Đệ nhất khảm trai xứ Kinh Bắc và câu chuyện về 1.000 bức chân dung Bác Hồ

Chủ Nhật, 23/10/2011, 09:35
Tính đến thời điểm này, ở tuổi 35, sau hơn 13 năm khảm chân dung Bác, anh Vinh nhẩm tính đã có khoảng 1.000 bức chân dung lớn nhỏ về Bác do chính tay anh khảm ra và có mặt ở hầu hết mọi miền của đất nước.

Trong chuyến công tác tìm hiểu về làng khảm trai truyền thống thuộc xã Chuyên Mỹ (Phú Xuyên - Hà Nội), chúng tôi tình cờ biết được nơi đây đã sản sinh ra hàng trăm người có tay nghề khảm trai rất tinh xảo. Trong số đó có anh Nguyễn Đình Vinh là nghệ nhân được nhiều người biết đến nhất với những kiệt tác khảm chân dung Bác trên nền đồng. Càng ngỡ ngàng hơn khi chúng tôi vượt gần 50 cây số từ Hà Nội đến xưởng khảm trai của anh ở thôn Hoài Trung (Liên Bão, Tiên Du, Bắc Ninh) và được biết, đến thời điểm này anh Vinh đã khảm hàng nghìn bức chân dung lớn nhỏ về Bác, những kiệt tác đó đã có mặt ở khắp mọi nơi trên cả nước. Với những cống hiến đó, anh đã nhiều lần vinh dự nhận bằng khen, giấy khen của tỉnh và nhiều tổ chức khác.

"Nghệ nhân" trẻ xứ Kinh Bắc

Nguyễn Đình Vinh tiếp chúng tôi trong xưởng sáng tác nghệ thuật của mình cạnh ngôi nhà ba gian đậm chất làng quê. Trong một không gian yên tĩnh, xung quanh là đủ mọi thứ vật liệu đồ nghề phục vụ cho công việc thường ngày của anh. Dường như chính thứ nghề cần sự tỉ mỉ, chỉn chu này đã khiến cho con người anh trở nên thanh lịch, trẻ trung hơn. Với tâm hồn nghệ sỹ, cầm trên tay kiệt tác về chân dung Bác mà những ký ước tuổi thơ cũng như cái duyên anh đến với nghề này cứ ào ào đổ về như mọi chuyện mới diễn ra hôm qua.

Anh Vinh trải lòng, nơi này không phải quê gốc của anh nhưng đã từ lâu anh coi đây là quê hương thứ hai của mình, nơi đây cũng có nhiều hình ảnh hao hao giống với nơi chôn nhau cắt rốn của anh tại thôn Ngọ (Chuyên Mỹ, Phú Xuyên, Hà Nội). Do sinh ra trong một gia đình nghèo lại đông anh em, thương bố mẹ khổ cực nên khi mới chỉ học hết cấp 2, anh đã quyết định tìm một việc gì đó để làm nhằm đỡ cho bố mẹ được chừng nào hay chừng ấy. Cũng từ đây Vinh đã đến với nghề truyền thống của quê hương mình bằng cả tấm lòng và sự nhiệt huyết của chàng trai trẻ mới lớn.

Với tính tình hiền lành, chịu khó cộng với sự say mê kiên trì của bản thân anh Vinh đã chọn nghề khảm trai truyền thống của quê hương để học nghề. Ít ai biết được cái nghề cần sự tỉ mỉ hay nói cách khác là cần sự truyền thần để hình dung về từng hình ảnh cụ thể của nhân vật vào tác phẩm của mình. Nhưng điều đó mới chỉ là một phần của việc chế tác ra một tác phẩm, để tạo ra một tác phẩm hoàn hảo thì người làm ra nó cần có sự kiên trì, kiên nhẫn đặc biệt.

Có được tính tỉ mỉ, kiên nhẫn thôi chưa đủ, điều quan trọng nữa là năng khiếu và cần có một người thầy giỏi. Anh Vinh rất vui mừng khi nói về những ngày đầu tiên theo học, anh vinh dự được nghệ nhân nức tiếng ở trong làng và khắp vùng Phú Xuyên mỗi khi nói đến nghề khảm trai là mọi người nghĩ ngay đến ông truyền dạy. Nghệ nhân ấy tên là Trần Bá Dinh, ông là người có tài năng khảm trai bậc nhất ngày đó. Khi tuổi cao, nghệ nhân Dinh đã mở lớp học để truyền dạy những kinh nghiệm trong nghề khảm trai mà ông đã đúc kết được trong một thời gian dài làm nghề để truyền dạy cho con cháu.

Khảm chân dung Bác bằng ốc trên nền đồng cần sự tỉ mỉ và kiên nhẫn và có trí tưởng tượng phong phú.

Lớp học mà Vinh tham gia hồi đó có hàng trăm người ngày đêm theo học. Nhờ sự chăm chỉ, học quên ăn quên ngủ, sau một thời gian Vinh đã học được nhiều tuyệt kỹ từ người thầy của mình, anh bắt đầu khảm được những tác phẩm bắt mắt và có hồn được thầy giáo và nhiều người khen ngợi. Đó cũng là niềm động viên khiến anh kiên trì với nghề hơn.

Sau gần chục năm theo học Vinh đã có tay nghề khá, có khá nhiều tác phẩm về cảnh vật, thiên nhiên. Anh có thể khảm như một bức tranh vẽ, nhưng theo Vinh khảm khó nhất là khảm chân dung người. Dường như cái khó của công việc khảm chân dung người đã thôi thúc anh tìm tòi và bắt đầu thực hiện ý định của mình. Chân dung đầu tiên mà Vinh nghĩ đến chính là bức họa chân dung Bác, trước khi khảm chân dung Bác, Vinh đã tìm những hình ảnh về Bác trên sách báo và các tạp chí về ngắm nhìn rồi tưởng tượng cho đến khi lúc nào trong đầu cũng có hình ảnh Bác mới bắt tay vào khảm.

Phải mất gần một tháng trời ròng rã cặm cụi để vẽ chân dung Bác trên một phiến đá, do vẽ trên nền đá cứng mà bút vẽ của Vinh lại là một con dao có mũi nhọn hoắt nên nhiều lúc khắp các ngón tay anh ứa máu vì bị mũi dao đâm phải. Theo anh Vinh thì để vẽ được chân dung Bác mất thời gian nhất vẫn là vẽ những nét tỉ mỉ như mí mắt, lông mày, chòm râu… Nếu như vẽ chân dung Bác hết một tháng thì riêng chòm râu của Bác đã hết một phần ba thời gian rồi.

Cũng theo anh Vinh, nghề khảm trai điều cần trước tiên là tính kiên trì, thứ hai là năng khiếu, sự nhạy bén của con mắt và phải thả được hồn mình vào tác phẩm định làm. Như thế cũng chưa đủ, đối với những người khảm lâu năm, họ còn có những bí quyết riêng của mình, mà đã là bí quyết thì chẳng mấy khi có ai chia sẻ với người khác. Ấy vậy mà, khi chúng tôi buột miệng muốn biết bí quyết của anh thì Vinh lại sang sảng chia sẻ những kinh nghiệm mà anh đúc kết được, anh cho rằng đó chính là bí quyết của mình.

13 năm và 1.000 bức chân dung lớn nhỏ về Bác

Có tay nghề, Vinh đã mở một xưởng chuyên sản xuất tranh khảm trai ở Bắc Ninh. Cơ sở của anh được mọi người biết đến nhiều hơn khi bức chân dung Bác khảm bằng ốc trên nền đồng do chính tay anh khảm được hoàn thành. Tác phẩm độc đáo đó đã được anh truyền thần trong khoảng một tháng, ngay sau khi bức chân dung được công chúng biết đến, anh Vinh đã vinh dự được Tỉnh đoàn Bắc Ninh tặng giải nhất tuổi trẻ sáng tạo về tính sáng tạo trong bức khảm chân dung ấy.

Anh Vinh nhớ lại, đó là câu chuyện của 13 năm về trước (năm 1998): "Tôi bắt đầu truyền thần những bức chân dung về Bác, những ngày đầu gặp rất nhiều khó khăn vì trí tưởng tượng của tôi chưa thể hình dung ra được hết những đường nét cho dù là nhỏ nhất trên khuôn mặt Bác. Ngày đó tôi đã khảm ốc trên nền đồng được rất nhiều bức chân dung về Bác nhưng chưa có bức nào đẹp như hồi cuối năm 2007 và đầu năm 2008. Đó là bức khảm mà tôi ưng ý nhất, nó thể hiện hết được những gì mình tưởng tượng".

Kể đến đây anh Vinh đưa ra cho chúng tôi xem bức khảm truyền thần chân dung Bác bằng ốc trên nền đồng có viền màu đỏ giống hệt bức ảnh chân dung Bác mà hầu hết các gia đình ở nước ta đều đặt ở vị trí trang trọng nhất. Anh Vinh cho biết: "Đây là bức chân dung đã được rất nhiều bạn bè và những người có hiểu biết về nghề khảm trai hết lời khen ngợi. Nhưng với tôi đây chưa phải là bức khảm mà mình tâm đắc nhất". Theo hướng tay anh Vinh chỉ, trên tường là một "kiệt tác", bức chân dung "Bác Hồ cười". Được biết vào năm 2008, anh được Hội tinh hoa làng nghề Việt Nam tặng bằng khen công nhận bức chân dung "Bác Hồ cười" là tác phẩm đẹp nhất và tinh hoa nhất.

Để tạo ra được "kiệt tác" ấy, anh Vinh đã miệt mài hơn một năm với bao công sức. Tác phẩm đã tham dự triển lãm trong dịp kỷ niệm Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội và được giới chuyên gia đánh giá là tác phẩm xuất sắc nhất về khảm truyền thần. Không chỉ vậy, đến thời điểm này, anh đã có hàng chục tác phẩm với rất nhiều ý tưởng sáng tạo được xếp hạng là sản phẩm tinh hoa làng nghề Việt Nam. Chưa dừng lại ở đó, với những gì đã cống hiến, sáng tạo ra, anh đã được nhận Bằng chứng nhận Doanh nhân tiêu biểu, Bằng khen của UBND tỉnh Bắc Ninh, Cúp 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Tính đến thời điểm này, ở tuổi 35, sau hơn 13 năm khảm chân dung Bác, anh Vinh nhẩm tính đã có khoảng 1.000 bức chân dung lớn nhỏ về Bác do chính tay anh khảm ra và có mặt ở hầu hết mọi miền của đất nước. Anh Vinh nói với chúng tôi rằng: "Vừa rồi tôi đã có ý định hoàn thành bức chân dung Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập ở quảng trường Ba Đình vào đúng dịp lễ Quốc khánh vừa qua nhưng chưa thể hiện được vì còn thiếu một số vật liệu. Dự định dịp Quốc khánh năm sau tôi sẽ cố gắng hoàn thành, khi bức chân dung ấy hoàn thành, mỗi khi nhìn vào, chúng ta như đang được nghe Bác đọc Tuyên ngôn độc lập và cảm nhận được giây phút lịch sử trọng đại của đất nước".

Nói về những việc mà anh cống hiến thì anh Vinh rất vui và dễ dàng chia sẻ. Nhưng khi chúng tôi nhắc đến tương lai của nghề khảm trai truyền thần truyền thống thì khuôn mặt anh bỗng đượm buồn. Anh Vinh lắc đầu cho biết: "Thời buổi kinh tế thị trường này, nhiều người chạy theo đồng tiền nên khảm ra những bức chân dung không có hồn, không thể hiện được nội tâm của nhân vật mình cần làm. Một số ít người khảm chạy theo số lượng để kiếm tiền đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh làng nghề. Thêm nữa là thời gian gần đây rất ít người đủ tính kiên nhẫn để theo học nghề này, không biết tương lai nghề truyền thống của ông cha ta sẽ ra sao? Riêng tôi sẽ giữ mãi ngọn lửa nhiệt huyết vẫn đang rực cháy trong mình"

Hoàng Văn - số 54
.
.
.