báo cáo năm 2005 của Chernobyl Forum - tổ chức được thành lập bởi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên Hợp Quốc và chính phủ các nước Belarus, Nga, Ukraine đã kết luận rằng, khoảng 50 người, chủ yếu là công nhân trong nhà máy đã chết do phơi nhiễm phóng xạ. Ngoài ra, khoảng 4.000 người khác có thể cũng đã chết sau đó do nhiễm phóng xạ.

Hoang tàn và chết chóc quanh nhà máy điện hạt nhân Chernobyl.

Tuy nhiên, tổ chức Hoà bình Xanh cho rằng, con số thực cao hơn nhiều và lên đến 93.000 người. Trong khi đó, số liệu chính thức cho biết, chỉ có 31 nạn nhân thiệt mạng tức thì sau tiếng nổ. Để khắc phục, một khối bê tông cốt thép trông như một chiếc "quan tài khổng lồ" vội vàng được xây lên để phủ lên chiếc lò phản ứng bị nổ. Nhưng nó đang suy yếu theo thời gian.

Hiện ba tập đoàn Bechtel, Battelle (Mỹ) và Electricite de France (Pháp) đang xây dựng một "ngôi mộ đá" mới gọi là vỏ bọc an toàn mới (NSC). Thiết bị hình mái vòm bằng thép với chi phí khoảng 1,2 tỉ USD từ Quỹ che chắn Chernobyl (CSF), để trùm lên "ngôi mộ đá" cũ. Dự kiến công trình này sẽ hoàn thành vào năm 2013 và có khả năng che phủ lò phản ứng số 4 của Nhà máy Chernobyl, ngăn chặn phóng xạ rò rỉ trong vòng 100 năm.

NSC có độ cao 100m và chiều dài 150m, là công trình di động lớn nhất thế giới. Do phóng xạ ở khu vực nhà máy quá cao nên các kỹ sư phải xây NSC ở khu vực gần đó. Khi hoàn thành, nó sẽ được di dời bằng đường ray để phủ trùm lên lò phản ứng số 4. Nhưng trước khi có các biện pháp khắc phục, chất phóng xạ đã kịp lan từ Ukraine sang nước láng giềng Belarus và nhiều nơi khác ở châu Âu.

Việc giám sát chặt Fukushima vẫn đang được quan tâm.

Chuyến thăm khu vực cấm xung quanh nhà máy hạt nhân Chernobyl ở Ukraine là một trải nghiệm thực tế. Những ngôi làng nằm sâu trong những cánh rừng, bị bao phủ hoàn toàn bởi cây cối mọc tràn lan trong suốt 1/4 thế kỉ đến nay.

Thị trấn Pripyat - quê hương của hơn 50.000 người dân- đã trở nên hoang tàn, những con đường chính từng rất tấp nập nay đã bị tàn phá, những tòa nhà thì bị sụp đổ ngổn ngang. Công viên giải trí được xây dựng tại trung tâm thị trấn để kỉ niệm ngày quốc tế lao động năm 1976 giờ đây trở nên hoang tàn và rơi vào quên lãng.

Nhà máy điện hạt nhân Chernobyl vẫn tiếp tục sản xuất điện thêm 14 năm sau thảm họa và chỉ đóng cửa hoàn toàn vào năm 2000 do sức ép của quốc tế. Một vùng cách ly có bán kính 30km được thiết lập quanh Chernobyl và đây là một trong những điểm nhiễm phóng xạ đậm đặc nhất trên hành tinh hiện nay.

Nguy hiểm từ Fukushima được nâng lên cùng mức của Chernobyl

Mới đây, chính phủ Nhật Bản đã nâng mức độ nguy hiểm của nhà máy điện hạt nhân Fukushima lên cùng mức với thảm họa Chernobyl. Một vài người đã nhận xét rằng, việc mở rộng khu vực cấm xung quanh nhà máy là báo hiệu những ảnh hưởng lâu dài.

Trong nhiều thập kỉ qua, Chernobly được coi là vụ thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử. Nhưng cho đến những ngày gần đây, nó đã không còn giữ vị trí độc tôn thêm nữa. Chính phủ Nhật Bản đã tăng mức độ nguy hiểm của thảm họa hạt nhân Fukushima lên tới mức 7, mức cao nhất của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế và đặt nó ngang hàng với vụ nổ lò phản ứng ngày 26/4/1986 ở Ukraine. "Phóng xạ không ngừng phát tán ra ngoài và mối lo lắng của chúng tôi là nó có thể vượt xa thảm họa Chernobly"- một viên chức từ công ty điện lực TEPCO- nơi điều hành những lò phản ứng hạt nhân của nhà máy Fukushima-thông báo mới đây.

Thảm họa Fukushima được cộng đồng quốc tế đặc biệt quan tâm trong những ngày qua.

Cho đến lúc này, cả công ty điện lực TEPCO và người đại diện của Cơ quan An toàn hạt nhân và Công nghiệp Nhật Bản thêm vào rằng, mức độ cảnh báo mới này là kết quả của những phân tích mới về lượng phóng xạ rò rỉ ra trong những tuần gần đây. Họ giải đáp rằng, điều trên không có nghĩa là sự việc đang trở nên tồi tệ.

Ông Hidehiko Nishiyama, Phó Giám đốc của Cơ quan An toàn hạt nhân và Công nghiệp Nhật Bản nói rằng, lượng phóng xạ mà nhà máy hạt nhân Fukushima phát tán ra trong thời gian gần đây chỉ xấp xỉ bằng 10% so với thảm họa Chernobyl thải ra khí quyển nhờ nỗ lực trung thực về thông tin và sự tận tụy hết mình của các kỹ sư, công nhân…

Thời gian đầu, Nhật Bản chỉ đặt nguy hiểm thảm họa hạt nhân Fukushima ở mức báo động 5 theo mức độ của Tổ chức Hạt nhân quốc tế. Khi thảm họa này tăng lên mức 7, nó sẽ gây ra những ảnh hưởng sâu rộng tới sức khỏe và môi trường. Thông thường, các nhà chức trách có thẩm quyền về vấn đề hạt nhân của đất nước nơi mà thảm họa xảy ra phải có trách nhiệm với những sự cố bất ngờ.

Thảm họa tại nhà máy Three Mile Island (Mỹ) xoay quanh một vụ tai nạn khi lõi của một lò phản ứng bị tan chảy một phần ở Harrisburg, bang Pennsylvania vào năm 1979 đã gây ra mức báo động 5. " Chính phủ Nhật Bản đã phải thừa nhận rằng, lượng phóng xạ phát tán ra ngoài môi trường đã đạt đến một mức độ mới"- ông Tetsu Iguchi, tiến sĩ của Trường Đại học Nagoya đã nói trên tờ báo New York Times.

Phóng xạ phát tán từ thảm họa Chernobyl khiến hàng chục ngàn người vẫn mang trong mình dị tật.

Bên cạnh những khó khăn để làm mát các lò phản ứng hạt nhân tại Fukushima, thu hồi nước làm mát bị nhiễm phóng xạ và bịt kín những lỗ gây rò rỉ chất phóng xạ thì nỗi lo luôn hiện hữu hiện nay là, sự việc trở nên nghiêm trọng hơn khi có hàng loạt cơn dư chấn xảy ra trong vùng vào những ngày gần đây-hãng tin Reuters trích dẫn lời nhận xét của một vài chuyên gia về mức độ tăng cao của sự cố này.

Ông Murray Jennex ở Trường Đại học San Diego, California mới đây đã cho hay, so sánh với thảm họa Chernobyl, không nơi nào có thể đạt tới gần mức độ đó. "Thảm họa Chernobyl thật kinh khủng, nó lan nhanh, các nhà chức trách không có chính sách ngăn chặn và họ hoàn toàn bế tắc. Nhưng tại Nhật Bản, những chính sách để ngăn chặn vụ thảm họa đã và đang được kiểm soát. Việc duy nhất mà họ không kiểm soát được đó là các bể chứa nhiên liệu bị bốc cháy"-Murray Jennex nhận định.

Thiệt đơn thiệt kép

Tuy nhiên, hậu quả tác động lên những vùng đất xung quanh bị ảnh hưởng có thể rất dữ dội. Mới đây, các nhà chức trách thông báo rằng, việc di tản ra khỏi khu vực nhiễm xạ sẽ phải mở rộng ra trong vòng bán kính 20km (12 dặm). Tình hình phóng xạ hiện nay đã làm tăng thêm mối lo ngại rằng, những người sống trong những thị trấn gần khu vực nhiễm xạ, trải qua một khoảng thời gian dài, có thể phải chịu những tác hại về chất phóng xạ.

Một vài khu định cư đã được thông báo tới người dân để chuẩn bị di tản ra ngoài bán kính 20km và thậm chí là 30km. Ngay cả khi đã đến nơi cư trú được định sẵn, người dân vẫn được cảnh báo rằng, phải luôn đóng cửa sổ và ở trong nhà. Căn cứ vào chu kì phân rã của nhiều yếu tố phóng xạ rò rỉ ra từ nhà máy Fukushima, vùng đất nhiễm xạ có thể phải duy trì trong tình trạng không người ở trong vòng nhiều thập kỉ tới.

Bên cạnh mối quan tâm đến phóng xạ, sự lo lắng về tình hình kinh tế Nhật Bản cũng tăng lên trong thời gian gần đây. Theo báo cáo trong một cuộc họp diễn ra ngay sau trận động đất, Thống đốc  Ngân hàng Nhật Bản đã nói rằng, nền kinh tế đang ở trong "tình trạng khủng hoảng".

Theo ước tính, trận động đất ngày 11.3 và tiếp ngay sau đó là sóng thần đã gây thiệt hại lên tới 300 tỉ yên (433 tỉ  USD). Đây được coi là thảm họa tự nhiên "đắt đỏ nhất trên thế giới" từ trước tới nay. Sự tăng trưởng kinh tế Nhật Bản cả năm 2011 được ước tính là 1%, đã giảm so với ước tính 2% trước khi trận động đất xảy ra.

"Sau thảm họa tự nhiên này, mọi người có xu hướng hạn chế chi tiêu và bạn sẽ nhận thấy rằng, sản lượng của các nhà máy sẽ giảm xuống" - Bộ trưởng Kinh tế, ông Kaoru Yosano đã nói mới đây

Trường Vân - Hoà Thu (theo AFP, Spiegel) – CSTC tuần số 56
.
.
.