Đau xót thân phận hơn 20 năm bị "bỏ tù"

Thứ Tư, 21/09/2011, 09:50
Ở tuổi 34, nhưng vì căn bệnh thần kinh mà phải đến hơn 20 năm nay, anh Lê Trọng Hiền ở xóm Nam Phong, xã Thượng Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh) bị xích "ở tù" và chưa một lần được nhìn thấy ánh sáng mặt trời.

Khuôn mặt anh ngây dại thẫn thờ đến ngờ nghệch. Mỗi khi trái gió trở trời, bệnh tình tái phát, người thanh niên ấy lại co cụm tấm thân chỉ còn da bọc lấy xương mà lồng lộn với "gông cùm" trong bốn bức tường toàn màu tối. Mỗi tiếng la ó, rên rỉ, vật lộn, âm thanh phát lên từ căn phòng như một nhát dao cứa vào lòng người thân.

Họa vô đơn chí

Vợ chồng ông Lê Trọng Hoạt và bà Nguyễn Thị Dục có người con trai bất hạnh là anh Lê Trọng Hiền sinh năm 1977, đã bị nhốt trong phòng tối hơn 20 năm nay. Đôi vợ chồng già gắng gượng nuôi con nhưng dường như không đủ sức chống đỡ nổi bởi tuổi cao và bệnh tật.

Ông Hoạt sinh năm 1947 trong một gia đình nghèo, gặp lúc đất nước có chiến tranh, năm 1968, ông tự nguyện lên đường nhập ngũ, vào chiến đấu ở chiến trường Bình - Trị - Thiên khói lửa. Những năm ấy, đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc. Chúng gặp phải sự chống trả quyết liệt của quân và dân ta. Chúng điên cuồng trút bom đạn như mưa, càng độc ác, tàn nhẫn hơn là đầu độc hàng ngàn tấn chất độc dioxin, hậu quả để lại di chứng quái ác mà đến ngày nay đang trở thành nỗi ám ảnh sợ hãi cho nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới.

Ông Lê Trọng Hoạt và người con trai tội nghiệp.

Trong cuộc chiến ấy, may mắn người cựu chiến binh Lê Trọng Hoạt sống sót trở về, nhưng có lẽ chính những năm tháng chiến tranh vào sinh ra tử, ông đã nhiễm phải thứ chất độc quái ác kia? 

Hạnh phúc mỉm cười với đôi vợ chồng trẻ khi những giọt máu sinh ra đều khỏe mạnh. Cuộc sống có phần vất vả nhưng căn nhà nhỏ luôn đầy ắp tiếng cười con trẻ. Cậu bé kháu khỉnh lớn lên trong tình yêu thương của gia đình và người thân. Đến tuổi đi học, Hiền cũng được cắp sách đến trường như bao chúng bạn cùng trang lứa. Học đến lớp 3, đang yên đang lành thì bỗng dưng tai họa ập xuống, căn bệnh thần kinh khiến Hiền phải bỏ học giữa chừng. Cái đói, cái nghèo đeo bám, ám ảnh hai thân già từ mấy mươi năm nay, giờ bệnh tật của con lại càng thêm khổ.

Từ khi Hiền bị bệnh, hai vợ chồng vay mượn, chạy vạy xóm làng, anh em, bao nhiêu đồ đạc trong nhà bán hết để đưa con đi cứu chữa khắp nơi, nghe ai bảo ở đâu có thầy hay thuốc giỏi đều tìm đến với mong muốn con mình khỏi bệnh nhưng bệnh tình không thuyên giảm mà ngày càng nặng thêm. Những lúc trái gió, trở trời Hiền lại lên cơn la hét, đập phá hết đồ đạc trong nhà rồi bỏ nhà ra đi. Không còn cách nào khác, ông bà đành phải ngậm ngùi đem con nhốt vào trong phòng tối để tiện bề chăm sóc.

Con không tội mà "bỏ tù"

Căn nhà tranh nhỏ tuềnh toàng rộng chưa đầy 12 mét vuông chỉ đủ chỗ che mưa che nắng, nhưng chỗ ở của Hiền đã chiếm gần một nửa, diện tích còn lại chỉ đủ đặt chiếc giường một bé tý. Đồ đạc trong nhà chẳng có gì ngoài chiếc đài radio nhỏ từ năm nào treo ở tường và bộ bàn ghế do ông Hoạt tự tay làm lấy, mấy vật dụng sinh hoạt hằng ngày chẳng đáng giá bao nhiêu.

Chiều chạng vạng, mặt trời đã khuất sau dãy núi phía đằng Tây, không khí càng ảm đạm hơn khi ngôi nhà nhỏ vắng tiếng người. Bữa cơm chiều bà Dục dọn ra chỉ có mấy cọng rau bày trên chiếc mâm đã cũ và mấy chiếc bát ăn cơm không lành lặn. "Dậy nào! Hiền ơi trời sắp tối rồi", giọng ông Hoạt yếu đi. Ông vừa nói vừa đưa tay tháo bỏ sợi dây xích ở chân cho con mình.

Ánh đèn leo lét chỉ đủ soi tỏ một góc nhà nhỏ, tối tăm lạnh lẽo và nghèo nàn. Từ trong đống chăn cáu bẩn thò ra đôi chân dài bé nhỏ, gầy teo được bao bọc bởi mảnh chăn đã ngả màu và nhàu nát. "Con trai thứ hai của tui đấy, bị bệnh thần kinh và phải nhốt hơn 20 năm nay", ông Hoạt cho biết. Chỗ ở của Hiền là một căn phòng nhỏ ở phía góc nhà rộng độ chừng 5 mét vuông. Tất cả những sinh hoạt của anh đều diễn ra trong căn phòng nhỏ bé này.

Từ khi bệnh Hiền nặng lên, mặc dù thiếu thốn nhưng ông bà cố vay mượn xây riêng cho Hiền một cái phòng. Trong phòng chỉ có chiếc phản gỗ mục là chiếc giường nằm, manh chiếu đã rách nát hôi bẩn cùng những sợi dây xích bằng sắt sáng bóng do những lần anh lên cơn, vật lộn để thoát khỏi sự giam giữ. Ngồi bên đứa con tội nghiệp, ông Hoạt sụt sùi trong nước mắt: "Những lúc bình thường thì không sao, chứ những lúc con lên cơn thì khổ lắm chú à! Không xích lại, không đóng cửa thì khổ cha khổ mẹ, đóng cửa lại thì khổ con. Những lúc thấy con gồng mình vật lộn với những sợi dây xích, lòng tui như có muối xát, nỗi lòng của kẻ làm cha làm mẹ".

Đã bao nhiêu đêm, chưa một lần ông Hoạt, bà Dục có một giấc ngủ ngon, một bữa cơm no, một ngày yên ổn. Những lúc Hiền phá được cửa trốn ra ngoài thì kêu gào, la hét. Cơm không chịu ăn, áo quần không mặc. Nếu có mặc vào rồi Hiền cũng cởi ra, xé rách để mình trần truồng. Đã nhiều lúc anh phá toang cửa mà bỏ đi khiến ông bà đi tìm con đến hai ba ngày mới được.

Năm nay đã 34 tuổi nhưng trông Hiền bé như một đứa trẻ lên 10. Khuôn mặt già nua, hốc hác, da xanh xao. Trên người còn nhiều vết sẹo, vết thương bầm tím, lở loét do cào xé, vật lộn những lúc lên cơn nay vẫn chưa khỏi trông rất tội nghiệp.

Bà Dục kể: "Hơn mười năm nay Hiền không nói được gì nữa, sức khỏe ngày càng yếu dần đi. Mỗi ngày may ra thì ăn được vài thìa cơm, một muôi cháo nếu tui tự tay bón cho nó. Còn không thì bát cơm để từ sáng đến chiều vẫn còn nguyên. Đợt rét cận Tết vừa rồi tui tưởng nó không qua khỏi, đêm đêm phải dậy thăm con xem có làm sao không. Khổ thân! 4 đứa con nhưng giờ nó là người chịu tội". Nói đến đây cổ bà như có vật gì chẹn ngang.

Năm nay vợ chồng ông bà Hoạt đã ngoài 60, sức ngày càng yếu nhưng vẫn phải chăm lo cho người con bị bệnh. Từ công việc đồng áng, đến việc chăm sóc cho con đều do ông bà gánh vác. Kinh tế gia đình chỉ trông vào 3 sào ruộng, không có nghề phụ, thiếu thốn trăm đường. Căn bệnh phong những lúc trái gió trở trời làm cho bà Dục phải nằm một chỗ. Mới vài năm gần đây, từ khi làm đơn gửi Hội Chữ thập đỏ, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh nên mỗi tháng tiền trợ cấp cho Hiền cũng được 120.000 đồng nhưng không đủ tiền thuốc thang.

Đứa con trai đầu đã lấy vợ nhưng cũng khó khăn không giúp gì được cho cha mẹ, còn đứa con gái đi lấy chồng xa cũng ít khi về thăm. Cảm thông trước hoàn cảnh gia đình ông bà Hoạt thuộc diện những hộ khó khăn nhất trong thôn, nhà lại có đứa con bị bệnh, lá rách ít đùm lá rách nhiều nên bà con chòm xóm kẻ giúp công, người giúp của những lúc ông bà gặp túng quẫn. Ước mơ bây giờ của vợ chồng ông Hoạt là được khỏe mạnh để lo cho các con. Ông bà chỉ sợ đêm về nhắm mắt lại rồi ngủ luôn thì không biết ai lo cho con mình.

Rời nhà ông bà Hoạt một quãng xa mà chúng tôi không thể nào dứt ra được hình ảnh anh Hiền rên la bên cạnh người cha tiều tụy khốn khổ

Hà Long - số 52
.
.
.