Tại đây, ma túy không chỉ là một hoạt động làm ăn trái phép mà còn có những yếu tố gắn liền với văn hóa và lịch sử của Colombia. Thế giới tội phạm liên quan đến ma tuý đã hình thành nên một "vương quốc" riêng với những luật lệ hà khắc trong "lãnh địa" của nó. Du kích, dân quân, cảnh sát, nhân dân…tất cả mọi tầng lớp đều dính dáng đến ma túy.
Chính vì thế cuộc chiến chống tội phạm ma túy ở đất nước này là một cuộc chiến mãi mãi không có hồi kết. Những cánh rừng coca, những con người buôn bán ma túy nhiều và thường xuyên đến nỗi như là một "truyền thống" của đất nước là địa đàng của ả phù dung.
Hiểm họa ma túy
Những năm 1980, khi Colombia lần đầu tiên được biết tới như một trung tâm buôn bán ma túy và các chất gây nghiện lớn nhất thế giới, ít ai biết rằng, mối liên hệ của người Colombia với ma túy đã bắt nguồn từ trước đó rất lâu.
Giống như Bolivia và Peru, thổ dân ở Colombia đã sống cùng với cây coca (nguyên liệu chính để làm cocaine sau này) trong hàng ngàn năm. Nhưng cần sa thì chỉ mới được du nhập vào Colombia trong thời gian gần đây. Cần sa theo tuyến đường biển Caribbean, qua Panama để xâm nhập vào Colombia trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 20.
Vào những năm 1930, hoạt động trồng cần sa quy mô nhỏ đã bắt đầu xuất hiện trong cộng đồng người da đen Costeno ở vùng Barranquilla. Các tay anh chị ở thành phố khi đó vẫn hút cần sa như chúng ta hút thuốc lá bây giờ. Trong thời Chiến tranh thế giới thứ hai, các hoạt động nghiên cứu thử nghiệm thuốc giảm đau đã giúp tăng lượng cây cần sa được trồng ở Colombia.
Tuy nhiên tình trạng trồng các loại cây ma túy chỉ nở rộ vào cuối những năm 1960, với cơn sốt ma túy xuất hiện ở nước Mỹ giàu có. Vào đầu những năm 1970, Colombia gần như đã trở thành quốc gia cung cấp ma túy số 1 cho Mỹ, mặc dù thị trường khi đó vẫn nằm trong tay giới buôn ma túy Mexico.
Trong khi đó, từ những năm 1960, các đường dây buôn bán cocaine nhỏ lẻ bắt đầu xuất hiện. Những đường dây này chủ yếu nằm dưới sự kiểm soát của các nhóm tội phạm Cuba lưu vong có trụ sở tại Miami (Mỹ). Coca được thổ dân Paez trồng trong khu vực thung lũng San Jorge miền Tây Nam Colombia.
Đầu những năm 1970, khi nhu cầu cocaine bắt đầu tăng nhanh ở Mỹ, các tay buôn cocaine ở Colombia thậm chí còn phải nhập khẩu coca từ Bolivia và Peru. Số nguyên liệu này sau đó sẽ được tinh chế trong các "phòng nghiên cứu di động" của dân buôn ma túy và chuyển về Mỹ.
Khi chính phủ Mỹ quyết định xiết chặt quản lý ma túy vào nửa đầu những năm 1970 và tăng cường triệt phá các trang trại ma túy ở khu vực biên giới Mexico, hoạt động sản xuất cần sa cùng cocaine gần như chuyển hết sang Colombia, đặc biệt là bán đảo Guajira và khu vực Sierra Nevada de Santa Marta nhiều rừng rậm.
Tới cuối thập kỷ 80, Colombia chính thức cung cấp 70% ma túy cho Mỹ và các nước trên thế giới. Tiền từ ma túy đã mang tới sự thịnh vượng cho một dải bờ biển Caribbean. Người dân Colombia mua đủ thứ hàng hóa, đồ tiêu dùng đắt tiền và họ cũng mua cả súng để thanh toán lẫn nhau. Khu vực vùng vịnh Guajira bắt đầu xuất hiện hàng loạt vụ án liên quan tới ma túy cũng như các ông trùm sừng sỏ.
Những mẻ lưới lớn
Ngày 23 tháng 05, hải quân Colombia đã tịch thu 12 tấn cocaine được cất giấu trong nhiều container tại một cảng biển ở thành phố Cartagena, phía Bắc Colombia. Nhà chức trách cho biết, lượng cocaine này chuẩn bị được chuyển đến thành phố Veracruz ở Mexico.
Đô đốc Roberto Garcia nói rằng, lượng cocaine này có nguồn gốc từ khu vực Valle del Cauca, phía Tây Nam Colombia. Cảnh sát chống ma túy cho biết, đây là vụ tịch thu ma túy lớn nhất ở quốc gia Nam Mỹ này kể từ khi họ phát hiện 10.5 tấn cocaine tại cảng Barranquilla hồi năm 2008.
Colombia là nước sản xuất cocaine lớn nhất trên thế giới. Hầu hết cocaine từ quốc gia này được buôn lậu sang thị trường Mỹ thông qua các quốc gia Mỹ La tinh. Trong vòng một thập niên qua, Mỹ đã hỗ trợ Bogota 5 tỷ đô la để phục vụ cho chiến dịch chống buôn lậu ma túy.
Ngày 2 tháng 8, các nhà chức trách Colombia đã bắt giữ được hai tên trùm của một tổ chức buôn bán ma túy lớn. Đây là một tổ chức chuyên trung chuyển ma túy bằng tàu ngầm tới "nhà tiêu thụ ma túy hàng đầu thế giới" đó là nước Mỹ với số lượng 20 tấn/1 năm. Một tuyên bố của cảnh sát Colombia cho biết: "Sau hơn 6 năm điều tra và truy kích, lực lượng cảnh sát quốc gia đã bắt giữ được hai trong số những tên trùm buôn bán cocaine tới Bắc Mỹ bằng hệ thống tàu ngầm với khối lượng 20 tấn/1 năm".
Tuy nhiên, cảnh sát Colombia chưa tiết lộ chi tiết về danh tính của hai tên này và chưa cho biết chúng thuộc băng đảng nào. Gần đây, hải quân Honduras cũng đã bắt được một chiếc tàu ngầm chở 4 tấn thuốc phiện và 5 thủy thủ trên tàu ở vùng biển ngoài khơi Trung Mỹ. Các băng nhóm buôn ma túy được cho là có cả một đội tàu ngầm chuyên dùng để chuyển cocaine từ những nước sản xuất thuốc phiện như Colombia và Peru tới các đầu nậu phân phối tại Mexico và châu Phi, từ đây thuốc phiện sẽ được tuồn vào các thị trường béo bở là châu Âu và Mỹ.
Các chuyên gia đã tỏ ra vô cùng ngạc nhiên về sự sành sõi kỹ thuật nằm sau những bản thiết kế và chế tạo tàu ngầm. Những chiếc tàu được chế tạo dành riêng cho việc vận chuyển ma túy. Theo ước tính của các chuyên gia, việc đóng một chiếc tàu ngầm chở thuốc phiện giá 2 triệu USD, thiết kế của nó không đòi hỏi kỹ thuật đặc biệt cao nhưng phải chuyên về các lĩnh vực như công nghệ sợi thủy tinh và tính toán vật liệu.
Bộ trưởng Quốc phòng Colombia Juan Manuel Santos nói, lượng ma túy mà giới chức nước này thu được trong chiến dịch hồi đầu tuần là "lớn nhất trong lịch sử Colombia". Nhà chức trách Colombia vừa chỉnh lại số lượng ma túy thu giữ từ 25 tấn xuống còn hơn 13 tấn. Hiện chưa có giải thích nào về sự điều chỉnh này.
Cơ quan an ninh Colombia đã tìm thấy 1.000 túi ma túy được chôn ở gần thành phố Pizarro, phía tây Thủ đô Bogota. Các túi đều được chôn ở cửa sông và chỉ tới được bằng đường biển. Số ma túy trên được phát hiện khi hải quân Colombia chặn một con thuyền ở ngoài khơi Thái Bình Dương, gần biên giới với Panama. Dù không ai bị bắt trong vụ việc trên nhưng cơ quan an ninh cho rằng lượng hàng trên thuộc sở hữu của một trong những đại gia buôn bán hàng trắng - nhóm Norte del Valle.
Từ đầu năm tới giờ, đây là số lượng ma túy lớn nhất mà Colombia thu giữ. Colombia là nước sản xuất cocaine lớn nhất thế giới, cung cấp 90% số ma túy được sản xuất ở Mỹ. Hồi đầu tháng này, Mỹ tuyên bố thu giữ 17 tấn cocaine, ước tính 500 triệu USD. Cảnh sát Colombia luôn luôn ở trong tình trạng trực chiến. Cuộc chiến với tội phạm ma túy ở đây được thế giới gọi là cuộc chiến không cân sức bởi số lượng tội phạm áp đảo cũng như nguồn nhiên liệu tưởng chừng như vô tận.
Mỗi đợt ra quân, nhẹ nhàng nhất thì cảnh sát cũng phải thu giữ được hàng tấn lá coca cùng rất nhiều hóa chất sử dụng để bào chế lá thành cocaine. Tất cả mọi thứ đã được tập hợp lại với nhau và đốt cháy. Có rất nhiều người dân tham gia vào việc trồng cây coca, chính vì vậy cảnh sát không thể nào kiểm soát và biết được lượng ma túy làm ra ở đất nước này nhiều đến mức độ nào. Mặc dù chính phủ Colombia luôn hứa hẹn và tạo điều kiện về việc làm cho người trồng coca, nhiều người trong số họ nói rằng việc trồng lá chỉ là một sự lựa chọn bất khả kháng của họ.
Chính phủ Colombia hi vọng sẽ hợp tác với Hoa Kỳ để giúp ngăn chặn tệ nạn buôn bán ma túy. Quốc hội Mỹ đã thông qua viện trợ cả gói 1,3 tỷ USD cho Colombia với điều kiện là binh sĩ Mỹ không trực tiếp chiến đấu. Trên thực tế, chống ma tuý ở Colombia cũng đồng nghĩa với nội chiến ở nước này vì các nhóm du kích và dân quân cánh hữu đều buôn bán thuốc phiện.
Cuộc chiến tất nhiên vẫn tiếp diễn và chưa có hồi kết, cuộc sống cũng vẫn tiếp diễn với vòng xoay vốn có của nó lâu nay… nhưng sự thật thì mọi người vẫn phải tròn mắt kinh ngạc trước tình hình tội phạm cũng như sự khủng khiếp của "đế chế ma túy" đang hiện hữu ở đất nước này